Theo CNBC, đây là nhận định của đối tác cấp cao Karel Eloot tại hãng tư vấn McKinsey & Company. Ông Eloot cho hay một thập niên trước, nhiều hãng robot Trung Quốc chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu trong nước. Ngành công nghiệp này hôm nay phát triển hơn, và doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp khoảng 1/3 nhu cầu robot công nghiệp nước nhà.
“Vẫn còn chặng đường dài phía trước, đặc biệt là khi bạn nhớ đến mục tiêu của chính phủ là đạt 50% nhu cầu trong nước năm 2020, và 70% năm 2025”, ông Eloot nói, nhắc đến kế hoạch Made in China 2025 của Bắc Kinh. Kế hoạch này xác định 10 lĩnh vực then chốt, trong đó có công nghệ cao, mà Trung Quốc muốn phát triển để bắt kịp nhiều đối thủ như Mỹ và Đức.
Một trong các mục tiêu của kế hoạch là để doanh nghiệp nhà chiếm nửa nhu cầu thị trường robot công nghiệp nội địa trong hai năm tới, và chiếm 70% thị trường nội địa năm 2025. Đại lục cũng đặt mục tiêu xây dựng các hệ thống robot địa phương để cạnh tranh với đối thủ quốc tế, cuối cùng là đánh bại Mỹ trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo (AI).
“Khi chúng ta nói về khả năng cạnh tranh toàn cầu, chúng ta phải làm việc”, ông Eloot cho hay, giải thích rằng ở các thị trường phát triển đã có nhiều hãng robot hiện hoạt động khá mạnh. Tại những nước này, doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ phải “đi từ đáy kim tự tháp, kiếm đường lên trên”.
Song giới doanh nghiệp robot Trung Quốc lại có lợi thế hơn khi đến các thị trường đang phát triển, vì những nước này gần giống với những gì Đại lục từng đi qua trong thập niên trước. Lựa chọn đến các thị trường đang phát triển của Trung Quốc hợp lý và tự nhiên.
Đầu năm nay, báo chí nước này cho biết có hơn 6.500 doanh nghiệp robot ở Trung Quốc vào cuối năm 2017. Doanh thu robot công nghiệp Trung Quốc trong năm vào khoảng 4,22 tỉ USD, tăng 24% so với cách đây một năm. Trong khi đó, doanh số robot dịch vụ tăng 28% so với năm trước, đạt 1,32 tỉ USD. Năm 2016, Trung Quốc có thêm 87.000 robot công nghiệp, chỉ thấp hơn một chút so với tổng robot công nghiệp mà châu Âu và Mỹ có, theo Liên đoàn Robot Quốc tế.
Giới doanh nghiệp Đại lục cũng dùng ngày càng nhiều robot trong kinh doanh, vì chiến dịch Made in China 2025 khuyến khích sản xuất tự động hóa và sản xuất thông minh. Đơn cử, hãng lắp ráp iPhone Foxconn triển khai hàng chục nghìn “Foxbot”, robot nhà máy, từ năm 2012 đến năm 2016. Nhà sản xuất Đài Loan cho hay họ có kế hoạch thay thế thêm con người bằng robot trong thập niên tới.
Trên trường quốc tế, robot không chỉ được dùng trong ngành sản xuất. Chủ tịch Hiệp hội tự động hóa cao cấp Jeff Burnstein nói: “Một trong những lĩnh vực nóng nhất hiện giờ là kho bãi và phân phối. Robot đang đổ xô vào nhiều hãng như Amazon, Walmart, Target, Alibaba”. Máy móc tự động thậm chí còn đi vào ngành bán lẻ. Đơn cử, hãng Alibaba có robot không người lái có thể mang nhiều kiện hàng và chuyển đến cho khách. Hiện robot đang được thử nghiệm tại Hàng Châu, và được lên lịch đi vào sản xuất thương mại cuối năm nay.
Ông Eloot nhận định tự động hóa sẽ giúp Trung Quốc tăng năng suất, tiếp tục phát triển kinh tế. “Bạn có thể thấy Trung Quốc muốn dùng robot, muốn dùng trí thông minh nhân tạo, công cụ kỹ thuật số để nhảy vọt. Họ biết họ còn khoảng cách và họ muốn thu hẹp khoảng cách đó nhanh hơn”, chuyên gia cho biết.
Theo Thanh Niên