Tham vọng bí mật của Elon Musk: Biến Twitter thành 'tổ chức tài chính lớn nhất thế giới', trị giá 250 tỷ USD sánh ngang JP Morgan Chase

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Năm 2015, Elon Musk từng cam kết đưa tổng giá trị vốn hóa của Tesla, lúc đó mới chỉ 25 tỷ USD, vượt qua 700 tỷ USD của Apple trong 10 năm và nhà sáng lập này đã thành công. Giờ đây, một cam kết tương tự được đưa ra với Twitter.

elon-musk-rt-gmh-2302071675807984906hpmain16x9992-1680491059592-16804910597801233321327.jpg

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), tỷ phú Elon Musk mới đây đã bộc lộ rõ tham vọng biến Twitter thành ngân hàng số, điều mà nhà sáng lập Tesla đã từng mơ tới cách đây hơn 20 năm.

Nguồn tin của WSJ cho biết vào cuối tuần trước, Elon Musk đã thảo luận với nhân viên về viễn cảnh biến Twitter, vốn đã bị mất nửa giá trị so với thời điểm được ông mua lại và hiện chỉ còn 20 tỷ USD, thành một ngân hàng trực tuyến trị giá 250 tỷ USD.

Tờ WSJ đánh giá viễn cảnh này làm mọi người nhớ đến startup thành công đầu đời của Elon Musks là X.com, sau này đổi tên thành Paypal. Nhờ khoản tiền kiếm được từ dự án nền tảng thanh toán trực tuyến này mà Elon Musk mới có đủ vốn xây dựng nên Tesla cũng như SpaceX.

“Tôi cho rằng việc biến Twitter thành tổ chức tài chính lớn nhất thế giới là hoàn toàn khả thi”, Elon Musk phát biểu tại hội thảo của Morgan Stanley vào tháng 3/2023.

Tham vọng bí mật của Elon Musk: Biến Twitter thành 'tổ chức tài chính lớn nhất thế giới', trị giá 250 tỷ USD sánh ngang JP Morgan Chase - Ảnh 2.

Theo đó, Elon Musk cho biết sau khi đã giải quyết được những rắc rối trong mảng doanh thu quảng cáo của Twitter, ông sẽ ngay lập tức đa dạng hóa các mảng kinh doanh của thương hiệu này. Xin được nhắc lại là trước đây, 90% doanh thu của Twitter đến từ quảng cáo chứ không hề có kinh nghiệm hoạt động trong bất cứ mảng nào khác.

Một số chuyên gia nhận định với sự nhận diện thương hiệu của mình, việc trở thành ngân hàng số sẽ khiến doanh thu của Twitter tăng trưởng.

Tuy nhiên cũng như những gì mà Elon Musk từng gặp phải trong ngành xe điện và không gian, ý tưởng biến mạng xã hội thành tổ chức tài chính trực tuyến lớn nhất thế giới chắc chắn sẽ gặp nhiều đối thủ cũng như rào cản từ luật pháp, nhất là trong bối cảnh hệ thống tài chính đang có nhiều biến động hiện nay.

Ngân hàng Twitter?

Cho đến thời điểm hiện tại, Twitter vẫn có khá ít động thái tiến quân vào mảng thanh toán và tài chính trực tuyến.

Vào tháng 11/2022, Twitter mới chỉ làm thủ tục, nộp hồ sơ lên các cơ quan chức năng để xin phép đăng ký tham gia mảng tổ chức thanh toán tài chính. Hiện Twitter sẽ còn phải xin giấy phép ở từng bang mà mạng xã hội này muốn hoạt động trong mảng tài chính.

Trong thời điểm mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD, Elon Musk không hề tiết lộ chút thông tin hay dấu hiệu nào về kế hoạch biến mạng xã hội này thành ngân hàng số.

Thậm chí cho đến thời điểm hiện tại khi kế hoạch này dần được tiết lộ, nhà sáng lập Tesla vẫn chỉ tập trung giải quyết mảng doanh thu cũng như cam kết tự do ngôn luận mà mình đã hứa trước đó.

Việc hàng loạt doanh nghiệp rút quảng cáo đã khiến doanh thu của Twitter giảm từ 5 tỷ USD năm 2021 xuống còn 3 tỷ USD năm 2022.

Ngoài những lùm xùm như việc sa thải hơn một nửa lao động khiến Twitter gặp nhiều vấn đề khi vận hành, việc Elon Musk tiếp quản mạng xã hội này theo cách độc tài cũng khiến nhiều nhân viên không hài lòng.

Quay trở lại giấc mơ ngân hàng số trị giá 250 tỷ USD của Elon Musk, nhà sáng lập này cam kết với các nhân viên sẽ khiến họ hưởng lợi lớn khi kế hoạch thành công nhờ cổ phiếu thưởng.

Tham vọng bí mật của Elon Musk: Biến Twitter thành 'tổ chức tài chính lớn nhất thế giới', trị giá 250 tỷ USD sánh ngang JP Morgan Chase - Ảnh 3.

Tờ WSJ đánh giá con số 250 tỷ USD mà Elon Musk hướng tới có thể so sánh với những tổ chức tài chính lớn trên thế giới như JP Morgan Chase với tổng mức vốn hóa 380 tỷ USD, hay Bank of America với gần 230 tỷ USD. Ngay cả Paypal Holding mà Elon Musk tham gia sáng lập trước đây hiện cũng chỉ có tổng giá trị 85 tỷ USD.

Trên thực tế, chiến thuật này của Elon Musk từng có tác dụng khi cổ vũ nhân viên Tesla làm việc vì một tương lai giàu có.

Năm 2015, Elon Musk từng cam kết đưa tổng giá trị vốn hóa của Tesla, lúc đó mới chỉ 25 tỷ USD, vượt qua 700 tỷ USD của Apple trong 10 năm và nhà sáng lập này đã thành công. Đế chế Tesla đã vượt qua ngưỡng 700 tỷ USD và thậm chí trở thành hãng xe hơi đầu tiên đạt tổng giá trị vốn hóa hơn 1 nghìn tỷ USD vào năm 2021.

Tuy nhiên kể từ đó đến nay, con số này đã rơi xuống còn khoảng 620 tỷ USD vì tham vọng Twitter của Elon Musk.

‘Phục hận’ Paypal

Tờ WSJ nhận định Elon Musk đang làm những gì mà vị tỷ phú này từng làm với Tesla khi đặt cược vào khả năng tăng trưởng mạnh của Twitter thông qua việc vươn tầm sang những mảng kinh doanh khác ngoài quảng cáo. Đây là trọng tâm trong chiến lược gia tăng giá trị của Elon Musk với hầu hết các dự án.

Nhà sáng lập Tesla dự định tận dụng hàng trăm triệu người dùng Twitter để xây dựng một nền tảng mạng xã hội kết hợp ngân hàng số như những gì WeChat từng làm ở Trung Quốc.

Trên thực tế, giấc mơ xây ngân hàng số của Elon Musk đã xuất hiện từ khi vị tỷ phú này xây dựng X.com mà sau này thành Paypal.

Được thành lập từ năm 1999, X.com được thành lập với mục đích trở thành một ngân hàng số toàn diện. Elon Musk muốn tập hợp tất cả các dịch vụ tài chính-ngân hàng vào một website.

Tuy nhiên, điều khiến X.com trở nên thu hút đặc biệt thời đó chỉ nằm ở ý tưởng chuyển tiền trực tuyến, một công nghệ được cho là mang tính đột phá tại thời kỳ này.

Đây được cho là điều khiến Elon Musk tiếc nuối khi không thể thực hiện được toàn bộ kế hoạch của mình và có lẽ vị tỷ phú này muốn làm lại với Twitter.

“Tôi sẽ thực hiện lại kế hoạch mà mình đã trông chờ vào X.com cách đây 22 năm với một số cải tiến. Có một bản dự thảo mà tôi đã viết vào tháng 7/2000 nhằm xây dựng tổ chức tài chính lớn nhất trên thế giới. Chúng ta sẽ thực hiện lại kế hoạch này, điều mà chưa ai từng làm được”, Elon Musk nói trong một cuộc hội thảo năm 2022 khi nhắc đến Twitter.

Thậm chí vào năm 2017, Elon Musk đã mua lại tên miền X.com từ tay Paypal với lý do: “Nó có giá trị tinh thần rất lớn đối với tôi”.

Với Elon Musk, vị tỷ phú này có ý tưởng biến Twitter thành một siêu ứng dụng như WeChat (Tencent) hay Alipay (Alibaba) khi kết hợp mọi thứ, từ mạng xã hội, ngân hàng số cho đến giải trí, qua đó bắt chước thành công tại Trung Quốc.

“Chúng ta thậm chí không có nổi một siêu ứng dụng tốt được như WeChat tại Trung Quốc. Ý tưởng của tôi là tại sao chúng ta không đi bắt chiếc WeChat”, Elon Musk trả lời năm 2022.

Tham vọng bí mật của Elon Musk: Biến Twitter thành 'tổ chức tài chính lớn nhất thế giới', trị giá 250 tỷ USD sánh ngang JP Morgan Chase - Ảnh 4.

Thế nhưng theo một số chuyên gia, việc sao chép này không hề dễ khi các nền tảng ở Trung Quốc được hưởng lợi từ hệ thống ngân hàng cũng như dịch vụ tin nhắn trực tuyến kém phát triển hơn Mỹ.

Trong khi đó mức sống tăng khiến lượng người dùng thiết bị di động bùng nổ, thậm chí với nhiều khách hàng Trung Quốc, điện thoại là phương tiện truy cập Internet duy nhất, qua đó tạo lợi thế cho WeChat lẫn Alipay.

“Với trường hợp của WeChat và AliPay, quảng cáo trực tuyến không phải là nguồn thu duy nhất. Mô hình kinh doanh của họ còn dựa trên thanh toán trực tuyến và các cam kết dịch vụ khác”, chuyên gia phân tích Jason Wong của Gartner nhận định.

Mặt khác, hệ sinh thái iPhone nằm trong tay Apple, còn Android thì của Alphabet (Google), điều không hề có tại thị trường Trung Quốc. Sự độc quyền của 2 hãng công nghệ này cùng với việc người tiêu dùng đã quen với hàng loạt ứng dụng ngân hàng, thanh toán trực tuyến và nhắn tin phát triển khiến giấc mơ sao chép WeChat của Elon Musk trở thành nghi vấn.

Theo Genk​
 
Bên trên