Smartphone Android sẽ không còn được sử dụng miễn phí ứng dụng của Google tại châu Âu

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
hd.jpg

Android vẫn sẽ là một nền tảng "mã nguồn mở và miễn phí", nhưng các ứng dụng của Google thì không.

Google đang thay đổi cách thức cấp phép bộ ứng dụng Android của mình ở châu Âu khi lần đầu tiên tính phí cấp phép cho Google Play Store và các ứng dụng khác của công ty.

Những thay đổi này nhằm đối phó với phán quyết của Ủy ban châu Âu vào tháng 7. Cụ thể, EU đã phạt Google 5 tỷ USD cho các vi phạm chống độc quyền liên quan đến việc gã khổng lồ phần mềm dùng ưu thế của Android để buộc các nhà sản xuất phần cứng phải cài đặt trình duyệt Chrome và ứng dụng tìm kiếm mặc định trên thiết bị của họ.

Hệ điều hành Android sẽ vẫn miễn phí và là nền tảng nguồn mở, nhưng nếu các nhà sản xuất smartphone và tablet muốn sử dụng các ứng dụng của Google và Google Play Store, họ phải trả phí cấp phép ở châu Âu. Hiện tại, Google có thể cấp phép riêng cho từng ứng dụng thay vì yêu cầu nhà sản xuất sử dụng toàn bộ gói phần mềm của họ như trước kia.

Android, được biết chính thức hơn là AOSP hoặc Android Open Source Project được cung cấp miễn phí. Google Play Store và nhiều ứng dụng khác của Google như Gmail, Google Maps và YouTube, sẽ được nhóm lại với nhau theo thỏa thuận cấp phép trả phí.

Ngoài ra Google cũng có thể tính phí bản quyền riêng cho trình duyệt Chrome và Google Search chứ không gộp chung cả hai yếu tố này trong cùng một gói như trước nữa.

Vẫn chưa rõ mức phí cấp phép mà Google sẽ áp dụng nhưng bằng cách này hay cách khác, các nhà sản xuất thiết bị phải trả tiền nếu họ muốn sử dụng bất kỳ dịch vụ nào trong số này của Google.

Nhà sản xuất thiết bị có ba tùy chọn ở đây: tạo ra smartphone không có Google Play hoặc bất kỳ ứng dụng nào khác của Google; tạo ra smartphone với Google Play và tất cả các ứng dụng của Google trừ Chrome và Google Search; cuối cùng là bán thiết bị Android với tất cả các ứng dụng, dịch vụ nêu trên như hầu hết điện thoại Android ngày nay. Quyết định này có thể ảnh hưởng rất lớn đến Google và không loại trừ khả năng nó sẽ tạo ra cơ hội cho trình duyệt và các công cụ tìm kiếm cạnh tranh của các đối thủ.

Hiroshi Lockheimer, người phụ trách Android của Google cho biết: "Vì việc cài đặt trước Google Search và Chrome cùng với các ứng dụng khác đã giúp chúng tôi tài trợ cho phát triển và phân phối miễn phí Android, chúng tôi sẽ giới thiệu thỏa thuận cấp phép trả phí mới cho smartphone và tablet được cung cấp tại thị trường châu Âu".

Lockheimer nói rõ Android vẫn là một nền tảng mã nguồn mở và tự do. Những thay đổi này chỉ ảnh hưởng đến các sản phẩm sử dụng hệ điều hành Android theo kiểu truyền thống. Nếu các công ty không muốn trả tiền, họ vẫn có thể phát hành một thiết bị mà không cần bất kỳ ứng dụng và dịch vụ nào của Google – như cách Amazon đã làm tại thị trường Trung Quốc bấy lâu nay (Google chưa hoạt động tại thị trường này).

Nhưng Google Play có khả năng giữ cho các nhà sản xuất smartphone và tablet gắn bó với Google, vì đó là nơi người dùng có thể truy cập phần lớn các ứng dụng Android. Và vì không có cách nào để có được Google Play và các ứng dụng của Google ở châu Âu một cách miễn phí nên các thiết bị bán ra cho người tiêu dùng có thể sẽ có giá cao hơn.

Điều này cho thấy Google đang muốn EU xem lại phán quyết của mình. Nói cho cùng, họ không muốn chia nhỏ Google Seach, Android và Chrome. Nhưng trong thời gian này, công ty phải tuân theo quyết định của EU và chính sách tính phí sẽ có hiệu lực từ ngày 29 tháng 10.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết rằng Google không bắt buộc phải tính phí cho các ứng dụng hoặc Google Play và rằng trách nhiệm của Google là thay đổi chính sách của mình theo cách tuân thủ phán quyết. Người phát ngôn cho biết: "Ủy ban sẽ giám sát chặt chẽ việc tuân thủ của Google để đảm bảo rằng biện pháp khắc phục có hiệu quả và tôn trọng quyết định". EU nói thêm rằng quyết định này sẽ giúp cho các trình duyệt và công cụ tìm kiếm khác "cạnh tranh về giá trị với Google để cài đặt sẵn trên thiết bị Android".

Theo Genk​
 
Bên trên