Tại sao Apple, Microsoft, Google chọn earbuds còn Sony, Samsung, Xiaomi hay Sennheiser là in-ear

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Có thể nói rằng mặt bằng chất lượng âm thanh của earbuds nói chung thường kém hơn in-ear, chưa kể kiểu sáng tai nghe cỡ nhỏ này cũng có khả năng cách âm/khử ồn rất kém. Vậy, tại sao 3 ông lớn công nghệ hàng đầu thế giới lại "chẳng hẹn mà gặp" khi cùng theo đuổi kiểu dáng earbuds?

Bên cạnh những sản phẩm bước ngoặt như Surface Pro X, Surface Neo hay Surface Duo, trong sự kiện 2/10 Microsoft cũng đã truyền tải một thông điệp mạnh mẽ mà ít người để ý đến: phụ kiện âm thanh đóng vai trò quan trọng trong tương lai của ngành hi-tech. Ở mức giá 249 USD, Surface Buds là dòng sản phẩm âm thanh thứ hai của Microsoft, nối tiếp chiếc tai nghe khử ồn Surface Headphones được công bố cùng Surface Pro 6 năm ngoái. Đây cũng là sản phẩm True Wireless đầu tiên của ông lớn phần mềm số 1 thế giới, đánh dấu bước tiến của Microsoft vào một thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.

Không lựa chọn in-ears

Có một điểm đặc biệt về Surface Buds khi so với các mẫu True Wireless của Sony, Samsung, Sennheiser hay B&O: Surface Buds sử dụng kiểu dáng earbuds (đặt vào tai) thay vì in-ears (nhét sâu vào tai). Earbuds cũng là kiểu dáng được Apple trung thành sử dụng kể từ 2016 tới nay, cũng lại là lựa chọn của Google với Pixel Buds…


Thị trường tai nghe phân hóa thành 2 nhóm: earbuds (đặt vào tai) và in-ears (nhét tai).

Tại sao các ông lớn công nghệ lại dùng kiểu dáng earbuds thay vì in-ears giống như các hãng âm thanh? Trước hết, hãy cùng điểm qua một vài sự khác biệt giữa earbuds và in-ears. Do chỉ được "đặt" vào tai nên earbuds chặn tiếng ồn rất kém và cũng không thể tích hợp công nghệ khử ồn chủ động (ANC).

Ngược lại, in-ears phổ thông tiếp xúc với tai qua phần đệm mút mềm, chặn đường đi trực tiếp của tiếng ồn vào tai và do đó cũng hỗ trợ ANC. Tất cả các tên tuổi lớn trong làng smartphone (Android) như Samsung, Huawei, Xiaomi hay các hãng âm thanh đình đám đều đã có tai nghe in-ear hỗ trợ khử ồn, trong đó nổi bật nhất dĩ nhiên là True Wireless: Galaxy Buds, AirDots Pro, Momentum TW, WF-1000X v…v…

Xét trên khía cạnh chất âm, cũng bởi tiếp xúc trực tiếp với tai mà in-ear truyền tải được nhiều bass hơn và do đó có thể coi là có chất lượng âm thanh vượt trội. Dĩ nhiên, đây là một đánh giá hoàn toàn cảm tính, nhưng số lượng các hãng đầu tư cải thiện chất âm cho in-ear đắt tiền tỏ ra đông đảo hơn hẳn. Trào lưu earbuds cao cấp khá lép vế trước in-ear cao cấp; các tên tuổi của trào lưu này cũng có thể coi là kém tiếng hơn hẳn so với các thương hiệu in-ear.

Lựa chọn của 3 ông lớn


In-ears thường hạ đo ván earbuds về chất lượng âm thanh.

Rõ ràng là kiểu dáng earbuds có nhiều điểm bất lợi hơn in-ear. Nhưng ở phía ngược lại, earbuds cũng có một lợi thế sống còn. Chính lợi thế này đã khiến 3 ông lớn công nghệ quy mô bậc nhất thế giới cùng "vô tình" lựa chọn earbuds.

Đó là mức độ thoải mái. Do in-ear tiếp xúc với tai người chủ yếu qua đệm mút, trong phần lớn các tình huống toàn bộ trọng lượng của hai bên tai sẽ tác động lên chính khu vực lỗ tai của người dùng. Tai in-ear cũng bịt kín lỗ tai của người dùng, ngăn không cho vi khuẩn thoát ra ngoài. Việc đeo in-ear lâu gây ngứa, mỏi và khó chịu ở tai không phải là hiếm gặp.

Ngược lại, earbuds được đặt trong khoang tai, tiếp xúc với tai trên một bề mặt rộng. Tai nghe dạng này cho phép không khí có thể lưu thông. Với đệm mút phụ trợ - ví dụ như đệm mút cao su mà Microsoft bán ra kèm Surface Buds, người dùng sẽ được tận hưởng mức độ thoải mái cao hơn hẳn in-ears.


Earbuds có một lợi thế sống còn: Trải nghiệm sử dụng thoải mái.

Chỉ riêng lợi thế về mức độ thoải mái thôi đã là quá đủ để lựa chọn earbuds thay cho in-ears. Hãy thử nghĩ đến tình huống người dùng đang đeo tai thì phải bỏ ra vì quá khó chịu – tình huống này chỉ chấp nhận được khi người dùng đặt chất lượng nghe nhạc lên trên hết. Còn trong khi làm việc, khi thực hiện cuộc họp dài hơi qua mạng, mức độ thoải mái của earbuds (hay tai nghe chụp cỡ lớn theo kiểu Surface Headphones) mới là tối quan trọng.

Một lợi thế khác của earbuds chính là… bất lợi tiềm ẩn của kiểu dáng này: chặn tiếng ồn kém. Trong môi trường công sở, liệu bạn có muốn bịt kín tai bằng những chiếc tai nghe nhỏ, không thể nhận biết khi nào đồng nghiệp đang cần đến mình và mất luôn kênh thông tin "ngầm" đang diễn ra xung quanh?

Không quan tâm in-ears

Trong tương lai, earbuds có lẽ sẽ tiếp tục chiếm thế thượng phong trước in-ears. Là lựa chọn của 3 ông lớn công nghệ hàng đầu thế giới, earbuds True Wireless hiện là điểm hội tụ của các tiện ích mà các hãng smartphone "thường" hay các hãng âm thanh không thể tự sáng tạo ra: kết nối một chạm, điều khiển cảm ứng, dịch trực tiếp v...v...


Earbuds là lựa chọn của những kẻ đủ tầm để thúc đẩy thế giới hi-tech tiến về phía trước.

Ở phía ngược lại, lợi thế duy nhất của in-ear vẫn chỉ là chất lượng âm thanh. Có lẽ, nếu có cơ hội thử nghiệm, phần đông người dùng sẽ đánh giá WF-1000xm3 của Sony hay Momentum TW của Sennheiser là những lựa chọn hàng đầu về chất lượng âm thanh. Nói về chất âm, họ có lẽ sẽ xếp AirPods hay Pixel Buds phía dưới chiếc AirDots Pro "rẻ như bèo" và chiếc Galaxy Buds được tặng không cho người mua S/Note.

Nhưng chính điều này lại làm bật lên tầm nhìn vượt trội của những ông lớn nắm nền tảng như Apple, Google và Microsoft: họ hiểu rằng thị trường âm thanh quá nhỏ bé, và tai nghe chỉ có thể tăng trưởng trên nhóm khách hàng phổ thông - những kẻ không quan tâm đến âm thanh. Chìa khóa để chinh phục nhóm khách hàng rộng lớn nhưng khó chiều này trước tiên là trải nghiệm sử dụng hàng ngày. Và như thế, earbuds trở thành lựa chọn của những gã khổng lồ có khả năng thúc đẩy thế giới hi-tech đi về phía trước, còn in-ears lại là lựa chọn của những kẻ tin vào các giá trị truyền thống dễ thấy như chất âm và khử ồn.

Theo Genk​
 

tittom79

Well-Known Member
Bài phân tích hay và thực tế các bác nhỉ. Cảm ơn bác SkylerNew đã mang đến thông tin cho người đọc .
 
Bên trên