Chia sẻ trên website công ty, Hark-sang Kim, Phó chủ tịch kiêm Trưởng nhóm nghiên cứu và phát triển tại bộ phận di động của Samsung, cho rằng thiết kế mới giúp giải quyết mâu thuẫn giữa kích thước màn hình và tính di động - trọng tâm trong các nỗ lực đổi mới của công ty.
"Bất chấp xu hướng hiện tại, chúng ta vẫn đang sống trong một thế giới nơi kích thước màn hình điện thoại chỉ có thể lớn bằng chính thiết bị đó", ông Kim viết.
Nhiều năm trước, nhiều người nghi ngờ điện thoại có thể gập lại chỉ là trò đùa hay sản phẩm mang tính quảng cáo. Tuy nhiên, công nghệ đã phát triển đến mức ông Kim tin khả năng có thể gập lại là bước tiến lớn và hợp lý tiếp theo trong việc thiết kế smartphone.
Tại sự kiện Unpacked diễn ra trong tháng 2/2019, Samsung được cho là sẽ giới thiệu một điện thoại có thể gập đôi. Thiết bị với màn hình linh hoạt Infinity Flex Display này đã lần đầu được tiết lộ trong sự kiện SDC hồi tháng 11/2018, báo hiệu sự khởi đầu cho một chương mới của hãng Hàn Quốc.
Nguyên mẫu màn hình linh hoạt của hãng đã được hiển thị công khai từ CES 2011, nhưng phải mất bảy năm để công nghệ này phát triển tới điểm họ cảm thấy tự tin công bố, dù nhiều người cho rằng giờ vẫn còn hơi sớm.
"Chúng tôi hy vọng thấy một sự thay đổi toàn diện trong hình thức smartphone những năm tới, từ thiết bị có thể cuộn và kéo dài đến các thiết bị có thể gập lại theo nhiều cách", ông Kim viết.
Trở ngại lớn nhất khi thiết kế điện thoại gập là cách thức gập. Các nguyên mẫu cũ mang tới cảm giác cứng nhắc và không tự nhiên khi tương tác. Màn hình cũng không hoàn hảo, với nhiều điểm ảnh chết cùng một số vấn đề khác về hiển thị, do bảng điều khiển phải uốn cong nhằm đáp ứng yêu cầu thiết kế.
Ngoài ra, một số vấn đề khác như vị trí của pin, hệ thống làm mát và máy ảnh cũng cần được xem xét khi chuyển thiết bị sang hình thức gập linh hoạt. Giao diện và trải nghiệm người dùng cũng khác nhiều so với thiết bị thông thường.
Theo Số Hóa