Vậy mà bây giờ, mức giá 1.000 USD đã trở thành điều bình thường với một chiếc smartphone cao cấp và không có dấu hiệu nào cho thấy các hãng smartphone sẽ giảm giá thiết bị của mình trong tương lai. Và, dù muốn hay không, chính chúng ta - những người tiêu dùng đã góp phần khiến giá smartphone tăng cao như vậy.
Bạn cũng có thể đổ lỗi cho Apple.
Có thể nhiều hãng smartphone đã mơ về việc tăng giá smartphone lên mức 4 con số (tính theo USD) trong nhiều đêm nhưng chỉ có Apple dám vượt qua ranh giới ấy. Các nhà phân tích và báo chí lên án quyết định này nhưng cuối cùng iPhone X giá 1.000 USD vẫn bán rất chạy. Apple đã chứng minh rằng có những người sẵn sàng trả 1.000 USD cho chiếc smartphone mới và vì thế các hãng khác như Huawei, Samsung cũng mau chóng "học tập" Apple.
Nhưng tại sao giá smartphone lại tăng cao như vậy? Lý do trực tiếp nhất mà các công ty đưa ra đó là giá nguyên vật liệu tăng lên. Điều này có thể được kiểm chứng qua Hóa đơn Vật liệu (BoM) của các mẫu smartphone. Linh kiện càng tiên tiến hơn thì chi phí càng cao và một số vật liệu chỉ có thể sản xuất ở sản lượng thấp cũng khiến chi phí sản xuất tăng cao hơn. Và khi các hãng ngày càng nhồi nhét nhiều tính năng vào smartphone thì chi phí cũng ngày càng tăng.
Xem xét kỹ hơn, chúng ta nhận ra rằng lý do giá linh kiện tăng cao có vẻ như không hợp lý cho lắm. OnePlus, dù cũng đưa ra cảnh báo về việc giá linh kiện tăng cao, vẫn có thể bán các flagship của mình rẻ hơn đáng kể so với các smartphone cùng cấu hình. Google hầu như chẳng thay đổi gì từ Pixel 2 sang Pixel 3 nhưng lại tăng giá Pixel 3 hơn 100 USD so với Pixel 2. Và chỉ cần nhìn vào BoM, khoảng cách giữa chi phí sản xuất và mức giá không hợp lý cho lắm.
Đến lúc này, các hãng smartphone sẽ đưa ra những chi phí khác như nghiên cứu và phát triển, tiếp thị, chứng nhận, thuế quan... để giải thích cho phần chênh lệch quá lớn giữa giá bán và BoM. Ngoài ra còn phải kể tới yếu tố cạnh tranh về giá trên thị trường, có nghĩa là khi một hãng tăng giá thì các hãng khác cũng sẽ làm tương tự.
Cuối cùng, mức giá smartphone tăng cao vì người mua sẵn sàng chi trả số tiền đó. Các hãng smartphone phát hiện ra rằng sẽ luôn có những người sẵn sàng mua những chiếc smartphone đắt nhất mà họ tung ra để nhận được những tính năng mới, giá trị về mặt thương hiệu... Nếu iPhone X và các mẫu smartphone sau đó thất bại vì mức giá cao, nếu người dùng không mua smartphone 1.000 USD mà đổ xô đi mua thiết bị giá rẻ nhưng có thông số tương đương thì có lẽ smartphone 1.000 USD đã không thể tồn tại. Đáng buồn thay, mọi chuyện không diển ra như vậy.
Dẫu vậy, tăng giá smartphone không phải là một xu hướng bền vững và bong bóng giá có thể sớm vỡ tung. Khả năng chi trả của người tiêu dùng không tỷ lệ thuận với mức tăng giá của smartphone và người tiêu dùng sẽ có xu hướng sử dụng chiếc smartphone đắt đỏ của họ lâu hơn khiến các hãng smartphone bán ra được ít thiết bị hơn. Điều này sẽ khiến thị trường smartphone phát triển theo hai hướng. Thứ 1, các hãng smartphone sẽ phải tăng giá các mẫu flagship của mình cao hơn nữa để bù lại doanh số thấp. Thứ 2, họ sẽ ra mắt thêm các mẫu giá rẻ để dành cho những người dùng không sẵn sàng chi hơn 1.000 USD cho smartphone mới.
Về phía người tiêu dùng, khi smartphone tăng giá tới mức khó chấp nhận họ sẽ phải xem xét tới những thương hiệu khác cung cấp smartphone với khả năng tương đương nhưng có mức giá rẻ hơn. Mặc dù smartphone của OnePlus cũng tăng giá trong vài năm qua nhưng vẫn rẻ hơn so với thiết bị của Apple, Huawei và Samsung.
Ở những thị trường khác, người tiêu dùng có thể tìm đến Xiaomi, Honor và các thương hiệu khác. Và hơn nữa, những mẫu smartphone tầm trung ngày nay đang dần bắt kịp các mẫu flagship về cả thiết kế, hiệu năng và tính năng. Ngày nay, smartphone không chỉ là đồ vật thiết yếu trong cuộc sống mà các mẫu flagship còn trở thành đồ trang sức, biểu thị địa vị và sự giàu có. Tuy nhiên, sẽ sớm thôi các mẫu smartphone flagship sẽ trở thành thứ xa xỉ mà rất ít người sẵn sàng bỏ tiền ra mua.
Theo Genk