The Greatest Showman (2017)
Một bộ phim hướng tới đại chúng, một bộ phim mang những thông điệp kinh điển có giá trị phổ quát, một bộ phim nhạc kịch hấp dẫn, một bộ phim khiến ta cảm thấy thoải mái, mãn nguyện sau khi xem. The Greatest Showman xứng với công sức ấp ủ suốt 6 năm trời của Hugh Jackman.
Có vẻ như phim nhạc kịch đang được hâm nóng trở lại từ thời hoàng kim của Singing in the Rain (1952), West Side Story (1961) với kỷ lục 10 giải Oscar, Moulin Rouge! (2001) với 2 giải thưởng Oscar, đến Chicago (2002) giành đến 6 giải Oscar, rồi Dreamgirls (2006) thắng 2 giải Oscar. Và gần đây nhất là La La Land, hiện tượng của năm trước với 6 giải Oscar. Năm nay tiếp tục là The Greatest Showman, nhiều khả năng sẽ có tên trong danh sách đề cử, ít nhất là ở hạng mục Trang phục đẹp nhất, Nhạc phim hay nhất và Bối cảnh xuất sắc nhất.
The Greatest Showman là câu chuyện về P.T. Barnum, từ một kẻ thất nghiệp trở thành ông bầu gánh xiếc vĩ đại nhất trong lịch sử và là người khởi xướng hình thức lưu diễn xiếc với chiếc lều hình tròn mang tính biểu tượng. Barnum có tham vọng, có khát khao, có đam mê, có lạc lối, có sáng tạo, có sự liều lĩnh và có nỗ lực đứng dậy từ thất bại.
Một gánh xiếc với toàn những người quái dị, những người lùn, người da đen, người mập, người lông lá, người đồng tính … bị phân biệt đối xử nặng nề trong xã hội bấy giờ, đã tụ họp và làm nên thành công, thành công lớn nhất của người làm nghệ thuật là đem lại niềm vui cho mọi người. Dù cho có bị chê là rẻ tiền, thì niềm vui sau mỗi show diễn mang lại cho người xem là điều không thể chối cãi.
Nói đến chuyện phân biệt đối xử, đây là điều luôn luôn có, ngay cả bây giờ, cả với những người đang đọc bài viết này, đều đã hoặc đang nhận được sự phân biệt đối xử. Trong The Greatest Showman, ta thấy 3 câu chuyện về phân biệt đối xử và quyết tâm chống lại bất công. Barnum xuất thân nghèo nàn thấp kém, đòi yêu và cưới cô tiểu thư nhà giàu, các thành viên trong gánh xiếc bị coi thường, xem như nỗi xấu hổ, ngay với cả chính Barnum, và câu chuyện tình giữa cô gái nhào lộn da đen và anh diễn viên con nhà giàu có. Cuối cùng, tất cả, với sự tranh đấu quyết liệt của mình, đã nhận được những gì xứng đáng. Vấn đề không phải có hay không sự phân biệt đối xử, vấn đề là có dám đứng lên chiến đấu với sự bất công hay không.
Phim nhạc kịch nên chắc chắn phần nhạc và nhảy múa là quan trọng nhất, đối với cái này, chỉ có thể dùng 2 chữ xuất sắc để miêu tả. Nhạc có thể không phải hay nhất, nhảy múa có thể không phải đẹp nhất, nhưng nó phù hợp, nó ăn khớp, nó chạm đến cảm xúc, nó nâng toàn bộ câu chuyện lên. Từ những đoạn hát nhảy đường phố, uống rượu trong quán bar, show diễn trong rạp xiếc cho đến đoạn lắng đọng với bài hát của nữ ca sỷ opera, khó có chỗ nào để chê được.
Như đã nói ở trên, Trang phục và bối cảnh của phim này quá đẹp. Từng góc máy, từng bộ quần áo, từng tia ánh sáng, hài hòa, nhẹ nhàng nhưng lại rất ấn tượng, nó khiến cho người xem đắm mình vào khung cảnh xưa mà quên mất là đang xem phim. Một điều nữa là dựng phim này rất hay, ráp nối các cảnh, tạo biểu tượng, ấn ý đều rất tốt.
Nhưng The Greatest Showman lại có khuyết điểm là chưa xây dựng được chiều sâu nhân vật Barnum, một nhân vật nửa chính nửa tà, có đúng có sai, có cái được có cái không hay. Khai thác tâm lý nhân vật này chưa tốt, chưa đủ để có thể lột tả hoàn toàn con người này, chỉ mới phơn phớt bên ngoài. Bù lại, diễn xuất của các diễn viên phụ đều rất hay.
The Greatest Showman truyền cảm hứng cho những người dám vươn lên, theo đuổi đam mê, tình yêu, dám tranh đấu, dũng cảm mạnh mẽ giành lấy những thứ đáng thuộc về mình. Và nó cũng cho chúng ta biết hạnh phúc là một trải nghiệm tương đối, như lúc sinh nhật con gái của Barnum, người vợ đã ước “Được mãi hạnh phúc như bây giờ”, đơn giản vậy thôi.