Ðề: The Lives of Others (2006)-Oscar 2007 phim nói tiếng nước ngoài
Bài viết có spoil cop từ nguồn
http://truongdahuong.wordpress.com/2010/01/26/dời-người-khac/#comments
Đời người khác
Ở một góc có lẽ yên ắng nhất thế giới trong dịp 20 năm sự kiện Tường Berlin, vợ chồng tôi cũng muốn kỷ niệm bằng cách của riêng mình. Chúng tôi xem lại cuốn phim Đời người khác (The Lives of Others/Das Leben der Anderen, 2006).[1]
Đời người khác gắn kết cuộc đời hai nghệ sĩ, nhà viết kịch tài năng Georg Dreyman và nữ diễn viên đào hoa Christa-Maria Sieland, với cuộc đời của đại úy mật vụ Stasi, Gerd Wiesler; giữa việc đạo diễn tiếng tăm Albert Jerska tự vẫn, sau bảy năm bị liệt vào sổ đen, và bài viết về tự tử ở Đông Đức công bố trên một tạp chí Tây Đức; những sóng gió trong cuộc tình Georg và Christa trong sự dồn đuổi đam mê của ủy viên bộ chính trị, bộ trưởng Bruno Hempf; diễn biến và kết cục vụ điều tra “Lazlo” của mật vụ mang bí danh HGW XX/7, thôi thúc bởi tham vọng của trung tá Grubitz; sự nghiệp của Wiesler từ một sĩ quan kiêm giảng viên nghiệp vụ đến một nhân viên bóc thư kiểm duyệt, cuối cùng kiếm sống bằng rải quảng cáo vào các hòm thư ở Berlin sau khi Bức tường sụp đổ; và số phận của bản Sonata tặng lương nhân, một kỷ vật giã từ và cũng là tựa đề cuốn tiểu thuyết Dreyman tri ân một biệt danh.
Ngân vang trong phim là khúc khải hoàn của nhân tính: Wiesler chuyển hóa từ một kẻ mẫn cán, trung thành không khoan nhượng với lý tưởng và chế độ, sang ngờ vực về động cơ thực sự của cuộc điều tra, cùng lúc nảy sinh niềm cảm mến với những đối tượng mình theo dõi, cho tới khi chủ động che giấu và thủ tiêu tang chứng. Cuộc hoàn lương của Wiesler bắt đầu từ tiếng gầm chó săn uy hiếp người hàng xóm vô tình bắt gặp vụ đặt dây nghe trộm, sang điểm tự thức, ngừng lại không hỏi tên cha của cậu bé ôm quả bóng trong thang máy, cho tới khi đủ can đảm giáp mặt người nữ diễn viên, bày tỏ lòng mến mộ của một khán giả, thúc đẩy cô vượt qua đớn hèn để trở lại với người mình yêu.
Ulrich Mühe hóa thân trọn vẹn thành “một con người bé nhỏ màu xám,”[2] màu xám của tất cả những gì trên người Wiesler, của căn hộ khắc kỷ, của đường phố, bầu trời, và những cành cây mùa đông nương cho hồn Christa thoát dương. Dường như cả cuốn phim đều một màu u ám, duy nhất chỉ thoáng nhẹ chút sắc hồng trên làn da vốn tái xanh khi Wiesler kê đầu trên tay ghế gỗ, thầm nhẩm những vần thơ tuyệt đẹp của Brecht từ cuốn sách lấy trộm. Duy nhất chỉ có màu đỏ của dấu vân tay dây mực in máy chữ còn lại trên trang cuối cùng của tập báo cáo, là đầu mối giúp Dreyman tìm được ân nhân.
Nhơ bẩn và thánh thiện, làm đĩ và làm người lặp láy ba lần. Cô gái điếm già hành nghề theo ca, chuyển từ khách chơi này sang khách chơi khác trong cùng một tòa nhà tập thể của công an, mật vụ; tái tê Wiesler nhìn theo. Dreyman được Wiesler rung chuông cửa, xuống đường vừa lúc người tình bước xuống xe sau khi phục vụ ngài bộ trưởng. Trong một lần cãi vã, trước lúc lại lên đường hiến thân, Christa chua chát với Georg, “Thì chính anh cũng lên giường với nhà nước đấy thôi.” Lúc âm thầm nghe trộm bản Sonata Dreyman đàn để tưởng nhớ người tri âm vừa tự vẫn cũng là thời khắc Wiesler thoát thai làm người. Lệ chỉ một giọt chận ứa trên má vẫn sắt lại, cả thân hình lặng câm chết trân chịu cơn cuồng phong lột xác. Kinh ngạc được nghe tấm lòng của một khán giả, Christa trao cho Wiesler đôi lời bình dị mà không biết mình đang ban ơn cứu rỗi, “Ông là một người tốt.” Khi trả tiền mua cuốn sách Dreyman vinh tặng người có bí danh HGW XX/7, Wiesler đáp lại người bán hàng, “Không, đó là giành cho tôi.”
Nhận được nhiều giải thưởng ở cả Đức lẫn nước ngoài,[3] Đời người khác khơi gợi không ít tranh luận. Mặc dù trước đó đã có một số cuốn phim như Giã biệt Lenin (Good Bye Lenin!, 2003) dọn đường cho chủ đề về cuộc sống ở Đông Đức dưới thời Cộng sản, Đời người khác công chiếu trong bối cảnh và góp phần gia tăng cuộc tranh luận và đấu tranh của các cựu nhân viên Stasi về nhân phẩm. Một nhà nghiên cứu lịch sử đã phê bình cuốn phim là không tưởng, vì theo bà, trong một chế độ áp chế tuyệt đối và một hệ thống mật vụ Stasi vô cùng tinh vi, những nỗ lực hoàn lương như của Wiesler là hoàn toàn bất khả.[4]
Đời nghệ sĩ
Trớ trêu sao một phần trong Đời người khác cũng chính là đời thật của nam diễn viên chính Ulrich Mühe. Trong suốt 6 năm chung sống dưới thời Cộng sản ở Đông Đức, người vợ lúc đó của ông đã cộng tác với Stasi theo dõi chồng mình. Hồ sơ của Ulrich gồm các báo cáo của vợ ông và bốn đồng nghiệp. Trả lời phỏng vấn về vai Wiesler, Ulrich đáp, “Tôi nhớ lại”.
Người nghệ sĩ chỉ cần nhớ lại. Ông không đóng vai, cũng không nhập vai. Gần như không cử động, cũng không cần đến cả hành động. Dữ dội nhất trong cơn lột xác lại là cơ mặt và ánh mắt: phẳng lì, sắt lại, co giật nhẹ, sững sờ, mềm xuống, nhòa đi, rưng rưng; duy nhất một lần ứa lệ và một lần gương mặt sáng lên gần như cười.
Ngay trong buổi lễ nhận giải Oscar cho Phim tiếng nước ngoài hay nhất vào tháng 2 năm 2007, Ulrich đã phải nén kìm nỗi đau thể lý. Vài tiếng sau khi nhận giải thưởng, ông vội trở về Đức để phẫu thuật ung thư dạ dày. Chưa đầy nửa năm sau, ông qua đời ở tuổi 54.
Đời chúng tôi; một quãng thôi.
Những lần xem sau tôi thả mình trọn vẹn vào phim; không xem bằng mắt, bằng đầu nữa mà bằng bản thể và trải nghiệm.
Phố xá trong phim vắng vẻ gợi nhớ Hà Nội những năm tuổi thơ. Đội kỹ thuật vào nhà Dreyman đặt dây nghe trộm, chuẩn xác tới lố bịch làm tôi nhớ những trận cười vang, tiếng mẹ tôi lảnh lót giòn tan, khi đang bất chợt giữa cuộc tranh luận đỉnh điểm — Việt Nam giải phóng hay xâm lược Campuchia — thì có người nhắc, “Suỵt, kẻo có ‘rệp’ đấy.” Mọi người nín thinh, nhớn nhác nhìn quanh. Một chú bạn cha tôi cúi xuống gầm bàn, lấy tay mò mẫm. Rồi cả phòng vỡ ra. Con bé là tôi cuộn tròn góc giường, chỉ vừa lớn để hiểu thế nào là ‘rệp’. Thỉnh thoảng mọi người còn chỉ chiếc Radiola đã hỏng từ lâu, rằng những năm xưa ông nội tôi vẫn nghe ‘đài địch’, khổ nỗi thường đúng vào giờ ăn cơm. Cả nhà muốn nói chuyện ông cứ suỵt bắt phải im lặng. Ông còn sống, ai muốn nói ngược đều phải ra ban công, hoặc xuống nhà đi bộ ra tận vườn hoa. Mọi người trong khu thường bảo, “Cha con chú cháu nhà này rởm đời, đói vàng mắt lại còn đi dạo bách bộ!” Lại cười.
Hà Nội đen trắng là những ngày đi học, bao nhiêu ngày tới trường là bấy nhiêu ngày đạp xe qua rủ bạn. Về sau bạn bảo, “Mày không biết chứ ông chữa xe trước cửa là công an theo dõi cả nhà tao.” Tôi đùa, “Dễ chắc ông thợ khóa đầu ngõ cũng theo dõi cả xóm tao nữa.” Lặng thinh không cãi lại. Cái siêu của chế độ là tiêm nhiễm được lòng nghi ngờ và lòng tin vào sự nghi ngờ.
Tôi làm sao biết còn có ban công, vườn hoa mà ra là vẫn còn sống mà thở; có những người cùng thời với ông tôi gần chung thân chẳng thấy ánh mặt trời. Tôi làm sao biết có những người giả câm cho tới khi câm thật suốt đời. Tôi làm sao biết cha mẹ bạn tôi phải phân ly vì những ngờ vực không thể kiểm chứng mà cũng chẳng bao giờ thanh minh nổi. Tôi làm sao biết kỷ luật, đuổi học và ghi lý lịch là án cầm chắc cho những sinh viên dám hò reo, đốt pháo mừng cái chết của một tổng bí thư ngay giữa sân trường. Tôi làm sao biết được bao nhiêu là đắng ngắt phải nuốt xuống trong tiếng mẹ tôi cười. Tôi làm sao biết được ‘rệp’ không cài dưới gầm bàn mà cấy ngay giữa tim người.
Tôi trở về một Hà Nội rực rỡ sắc màu. Hăng hái và ngây ngô, tôi rủ bạn bè, có cả vài người cùng cơ quan, đến nhà xem một cuốn phim tài liệu về Thiên An Môn. Chưa đầy một tuần sau, cơ quan họp kiểm điểm về một số phần tử ‘xét lại’ trong cán bộ trẻ. Không phải thời Khrushchev; chỉ còn hơn dăm năm nữa là tới năm 2000.
Chưa hết. Ít lâu sau có người đàn ông tìm tôi tự xưng là công an, muốn hỏi tôi một số chuyện. Tất nhiên là rụng rời hết cả chân tay: run vì sợ, chắc chắn; run vì ức, cũng phải; run vì mình vừa ức vừa sợ, lại càng phải nữa. Ruột thắt lại mà sống lưng thẳng lên, muôn vàn con sóng rân rân trào dâng mãnh liệt. Người ‘trinh sát’ cũng trạc tuổi tôi, gương mặt sạch sẽ nếu không nói là ưa nhìn, có vẻ có học, nhưng chưa tới mức đeo kính trắng, hình như cũng đọc được một ngoại ngữ nào đó. Hỏi tôi dăm câu ba điều chẳng ăn nhập gì, chủ yếu toàn chuyện sách vở, như thể khoe kiến thức. Giờ đây tôi tự hỏi hồ sơ của mình có những gì, và đến bao giờ, nếu như có bao giờ, tôi được đọc cái hồ sơ ấy. Mà biết đâu ngay cả cái entry này rồi cũng sẽ được bổ sung vào hồ sơ của tôi cũng nên; gì chứ chỉ có thế thì quá dễ. Dù sao có lẽ cái blog còm cõi này cũng chưa có vị gì đáng để các đồng chí tin tặc tấn công đánh sập.
Tất nhiên chẳng phải ai khác ngoài bà trưởng phòng đã rung chuông tới tận an ninh. Chồng tôi mới vừa nói chắc chẳng phải bà lo tôi tuyên truyền tư tưởng quái gì, có khi chỉ vì dạo ấy tôi hay mặc váy đi làm. Hoan hô những hồ sơ được mở vì những cái đầu phi-dê, những bộ móng tay sơn bóng, những chiếc quần jeans, những đôi giày cao gót!
Một lần dịp Tết hay Năm mới, tôi cũng không nhớ nữa, một lẵng hoa cực chướng gửi đến nhà. Thấy tên cơ quan gửi tấm thiệp mà ruột sôi lên; lại còn ‘cộng tác viên’ nữa chứ,
- Khác nào tát vào mặt mình làm chỉ điểm!
- Gặp mấy lần, lần nào chị cũng trả lời chuyện này chuyện khác, kể cả không chuyện gì cũng là chuyện, thế không phải là cộng tác viên thì là gì? – Thằng em tôi cự lại. Mà chị sợ gì công an, công an cũng là người, mấy đứa cùng khóa em ra trường cũng vào ngành công an đấy. Em thấy chúng nó có sao đâu.
- Là cậu chưa thấy, chờ đến lúc nó còng tay cậu mới thấy.
- Chị đúng là… chim gẫy cánh sợ cành cong.
Chao ơi là em tôi, nó cũng khạo khờ như chị nó. Dắt hộ tôi chiếc xe máy ra cửa, hai chị em nhìn vào mắt nhau. Lấp lánh không thể nhầm lẫn hai đốm nhỏ. Đầu năm ngoái tôi vào Thành phố, gặp, hỏi, “Cậu đã xem phim này chưa?” “Rồi bà ạ, mà xem có hội nhá.” Nó ngoác miệng cười, ra ý giễu tôi chuyện năm nào, rồi mở sơ mi khoe hàng chữ trên áo phông. Hồ sơ về em tôi, nếu đã được mở, thì chắc cũng là vì một chiếc áo phông.
Vẫn lấp lánh hai đốm nhỏ ngày ấy. Tôi không lo nó bị sách nhiễu, cũng không lo một ngày nó nhận ra những người học cùng khóa với nó là giống loài gì. Tôi lại càng chẳng lo họ sẽ hỏi đến nó. Nhưng thật lòng, tôi sợ:
[...]
Nỗi sỉ nhục buốt lòng
[...]
Khi người mình yêu
Nói vào mặt mình những lời ti tiện
Khi bao điều tưởng thiêng liêng trong sạch
Bỗng trở nên ngu xuẩn đê hèn
Khinh mọi người và tự khinh mình
Như chính tay ta đã gây ra mọi việc
Và tất cả không cách nào cứu vãn
Nỗi sỉ nhục ngập tràn trái đất
Khi lẽ phải luôn thuộc về kẻ mạnh
Những nền văn minh chạy theo dục vọng
Những guồng máy xấu xa chà đạp con người
Đi suốt một ngày
Giữa rác rưởi và chết chóc
Luôn thấy bị ném bùn lên mặt
Nói làm sao được nữa những lời yêu.[5]
Sống lại một quãng đời mình trong Đời người khác làm sao không nhớ Lưu Quang Vũ, nhớ đến gai người một ngày tháng Tám Hà Nội tê buốt, sững sờ, và uất hận.[6]
Phim hết rồi, vợ chồng tôi còn rì rầm tới khuya. Anh bảo, “May mà mình không nổi điên gọi điện cho ‘trinh sát’ mắng té tát chuyện cái lẵng hoa nhé.” — “Có thách cũng chả dám.” — “Hay là hắn định ve mình?” Thấy tôi toan nhỏm dậy, anh xòa một cái, “Ừ, là tại mình không xinh, chứ giá kể chỉ cần hơi xinh, ‘trinh sát’ cưa ‘cộng tác viên’ không đổ, vùi hoa dập liễu thì nay còn đâu.” Ăn một cái cốc đau. “Cẩn thận nhé không kẻo em đi trình báo anh đấy!” Cùng phá lên. Chỉ khác, tiếng tôi không giòn tan được như tiếng mẹ tôi năm nào.
Ngoài ban công có chùm hoa sữa muộn cũng rưng rưng cười.
Hà Nội – Đông ‘09