"Shock" Kodak có thể phá sản vài tuần tới!

dungdt2

New Member
Tập đoàn Eastman Kodak đang chuẩn bị xin bảo hộ phá sản theo chương 11, Luật phá sản Mỹ - động thái có thể cứu nguy cho công ty từng được xem là một trong số các gã khổng lồ công nghệ của nước Mỹ.

Theo quy định tại chương 11 Luật phá sản Mỹ, một doanh nghiệp có thể tiếp tục kinh doanh khi họ tái cơ cấu lại các khoản nợ. Vì vậy, khác với hầu hết các quy định về phá sản trên thế giới, luật pháp Hoa Kỳ cho phép một công ty phá sản được tiếp tục hoạt động dưới sự lãnh đạo của đội ngũ quản lý cũ khi công ty này cố gắng tái cơ cấu lại các khoản nợ.



Thời báo phố Wall đưa tin công ty 131 năm tuổi đang thực hiện nỗ lực cuối cùng để bán đi một số tài sản trong danh mục bằng sáng chế và nếu thành công, Kodak sẽ không phải nhờ cậy tới quyền bảo hộ phá sản chương 11. Tuy nhiên, nguồn tin thân cận của tờ báo cho biết Kodak cũng bắt đầu chuẩn bị nộp đơn xin phá sản trong trường hợp xấu nhất, trong đó có động thải thảo luận với các ngân hàng về 1 tỉ USD trợ giúp tài chính giúp công ty duy trì trong quá trình tố tụng phá sản.
Người phát ngôn của Kodak từ chối bình luận về tin đồn hay suy đoán xuất hiện trên thị trường.
Số mệnh lật ngược của gã khổng lồ ngành ảnh

Việc Kodak dự định nộp đơn phá sản đại diện cho vận mệnh lật ngược của công ty từng thống trị công nghiệp ảnh, khai phá nhiều nhân tài kĩ thuật trên thế giới, và bỏ nhiều tiền bạc vào nghiên cứu, sản xuất hàng ngàn bước đột phá trong ngành ảnh và các công nghệ khác. Năm 1975, công ty phát minh ra máy ảnh kĩ thuật số nhưng chưa bao giờ tận dụng được công nghệ mới do mình tạo ra. Loại bỏ mọi thay thế cho ngành kinh doanh phim ảnh sinh lợi nhưng ngày càng bó hẹp, Kodak “đùa giỡn” với hóa chất, phòng tối và các thiết bị thử nghiệm y tế trong khoảng thời gian 1980-1990 trước khi quyết định tập trung vào máy in cá nhân và thương mại trong nửa thập kỉ vừa qua dưới quyền Tổng giám đốc Antonio Perez.



Không một sự thay đổi nào tạo ra tiền mặt cần thiết để trang trải cho công ty trong quá trình chuyển dịch và mọi nghĩa vụ khác khi ngừng hoạt động. Chương 11 Luật phá sản có thể gánh đỡ Kodak các nghĩa vụ này, song tính khả thi của chiến lược máy in vẫn chưa được chứng minh, và làm dấy lên nhiều nghi vấn về số phận của công ty quy mô 19.000 nhân viên. Người ta chưa từng nghĩ về sự không chắc chắn tại Kodak – một công ty gần như độc quyền trong ngành phim chụp ảnh sinh lợi cao và luôn chia sẻ với công nhân của mình. Vào “ngày chia cổ tức tiền lương”, truyền thống xuất phát từ người sáng lập Kodak – George Eastman, công ty sẽ trả tiền thưởng cho tất cả nhân viên dựa vào kết quả kinh doanh, số tiền thậm chí đủ để họ mua xe hơi và tổ chức tiệc linh đình. Cựu nhân viên công ty nói Kodak chính là Apple hay Google tại thời đại của nó. Robert Shanebrook, cựu Quản lí sản phẩm mảng phim chuyên nghiệp hồi tưởng: “Chúng tôi tự áp đặt tư tưởng rằng chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì và không thể bịd dánh bại.” Rắc rối của Kodak bắt đầu từ những năm 1980 khi bị các đối thủ nước ngoài “gặm nhấm” thị phần ngành phim. Công ty sau đó phải đối phó với sự trỗi dậy của công nghiệp ảnh số và smartphone. Chỉ chưa đầy 10 năm, Kodak đã phải nếm vị đắng kinh doanh. Năm 2003, công ty tuyên bố ngừng đầu tư vào phim ảnh.
Kodak sẽ tái cấu trúc hay tự bán mình?

Kodak tổn thất mỗi năm và chỉ vực dậy khi Perez tiếp quyền cao nhất năm 2005. Các vấn đề của công ty lên tới đỉnh điểm vào năm 2011 khi Perez quyết định sử dụng các vụ kiện tụng bản quyền và cấp phép bằng sáng chế để giải quyết “cơn khát” tiền mặt. Hy vọng có thể lấp được lỗ hổng, Kodak rao bán bằng sáng chế kĩ thuật số vào tháng 8/2011. Nỗ lực bán danh mục đầu tư bị chậm lại bởi những người quan tâm lo ngại Kodak có thể tìm kiếm bảo hộ phá sản. Công ty từng đàm phán với nhiều quỹ về việc vay mượn hàng trăm triệu đô-la cân bằng tài chính cho tới khi bằng sáng chế được bán nhưng không thành công. Các chuyên gia tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp khuyên hội đồng quản trị nên cân nhắc nộp đơn xin phá sản để bán bằng sáng chế dễ hơn và cho phép công ty ra giá cao hơn. Nghĩa vụ trả lương hưu và chăm sóc y tế cho người nghỉ hưu – lên tới hàng trăm tiệu đô-la mỗi năm – cũng sẽ được giải phóng.
Việc Perez đặt tương lai của công ty vào công nghiệp máy in thương mại và tiêu dùng gặp phải nhiều khó khăn khi thị trường bão hòa và khó thâm nhập. Kodak phải bỏ ra nhiều tiền trợ cấp bán hàng để xây dựng nền tảng người dùng mực in của hãng. Công ty vẫn chỉ là người chơi bé nhỏ trên thị trường máy in với vị trí thứ 5 thế giới (theo xếp hạng của hãng nghiên cứu IDC), chiếm 2,6% thị phần trong 9 tháng đầu năm 2011.

Khi công ty tiến hành kế hoạch tái cấu trúc, vấn đề quan trọng đối với các chủ nợ là liệu ngành in có đáng hỗ trợ hay không, hay phần lớn giá trị công ty nằm hết ở danh mục bằng sáng chế. Tập đoàn Nortel Networks, công ty cũng sụp đổ do đi sau công nghệ đã lựa chọn thanh lí chính mình tại tòa án phá sản thay vì tái tổ chức, và thu về khoản tiền lớn hơn kì vọng: 4,5 tỉ đô-la từ kho bằng sáng chế. Theo nguồn tin của Thời báo phố Wall, việc nộp đơn xin phá sản có thể tới vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 năm nay. Kodak sẽ tiếp tục chi trả mọi hóa đơn và hoạt động kinh doanh bình thường dưới sự bảo hộ phá sản. Mục tiêu của công ty sau đó là bán được khoảng 1.100 bằng sáng chế thông qua cuộc đấu giá do tòa án giám sát.

Theo ICTNews
 
Bên trên