Smartphone của Google - 10 năm nhìn lại

torune

Film critic

Ngày hôm nay (4/10/2017), Google sẽ công bố thế hệ tiếp theo của chiếc smartphone thuần Android nhất từ phần cứng cho đến phần mềm: Pixel. Mặc dù Pixel mới chỉ tròn 1 tuổi nhưng lịch sử làm smartphone của Google đã kéo dài được hơn một thập kỷ. Sau đây, mời bạn đọc cùng nhìn lại những chiếc di động thông minh một thời đã được Google gửi gắm thương hiệu của họ.

Sooner (2006 - 2007)


Ngày ấy, Google vẫn chưa biết rằng hợp đồng mua lại Android (công ty có trụ sở tại Palo Alto) lại là một trong những món hời lớn nhất trong lịch sử. Trước thị trường di động bị phân mảng từa lưa lúc bấy giờ, Google chỉ đạo một nhóm phát triển smartphone riêng của họ,chạy phần mềm mở tương thích với dịch vụ web của Google nhưng có thể nằm gọn trong túi quần người dùng.

Năm 2006, nhóm nghiên cứu hoạt động chặt chẽ cùng với HTC để làm một chiếc di động có vẻ ngoài khá giống BlackBerry. Mang tên mã "Sooner", thiết bị sở hữu 4 phím điều hướng và 4 dãy phím nổi, lấp đầy nửa thân dưới của thiết bị. Ở bối cảnh bấy giờ, đây chính là một thiết kế smartphone mà người ta mong đợi. Nếu như BlackBerry hướng tới doanh nhân thì Sooner thu hút người dùng ở màu sắc dễ thương, thân thiện.

Sooner có màn hình 320 x 240 (không cảm ứng), nhưng phần thân rất chắc chắn, kèm theo RAM 64MB, camera độ phân giải 1.3MP và tích hợp radio GPRS cho kết nối mạng di động. T-Mobile là người tiên phong hợp tác chạy thử Sooner nhưng iPhone xuất hiện và thay đổi cuộc chơi. Ngay lập tức Andy Rubin (đồng sáng lập Android) bắt đầu suy nghĩ lại về ngoại hình của một chiếc điện thoại Android.​

HTC Dream / T-Mobile G1 (2008)


Bỏ hẳn một năm sau đó, Google, HTC và T-Mobile trở lại thị trường với chiếc HTC Dream (còn được biết với tên gọi T-Mobile G1. Mặc dù khá cồng kềnh nhưng thiết bị lại là khởi nguồn của Android 1.0, đặc biệt là khu vực hiển thị thông báo, rồi đến những tính năng như copy/paste, gửi tin nhắn đa phương tiện... Những tính năng này đã giúp Android cạnh tranh được với iOS thuở sơ sinh. Bên cạnh đó, các dịch vụ tích hợp sâu Gmail và YouTube đã lôi kéo không ít người dùng cho chiếc G1.

Ngay lúc này, Google thực hiện chính sách mở cửa tự do cho mọi nhà phát hành đổ dồn vào Android Market với hơn 50 ứng dụng cho tải miễn phí ngay lúc bán thiết bị. Trở lại với chiếc G1, màn hình (3.2-inch) lúc này đã có cảm ứng nhưng chỉ hỗ trợ 1 chạm trong khi khu vực điều hướng có trackball và bàn phím QWERTY. Đáng chú ý là 4 phím: mở bàn phím số để gọi điện, trở về màn hình chính, quay lại trang trước và kết thúc cuộc gọi kiêm tắt/mở nguồn. Ngoài ra còn có một phím Menu nằm sát màn hình, cho phép truy cập nhanh vào tùy chọn.

Trên lý thuyết, HTC Dream có vẻ dễ dùng, khi đem so với... Window Mobile. Chưa kể, Dream còn được trang bị RAM 192MB và chipset của Qualcomm. Tuy nhiên, sản phẩm bị hạn chế ở cổng mini-USB (chưa phổ biến lúc bấy giờ) kiêm sạc và nghe nhạc; đồng thời, mạng 3G của T-Mobile lúc này rất hạn chế.​

HTC Magic / Google Ion (2009)


Thiết bị có tận 3 tên gọi: HTC Magic, Google Ion (tên mã) và MyTouch 3G (tên do T-Mobile đặt). Sản phẩm là phiên bản nâng cấp của Dream với "bo-đì" thon gọn hơn và nghỉ chơi với màn phím vật lý. Kích cỡ màn hình vẫn như cũ nhưng độ phân giải và chất lượng hiển thị lại được cải thiện.

Magic tạo lên một làn sóng bởi nó đóng gói mọi tinh hoa của chiếc G1 trong một thiết kế hấp dẫn hơn nhiều, đặc biệt ở thời lượng pin đáng kể, chưa kể pin có thể tháo/lắp (cho phép người dùng mang theo 'cục pin dự phòng' chứ không phải 'khối pin dự phòng' như bây giờ).

Hệ điều hành lúc này là Android 1.5 Cupcake - phiên bản đầu tiên khởi xướng cho truyền thống đặt tên theo các loại bánh kẹo. Bên cạnh đó, bản update 1.5 cũng được đưa lên chiếc G1. Thông số kỹ thuật của Dream và Magic được chia sẻ bên dưới.


Motorola Droid (2009)


Trước khi phát hành Android 2.0, Google bất ngờ chuyển đối tác sản xuất sang Motorola và biến sản phẩm của cả hai lên hạng cao cấp. Nói không ngoa thì chiếc Droid sỡ hữu những tính năng khiến nhiều người thời đó phải thốt lên hai chữ 'bá đạo' (badass).

Mặc dù dày hơn iPhone 3GS một chút, Droid đã nhét được màn 3.7-inch độ phân giải 854x480 vào một bàn phím vật lý vào cùng một thân máy. Đáng tiếc là trải nghiệm người dùng lại không được 'mượt' như hình ảnh quảng bá trên website.

Bù lại, hiệu năng của smartphone thực sự rất cao nhờ vi xử lý TI OMAP 3430 và 256MB RAM, chạy trên nền Android 2.0 - hệ điều hành hợp nhất tài khoản Gmail và Exchange, tích hợp Facebook, khả năng zoom 2 chạm ngay trong trình duyệt và đặc biệt là Google Maps.


Nexus One (2010)


Thời đại của Android đã đến. Năm 2010, Android trở nên phổ biến hơn nhờ các OEM bắt đầu tự mình sản xuất smartphone khi được tận dụng hệ điều hành mã nguồn mở từ Google. Đáng tiếc là vì quá 'thoáng đãng' nên thị trường di động Android phân mảng từa lưa từ những ngày đầu. Các nhà sản xuất càng muốn tạo sự khác biệt bằng bloatware và giao diện tùy biến thì càng đẩy xa người dùng ra Android gốc.

Vì thế mà Google đành trở lại với HTC để làm nên chiếc Nexus One nhằm định nghĩa lại Android phải như thế nào. Tương tự Droid, Nexus One dùng cảm biến điện dung cho dãy phím điều hướng và giữ lại trackball. Quan trọng hơn, Nexus One chạy chipset Snapdragon đời đầu tiên với 512MB RAM. Điểm trừ là máy chỉ có 512MB bộ nhớ trong nhưng lại có thẻ nhớ mở rộng. Đồng thời, Nexus One là chiếc Nexus đầu tiên và cũng là cuối cùng được trang bị khe cắm thẻ nhớ mở rộng.

Với Android 2.1 và camera 5MP, Nexus One đã giúp các Android Fan nở mày nở mặt. Phiên bản hệ điều hành cuối cùng mà máy được cập nhật là Android 2.2 FroYo.


Nexus S (2010)


Cứ tưởng Google chỉ cập nhật smartphone theo định kỳ hằng năm thì bất ngờ, cuối năm 2010, Nexus S ló dạng và đạt được thành công vang dội, hơn cả chiếc Nexus One nhờ màn hình Super AMOLED 4-inch đến từ Samsung, mang đến cho máy một ngoại hình đẹp khó cưỡng.

Nâng cấp đáng kể nhất phải kể đến là bộ nhớ trong 16GB, NFC, Android 2.3 Gingerbread, nhiều điều kiện phát triển game và ứng dụng VOIP cho các nhà lập trình.


Galaxy Nexus (2011)


2011 là một năm đáng nhớ cho Samsung và Google khi Samsung nhận lời khen nhờ chiếc Galaxy S II còn Google tái thiết kế Android cho tablet dựa trên nền tảng sẵn có trên smartphone. Cũng nhờ vậy, hai đơn vị cùng nhau tái hợp, cho ra chiếc Galaxy Nexus thừa hưởng mọi tinh hoa. Ngay lập tức, sản phẩm đạt kỷ lục doanh số bán ra.

Thiết bị được bán kèm với Android 4.0 Ice Cream Sandwich. Cùng lúc, trên Android Honeycomb cho tablet, Google thay mới giao diện với thiết kế "Holo" kết hợp hai màu xanh/đen. Đáng chú ý, lúc này Android đã có Face Unlock (nhưng làm không tới nơi tới chốn).


Nexus 4 (2012)


Năm 2012, Google bất ngờ hợp tác đối thủ LG để làm chiếc Nexus 4. Thiết kế sản phẩm bắt đầu đi vào lối mòn như bao hãng khác trên thị trường. Sản phẩm nhận nhiều cập nhật phần cứng lẫn phần mềm. Widget trên lockscreen xuất hiện nhưng chẳng tồn tại lâu. Daydream cũng chịu số phận tương tự.


Nexus 5 (2013)


Năm tiếp đó, Google tiếp tục mặn nồng với LG, sinh ra chiếc Nexus 5 toàn thân làm từ polycarbonate. Tới lúc này thì xác định là Google nói riêng và các hãng khác dùng Android nói chung đang lao vào cuộc chạy đua phần cứng không ngừng nghỉ.


Nexus 6 (2014)


Google mua lại Motorola Mobility vào năm 2012. Do đó, chỉ còn là vấn đề thời gian khi họ nhờ công ty con làm nên một chiếc Nexus mới. Năm 2014, Nexus 6 ra đời và là bằng chứng rằng di động lớn hơn không hẳn tốt hơn. Phần cứng và thiết kế đều được đánh giá cao, ngoại trừ khoản pin khá hạn chế cùng màn hình hơi to.

Bù lại, máy có Android 5.0 Lollipop, nhận thiết kế tối giản - trào lưu lúc bấy giờ của giới công nghệ. Bên cạnh đó, phiên bản mới của Andoird cho phép tìm kiếm bằng giọng nói trong ứng dụng khác bằng khẩu lệnh "OK, Google".


Nexus 5X (2015) + Nexus 6P (2015)


Năm 2015, Google phá lệ, làm hẳn 2 chiếc Nexus. Báo hiệu sự ngột ngạt của thị trường di động lúc bấy giờ khi ai cũng có thể làm smartphone.


Pixel / Pixel XL (2016)


Năm 2016 đánh dấu bước chuyển mình của Google ở mảng di động khi hãng bắt đầu tự thân làm smartphone mà không cần đến đối tác ngoài, cho ra hai chiếc Pixel và Pixel XL. Theo nhiều người đánh giá, ngoại hình của cả hai đều 'kém sắc' so với nhiều mẫu mã ngoài thị trường nhưng bù lại, cảm giác cầm nắm và trải nghiệm 'thuần Android' thì không thiết bị nào sánh bằng.


Theo engadget
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên