Thoát hiểm ngoạn mục, Argentina vẫn mang nặng âu lo

tamalone

Member
Khoảnh khắc thiên tài của Messi hay cú dứt điểm một chạm không tưởng của Marcos Rojo là không đủ để khỏa lấp đi những điểm yếu cố hữu của Argentina tại World Cup 2018.


Vì World Cup cần Messi. Đó có lẽ là giải thích thỏa đáng nhất cho 90 phút trên sân Saint Petersburg, khi Messi cùng các đồng đội lết thành công vào vòng knock-out World Cup nhờ những quyết định gây tranh cãi của trọng tài.

20180626T211231Z_1_MTZEE6QY5GVE5_RTRFIPP_800_SOCCERWORLDCUPNGAARG.JPG


Người ta vẫn hay nói rằng kẻ hút chết thường sẽ sống rất dai, nhưng với trường hợp của Messi và Argentina thì e rằng đây chỉ là màn thoi thóp trước khi bị hủy diệt bởi người Pháp tại trận chiến vào 30/6 tới.

Highlights Nigeria 1-2 Argentina: Sao MU toả sáng cứu Argentina Hậu vệ Marcos Rojo đã lên tiếng đúng lúc giúp Argentina vượt lên, qua đó đem về tấm vé vào vòng 16 đội cho Albiceleste.


Argentina vẫn quá yếu
Ngay cả khi HLV Jorge Sampaoli, hay ai đó, đưa ra đội hình xuất phát trông rất thuận mắt, và thực tế đã chơi không đến nỗi tồi trong hiệp 1, thì Argentina vẫn còn xa mới tới ngưỡng người ta kỳ vọng ở họ.

Ngoài Messi, Ever Banega và thủ thành Franco Armani, phần còn lại của Argentina vẫn chỉ là một mớ bòng bong không hơn không kém. Trong đó có Javier Mascherano, 34 tuổi, thường xuyên mất bóng, phòng ngự ngớ ngẩn báo hại đội nhà. Có Angel Di Maria chỉ chạy được 45 phút và kiệt sức. Có Gonzalo Higuain cứ căng thẳng là nhìn thấy khung thành trên trời xanh…

Argentina quá yếu, đó là sự thật. Nigeria chỉ cần 15 phút trong quãng nghỉ giữa giờ để tìm cách bịt kín những khoảng trống cho Messi, qua đó khiến Albiceleste rơi vào thế bế tắc. Và nếu may mắn hơn, tỉnh táo hơn, Nigeria đã có thể kết liễu Argentina, bất chấp việc có hay không quả phạt đền trong tình huống Marcos Rojo để bóng chạm tay trong vòng cấm.

Bàn thắng quyết định của Argentina là một pha bóng mà hàng phòng ngự “Đại bàng xanh” đã không tính toán tới việc Rojo có thể xâm nhập và tung ra cú dứt điểm trời giáng đó.

Nói cách khác, đó là pha bóng cho thấy yếu tố con người của Argentina tốt hơn Nigeria, chứ nó không tới từ sự chênh lệch mang tính hệ thống. Điều này đưa ra hai suy luận. Một, chênh lệch lực lượng hay “ỷ mạnh hiếp yếu” sẽ là cách duy nhất để Argentina vượt qua đối thủ. Hai, nếu đối thủ Argentina có chất lượng tốt hơn họ, không khó để nhìn ra kết quả thảm bại.

Đen cho Argentina là Pháp sẽ đợi họ ngay ở vòng 1/8. Vị trí duy nhất mà Argentina hơn Pháp là Messi, nhưng nếu Iceland, Croatia còn khóa chặt được Messi thì có lẽ nào Pháp lại không thể?

Sau khi Messi sút tung lưới Nigeria, anh chạy ra cột cờ góc trước khi quỳ xuống đưa hai tay chỉ lên trời. Trên khán đài Diego Maradona, cũng nhắm mắt tạ ơn Chúa. Trong một khoảnh khắc, hai thế hệ vĩ đại nhất của bóng đá Argentina như tìm thấy nhau giữa lòng sân Saint Petersburg.

Những người theo chủ nghĩa lãng mạn và hoài cổ không thể không nghĩ tới một sự vươn dậy từ tro tàn như phượng hoàng của Messi. Đó sẽ là một kịch bản thật tuyệt vời cho một kỳ World Cup 2018 đầy rẫy những tranh cãi, như chính cuộc đời của Maradona hay El Pulga.

Song, bóng đá sau cùng vẫn phải gắn liền với thực tế. Khả năng Messi vươn dậy từ tro tàn là gần như không có với những cầu thủ Argentina như hiện tại.

Trong đường hầm chuẩn bị cho hiệp 2 với Nigeria, những máy quay đã bắt được cảnh Messi chỉ đạo chiến thuật cho chính các đồng đội. Tin đồn Messi, Mascherano cùng bộ sậu chiếm quyền của HLV Jorge Sampaoli xem ra là có thật.

Chưa khi nào người ta thấy Messi căng thẳng và nghiêm túc đến vậy. Và nó rõ ràng là đã cho ra kết quả. Nhưng đúng là Argentina đã lọt vào vòng knock-out với Messi đóng một vai trò nào đó hơn cả mức cầu thủ. Song điều ấy không đồng nghĩa rằng Albiceleste sẽ có thể đi xa tại World Cup lần này.

Nếu như Messi có thể đưa Argentina đi xa, thì “những người bạn” của anh không có khả năng làm được điều đó. Javier Mascherano chơi một trận đấu cho thấy anh đúng là đang ở đẳng cấp Trung Quốc. Còn Higuain, người mà Messi ôm rất chặt sau khi hết trận, thì bỏ lỡ cơ hội rất ngon ăn vào cuối hiệp 2.

Mỗi khi nhắc tới câu chuyện cầu thủ chiếm quyền chỉ đạo nhưng đội bóng vẫn tiến tới được vinh quang, người ta sẽ lại nói về Chelsea của mùa giải 2011/12, thời điểm mà John Terry, Dider Drogba hay Frank Lampard mới là những người quyết định nhân sự chứ không phải HLV Roberto Di Matteo.

Nhưng để nói Argentina sẽ tạo ra một điều kỳ diệu tương tự như Chelsea tại Champions League năm đó thì không. Argentina không có một trục dọc vững vàng như Petr Cech-Terry-Lampard-Drogba tại Chelsea ngày đó. Họ chỉ có một đám cầu thủ làng nhàng cùng Messi.
 
Bên trên