torune
Film critic
Khó để nói rằng 'Split' xuất sắc hay vượt trội, tác phẩm nhận hết mọi tinh hoa của M. Night Shyamalan. Ai đã xem và thích những phim trước của nhà làm phim này sẽ rất thích 'Split' còn không thì... hên xui.
Dẫu biết rằng cách kể của tác giả là không kể huỵch toẹt ra những ngõ ngách trong sinh hoạt của nhân vật/đối tượng chính mà dùng góc nhìn của các bên khác để mô tả đối tượng này. Tuy nhiên, có cảm giác M. Night Shyamalan hơi tham lam khi mà thời lượng lên hình cho 3 nhân vật - bệnh nhân rối loạn đa nhân cách (nam chính), vị bác sĩ và một trong 3 cô bé bị bắt - gần như tương đương nhau. Trong khi nhân vật chính (do James McAvoy thủ vai) lại được quảng cáo khá nhiều trên phương tiện truyền thông, dễ tạo cho khán giả (trong đó có torune) cảm giác muốn biết nhiều hơn những gì có trong đầu nhân vật này, hắn hành động như thế nào, các nhân cách thay đổi từ góc nhìn của nhân vật này ra sao... chứ không phải từ góc nhìn của những người tương tác với hắn. Nên thành ra, xem xong phim mà vẫn rất... hoang mang về những tính cách của nhân vật này. Nhân cách thì nhiều thật, nhưng tác giả chỉ làm ở bề nổi, chú trọng về số lượng, chất thì lại ít. Và vì gồng gánh một số lượng lớn nhân cách trong cùng một người nên cách thể hiện cho khán giả bị hạn chế, các nhân cách gần như rập khuôn (sterotype), chưa kể là chỉ có vài nhân cách đại diện được lên hình, những nhân cách còn lại cứ bị lướt qua chóng vánh, rất khó chịu.
Cụ thể, 'Split' có giới thiệu cô Patricia, cậu bé Hedwig, Dennis, Barry... và áp đặt những hành động thường nhật của một phụ nữ đứng tuổi, một cậu bé, một chàng thanh niên... rất hay làm, sau đó tung qua tung lại, và chẳng đi đến đâu. Tung hứng một hồi rồi tác giả nhỏ giọt thông tin về "The Beast" (con quái vật) nhưng mọi thứ vẫn rất rối mù.
Cùng lúc, phim lại đưa cho khán giả những đầu mối giúp cô gái trẻ tẩu thoát, những lập luận khoa học từ phía nhà tâm lý học. Chưa kể là khai thác hẳn đời tư của cô bé qua hoạt hồi tưởng. Tới lúc này thì mình đã bị... lạc trôi với những điều mà 'Split' muốn truyền tải. Liệu, phim đi theo hướng giật gân, kiểu như một nhân vật buộc phải tẩu thoát khỏi sát nhân tâm thần? Hay theo hướng hiện thực, nhờ khoa học can thiệp vào giải quyết vấn đề? Hay theo hướng siêu nhiên, tưởng tượng?
Sau nhiều pha tung hứng qua lại giữa 3 mạch truyện là một hồi kết có tiết tấu nhanh, gỡ gạc lại mớ bùi nhùi mà 'Split' ném vào khán giả. Tổng quan thì phim kể đúng kiểu M. Night Shyamalan, diễn biến trước cao trào hơi... nhây, nhưng cao trào rất nhanh gọn, giải quyết dứt điểm, kèm thêm nhiều câu nói mang tính triết lý. Đáng chú ý, vì công tác quảng bá quá mạnh nên twist cho nam chính không gây bất ngờ. May thay, những bất ngờ nho nhỏ lại xuất hiện từ phía quý bà bác sĩ tâm lý và cô bé bị dẫn dụ. Hạ màn rồi mà cũng có twist nho nhỏ, cùng sự trở lại của một gương mặt từ phim ngày xưa của M. Night Shyamalan. Dự là phim sau nối liền với 'Split' và phim này để tạo thành vũ trụ siêu nhiên.
Không biết khán giả khác nghĩ sao chứ mình thấy trong 'Split' có một thông điệp về niềm tin, cao hơn là đức tin. Đức tin như một lựa chọn tối thượng để cứu rỗi một nhân thân. Có những đức tin mạnh mẽ đến nỗi biến sự không thể thành có thể. Phim như một hành trình, một nghi thức chào đón cho sự ra đời của "người" bảo vệ đức tin, dẫn dắt cho "bầy đàn" (The Horde). Người mang đức tin khác có thể hành động hay bày tỏ thái độ cảm thông với người ở "đàn" khác, nhưng việc này chỉ dừng ở một mức độ nào đó, và khi đạt đến giới hạn - đức tin, mâu thuẫn sẽ xuất hiện.
Tóm lại, 'Split' chọn một đề tài táo bạo, nhưng làm vẫn chưa tới. Diễn xuất diễn viên, hình ảnh và âm thanh, mọi thứ đều ổn nhưng cách kể chuyện quá ôm đồn, không đủ thời gian chăm chút cho mọi thứ, vô hình chung khiến chúng... tách biệt với nhau. Kết phim gọn ghẽ, phần nào thỏa mãn được cảm giác người xem, đồng thời mở lối cho hậu truyện.
torune@hdvietnam
Chỉnh sửa lần cuối: