Sự lao dốc của Meta: Từ đại gia nghìn tỷ USD đến chỗ bắt nhân viên chia nhau bàn làm việc, giá cổ phiếu giảm tới 70%

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Việc Mark Zuckerberg mải mê với dự án metaverse chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự sa sút của Meta.

Việc sa thải hàng loạt gần đây của Meta – công ty mẹ của Facebook, đã đánh dấu một bước ngoặt đối với đế chế công nghệ có mô hình kinh doanh từng dường như không thể chạm tới bất chấp nhiều năm tranh cãi về quyền riêng tư.

Mặc dù một số người có thể cho rằng sự xuống dốc của Meta là do CEO Mark Zuckerberg bị ám ảnh bởi dự án metaverse, nhưng theo Yahoo News, đó chỉ là một yếu tố khiến giá cổ phiếu của công ty giảm tới 70% trong năm ngoái. Các nguyên nhân lớn khác bao gồm sự phát triển của nền tảng video ngắn TikTok, những thay đổi về quyền riêng tư của Apple gây ảnh hưởng đến doanh thu quảng cáo và thiếu người dùng Gen Z.

Mike Proulx - Giám đốc của công ty nghiên cứu thị trường Forrester, nói với Yahoo: “Meta đang bước mỗi chân một hướng khác nhau. Một chân theo metaverse, chân còn lại là video dạng ngắn để cạnh tranh với TikTok. Tất cả đều không đem lại hiệu quả đặc biệt tốt ở thời điểm hiện tại”.

Meta phải đối mặt với các mối đe dọa từ cả cơ sở người dùng đã “có tuổi” của mình lẫn sự trỗi dậy của TikTok - ứng dụng có hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng.

Chìa khóa thành công của TikTok là định dạng video dạng ngắn và thuật toán giúp cung cấp luồng video được thiết kế để “mê hoặc” người xem. Khi TikTok đang không ngừng phát triển, Meta lại tập trung vào việc cạnh tranh với Snapchat. Nhờ đó, TikTok có thể tiếp tục hoàn thiện thuật toán và thu hút người dùng Gen Z.

Sau đó, nỗ lực dùng Reels để cạnh tranh với TikTok của Meta cũng không thu hút được nhiều người dùng trẻ. Proulx cho biết: “Sự phổ biến của Reels thấp hơn nhiều so với sự phổ biến của TikTok đối với Gen Z”.

tiktok-vs-reels-1120x450-1668647096566-166864709674963458322.jpg

Ảnh: Internet.​

Theo Forrester, chỉ 40% thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi tham gia khảo sát cho biết họ sử dụng Facebook hàng tuần — giảm từ mức 48% vào năm 2021. Tỷ lệ này đối với Instagram là 61% và với TikTok là 69%.

Một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew vào tháng 8 cho thấy chỉ 32% thanh thiếu niên được hỏi sử dụng ứng dụng Facebook, trong khi 62% nói rằng họ sử dụng Instagram. Con số này ở TikTok là 67%.

Thật không may cho Meta, TikTok đang tiếp tục thu hút được cả người dùng và các nhà quảng cáo.

Julie Biel – giám đốc và nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của công ty đầu tư Kayne Anderson Rudnick, nhận định: “Hai năm trước, không nhiều người nghĩ TikTok sẽ chiếm ưu thế như hiện tại. Họ đang chiếm thị phần của Meta. Không có gì ngạc nhiên khi các nhà quảng cáo đang giảm chi tiêu tại Meta, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế hiện tại”.

Cỗ máy kiếm tiền của Meta đang bị siết chặt. Nền kinh tế suy yếu đang cản trở họ - doanh nghiệp tạo ra phần lớn doanh thu từ quảng cáo trực tuyến. Một trong những mục hàng đầu mà nhiều công ty cắt giảm để tiết kiệm chi phí là ngân sách quảng cáo. Và điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của Meta.

Bên cạnh đó, Meta cũng vẫn đang xử lý hậu quả từ những thay đổi về quyền riêng tư trên iOS của Apple – cho phép người dùng không để các ứng dụng theo dõi dữ liệu của mình trên ứng dụng và trang web của bên thứ ba.

Trước khi thị trường quảng cáo bắt đầu suy yếu, Mark Zuckerberg – CEO của Meta, đã cảnh báo rằng những thay đổi về quyền riêng tư của Apple sẽ giết chết quảng cáo kỹ thuật số.

Hai yếu tố trên đã khiến hoạt động kinh doanh của Meta trở nên ảm đạm. Quý II năm nay, công ty công bố doanh thu lần đầu tiên giảm so với cùng kỳ năm trước. Đến quý III, tình hình càng tồi tệ hơn.

Ngay cả khi tốc độ tăng trưởng doanh thu giảm, Zuckerberg vẫn tiếp tục gây áp lực lên Meta bằng cách chi hàng tỷ USD cho các kế hoạch của mình với dự án vũ trụ ảo metaverse.

Năm 2021, Meta đã chi 10 tỷ USD cho Reality Labs - bộ phận xây dựng phần cứng và phần mềm metaverse của công ty. Trong năm nay, con số đó là hơn 9 tỷ USD. Trong cuộc gọi thu nhập quý III gần đây của Meta, CFO Dave Wehner cho biết chi tiêu cho metaverse sẽ còn tăng nhiều hơn vào năm 2023.

Hàng tỷ USD này được nhận xét là đã được dùng để tài trợ cho dự án mà mọi người thậm chí có thể không bao giờ đăng ký sử dụng. Theo Wall Street Journal, “Horizon Worlds” của Meta vẫn là một thứ mơ hồ. Ban đầu, Meta muốn có 500.000 người dùng trong ứng dụng vào cuối năm 2022, nhưng sau đó đã giảm xuống còn 280.000. Đến nay, mới có ít hơn 200.000 người sử dụng nền tảng ảo này.

Sự lao dốc của Meta: Từ đại gia nghìn tỷ USD đến chỗ bắt nhân viên chia nhau bàn làm việc, giá cổ phiếu giảm tới 70% - Ảnh 6.
Mark Zuckerberg.​

Tháng trước, Zuckerberg đề cập rằng metaverse cũng có thể trở thành một không gian làm việc ảo, nhưng một số chuyên gia vẫn hoài nghi về điều này.

Biel cho biết: “Họ đang cố gắng thuyết phục chúng ta rằng kế hoạch của họ hữu dụng. Tôi không nghĩ có người lại muốn ngồi trong không gian ảo và tham gia các cuộc họp văn phòng. Họp hành trực tuyến thực sự đã đủ tệ rồi”.

Meta mới đây đã cắt giảm chi phí bằng cách sa thải hàng loạt nhân viên, giảm đặc quyền và thu hẹp diện tích bất động sản – đồng nghĩa với việc nhân viên của họ sẽ phải chia sẻ bàn làm việc.

Tuy nhiên, Proulx cho biết công ty cũng cần xây dựng lại kế hoạch kinh doanh nếu muốn tăng tốc. Ví dụ, họ cần lựa chọn giữa dự án metaverse mà Zuckerberg coi là tương lai hoặc các ứng dụng mạng xã hội vốn là “con gà đẻ trứng vàng” để tập trung phát triển.

Theo Genk​
 
Bên trên