Tân vua hài kịch - Phim cho nhiều suy ngẫm

fallheart82

Well-Known Member
P4EXhpevhcm4777756.jpg


Phim có cốt truyện đơn giản, cô gái Như Mộng (Ngạc Tĩnh Văn) với đam mê diễn xuất, chấp nhận khó khăn, cực khổ để theo đuổi môn nghệ thuật thứ Bảy, dù chỉ là những vai diễn quần chúng, vai thế thân… Qua hơn mười năm lăn lộn, dù tự nhận mình là “diễn viên” nhưng cô vẫn dẫm chân tại chỗ; bên cạnh đó, cuộc sống riêng của bản thân cũng nhiều chông gai, trắc trở. Phim vẫn là những miếng hài quen thuộc của đạo diễn Châu Tinh Trì, có thể chọc lét khán giả từ lời thoại, hành động, bối cảnh.

Qua phim này, đạo diễn cài cắm rất nhiều ẩn ý. Đó là bức tranh khắc nghiệt, lắm lúc bạc bẽo của nghề diễn, sẵn sàng mắng chửi, đánh đập những vai diễn quần chúng, ăn cơm hộp chỉ để kịp tiến độ; đó là tính hời hợt của những đạo diễn chỉ cần hỏi dăm câu ba sợi là nhận một ai đó để đóng phim (hơi giống “chợ việc làm” của ta). Đó là thói “ăn mày dĩ vãng” của những diễn viên hết thời nhưng vẫn nghĩ rằng mình là sao, để rồi bị đạo diễn chửi thẳng mặt: “Tôi thuê anh vì anh chịu nhận thù lao thấp, anh hết thời rồi…”; hoặc trở nên nổi tiếng vì những clip trời ơi vô tình phát tán trên mạng.

Phim không chỉ mang lại tiếng cười ngày Tết mà còn có những trường đoạn làm khán giả xúc động. Ông bố ngoài mặt không nhận con nhưng lại đến trường quay cố tính "ăn vạ" để cô con gái có thêm phần cơm hộp hay sẵn sàng đưa tiền tiết kiệm của mình để con đi thử vai; lát cắt về anh người yêu, cô bạn thân khiến người ta chợt nghĩ con người có thể trở mặt còn nhanh hơn trở bánh tráng.

Phim vẫn có điểm trừ là cái kết viên mãn chưa thuyết phục người xem lắm hoặc một vài nhân vật tuy có xuất hiện nhưng chưa thật nổi bật. Mình tiếc là xem suất lồng tiếng chứ không phải suất phụ đề (nghe được tiếng Hồng Kông sẽ thú vị hơn); cá nhân chấm phim được 8 điểm.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

haclua

Active Member
Cá nhân mình xem xong phim này chấm khoảng từ 7,5 - 8.
Phim mang tiếng hài nhưng lại dễ lấy sự đồng cảm và sự ngậm ngùi của người xem hơn là tiếng cười.
Vẫn có những đoạn gây cười mang phing cách của CTT, nhưng nó không quá nhảm. Có lẽ nếu làm chắc tay hơn chút thì Châu Tinh Trì sẽ thành công với phim này hơn.
Nhưng dẫu sao đây cũng là một bộ phim đâng xem trong dịp tết này. Nó cổ vũ chúng ta sống hết mình vì ước mơ, làm việc hết mình dù cho đó có là những việc nhỏ bé nhất. Ngoài ra tính gia đình tring phim cũng là một điểm cộng đáng kể nữa
 

ngdinhluat

Well-Known Member
Bản thân thấy đây là một phim trung bình của CTT, mang tính chất tự sự, chiêm nghiệm đời người, thâm sâu khó đoán, nhưng khi xem rất nhẹ nhàng, dễ chịu. Không có cái cười ngặt nghẽo, thả ga, nhưng lại có nét duyên, một phần thấy được những bất lực mà hầu như đời người ai cũng từng gặp phải, và 1 nét buồn man mác.
KOC-2.jpg

Phim mang tính bi, tự sự hơn cả CJ7. Kết cấu rất giống phần 1, có một số cảnh gợi lại đầy cảm xúc, nhưng kết thì bi thảm hơn nhiều. Bản thân quá trình quay phim cũng lấy vai quần chúng tương tự như các cảnh trong phim. Nữ chính (Ngạc Tĩnh Văn) cũng đi lên như trong kịch bản, cô là 1 diễn viên kịch, đóng qua một số vai quần chúng và lọt vào mắt xanh của CTT. Phim như đời, đời như phim, ai cũng có một vai diễn cuộc đời.
KOC-3.png


Cái kết thì đọc trong này sẽ rõ
Chỉ dành cho những người đã xem phim và còn thấy lấn cấn, bứt rứt như đã bỏ qua một cái gì đó
https://www.facebook.com/chautinhtrivnfc/photos/a.303325413020136/2351418418210815/
[ “TÂN VUA HÀI KỊCH” KẾT THÚC ẨN: VÔ CÙNG SỢ HÃI KHI NGHĨ NHƯ MỘNG ĐÃ CHẾT TRONG ĐÊM MƯA BÀNG BẠC ĐÓ!

Tác giả: Tào Đức Trí | Trans: Tuỳn Pucca (Mộ)

Bài viết chỉ là THUYẾT ÂM MƯU Như Mộng đã chết. Có thể nghĩ là một plot twist (cốt truyện xoắn, tình tiết bất ngờ trong suốt bộ phim mà người xem không thể hoặc khó đoán trước). Mọi người đọc xong sẽ nhìn thấy sự tài tình khó đoán trong phim của Châu Tinh Trì.

Tất cả các nội dung sau đây đều bị spoil.
Vui lòng ghi nguồn Châu Tinh Trì VNFC nếu copy.

NHÂN SINH, CHỈ HAI TỪ, NHƯ MỘNG.

Sau đêm mưa, tất cả mọi thứ “như mộng” kia đều là niệm tưởng vẫn chưa hoàn thành. Thật ra trong phim có rất nhiều ám chỉ về “cái chết” của Như Mộng, và 23 tình tiết rõ rệt nhất là:

1. Phim mở đầu không lâu là cảnh chiếc xe chở các diễn viên quần chúng đi đóng phim, trong những người này chỉ có Như Mộng diễn vai “xác chết”. Ngồi trên xe, Như Mộng đeo tai nghe vừa ăn cơm vừa nghe nhạc, giai điệu nổi lên là “Hồ Thiên Nga” nổi tiếng được viết bởi Tchaikovsky. “Hồ Thiên Nga” vốn có nhiều kết thúc khác nhau, nhưng theo sáng tác ban đầu, giai điệu này được viết với tính chất bi thảm, hay nói chính xác hơn là bi kịch. (Bản nhạc này đặc biệt quan trọng, phần sau sẽ còn đề cập tới)

2. Ngày sinh nhật của cha Như Mộng, ông nói trên bàn cơm: “Tao hy vọng mày sẽ trở thành một luật sư trong tương lai chứ không phải là một xác chết.” (Cảnh này Như Mộng được hoá trang thành xác chết)

3. Tình tiết Như Mộng đóng giả nữ quỷ áo đỏ hù ma Mã Khả khiến tất cả khán giả đều cười thật to, nhân viên trường quay nói với Mã Khả: “Cô ấy đã tự tử.” Cá nhân tôi cho rằng, điều này cũng là một kiểu ám chỉ Như Mộng đúng là sẽ tự tử ở phần tiếp theo.

4. Như Mộng là diễn viên quần chúng đang quay cảnh lưng trần trong phòng tắm, cô bị chửi vì da dẻ nhăn nheo chảy xệ. Cảnh này là một sự tôn vinh và gợi nhớ đến “Psycho” (1), mà trong phim này, người trong phòng tắm đã bị giết chết.

5. Như Mộng phát hiện ra bộ mặt thật của Charlie, cô vừa nói muốn gặp tên cặn bã này thì liền có thể “bắt gian ngay tại trận”, cô bị hắn tát mạnh vào mặt, cái tát đó tựa như một viên đạn then chốt bắn chết Như Mộng; Trong đêm mưa bàng bạc, cô nhắm mắt lại, một lần nữa giai điệu “Hồ Thiên Nga” trong tai nghe lại vang lên, điều này ám chỉ rằng bi kịch đã xảy ra.

6. Nhớ lại câu chuyện khi đóng giả nữ quỷ hù ma, Như Mộng đã mặc trang phục màu đỏ, Mã Khả cũng đặc biệt nhấn mạnh cô gái trong gương mặc quần áo “màu đỏ”. Ngay trong đêm mưa, Như Mộng gọi điện thoại cho Charlie hỏi hắn mặc quần áo màu gì, Charlie nói hắn vẫn luôn mặc quần đen áo sơ mi trắng, thế nhưng chúng ta đều nhìn thấy hắn mặc cái quần màu đỏ. Thoáng giật mình khi nghĩ đến đoạn gần cuối phim, Như Mộng đang tham gia casting tại trường quay, cô đã diễn một tên lừa đảo (là Charlie), cô nghĩ tới hắn, sau đó góc quay chuyển cảnh đến chân của Như Mộng mặc một chiếc quần màu đỏ…

7. Vẫn là trong đêm mưa này, lúc Như Mộng ngã xuống có một người bước từ trên xe xuống và nói “Đừng ngủ nữa, cô đang đóng phim sao?” Trên thực tế, hình ảnh người lái xe này không có thật, sẽ không ai nói những lời như vậy. Ngay sau đó Như Mộng nói “Tôi tỉnh rồi!” và bước đi theo hướng ngược lại với lúc đầu, có phải điều này cũng đang ám chỉ hướng ngược lại của sự sống không?

8. Sau đêm mưa, Như Mộng đang làm phục vụ tại một nhà hàng thì thấy Mã Khả xuất hiện trên TV, cô nói mình cũng từng là một diễn viên, sau đó có người hỏi “Cô có gặp qua Lý Tiểu Long không?” Như Mộng nói “Long gì tôi đều gặp cả.” Rồi trong lễ trao giải cuối phim, Tiểu Mễ muốn qua nịnh bợ Như Mộng thì có người đứng chặn lại không thể đi qua, người đó chính là “Lý Tiểu Long” - kiểu tóc, trang phục, kể cả động tác đều giống như đúc.

9. Mã Khả nhờ video “Dọa Té Đái” mà trở mình, Mã Khả nói rất biết ơn Như Mộng, nhưng anh ta không biết tên của cô. Vậy mà một giây kế tiếp đổi sang phân cảnh mới, ngay cả tên của đối phương là gì Mã Khả cũng không biết, sao lại có thể tìm đến nhà Như Mộng nhanh đến vậy?

10. Mã Khả nói cho Như Mộng nghe tin cô được tham gia cuộc thi tuyển diễn viên tài năng của đạo diễn Châu Tinh Trì, nhưng vì sao bên sản xuất không trực tiếp liên hệ mà lại là Mã Khả thông báo cho cô hay? Nó không hợp lý về mặt logic, nhưng “giấc mơ” không cần logic!

11. Mã Khả lấy điện thoại di động ra định đưa tin tức cho Như Mộng xem, nhưng không có sóng nên không thể mở ra, vậy mà mẹ của Như Mộng lại có thể đặt vé máy bay cho Như Mộng ngay lập tức. (Các thanh niên cứng đừng lấy lý do là dùng wifi nha, thủ pháp làm phim đều có những ngụ ý nhất định nào đó)

12. Nếu Như Mộng thật sự đã “lên đời” thành công, cánh cửa được đẩy ra có cần tràn ngập ánh sáng giống như “trong mơ” hay không?

13. Sau đêm mưa bàng bạc ấy, tiết tấu thể hiện trong phim cực kỳ nhanh, thậm chí sự chuyển đổi cũng rất nhanh, điều này có phải lại giống như đang diễn ra trong mơ không? (Chúng ta thường có những giấc mơ không liên tục và quan cảnh xung quanh thay đổi rất nhanh)

14. Tên của nữ chính và tên của người được Mã Khả trao giải ở cuối phim: “Nhân sinh, chỉ có hai từ, Như Mộng.” (Đời người giống như một giấc mơ, không có thật)

15. Trong buổi lễ trao giải sau cùng, Như Mộng đạt được giải thưởng nữ chính xuất sắc nhất, trong video tổng hợp các cảnh quay diễn xuất chỉ có cảnh khi cô còn là diễn viên quần chúng, còn tác phẩm giúp cô đạt giải thưởng lại không nhắc tới - chính là vì thời gian “một năm sau” vốn không tồn tại.

16. Như Mộng đạt được giải thưởng nữ chính xuất sắc nhất lại xuất hiện âm nhạc của bi kịch - bản nhạc “Hồ Thiên Nga”...

17. 20 năm trước, trong “Vua Hài Kịch” có một câu thoại kinh điển: “Diễn viên phụ chết bầm” (2), trong suốt bộ phim “Tân Vua Hài Kịch” toàn là “diễn viên phụ”, nhưng chỉ thiếu mất chữ “chết bầm”.

18. Đối với cốt truyện ẩn này, nó càng thể hiện rõ trong câu thoại: “Đừng quá tàn nhẫn, dù sau đây cũng là phim chiếu Tết mà.” (Không nên nói quá rõ ràng)

19. Sau khi Như Mộng được chọn làm diễn viên đóng thế trong công chúa Bạnh Tuyết, trong phòng hóa trang có một tờ poster, ống kính còn đặc tả chi tiết nội dung trên poster: “Điều kỳ diệu xảy ra ở đây”, bức tranh lại là vở ba-lê “Hồ Thiên Nga”! Hơn nữa còn có tấm gương bên cạnh, phải chăng đang ngụ ý tất cả mọi thứ cũng chỉ là “hoa trong gương, trăng trong nước” - cảnh tượng huyền ảo không có thật? (Điều kỳ diệu xảy ra ở đây, nhưng khi phản chiếu qua tấm gương sẽ trở thành “Điều tồi tệ”)

20. Cảnh cuối cùng lúc tuyển diễn viên, trợ lý nói Như Mộng “lên đời” rồi, tất cả mọi người đều nhìn Như Mộng, nhưng chỉ có một người bị cô che khuất và di chuyển cùng lúc với cô, người này dường như cũng đang múa ba-lê... Hai cánh tay người đó giơ lên như biến thành đôi cánh của Như Mộng, mọi người đều không nhúc nhích nhìn cô bước đến cánh cửa “lên đời”, người đó vẫn tiếp tục múa ở phía sau... Một lần nữa như ngụ ý dùng “Hồ Thiên Nga” tiễn đưa Như Mộng.

21. Khi Mã Khả ở nhà Như Mộng, trên bàn ăn, cha mẹ Như Mộng và Mã Khả đều có chén, chỉ Như Mộng không có.

22. Đầu phim có một ông bác bị xe đụng, Như Mộng tưởng là đang quay phim; Trong đêm mưa Như Mộng “ngã xuống”, có một người bước từ trên xe xuống cũng hỏi cô có phải đang đóng phim không. Tôi nghĩ kết thúc thật sự đã diễn ra ngay đoạn này, dường như mở đầu và kết thúc đều khớp với nhau, Như Mộng đã bị đụng xe.

23. Một số phân cảnh trong phim có hiệu ứng nhoè mờ không rõ ràng, ngoại trừ hình ảnh nhân vật. (Ví dụ cảnh Như Mộng nói chuyện với người yêu về việc thử vai Bạch Tuyết)
---

Tất cả những điều trên không thể gọi là mổ xẻ quá đáng, nếu trùng hợp một hai cái có lẽ không sao, nhưng nhiều như vậy tôi không thể không...

Tinh gia vẫn ôn hòa và dùng cổ tích phủ lấy toàn bộ bi kịch xung quanh. Mọi thứ không thể được thực hiện trong hiện thực đều có thể đạt được trong giấc mơ.

Vì lẽ đó, diễn viên quần chúng Như Mộng có thể “nhìn thấy” cha mẹ nói những lời chua ngoa nhưng mềm lòng, có thể “nhìn thấy” bạn trai cũ sống không tốt, “nhìn thấy” bạn thân thực dụng chứng kiến thành công của mình, “nhìn thấy” vị đạo diễn đã xúc phạm mình trao giải thưởng cho mình, “nhìn thấy” bản thân sau khi vũ trụ bị hủy diệt.

Các bạn ạ, nếu nói Tân Vua Hài Kịch là một tác phẩm sơ sài và “làm cho có lệ”, tôi thật sự không tin. Phải có sự dày công, sự chăm chú và tỉ mỉ mới có thể xây dựng kịch bản và tạo nên plot twist này!

Hiện nay trên mạng xã hội có rất nhiều người chưa xem Tân Vua Hài Kịch đã chê phim không ra gì, làm cho mọi người cảm thấy bộ phim này kém chất lượng, một số người còn tuyên bố nhất định sẽ không xem, còn nói nặng một câu: “Chúng tôi không còn nợ vé của Tinh gia!” Điều này đã khiến phim bị giảm suất chiếu tại các rạp vì thiếu khán giả.

Hy vọng mọi người đừng để ý bình luận của người khác, chỉ có chính mình đi xem mới biết bộ phim này xuất sắc như thế nào.

Ghi chú của Ad:
(1) Psycho: Psycho là một bộ phim kinh dị tâm lý sản xuất năm 1960 của đạo diễn nổi tiếng Alfred Hitchcock. Phim dựa trên kịch bản của Joseph Stefano được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Robert Bloch. Psycho luôn được xem là một trong những bộ phim hay nhất của Alfred Hitchcock.
(2) Câu thoại của Trương Bá Chi, “你个死跑龙套的!”, trong bản USLT là “Thằng rờ mọt chết bầm này!”
---

P/S: Nếu nữ chính thật sự đã chết, Châu Tinh Trì sẽ không dùng bài “Gió Lốc” để làm ca khúc chủ đề “Tân Vua Hài Kịch”. Tinh gia sẽ không để nhân vật chính của mình có số phận bi đát đâu. Hihi... Đọc vui giải trí để thấy Tinh gia “gài hàng“ khán giả thế nào hoy nha. :))
KOC.jpg
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Shangri-La

Well-Known Member
Lão nạp mới xem xong, cảm thấy rất hay và Châu Tinh Trì làm phim này rất chính chắn. Có lẽ khán giả đã quá quen thuộc với cách hài bựa của Châu Tinh Trì nên không hài lòng với phim này vì không như mong đợi, hơn nữa bộ phim đã sử dụng motif cũ chứ không mới lạ như The mermaid trước đó.
 
Bên trên