Skype: Một chút tiểu sử và thấy gì đằng sau việc Microsoft mua lại

scotty

Well-Known Member
microsoftskype.jpg

Như vậy là Skype đã chính thức "dọn" về ngôi nhà mới Microsoft trị giá 8,5 tỷ USD. Đó thật sự là một số tiền khổng lồ mà đa phần dân số trên thế giới này có làm lụng qua nhiều đời cũng không bao giờ kiếm được. Thế mà thay vì có thể mua được rất nhiều người có tài năng xuất chúng, Microsoft lại dùng số tiền 8,5 tỷ đô đó để rước về một "món đồ" có tên gọi là Skype.

Vài ngày qua, đây là một trong những sự kiện hot đối với giới công nghệ, đi đâu cũng thấy bàn tán xôn xao. Bất kỳ trang tin công nghệ nào cũng đều nhắc đến thương vụ này và đưa ra nhiều ý kiến nhận định. Vậy đâu là giá trị thật sự của Skype cũng như động cơ nào đã khiến cho đại gia chúng ta phải chi đẹp đến thế? Nhưng trước khi đi vào vấn đề chính, chúng ta hãy cùng nhìn lại một chút về "thân thế" trước đây của Skype.

"Người anh quá cố" Kazaa

Kazaa.jpg

"Kazaa!" - cái tên này đã từng được nhắc đến rất nhiều vào thập niên trước. Nếu bạn hoặc đã quên hoặc chưa từng nghe về nó bao giờ thì đây là cơ hội để nhắc lại. Kazaa là một chương trình phần mềm chia sẻ file theo giao thức peer-to-peer (mạng ngang hàng), từng được hàng triệu người trên thế giới sử dụng vào những năm đầu thập niên 2000. Kazaa cho phép chia sẻ đủ mọi loại file, từ nhạc, phim, hình ảnh cho đến phần mềm giữa các máy con với nhau một cách dễ dàng, không khác gì torrent ngày nay vậy. Nói cho đúng thì Kazza chính là tiền thân của torrent.

Thế nhưng loại hình chia sẻ này từ trước đến nay luôn được xem là tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật bởi nó tạo điều kiện cho việc chia sẻ file vi phạm bản quyền, đặc biệt là file nhạc. Đó chính là lý do đã khiến "ông tổ" của hành vi này là Napster, từng là dịch vụ tải file nhạc bất hợp pháp miễn phí nổi tiếng trong thập niên 90, bị kiện ra tòa và bị kết án "tử hình". Sau đó Kazaa lại tiếp bước Napster và kết cục cũng lãnh bản án tương tự.

Nguyên thủy Kazaa được sinh ra bởi vài nhà lập trình người Estonia rồi được Niklas Zennstrom (người Thụy Điển) và Janus Friis (Đan Mạch) mua lại. Hai người này tiếp tục nâng cấp Kazaa lên một chút và cho đến khoảng năm 2003 thì nó trở thành phần mềm được tải về nhiều nhất tính từ trước đó. Ngay sau đó hai người đã bán công ty cho Sharman Networks và khởi sự cho ra một đứa con mới, đó là Skype.

"Người em lai" Skype

skype-logo.jpg

Skype tuy thừa hưởng "dòng máu" peer-to-peer của Kazaa nhưng đã bị lai đi để đảm nhiệm vai trò khác với người anh của nó. Đó là trung chuyển tín hiệu thoại. Cũng giống như Kazza - càng nhiều người seed, tốc độ leech sẽ càng nhanh, nếu càng có nhiều người "hít" Skype, thì kết nối giữa họ sẽ càng đảm bảo hơn. Hơn nữa, điểm "quyến rũ" chính của Skype chính là dựa vào công nghệ peer-to-peer cho phép thực hiện cuộc gọi miễn phí thông qua máy tính và bộ tai nghe kèm micro đến bất kỳ ai trên thế giới có mạng Internet và cùng sử dụng Skype.

Skype đã nhanh chóng trở nên phổ biến, đến mức nó được sử dụng như một động từ thay cho từ "gọi điện" quen thuộc. Ví dụ đề nghị ai đó gọi bằng Skype cho mình, họ sẽ nói "Skype me!" (Skype cho tôi nhé!), hay là "Yo Dawg, you Skypin'?" (Ê anh bạn, cậu đang Skype đó hả?).

Skype còn có chức năng chat và hội nghị truyền hình trực tuyến. Tất cả cũng đều miễn phí với người dùng Skype. Tất nhiên, cái gì cũng miễn phí không thì cha đẻ của nó lấy gì mà sống nên Skype còn cung cấp dịch vụ gọi từ Skype đến máy điện thoại bàn hoặc ngược lại có tính phí, nhưng vẫn rẻ chán (chỉ vài xu/phút) so với cước phí phải trả cho dịch vụ thoại thông thường và cuộc gọi đường dài.

Với mô hình kinh doanh như một dịch vụ thoại thông thường kết hợp công nghệ đã có sẵn, Skype đã trở thành một công cụ lựa chọn "ngon, bổ, rẻ" để thực hiện cuộc gọi đối với những ai thường xuyên kinh doanh và làm việc với máy tính kè bên, ngoài điện thoại bàn truyền thống. Thậm chí vào thời điểm này, khi mà công nghệ điện thoại di động càng ngày nhanh hơn, tốt hơn, Skype cũng đã không bỏ lỡ cơ hội gia nhập và bắt đầu tạo được thị phần cho mình trong môi trường kinh doanh này.

Thấy gì từ "ngôi nhà mới" Microsoft của Skype?

Có người thì cho rằng thương vụ mua Skype với 8,5 tỷ đô này của Microsoft là quá đáng, người khác thì thấy đây là ý đồ hay. Thực tế là trước khi về với Microsft thì Skype là đã từng ở ngôi nhà eBay trị giá 2,6 tỷ đô từ năm 2006 và cho đến bây giờ, con số đó dường như vẫn còn được xem là "quá khủng". Như vậy có thể thấy rằng Skype đã không đem lại lợi ích đáng kể cho ông chủ cũ eBay hoặc eBay đã không tận dụng được hết giá trị của Skype cho mô hình kinh doanh của mình. Và đến lúc này mới là thời cơ để Skype "dọn" về một nơi ở mới.

Không như eBay, Microsoft với thực lực tài chính còn hùng mạnh không chỉ thấy Skype đơn thuần là phương tiện trao đổi liên lạc mà kinh khủng hơn, Skype có thể là công cụ hữu hiệu để hỗ trợ, kích thích nhiều sản phẩm, dịch vụ khác của Microsoft, cũng như là quân bài quan trọng để đối phó với các đối thủ của hãng.

skypeintegrationmicroso.jpg

Làm việc cộng tác trong doanh nghiệp

Lý do dễ thấy nhất cho việc Microsoft mua lại Skype là hỗ trợ nhu cầu làm việc cộng tác của doanh nghiệp. Microsoft đã có Lync (từng được gọi là Máy chủ Truyền thông) với chức năng kết nối hệ thống máy tính của doanh nghiệp đến một PBX (Tổng đài nội bộ) nhằm cung cấp dịch vụ gọi điện thoại VoIP, gởi tin nhắn tức thời và hội nghị truyền hình trực tuyến. Ngoài ra còn có Lync Online là một mảng dịch vụ tương tự nhưng được cung cấp trực tuyến và hoạt động thông qua điện toán đám mây.

Skype có một công cụ tương tự như vậy, gọi là Skype Connect. Sở hữu Skype rồi, Microsoft có thể sẽ tăng thêm thị phần cho mảng này, đồng thời có thể chống đỡ được trước sự tấn công của dịch vụ Push Mail của Google hay dịch vụ video chat Facetime của Apple.

Thúc đẩy công cụ tìm kiếm Bing

Ước tính Skype hiện có hơn 660 triệu người đăng ký toàn cầu, trong đó 170 triệu người đang hoạt động mỗi tháng. Microsoft chắc chắn sẽ có phương hướng để lái số người dùng Skype này đến với Bing. Thêm nữa, có thể sẽ xuất hiện một dạng kết nối 2 chiều trực tiếp Bing-Skype.

Kích cầu Windows Phone 7

Windows Phone 7 tiếp tục sa lầy về mặt doanh thu bất chấp mọi nỗ lực của Microsoft. Tất nhiên, bản hợp đồng hợp tác với Nokia về việc phát triển những sản phẩm Nokia đầu tiên sử dụng hệ điều hành Windows Phone chắc chắn sẽ đơm hoa kết trái nhưng để thấy được điều đó thì có thể phải mất thêm ít năm nữa. Và Microsoft vẫn chưa thể ăn ngon ngủ yên trong thời điểm này.

Có thêm Skype, Windows Phone 7 như mọc thêm cánh. Và việc tích hợp Skype vào trong tận ruột của hệ điều hành này, thay vì cho nó chạy đơn thuần như một phần mềm khách (như ở Android hay iOS) có thể giúp Windows Phone 7 có thêm lợi thế về mặt sử dụng cho người dùng.

Không để Google đụng đến Skype

Ngoài các lợi ích riêng cho bản thân, mục đích Microsoft mua Skype là còn để "cướp" nó khỏi tay đối thủ. Google mà mua được Skype thì rõ là tai hại khủng khiếp đối với Microsoft đến thế nào. Hãy hình dung nếu Google sở hữu được Skype và cũng tích hợp nó vào Google Apps, Gmail, Google Talk, và Google Voice, rồi còn tích hợp nó vào trong hệ thống Android. Với khả năng của Google thì những việc đó là miễn bàn, chỉ cần biết là Microsoft sẽ là người thua cuộc nếu điều đó xảy ra.

Thậm chí cho dù Microsoft tích hợp Skype vào các sản phẩm dịch vụ của mình không được hiệu quả như mong đợi, thì chí ít hãng cũng đã nhanh tay hớt nó khỏi Google.

Khuếch trương thương hiệu

Lý do sau cùng để Microsoft rước Skype về là nhằm giúp tạo hiệu ứng lan truyền thương hiệu. Từ khi nào Microsoft, chứ không phải là Apple hay Google, được nhắc đến là có tư tưởng đổi mới cấp tiến?

Việc xây dựng thương hiệu không chỉ tạo nên quyền tự do "mạnh miệng" quảng cáo về bản thân mà hơn thế, nó còn có cả những lợi ích đáng kể về mặt kinh tế. Theo nghiên cứu thường niên BrandZ của Millward Brown về 100 thương hiệu hàng đầu mới công bố gần đây cho thấy, Apple là thương hiệu đắt nhất thế giới với giá trị thương hiệu lên đến 153 tỷ USD, còn Microsoft đứng thứ 5 với giá trị thương hiệu hơn 78 tỷ USD. Vì thế dùng sự kiện mua Skype để tạo hiệu ứng lan truyền về thương hiệu cũng góp phần nâng cao thanh thế cho Microsoft.

Theo TechLand, PCWorld
 
Chỉnh sửa lần cuối:

vtnhungstorm

New Member
Ðề: Skype: Một chút tiểu sử và thấy gì đằng sau việc Microsoft mua lại

Em nghĩ là còn nhiều vấn đề khác nữa. Thực ra con số 8,5 tỷ chắc cũng không phải là con số thực, mà nó còn bao gồm cái gì đó nữa.
 
Ðề: Skype: Một chút tiểu sử và thấy gì đằng sau việc Microsoft mua lại

Em nghĩ là các dịch vụ của Skype sẽ giúp ích khá nhiều cho Microsoft trong mảng điện thoại và khả năng P2P có lẽ sẽ đẩy mạnh Cloud Computing
 

congnhi000

New Member
Ðề: Skype: Một chút tiểu sử và thấy gì đằng sau việc Microsoft mua lại

tất cả chỉ là cạnh tranh. Sự cạnh tranh trong giới tư bản chủ nghĩa đã thể hiện ngày càng rõ hơn.
 

vietka

Member
Ðề: Skype: Một chút tiểu sử và thấy gì đằng sau việc Microsoft mua lại

Chỉ sợ nó bắt mình đóng phí thì bỏ mẹ :((
 

earl_grey

Well-Known Member
Ðề: Skype: Một chút tiểu sử và thấy gì đằng sau việc Microsoft mua lại

Chả biết có liên quan gì tới ông Microsoft không, mà chiều nay thấy nó tự cấp nhật phiên bản mới (5.3.0.111), biểu tượng "offline" không dùng màu xám nữa, mà chuyển qua viền xanh, trông cứ như đang online, vào gọi mãi không thấy đứa bạn trả lời, tưởng nó khinh mình.
 

nipopo

New Member
Ðề: Skype: Một chút tiểu sử và thấy gì đằng sau việc Microsoft mua lại

cuộc chơi mang đầy tính toán của các đại gia.hi vọng chúng ta sẽ có nhiều dịch vụ tốt hơn trong thời gian tới
 
Bên trên