Cuối quý 2 vừa qua, Huawei đã vượt qua Apple để trở thành hãng smartphone lớn thứ hai trên thị trường toàn cầu, tính về mặt thị phần. Và nay, Huawei tiếp tục đặt ra mục tiêu truất ngôi vương mà Samsung đang nắm giữ vào năm 2020.
"Năm tới, chúng tôi sẽ tiến gần hơn tới vị trí số 1, có lẽ chúng tôi sẽ ngang bằng với Samsung. Ít nhất một năm sau, năm 2020, chúng tôi sẽ có cơ hội trở thành số 1", Richard Yu, CEO mảng thiết bị tiêu dùng của Huawei chia sẻ.
Tăng trưởng nhanh
Hiện tại, Huawei cũng như bao hãng khác đang ấp ủ smartphone màn hình gập, công nghệ mạng di động 5G và tăng cường thực tại (AR). Nhưng cách đây gần một thập kỷ Huawei còn chưa bắt tay vào sản xuất smartphone. Tới tận năm 2010, ba năm sau khi Apple trình làng mẫu iPhone đầu tiên, Huawei mới gia nhập thị trường smartphone.
Huawei trở thành hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc nhờ sự tăng trưởng của mảng trang thiết bị mạng di động và hiện là một trong những nhà cung cấp lớn nhất thế giới trong thị trường này. Huawei cũng là một trong những hãng ODM, chuyên thiết kế và chế tạo thiết bị cho những công ty khác.
Năm 2010, Huawei trình làng smartphone đầu tiên mang tên IDEOS chạy Android của Google và bán với giá khoảng 60 EUR. Đến năm 2018, công ty này đang bán ra các smartphone có chip AI riêng cùng những tính năng mới nhất với giá trên dưới 1.000 USD.
Việc chuyển đổi từ ODM sang một gã khổng lồ smartphone được dẫn dắt bởi Yu, người từng làm trong bộ phận khách hàng doanh nghiệp và mới được bổ nhiệm làm CEO mảng tiêu dùng vào năm 2012. Thời điểm đó, Yu lãnh đạo Huawei chuyển từ việc làm điện thoại "cục gạch" sang phát triển smartphone và đón đầu công nghệ mạng di động 4G.
Ông quả quyết hướng Huawei tập trung vào sản xuất smartphone cao cấp với pin dung lượng lớn và màn hình to, đẹp theo yêu cầu của người dùng, từ bỏ hoàn toàn việc sản xuất điện thoại "cục gạch".
Mâu thuẫn với hội đồng quản trị
Yu là đại diện cho mảng thiết bị tiêu dùng của Huawei, thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện ra mắt sản phẩm mới. Vị CEO này nói rằng ông phong cách lãnh đạo khuyến khích sự mạo hiểm của ông đã giúp Huawei phát triển nhanh chóng.
"Tôi khuyến khích các nhóm nhân viên của mình sáng tạo nhằm có những đổi mới táo bạo và làm những thứ mà một số người cảm thấy hơi điên khùng. Điều ấy giúp họ thử thách được bản thân cũng như ngành công nghiệp", Yu nói.
Huawei có truyền thống tập trung vào khách hàng doanh nghiệp và điều này đồng nghĩa với việc Yu sẽ nảy sinh mâu thuẫn với quản lý cấp cao hơn khi ông cố thúc đẩy mảng hàng tiêu dùng.
"Thách thức lớn với tôi đó là tôi đang làm việc cho một công ty gần như hoàn toàn dựa vào khách hàng doanh nghiệp, tất cả quản lý của tôi, ban giám đốc, hội đồng quản trị đều có tư duy hướng vào khách hàng doanh nghiệp nhưng lại phải quay sang điều hành mảng hàng tiêu dùng. Có rất nhiều tranh luận, rất nhiều chướng ngại bởi mọi người đều nghĩ rằng người khác đang làm sai. Thực tế thì chúng tôi đang đi đúng hướng", Yu chia sẻ. "Tôi là một người đơn giản. Tôi ghét sự quan liêu".
AI, màn hình gập
Huawei với sự lãnh đạo của Yu đã đẩy mạnh các sản phẩm tiêu dùng. Phần lớn thành công của Huawei ngày hôm nay là nhờ chiến lược bán smartphone với công nghệ mới ở mức giá phải chăng. Bên cạnh đó, Huawei cũng đã vượt qua rào cản về giá để tung ra những mẫu smartphone với tính năng tiên tiến. Ví dụ, đầu năm nay, P20 Pro ra mắt với ba camera sau đầu tiên trên thế giới được Huawei bán với giá trên 1.000 USD.
Huawei cũng đang đầu tư vào việc tự thiết kế chip và đơn vị xử lý trí tuệ nhân tạo cho riêng mình giống như Apple. Với Yu, AI sẽ là công nghệ then chốt trong việc đưa smartphone lên một tầm cao mới và giúp Huawei phát triển trong tương lai.
"AI đang tới. AI sẽ là động cơ cho tất cả các tính năng, dịch vụ trong tương lai. AI sẽ có mặt trên mọi thiết bị, nó sẽ kết nối tất cả các ứng dụng. Trong 10 năm tới, mọi phát triển trên smartphone đều tập trung vào AI", Yu nói.
Bên cạnh đó, Huawei cũng đang nghiên cứu smartphone màn hình gập và dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2019. Đây cũng có thể sẽ là thiết bị đầu tiên của Huawei hỗ trợ mạng 5G. Yu cũng chia sẻ rằng công ty của ông đang phát triển kính tăng cường thực tại (AR). Gã khổng lồ Trung Quốc cũng không ngại nhảy vào làm các sản phẩm tiêu dùng khác bao gồm cả laptop và loa thông minh. Những công nghệ mới này có thể tạo động lực tăng trưởng cho Huawei trong tương lai.
Tuy nhiên, Huawei cũng đang chuẩn bị cho một tương lai không phụ thuộc vào phần cứng.
Hiện tai, Huawei cũng đang cung cấp các dịch vụ như lưu trữ điện toán đám mây, dịch vụ âm nhạc và video nhưng chỉ được biết tới tại Trung Quốc. Mới đây, Huawei tuyên bố Huawei Music, nền tảng phát nhạc trực tuyến của họ, đã đạt được 100 triệu người dùng hàng tháng. Spotify, ứng dụng âm nhạc phổ biến nhất thế giới, hiện có 191 triệu người dùng.
Vì sử dụng Android nên các hãng như Huawei và Samsung rất khó trong việc kinh doanh dịch vụ. Trong khi đó, độc quyền iOS giúp Apple kiếm được hàng tỷ USD từ dịch vụ mỗi năm. Với Huawei, kinh doanh dịch vụ còn khó hơn bởi khi quốc tế hóa các dịch vụ của mình Huawei sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ như Spotify và Netflix, vốn đang phát triển rất mạnh mẽ.
Những khó khăn, thách thức
Các vấn đề chính trị, an ninh quốc gia và chiến tranh thương mại cũng phần nào kìm hãm sự phát triển của Huawei.
Bên cạnh đó, Huawei cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong thị trường smartphone ngày càng bão hòa. Các hãng Trung Quốc như Xiaomi, Oppo và Vivo sẽ là những đối thủ chính của Huawei trong khi Samsung sẽ không chấp nhận bị truất ngôi một cách dễ dàng.
Hồi tháng 9, CEO DJ Koh của Samsung đã xác nhận rằng Samsung đang thay đổi chiến lược, đưa những tính năng mới lên smartphone tầm trung trước nhằm chống lại mối đe dọa từ Huawei cũng như các đối thủ Trung Quốc. Galaxy A9 - smartphone có bốn camera sau đầu tiên trên thế giới vừa ra mắt - là minh chứng rõ nét nhất cho sự thay đổi của Samsung.
Samsung cũng không dễ bị đánh bại. Gã khổng lồ Hàn Quốc chỉ đánh mất vị trí số 1 của mình trên thị trường smartphone thế giới 3 lần trong 5 năm vừa qua và điều này chỉ diễn ra trong 1 quý.
Theo ước tính của Neil Shah, một giám đốc nghiên cứu tại Counterpoint, để vượt qua được Samsung, Huawei sẽ phải bán ra thêm khoảng 30 tới 40 triệu smartphone mỗi quý.
"Để làm được điều này, Huawei sẽ phải chinh phục Mỹ, Châu Âu, Ấn Độ, những thị trường mà Samsung đang chiếm ưu thế", Shah nói. Theo Shah, Ấn Độ là một thị trường mà Huawei sẽ khó mà chinh phục được bởi Samsung có hệ thống nhà máy cùng nhiều năm xây dựng thương hiệu tại đây. Trong khi đó, mới đây Huawei đã ngừng bán smartphone tại Mỹ mà chưa hẹn ngày trở lại.
Nhưng theo Shah, doanh số của Samsung có thể bị giảm trước sự cạnh tranh từ Huawei và cả các hãng khác, giúp Huawei chiếm vị trí số 1.
Tham vọng của Yu còn vượt tầm smartphone. Với các sản phẩm mới như loa thông minh và đồng hồ thông minh, Yu đang hướng tới việc tạo ra một hệ sinh thái thiết bị thông minh Huawei cho người tiêu dùng.
"Trong 10 năm tới, chúng tôi muốn đóng vai trò tiên phong, trở thành một nhà cung cấp giải pháp toàn diện cho cuộc sống thông minh", Yu nói.
Theo Genk