Samsung TV QD-OLED S95B – Thiết lập chuẩn mực hình ảnh đỉnh cao mới cho TV OLED

Bui An

Lãng Khách
Khởi đầu từ rất sớm với TV OLED đầu tiên, tuy nhiên hãng công nghệ hàng đầu thế giới Samsung đã không tham gia vào cuộc đua TV OLED nổ ra từ hơn 10 năm trước mà tập trung vào các dòng TV QLED. Có lẽ, hãng nhận ra ở thời điểm đó, TV OLED vẫn còn một số nhược điểm chưa thể khắc phục được, cần thêm thời gian để hoàn thiện công nghệ. Giờ đây, dường như thời khắc đó đã đến, công nghệ QD-OLED, công nghệ chấm lượng tử kết hợp với tấm nền OLED.

BAP09936.jpg

Công nghệ QD-OLED giúp Samsung lại đi tiên phong ở màn hình TV

Được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2019, tuy nhiên đến đầu năm 2022 Samsung mới chính thức giới thiệu một sản phẩm thương mại dùng công nghệ này, là chiếc TV QD-OLED S95B. Cơ bản, công nghệ này là sự kết hợp giữa công nghệ chấm lượng tử và OLED truyền thống, từ đó khắc phục điểm yếu của OLED hiện nay là độ sáng thấp cũng như xử lý ánh sáng ở vùng tối và vùng sáng tốt hơn.

5815255-5591279-Quantum-Dot-Display-SDC-1.jpg

QD-OLED là viết tắt của “quantum dot organic light-emitting diode”. Điểm khác biệt giữa công nghệ QD-OLED và công nghệ OLED hiện nay là những hạt bán dẫn siêu nhỏ gọi là chấm lượng tử (quantum dot). Khi các hạt này được chiếu sáng sẽ tạo ra ánh sáng với các bước sóng khác nhau, từ đó hình thành màu sắc như đỏ vàng xanh. Bên cạnh đó, khác với công nghệ OLED truyền thống thường dùng thêm một sub-pixel trắng để tăng độ sáng cho các điểm ảnh tự phát sáng, thì ở công nghệ mới lần này của Samsung, hãng dùng một lớp tự phát sáng màu xanh dương phía sau để chiếu sáng (blue self-emitting layer), nhằm gia tăng độ sáng lên cao hơn. Samsung cho rằng “ánh sáng xanh dương có năng lượng mạnh nhất”, sẽ mang lại hiệu quả hình ảnh tốt nhất.

Công nghệ mới này giúp cho TV QD-OLED có chất lượng hình ảnh hiển thị màu đen sâu, độ tương phản cao, màu sắc sống động nhất quán ở nhiều mức độ sáng khác nhau giống như OLED thông thường, cùng với đó sẽ cho độ chi tiết cao hơn ở các vùng sáng (trong khi tấm nền OLED thông thường có thể bị cháy sáng) và cho màu sắc tốt hơn ở các vùng tối, nhờ đó phần shadow không bị tối hẳn.

BAP09920.jpg

Điểm “đáng giá” nhất ở công nghệ này chính là độ sáng, khi nó có thể tăng lên 1000 nits ở khoảng 10% không gian hiển thị, thậm chí là 1500 nits ở khoảng 3% màn hình, gần như gấp đôi so với TV OLED thông thường. Còn về độ phủ màu thì các trang đánh giá TV lớn của thế giới đo được thực sự ấn tượng, TV mới của Samsung bao phủ 120% dải màu DCI-P3, hơn 90% với BT.2020. Một điểm nhỏ nhưng cũng đáng lưu ý ở công nghệ mới này là nó khá tiết kiệm điện so với các dòng TV trước đây, và cũng không bị burning như các TV OLED thông thường nhờ một công nghệ mới của Samsung tinh chỉnh các pixel.

QD-OLED thực sự là một công nghệ tiên phong của Samsung khi khắc phục được độ sáng, chi tiết màu và cả góc nhìn cũng tốt hơn so với TV OLED thông thường hiện nay.

Thiết kế LaserSlim sang trọng và tối giản, dễ dàng phù hợp mọi không gian bài trí

Về mặt thiết kế, Samsung S95B được thiết kế theo phong cách sang trọng và hiện đại với các cạnh viền siêu mỏng của màn hình OLED, tạo cảm giác như màn hình đang treo trên không. Thực sự chiếc TV này đã gây ấn tượng mạnh với người dùng nhờ độ mỏng của màn hình, quả thực chỉ có màn OLED mới có thể làm mỏng đến như vậy.

BAP09894.jpg

Độ mỏng tuyệt vời của một chiếc TV OLED

Chân đế thiết kế tối giản, đặt ở giữa TV, rất chắc chắn, thử lắc thì thấy nó rất vững chãi, không bị rung nhiều, mang đến cảm giác an toàn khi đặt ở phòng khách, nơi có nhiều người qua lại hoặc trẻ em chạy nhảy đùa giỡn. Cùng với đó, màu sắc TV trang nhã, dịu nhẹ, khiến nó phù hợp với các không gian hiện đại, tối giản ngày nay, giúp cho người dùng dễ dàng bố trí tại các vị trí thích hợp trong nhà đều có thể bật lên nét sang trọng, thanh thoát.

BAP09887.jpg

Chân đế đơn giản nhưng vững chắc

Tuy vậy, khác với dòng TV cao cấp có hộp One Connect thì ở dòng này, Samsung trang bị các cổng kết nối ở ngay phía sau TV. Cùng với đó là loa, cùng bo mạch điều khiển cũng được đặt ngay phía sau, kết hợp cùng với chân đế để tạo thành một khối vững chắc. Loa của Samsung S95B có chất âm tốt, mạnh mẽ, to và vang, cũng như tạo hiệu ứng Dolby Atmos khá tốt, nếu dùng thông thường thì có khi không cần phải trang bị thêm loa ngoài nữa vẫn có được hiệu ứng âm thanh sống động.

BAP09914.jpg

Loa và các bộ phận mạch điều kiển đặt ngay sau lưng

Tổng thể, thiết kế của Samsung S95B rất hài hòa, đơn giản nhưng đẹp mắt và lại toát được nét sang trọng hiện đại, thích hợp cho mọi ngôi nhà, mọi căn phòng, từ phòng khách, phòng bếp đến phòng ngủ đều có thể mang lại những trải nghiệm tốt về bố cục, trang trí, góc nhìn…

Chất lượng hình ảnh vượt trội với độ sâu màu đen và độ sáng cao, như hổ thêm cánh

Đúng như những gì mà Samsung đã giới thiệu về công nghệ QD-OLED, một bước tiến mới ở công nghệ hình ảnh, nhằm khắc phục điểm yếu nâng cao điểm mạnh nhằm mang đến một trải nghiệm hình ảnh khác biệt, đẳng cấp và thiết lập nên một chuẩn mực hình ảnh mới, khi mang đến những màu đen sâu thẳm và độ sáng vượt trội để tái tạo những khung cảnh rực rỡ.

BAP09930.jpg

Độ tương phản cao và chi tiết còn thể hiện rõ ngay cả trong vùng tối

Độ tương phản: có thể nói độ tương phản quyết định rất lớn đến chất lượng hình ảnh tổng thể của một chiếc TV, và độ tương phải của tấm nền OLED thì khỏi phải nói nữa về mức tương phản của nó khi các điểm ảnh có thể bật tắt riêng biệt để tạo nên màu đen sâu tuyệt đối. Trải nghiệm trên chiếc Samsung S95B, độ tương phản thật sự tốt, màu đen của nó rất “đã”, cảm giác ở những cảnh cần đen nó “thăm thẳm” và “hun hút”, tạo cảm giác như thật sự chìm vào trong khung cảnh mà TV tạo ra. Có thể nói, với chiếc TV này, độ tương phản đã đã đạt lên mức cao, như những gì mà chúng ta trông đợi ở một chiếc TV OLED.

Chi tiết vùng sáng tối và HDR: Như đã nói ở trên về công nghệ QD-OLED, giúp cho tấm nền này có thể tăng độ sáng lên cao hơn so với OLED thông thường, đây là lúc nó tận dụng được lợi thế này. Trải nghiệm những hình ảnh sáng rõ của chiếc TV này, thấy những chi tiết rất rõ ràng, tách bạch. Việc xử lý hình ảnh phân vùng bằng AI của Samsung cũng mang lại hiệu quả rõ rệt khi các vùng có độ sáng cao vẫn không bị “cháy” mất, các vùng tối vẫn không bị tối quá, quan sát được rõ ràng. Chính điều này cũng hỗ trợ cho hiệu ứng HDR, mang đến những hình ảnh cân bằng, hài hòa nhưng không kém phần ấn tượng, cuốn hút.

BAP09949.jpg

Màu sắc tái hiện tốt ngay cả ở góc nhìn nghiêng

Màu sắc thực và sống động: Chiếc TV này đạt chứng chỉ màu Pantone Validated nhờ mang đến màu sắc chuẩn xác và đồng nhất trong mọi thời điểm. Tấm nền QD-OLED cũng đạt độ phủ màu 120% dải màu DCI-P3 nên cho ra những màu sắc chân thực nhất, để người xem có thể cảm nhận được những gì mà hình ảnh gốc có thể mang lại. Màu sắc thực tế khi trải nghiệm chiếc TV này thực sự là mang đến một cảm giác tinh tế khó tả, nó đọng lại ở trong từng hình ảnh lướt qua, do sự sống động rực rỡ của nó, nhờ được hỗ trợ bởi tấm lượng tử lọc màu cho chất lượng tốt nhất. Đặc biệt, khi xem những MV ca nhạc hay những bộ phim hoạt hình đầy màu sắc, sẽ mang lại một không gian vô cùng rộng lớn cho người xem, giúp cho họ bước vào một thế giới sắc màu phong phú, lung linh huyền ảo.

BAP09952.jpg

Âm thanh sống động sẽ giúp các nội dung thể thao, phim ảnh, ca nhạc trở nên chân thực hơn

Nói thêm một chút về âm thanh, vì đây cũng là một phần rất quan trọng trong việc quyết định trải nghiệm các nội dung trên TV, nó như hai phần không thể tách rời, âm thanh và hình ảnh phải cùng tốt thì trải nghiệm khi xem TV mới thực sự được thỏa mãn. Samsung S95B vẫn được thừa hưởng những lợi thế công nghệ từ dòng TV cao cấp Neo QLED như là công nghệ âm thanh vòm Dolby Atmos không dây, Object Tracking Sound và đồng bộ âm thanh Q-Symphony. Việc bố trí loa phía sau lưng và có mặt loa hướng lên trên sẽ dễ dàng tạo hiệu ứng Dolby Atmos, các cảnh trực thăng bay, súng bắn trên đầu, mưa rơi tí tách đều dễ dàng có thể hướng từ trần xuống, mang đến cảm giác thực. Còn công nghệ Object Tracking Sound sẽ định hướng vị trí người dùng để có thể hướng âm thanh chuẩn hơn, tạo “điểm ngọt âm thanh” chuẩn xác ngay vị trí người ngồi để có được hiệu quả chất âm xuất sắc nhất.

Giao diện thân thiện, đầy đủ ứng dụng và Google Assistant tiện lợi

Từ khi bắt đầu, hệ điều hành Tizen được đánh giá là “hơi đơn giản” khi chỉ hiển thị những icon ứng dụng, sau đó người dùng bấm vào mới thấy nội dung. Tuy vậy, vài năm trở lại đây, hệ điều hành trên TV của Samsung đã ngày một hoàn thiện hơn, ở các dòng TV mới, các nội dung được “show” hết ra ngoài, khá giống với Android TV, list ứng dụng trải từ trên xuống dưới, nhìn trực quan hơn. Việc cải tiến này giúp cho những người không quá rành về công nghệ, người già lớn tuổi vẫn có thể bấm chọn nội dung mong muốn một cách dễ dàng, không phải nhớ để vào bên trong chọn như trước, nhìn phát là thấy bấm coi ngay được luôn. Các ứng dụng thường xuyên như Youtube, Netflix, Galaxy Play… đều được list ở màn hình chính.

BAP09902.jpg

Giao diện đầy đủ, dễ sử dụng ngay cả với những người lớn tuổi

BAP09905.jpg

Đối với các ứng dụng trên TV, một lợi thế của Samsung chính là ứng dụng được phát triển chuyên biệt và tối ưu hóa cho chính chiếc TV đó, nên sẽ có trải nghiệm khi sử dụng hoặc khi chơi game tốt hơn hẳn, không phải bị tình trạng “phân mảnh” và không phù hợp cho việc sử dụng trên TV như các ứng dụng của Android. Cùng với đó số lượng ứng dụng cũng phong phú với nhiều ứng dụng dành cho trẻ em giải trí, học tập, chơi game nhiều thể loại và cả các ứng dụng tiếng Việt.

BAP09919.jpg

Kho ứng dụng phong phú, đầy đủ các nhu cầu

Cùng với đó, có Google Assistant, một trợ lý ảo trên TV có thể nói là mạnh nhất hiện nay, được Samsung tích hợp ngày càng sâu vào các dòng TV của mình để mang đến sự thuận tiện nhất cho người dùng. Với trợ lý ảo này, người dùng có thể điều khiển bằng giọng nói, ra lệnh các tác vụ như mở phim, phát nhạc, truy vấn thông tin thời tiết, giá cả, hỏi bất kỳ vấn đề gì mà mình muốn hỏi. Từ đó người dùng sẽ thuận tiện hơn khi điều khiển TV, như tìm kiếm nội dung nhanh trên Youtube chỉ cần nói vào mic là được, không cần phải bấm từng chữ trên bàn phím ảo. Có thể thấy đây là mảnh ghép hoàn hảo cho trải nghiệm của người dùng đối với một chiếc TV thông minh.

Đánh giá cao từ các trang uy tín của thế giới cho thấy Samsung S95B đã thiết lập một chuẩn mực mới cho TV OLED cao cấp

Rtings, trang chuyên review uy tín hàng đầu thế giới đã chấm điểm chiếc TV Samsung S95B là 9,1, một số điểm rất cao, có thể nói là cao nhất giới TV hiện tại. Điều đó cho thấy rằng thực sự dòng TV QD-OLED đã làm được điều mà chúng ta trông đợi bao năm qua, về một chiếc TV OLED có độ sáng cao, màu sắc sống động hơn, chi tiết hơn nhưng vẫn có được độ thực, độ sâu màu, độ tương phản cao đặc trưng.

BAP09819.jpg

Samsung S95B đã thiết lập một chuẩn mực hình ảnh mới cho các dòng TV OLED nói riêng và TV cao cấp nói chung, đây cũng là khẳng định cho sức mạnh tiên phong dẫn đầu của Samsung trong việc giới thiệu các dòng TV có chất lượng hình ảnh tốt nhất đến với người dùng cuối.
 

caothudeche

Moderator
QD-OLED hiện tại đang là đỉnh nhất trong dòng TV OLED về mặt chất lượng, nhưng có một số điều SS nói cần thời gian để kiểm chứng. Hơn nữa S95B là TV đầu bảng mà thiết quá nhiều tính năng cao cấp như Dolby Vision, DTS decode...
Để so QD-OLED và W-OLED có một số điểm chính như sau:
- Cả 2 đều sử dụng đi ốt hữu cơ để phát sáng như vậy khó mà tránh khỏi việc burn-in hay độ bền LED giảm theo thời gian, nó đã thuộc về đặc tính vật lý của đi-ốt hữu cơ rồi. Và cả 2 hãng đều có những cách riêng để hạn chế nhược điểm trên sao cho kéo dài nhất tuổi thọ tấm nền. Nên việc QD-OLED không bị burn-in như bài viết thật là khó tin.
- Cả 2 đều không để các điểm ảnh phụ phát ra màu sắc của nó mà đều biến đổi từ các màu đơn sắc, nhưng theo 2 cách khác nhau. Sở dĩ họ phải chọn cách làm như vậy chính là điểm yếu của đi ốt hữu cơ, thế nên họ chọn cách sao cho đi ốt sống lâu nhất. Nhưng cách làm thì có vẻ trái ngược nhau;
+ W-OLED thì dùng tấm lọc màu để lọc lấy màu của điểm ảnh phụ. Ánh sáng đã đi qua tấm lọc thì kiểu gì cũng bị giảm cường độ sáng đó là lý do độ sáng của W-OLED thua QD-OLED. Để tăng cường độ sáng thì họ có thể tăng độ sáng của bóng LED lên nhưng như thế không khác nào tự sát, bức LED hoạt động ở cường độ cao nóng hơn và nhanh hỏng hơn. Đây cũng là cách mà các hãng áp dụng với thêm thiết kế Heatsink. Ngoài ra cách chính của LG chính là bổ sung thêm điểm ảnh màu trắng W để làm ảnh sáng hơn, nhưng vô tình cũng sẽ làm giảm đi độ đậm của hình ảnh.
+ QD-OLED: Ông này thì không lọc mà ông phát sáng, tức là ánh sáng từ LED chiếu lên tinh thể chấm lượng tử QD, và các QD này phát ra ánh sáng tương ứng với kích thước của nó. Như vậy có thể thấy không những không bị giảm cường độ ánh sáng mà nó còn được tăng cường.
 

NhatTrungNguyen

Super Moderators
Thành viên BQT
Tôi đang dùng QLED của Samsung, nhưng thấy cái TV này lại muốn đổi sang để trải nghiệm OLED. Không biết giá có đắt không?
 

Bui An

Lãng Khách
QD-OLED hiện tại đang là đỉnh nhất trong dòng TV OLED về mặt chất lượng, nhưng có một số điều SS nói cần thời gian để kiểm chứng. Hơn nữa S95B là TV đầu bảng mà thiết quá nhiều tính năng cao cấp như Dolby Vision, DTS decode...
DTS thì tất cả các đời TV gần đây của Samsung đều không có rồi, do họ không mua bản quyền nên âm thanh DTS là thua, kể cả dòng cao cấp hàng trăm triệu.

Còn burn-in có xảy ra hay không thì phải đợi 1 thời gian nữa xem sao, chứ còn hãng thì tuyên bố họ làm được chuyện chống burn-in.
 
Bên trên