caynam
Super Moderators
Vừa qua thì mình có cơ hội cho 2 TV là Samsung QLED Q8 (65Q8C) và Sony Bravia OLED A1 (65A1) đối đầu nhau, đều là dòng 65 inch. Giá thực tế tại siêu thị Điện Máy Xanh của QLED Q8 là vào 93 triệu trong khi OLED A1 là 105 triệu, đây thực sự là một mức giá chênh lệch không nhiều so với đẳng cấp công nghệ OLED.
Để cho công bằng thì nguồn thì mình dùng đầu Zappiti 4K Duo, dùng đầu chia để xuất cùng lúc lên 2 TV. TV Samsung QLED Q8 em để bên trái, còn TV Sony Bravia OLED A1 thì bên phải. Cả 2 TV đều được đặt ở chế độ phim ảnh (cinema chuyên nghiệp đối với Sony). Chuyện màu sắc thì mình thấy tùy theo gu mỗi người nên chỉ lướt qua nhẹ nhàng thôi, ở đây mình chỉ tập trung những yếu tố quan trọng tạo sự khác biệt.
Bật thử phim La La Land bản 4K HDR, chưa xét đến chuyện hình ảnh, điều trước nhất mà em nhận thấy là TV QLED vẫn bị hở sáng. Thật ra điều này cũng không khiến mình mấy ngạc nhiên, vì Q8 vẫn sử dụng đèn nền. Mà đã sử dụng đèn nền thì dĩ nhiên chuyện hở sáng là điều không tránh khỏi. Năm ngoái dòng KS9800 cao cấp là xài LED full-array còn đỡ, chứ năm nay dùng toàn LED viền thì xác định không nặng cũng nhẹ. Sony A1 thì hoàn toàn không bị vấn đề này, vì mỗi điểm ảnh của nó là đi-ốt tự phát sáng rồi.
Mình đánh giá cao Q8 ở độ sáng tối đa. Samsung họ công bố độ sáng tối đa của Q8 đến 1500 nit, và trong cảnh trên thì các bác cũng thấy là về tổng thể đúng là nó sáng hơn hẳn A1. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ độ sáng TV chỉ cần ở mức vừa phải, quá thấp dĩ nhiên là hình ảnh không đẹp mà quá cao thì dẫn đến chói và mỏi mắt. Bác nào nghiên cứu chuẩn UHD Premium thì sẽ thấy rằng mấy chuyên gia nước ngoài họ đặt mức sang tối thiểu cho LCD là 1000 nit, nhưng đối với OLED thì chỉ cần 700 nit thôi.
Thực chất, độ sáng không giải quyết vấn đề chất lượng hình ảnh, mà yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng hình ảnh chính là độ tương phản các bác ạ.
Chính lợi thế mơ hồ về độ sáng của Q8 một lần nữa cho thấy hình ảnh thực tế trên Q8 kém xa A1 như hình thực tế bên trên. Cảnh này cho thấy rõ ràng A1 chiếm ưu thế tuyệt đối về khả năng thể hiện màu đen. Đây là một đoạn về vũ trụ trong phim Life of Pi (bản 4K HDR), các bác có thể dễ dàng thấy là độ sâu màu đen của OLED A1 vượt trội làm nổi bật dải ngân hà tuyệt đẹp. Trong khi đó thì hình ảnh của Q8 lại nhợt nhạt, do “màu đen” ở đây thực chất là “màu xám”.
Cảnh này trong phim Life of Pi đã thể hiện sự khác biệt về đẳng cấp giữa 2 TV một cách vô cùng thuyết phục. Nếu như A1 thể hiện hình ảnh một cách hoàn hảo, với độ sâu cực tốt, hình ảnh nhân vật nổi tách biệt với nền, thì Q8 lại tỏ ra nhợt nhạt thiếu ấn tượng.
Không cần con số khủng về độ sáng như QLED mà Samsung đang quảng bá rầm rộ, việc khởi đầu từ màu đen tuyệt đối giúp OLED A1 đạt được độ tương phản cao hơn rất nhiều so với Q8. Chính độ tương phản này khiến một số cảnh khi xem em có cảm giác độ sáng chúng như nhau, mặc dù vẫn biết là Q8 về lý thuyết sáng hơn. Đặc biệt là bác nào xem phim HDR thì sẽ càng thấy sự chênh lệch hình ảnh này càng rõ ràng. Phim HDR giờ nhiều lắm, mời các bác vào trong box chia sẻ phim của Hdvietnam để tìm.
Về phần màu sắc thì mỗi hãng có một cách làm màu riêng mà họ cho rằng sẽ bắt mắt người xem nhất. Em thấy Sony họ có lợi thế hơn bởi bản chất thì họ không chỉ sản xuất TV mà cả màn hình OLED chuyên dụng dành cho dựng phim Hollywood nữa (bác nào làm trong lĩnh vực truyền hình, điện ảnh thì sẽ biết Sony nổi tiếng như thế nào trong mảng này, Sony còn cả kênh truyền hình riêng AXN nữa). Các bác có thể dễ dàng thấy là cùng một cảnh nhưng màu sắc của A1 đậm đà hơn hẳn. Vâng, nếu nói về màu sắc thì Sony đã nổi tiếng trước giờ trong giới HD chúng ta rồi.
Đoạn video intro của series phim Planet Earth II làm mình thực sự thất vọng hơn nữa về khả năng hiển thị của Q8, đúng là nó không thể cùng đẳng cấp với A1. Theo mình, Samsung đã có một bước thay đổi đáng thất vọng khi marketing quá nhiều về độ sáng của QLED nhưng trên thực tế thì không mang lại hiệu quả hiển thị hình ảnh. Thực ra, về góc độ người dùng thì đây là một đòn tung hỏa mù hiệu quả, bởi những con số được Samsung đưa ra làm người dùng lóa mắt, nhưng thực tế không mang lại hiệu quả về chất lượng hình ảnh. Điều đó mình đã được thấy được từ thực tế trải nghiệm hai con Q8 và A1.
Như trải nghiệm thực tế như các bác đã thấy ở trên, rõ ràng là A1 cho chất lượng hình ảnh đẹp hơn hẳn Q8. Và với mức giá chênh lệch chỉ khoảng 10% giữa hai mẫu TV này, mình cho rằng Sony OLED A1 là sự lựa chọn tối ưu cho những bác có điều kiện về tài chính và muốn sở hữu mẫu TV đẹp nhất hiện nay. Bên lề một chút, mình nghĩ rằng màn hình cong không phải là xu hướng hay chính xác hơn là đã thoái trào (Các bác để ý các sản phẩm mới được giới thiệu tại CES2017 vừa rồi hoàn toàn không có TV màn hình cong, ngay cả Q9 của Samsung cũng phẳng).
Cảm ơn các bác đã theo dõi.