Uchiha_Madara
Nghỉ hưu
Thật ra mình rất ngại viết về mấy cái phim remake này, vì chẳng lẽ giờ đi phân tích xem copy “scene by scene” có giống hay không. Cơ mà phim này có khá nhiều thứ được lồng vào, cũng như được các nhà phê bình “dẫn” thêm ra nên viết để rõ thêm.
Khen và chê
Khen trước phát, dàn diễn viên nổi tiếng và hợp vai. Thời buổi kinh doanh, ở đâu cũng vậy, Mỹ hay Hàn đều thế, muốn bán vé trước hết phải có dàn diễn viên thu hút. Tháng năm rực rỡ có một đống diễn viên, mỗi người lại có một cá tính, dấu ấn, sự nghiệp điện ảnh (not sự nghiệp diễn hài) và lượng người hâm mộ, quan tâm riêng, nên rất dễ bán vé, đừng ngạc nhiên nếu phim đạt doanh thu cao.
Điểm mạnh thứ 2 là diễn xuất tốt, do ai cũng thuộc dạng có khả năng diễn chứ không phải tay ngang, Jun Vũ ít kinh nghiệm nhất nhưng vai đó chỉ cần đẹp là được, không cần diễn quá nhiều, vai của Hoàng Oanh cũng tàm tạm, hơn hẳn mấy vai mặt đơ trước đó. Tổng hợp lại đều tròn vai, nên ai xem cũng cảm thấy thoải mái.
Còn lại mọi thứ từ trang phục, cách diễn, cá tính nhân vật, câu chuyện, phát triển đường dây, nhịp phim đều y chang Hàn, nên chả có gì để nói.
Điểm hạn chế đầu tiên là trang phục, ai nhìn vào cũng biết trang phục của dàn diễn viên chính thời trước 1975 là Hàn, học sinh một trường cao nguyên thời chiến tranh không mặc đồ kiểu đó. Bên cạnh đó, anh chàng crush kia được tạo hình y chang trai Hàn với kiểu tóc tai và hành xử bất ngờ, “từ giờ em cứ nói anh là bạn trai em”, xong sau đó đi hôn con đẹp nhất, ơ, cao thủ thả thính à. Hẳn nhiên, cosplay trang phục Hàn là có ý đồ của nhà sản xuất, ý gì thì google.
Do trang phục, bối cảnh, câu chuyện này nọ đều Hàn cả, nên để cứu vớt, đa số lồng nhạc Việt với những bài hit đậm chất Việt, đặc biệt là nhạc Trịnh và Phạm Duy, Y Vân, Ngô Thụy Miên … Dùng những bài này vừa tăng được chất Việt vốn rất nhạt nhòa cho phim, vừa khiến người xem rưng rưng xúc động, kiểu như lâu lắm rồi mới nghe lại Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang hay là bài “nhạc kích động” Kim, vốn rất thịnh thời Mai Lệ Huyền và Hùng cường đi lên hỏa tuyến hát cho lính VNCH nghe.
Có nhiều ý kiến cho rằng nữ sinh thời trước 1975 tổ chức đánh nhau, hút ma túy xong vô trường quậy là khó có. Tất nhiên, có hay không tùy trải nghiệm mỗi người, và phim thì đưa ra trường hợp cá biệt cũng không có gì bất hợp lý lắm. Tuy vậy, chi tiết 2 đứa con gái cấp 3 nửa đêm ra đường ngồi nhậu giữa thời chiến loạn thì có vẻ hơi “hồn nhiên” quá.
Ngoài ra, chi tiết tào lao nhất, đáng lên án nhất là cả đám bà mẹ đi đánh mấy đứa nhóc khi con mình bị bắt nạt. Hành xử kiểu đó rất phản giáo dục, dù là nó đem lại tiếng cười hay thỏa mãn gì đó, không khác gì trải nghiệm của mình thời cấp 2 khi có mấy vụ đánh nhau, thằng em có xích mích gì đó, gọi thằng anh trai lên trường đâm chết mấy đứa kia. Người lớn nên khác trẻ trâu, chứ làm như trẻ trâu thì nên khóc thay vì cười.
Quan hệ Quốc – Cộng
Tại sao phim này có nhiều yếu tố nhắc đến biến cố 1975, có nhiều bài hát trước năm 1975 nhưng vẫn qua cửa kiểm duyệt, bởi nó là dạng phim ca ngợi ngầm cách mạng, ca ngợi phong trào đấu tranh cho CNXH.
Trong phim, dễ dàng nhận ra nhất là mối quan hệ giữa người cha và người anh trai, cha là viên chức VNCH, tức người của quốc gia, con thì “giác ngộ cách mạng” đi theo đảng. Sự xung đột này có thể gọi là “gia môn bất hạnh”, không thiếu ở biết bao gia đình miền Nam thời đó, không thiếu chuyện sau giải phóng, em về tiếp quản, ký lệnh cho anh đi “học tập cải tạo”. Người anh trai bật với cha mình trong bữa cơm mang ẩn ý cho sự đấu tranh, nhưng tình cờ, nó lại cho thấy miền Nam tự do hơn rất nhiều, ngoài chuyện cho học thơ Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu … thì còn có tự do tư tưởng, chứ gặp giờ trong nhà có thằng đòi đấu tranh thì chết mẹ mày ngay, thằng phản động.
Giữa phim có màn bạo động của sinh viên với cảnh sát chống bạo động, nhiều người khen cảnh này, mình thì thấy miêu tả cảnh sát VNCH như trò hề, khi cho lấy thúng làm khiên, rồi ném lựu đạn bị con nhãi quăng thúng cho bật ngược, rõ ràng là dụng ý hạ thấp quân lực VNCH thời đó.
Có một chi tiết, nhiều người bảo là nhà con bé gì con nhà làm hãng phim giàu có, lớn lên lại đi làm gái, là ẩn ý số phận những “tư sản” sau biến cố năm 1975. Cũng có thể, nhưng có lẽ không phải biên kịch cố ý vậy đâu, chẳng qua muốn tạo bi kịch cho nhân vật thôi, suy diễn vậy tội nghiệp biên kịch, bị chụp mũ lại khổ họ.
Túm cái quần lại là bỏ qua cái âm mưu đô hộ văn hóa bằng phim remake thì Tháng năm rực rỡ là bộ phim tốt so với mặt bằng chung của điện ảnh Việt Nam. Câu chuyện gần gũi, pha thêm tình yêu, tình bạn này nọ nữa thì dư sức thỏa lòng các cô gái mộng mơ.