Tạm biệt lão trượng của sầu bi và hoan ca

enychi

New Member
Ca sĩ - nhạc sĩ quốc tế nào được chuộng nhất trong giới audiophile hay chơi hi-end ở Việt Nam? Hầu như đến 99% dân có dàn máy hi-end đều “phải” có trên kệ một CD hay vinyl của ông?


Leonard Cohen (Blog Tuổi Trẻ)​
Nhất định đó là Leonard Cohen, vừa tạ thế tuần rồi ở tuổi 82. Ca sĩ lão trượng chào đời tại Montreal (Canada), song tạ thế ở Los Angeles (Mỹ) này rất được sủng ái tại Việt Nam bởi cách chơi nhạc “mộc” với cây đàn guitar thùng móc dây kiểu nhạc folk và nhất là với giọng nhừa nhựa, khàn khàn (trong các album sau này), thật thích hợp để tôn vinh các dàn ampli đèn 300B cùng loa Tannoy...

Dàn âm thanh mộc sẽ càng mộc hơn nữa với nhạc và giọng baritone của Leonard Cohen, nằm giữa giọng bass và tenor, ấm áp và vang vọng, đều đều mê hoặc như thôi miên, đưa người nghe vào giấc ngủ.

Có lẽ album Leonard Cohen, BBC Broadcasts 1968 tóm tắt nhạc và giọng hát của Leonard Cohen. Một album “sống”, trong đó Leonard Cohen giãi bày tâm sự đôi chút trước khi bắt đầu mỗi ca khúc. Với Sisters of Mercy, trước khi cất tiếng hát, Cohen giải thích duyên cớ viết ca khúc này, đó là cái duyên gặp hai cô gái trẻ mặc váy ngắn trên chuyến tàu đi Edmonton - những người tự nhận là đã du nhập chiếc váy ngắn vào thành phố Edmonton.

Vào thời điểm năm 1968 và trước đó, váy ngắn (mini-jupe) là một hiện tượng làm đảo điên xã hội phương Tây (và cả Sài Gòn, các quán cà phê trên đại lộ Lê Lợi đông nghẹt khách ngồi ở các bàn bày trên vỉa hè ngắm mini-jupe và những đôi chân dài bước đi).

Nói như thế để hiểu tại sao Cohen lại nhấn mạnh chi tiết du nhập “mini-jupe này vào Edmonton” của hai cô gái nọ và tại sao anh (năm đó mới khoảng 33, 34 tuổi) lại gọi hai cô gái ấy là “các xơ bác ái”.

Anh kể rằng hai cô gái “cực kỳ mini-jupe” ấy đã lắng nghe tâm sự buồn của anh và chăm chút anh trên cả chuyến đi: “Oh the sisters of mercy, they are not departed or gone. They were waiting for me when I thought that I just can't go on. And they brought me their comfort and later they brought me this song” (Các “xơ bác ái”: họ không bỏ đi, họ dừng lại đợi tôi đúng vào lúc tôi nghĩ rằng không tài nào đi tiếp được; họ an ủi tôi và đem đến cho tôi khúc hát này).

Và “Well they lay down beside me, I made my confession to them. They touched both my eyes and I touched the dew on their hem. If your life is a leaf that the seasons tear off and condemn. They will bind you with love that is graceful and green as a stem” (Vâng, họ nằm xuống bên cạnh, tôi đã “thành thật khai báo” với họ. Họ chạm hai mắt tôi và tôi chạm làn sương trên ve áo của họ. Nếu cuộc đời ta là một chiếc lá đến cuối mùa rách đi và tiêu kiếp, thì họ sẽ ghì bạn lại bằng tình yêu đầy ơn phước và xanh như một cọng lá).

Với vần “gone”, “go on”, “song” trong phiên khúc 1 và “them”, “hem”, “stem” trong phiên khúc 2, dễ dàng nhận ra đây là một bài thơ phổ nhạc, đúng như “định nghĩa” về Leonard Cohen: “một ca sĩ, một nhạc sĩ sáng tác, một nhà thơ, một nhà văn”.

Với ý “nữ tu dòng bác ái” bất chấp lớp vỏ mini-jupe và câu chuyện làm phước giữa đường như một người Samaritan (“dân ngoại” so với dân Do Thái song lại đầy tình bác ái giúp người hoạn nạn), Leonard Cohen cũng đã tỏ rõ gốc gác Do Thái, lớn lên và học trường dòng của mình...

Vĩ đại nhất trong các tác phẩm để đời của Leonard Cohen có lẽ là ca khúc Hallelujah (1984). Tựa đề đầy dáng dấp tôn giáo này thật ra là một hoan ca tình yêu:

You saw her bathing on the roof. Her beauty and the moonlight overthrew you. She tied you to a kitchen chair. She broke your throne, and she cut your hair. And from your lips she drew the Hallelujah”. (Nàng tắm trên mái nhà. Sắc đẹp nàng dưới ánh trăng làm anh nghiêng ngả. Nàng trói chặt anh vào cái ghế trong nhà bếp, đập vỡ ngai vàng của anh, cắt tóc anh, và từ đôi môi anh, nàng lôi ra lời hoan ca).

Ca khúc này ra khỏi khuôn khổ mộc mạc đàn thùng cố hữu với sự tham gia của một ban nhạc đánh slow rock thật kinh điển, nhờ cây organ (Hammond) hai tầng cổ điển réo rắt làm nền cho hoan ca mang dấu nhà thờ này.

Hai ca khúc trên chỉ là một góc trong sự nghiệp sáng tác, ghi âm và biểu diễn không ngơi nghỉ của lão trượng cùng thời và đồng đẳng với những cổ thụ của dòng nhạc folk như Bob Dylan, Paul Simon... mà album cuối cùng (thứ 14) mới ra mắt hôm 21-10 - hai tuần sau khi Leonard Cohen qua đời.

Thêm một lão trượng làng nhạc ra đi sau Natalie Cole (con gái của huyền thoại Nat “King” Cole) ở tuổi 65, David Bowie ở tuổi 69, Glenn Frey - tay guitarist của The Eagles và tuyệt khúc Hotel California (67 tuổi), Paul Kantner và Signe Anderson cùng của ban nhạc Jefferson Airplane từ trần cùng ngày với nhau, hôm 28-1, cùng ở tuổi 74. Một thế hệ ca sĩ - nhạc sĩ đã lần lượt ra đi, đương nhiên kèm theo là một thế hệ người nghe.

 
Bên trên