Tại sao iMac chứ không phải iPhone mới là thành quả vĩ đại nhất của Jony Ive?

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Nếu bạn muốn biết tác phẩm có giá trị lớn nhất của Ive, có lẽ bạn sẽ phải quay về năm 1998.

1956592.jpg


Jony Ive sẽ rời khỏi Apple. Đó là cú sốc văn hóa lớn nhất mà công ty công nghệ số 1 thế giới gặp phải kể từ cái chết của Steve Jobs năm 2011.

Khi nghĩ đến Ive và những tác phẩm thiết kế của ông, chúng ta thường nói về iPod và iPhone. Chúng là những thiết bị đã mang Apple lên chín tầng mây.

Nhưng nếu bạn muốn biết tác phẩm có giá trị bậc nhất của Ive, bạn sẽ phải quay về năm 1998. Đó là bởi thành quả quan trọng nhất của Jony Ive không phải là iPhone – đó là chiếc iMac.

Phá vỡ khuôn mẫu

Năm 1998 là thời điểm quan trọng trong lịch sử Apple. Trong phần lớn thập niên 1990, công ty đã rơi vào tình trạng khó khăn, thâm hụt tài chính, và khách hàng thì dao động ở tỉ lệ không lường trước được. Chỉ tính riêng ngày 27/6/1997, Apple đã mất 56 triệu USD – chưa kể 1,6 tỷ USD đã bay hơi trong 500 ngày tại vị của CEO thời điểm đó là Gil Amelio.

Steve Jobs lúc bấy giờ vừa trở lại Apple với vai trò CEO tạm thời và phải hành động thật nhanh để cứu lấy công ty. Khi Jobs lần đầu gặp thiết kế trưởng Jony Ive, vị CEO này chẳng thèm nói một lời tốt đẹp nào. Theo đúng phong cách khó chịu của mình, Jobs nói với Ive rằng "Cậu làm việc không hiệu quả lắm nhỉ?". Về phần Ive, lúc này ông đã thủ sẵn một lá thư xin từ chức trong túi quần.

Thế nhưng đến cuối ngày hôm đó, Ive lại tỏ ra hào hứng được làm việc cùng Jobs. Cả hai nhanh chóng bắt nhịp vì có cùng nỗi ám ảnh điên cuồng về thiết kế và đều là những gã có bản tính hơi kỳ quặc một chút. Cũng trong ngày này, họ đã bắt tay vào việc tạo ra một thứ mà sau đó đã trở thành chiếc iMac đầu tiên.

Vào cuối thập niên 1990, thiết kế máy tính đã đi vào ngõ cụt, đâu đâu cũng chỉ thấy những chiếc hộp màu be không thể phân biệt được. Và lúc này, có một thị trường cực lớn vẫn chưa được khai thác: những người dùng máy tính như một công cụ kiếm sống, nhưng lại thường bị mọi người khác lảng tránh bởi tính cách có phần "mọt sách" của họ.

Ive nhận định trong một phỏng vấn với CNN vào năm 1998 rằng các công ty trong ngành công nghiệp máy tính quá sợ sệt không dám bứt phá khỏi khuôn mẫu chung để cân nhắc bất kỳ thứ gì khác ngoài tốc độ và hiệu năng.

Jobs và Ive có một ý tưởng hay hơn.

Họ sẽ làm ra một thiết bị với mục tiêu xóa bỏ những sợ hãi xoay quanh chiếc máy tính. Với nhiều người, máy tính là những vật thể khó hiểu, lạ lẫm, một đống dây nhợ và bo mạch chẳng hề dành cho người bình thường. Apple sẽ làm một điều khác biệt. "Chúng tôi có thể làm ra một chiếc máy tính trông như quả bưởi", Ive nói. Bất kỳ thứ gì miễn là người ta thấy máy tính không phải là một thứ phải sợ nữa.

"Chúng tôi cố làm mọi thứ thật đơn giản, thanh lịch", Ive giải thích. Thay vì đòi hỏi người dùng kết nối thùng máy với màn hình, iMac sẽ có dạng tất cả trong một, tức bạn chỉ cần cắm điện vào là dùng được ngay. Nó sẽ loại bỏ mọi rào cản thường khiến những người mới tiếp xúc máy tính lần đầu cảm thấy chán nản.

Chiếc máy này sẽ có nhiều màu sắc tươi sáng, vui nhộn, tách biệt hẳn với những thiết kế nghiêm nghị, cũ kỹ mà các đối thủ của Apple đang ứng dụng. Và lớp vỏ ngoài của máy sẽ trong suốt, để người dùng có thể thấy nội thất bên trong cỗ máy, cho họ thấy chẳng có gì gọi là bí ẩn cả.

"Chúng tôi cố truyền đạt một ý tưởng rằng máy tính có thể thay đổi tùy theo nhu cầu của bạn, giống một con tắc kè vậy", Ive nói. "Đó là lý do vì sao chúng tôi thích trong suốt. Bạn có thể sơn màu gì đó, nhưng như vậy thì chẳng có gì thay đổi cả. Và ý tưởng đó thật táo bạo".

lg.php

1956589.jpg


Bên trên chiếc máy là một tay nắm. Xét từ góc độ cơ năng, tay nắm là một thứ thừa thãi – iMac là máy tính bàn, và chẳng ai lại thường xuyên vác nó đi khắp nơi cả. Nhưng nó lại không đơn thuần xét về mặt cơ năng – giống như mọi chi tiết khác trên chiếc iMac, tay nắm được thêm vào để truyền tải một ý tưởng khác.

"Thời đó, người ta không thoải mái với công nghệ", Ive giải thích. "Nếu bạn sợ thứ gì đó, bạn sẽ không động vào nó. Tôi thấy mẹ mình sợ không dám chạm vào máy. Nên tôi nghĩ, nếu có cái tay nắm trên máy, nó sẽ giúp tạo ra một mối quan hệ. Nó có thể tiếp cận được. Nó trực quan. Nó cho phép bạn chạm vào máy. Nó mang lại cảm giác tôn trọng đối với bạn".

Nhiêu đó đủ để thấy tài năng thiên bẩm của Jony Ive. Tay nắm là thứ không thực tế, và ý tưởng đó sẽ bị loại bỏ ở mọi công ty khác vì bị cho là thừa thãi. Nhưng Steve Jobs nhận ra tầm quan trọng của nó, và rằng "nó là một phần của sự thân thiện và vui tươi của iMac", Ive nhớ lại.

Thiết kế được ăn cả ngã về không

Thiết kế của iMac là một kênh bạc lớn. Ken Segall, trưởng bộ phận sáng tạo của Apple và là người chỉ đạo chiến dịch "Think different" nổi tiếng, gọi đó là một thiết kế "được ăn cả ngã về không" trong cuốn sách ông xuất bản năm 2012. Khi Apple vén màn chiếc iMac cho Segall và nhóm của ông, Segall cảm thấy "vừa sốc, vừa hào hứng, vừa hi vọng rằng Steve Jobs thực sự biết ông ấy đang làm gì – bởi có khả năng chiếc máy tính mang tính cách mạng này khiến người ta quá sốc không dám mua về dùng". Nó như là cú tung xúc xắc cuối cùng của Apple, và phải làm sao tung cho thật thông minh. May cho Apple, mọi chuyện xuôi chèo mát mái.

iMac đạt được kết quả khả quan. Chỉ 6 tuần sau đợt mở bán iMac lần đầu tiên, Apple công bố lợi nhuận đã trở lại. Hãng bán được 278.000 máy, giúp doanh số tăng 28% so với quý trước đó. Có lẽ quan trọng nhất chính là việc 30% doanh số iMac đến từ những người tìm mua chiếc máy tính đầu tiên của họ, cho thấy sự sợ hãi đã không còn nữa.

Điều khiến chiếc iMac quan trọng đến vậy không phải là bởi nó là một chiếc máy tính bán chạy. Nó đã thay đổi cách nhìn của mọi người về máy tính. Nó mang họ ra khỏi đám mây sợ hãi và bí ẩn vốn đã bao trùm lên họ quá lâu rồi. Nó khiến họ trở nên thân thiện, và qua đó, mở đường cho tất cả những công nghệ tiêu dùng hiện đại ngày nay.

Nếu không có iMac của Ive, sẽ không có iPod, iPhone, iPad, hay bất kỳ thứ gì tương đương từ các công ty đối thủ. Thế giới công nghệ tiêu dùng nhiều khả năng sẽ rất khác biệt. Năm 1998, quán tính và sự sợ hãi quá lớn ngăn cản không cho các công ty máy tính bứt phá khỏi khuôn mẫu. Cả ngành công nghiệp cần một ai đó như Jony Ive để có thể vùng dậy!

Theo Vn review​
 

gokupan

Active Member
Thiếu Jobs, Ive, ko hiểu Apple sẽ đi về đâu!!?. Cook thì quá tham lam, muốn làm hài lòng phố Wall hơn là người hâm mộ. Liên tục đẩy giá các sp lên một tầm mới. Apple có vẻ như muốn coi mình là một cty bán các sp thời trang như Hermes, LV,.. chứ ko còn là một cty công nghệ nữa r
 
Bên trên