Samsung Galaxy X liệu có đi vào vết xe đổ của điện thoại gập ZTE, Flexpai?

The drifter

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
hd.jpg

Ngày công bố chiếc smartphone màn hình gập Galaxy X đang đến gần, nhưng những bài học của ZTE và FlexPai để lại vẫn còn đó. Dưới đây là bốn điểm yếu chí mạng mà nếu để xảy ra, có thể khiến cho chiếc "điện thoại của tương lai" đến từ Samsung đi vào vết xe đổ của những "người tiền nhiệm".

Chiếc điện thoại thông minh có khả năng gập của Samsung, theo một số tin đồn có thể mang tên Galaxy X, được giới thạo tin kỳ vọng sẽ được công bố vào tháng 3 tới. Với việc bộ đôi Galaxy S10 ra mắt vào ngày 20 tháng 2, đồng thời Triển lãm di động toàn cầu (MWC) 2019 mở cửa gần như ngay sau đó, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu tin tức về chiếc điện thoại đột phá này xuất hiện ngày càng nhiều trên các mặt báo trong một vài tuần tới.

Tại hội nghị dành cho các nhà phát triển của Samsung diễn ra vào tháng 11 vừa qua, hãng đã hé lộ một mẫu thử của chiếc Galaxy X (đôi khi cũng được gọi với tên mã Galaxy F). Samsung gần như giữ rất kín thông tin về sản phẩm này, chỉ tiết lộ một số thông số cơ bản: màn hình 4,5 inch khi gập vào và khi mở ra có thể đạt tới 7,3 inch, sử dụng giao diện One UI mới của hãng. Chúng ta cũng biết rằng Google đã cam kết sẽ phát triển các phiên bản tiếp theo của hệ điều hành Android để hỗ trợ các thiết bị có thiết kế gập.

Sản xuất một chiếc điện thoại có thiết kế dẻo như vậy là một bước đi táo bạo của Samsung. Là hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới, Samsung có thể sẽ tạo nên một cú hích thúc đẩy các nhà sản xuất khác cũng thử nghiệm và cho ra đời những mẫu điện thoại có thiết kế tương tự. LG và Huawei là hai hãng được đồn đoán cũng đang phát triển các mẫu điện thoại gập của riêng mình.

Mặc dù là công ty công nghệ lớn đầu tiên phát triển điện thoại gập, nhưng Samsung không phải là hãng đầu tiên nghĩ đến ý tưởng này. Ở thời điểm hiện tại, nếu có nhu cầu bạn đã có thể tới cửa hàng và mua một chiếc máy ZTE Axon M, mặc dù không có một chiếc màn hình "gập được" đúng nghĩa, nhưng cũng có hai màn hình đặt cạnh nhau và nối với nhau bằng một chiếc bản lề. Ngoài ra, FlexPai, chiếc điện thoại đến từ startup công nghệ Royole, cũng đã lên kệ. Khác với Axon M, FlexPai sở hữu một màn hình dẻo, có thể uốn cong được.

Sau khi đã được trải nghiệm và đánh giá hai chiếc máy gần tương đồng là Axon M và FlexPai, giới công nghệ hiện đang rất tò mò đón xem chiếc Galaxy X có điểm gì khác biệt. Một chiếc điện thoại có màn hình dẻo, đến từ một công ty lớn có tiềm lực tài chính và đổ rất nhiều tiền vào R&D (nghiên cứu và phát triển) như Samsung, chắc chắn hứa hẹn sẽ có rất nhiều điểm hấp dẫn. Tuy vậy, chúng ta cũng cần chỉ ra bốn điểm yếu quan trọng của các mẫu máy đến từ ZTE và Royole mà sản phẩm của Samsung cần tránh nếu muốn có cơ hội khẳng định mình trên thị trường.

Bài học số 1: Hãy gập màn hình vào bên trong

Khi Samsung hé lộ mẫu thử đầu tiên của chiếc Galaxy X, chúng ta nhận thấy khi ở trạng thái gập, nó có một màn hình nhỏ ở phía bên ngoài. Sau khi mở ra, chiếc máy có một màn hình lớn ở mặt trong. Đây là một thiết kế hợp lý, mặc dù có thể sẽ mang lại nhiều vấn đề. Chẳng hạn, bán kính gập tối đa của thiết bị (độ gập tối đa của chiếc máy mà không bị hỏng hóc) sẽ ngắn hơn nhiều so với khi gập ra bên ngoài. Điều này sẽ tạo áp lực lớn lên màn hình và có thể làm tổn hại đến các điểm ảnh hiển thị mỗi khi người dùng gập chiếc máy lại.

Bù lại, chiếc điện thoại gập vào bên trọng như cuốn sách sẽ đem đến trải nghiệm sử dụng tự nhiên hơn. Nó cũng sẽ giúp bảo vệ màn hình của máy tốt hơn. Cả hai chiếc Axon M và Royole FlexPai đang có trên thị trường đều gập ra ngoài. Toàn bộ phần màn hình của chúng tiếp xúc trực tiếp với môi trường xung quanh, khiến nó dễ bị tổn thương với các xây xước từ bên ngoài. Và đặc biệt, một khi người dùng làm rơi chiếc máy, cả phần màn hình phía trước và sau của thiết bị đều có khả năng bị hư hỏng.

Bài học số 2: Thiết kế phải đủ mỏng và cân đối

Bạn có thể nghĩ rằng trách nhiệm của nhà sản xuất là phải tạo ra một thiết bị đem lại cho người dùng cảm giác thoải mái khi cầm nắm, nhưng điều này có vẻ không đúng với chiếc Axon M. Không chỉ nặng và dày, khó đặt vào túi quần bò và các loại quần áo bó khác, chiếc máy này còn có một bên màn hình nặng hơn bên còn lại. Sự phân bố trọng lượng không đều như vậy khiến cho người dùng cảm giác cầm không thật tay.

Ở bên kia chiến tuyến, chiếc máy FlexPai mỏng và phân bố trọng lượng đều ở hai bên màn hình. Galaxy X cũng cần học hỏi thiết kế này, nhưng cần lưu ý một điểm: phần cong gập của FlexPai khá lớn. Galaxy X cần làm cho chi tiết này nhỏ và phẳng hết sức có thể. Các giới hạn về kỹ thuật có thể không cho phép điều này trở thành hiện thực, nhưng nhà sản xuất cũng cần làm cho sản phẩm của mình phải thật mỏng và dễ cầm dù cho nó ở trạng thái mở ra hay gập vào.

Bài học số 3: Bảo đảm sự vận hành mượt mà của phần mềm và phần cứng

Có lẽ một trong những vấn đề khiến tôi khó chịu nhất khi sử dụng chiếc điện thoại gập FlexPai là do phần mềm và giao diện người dùng của chiếc điện thoại này có quá nhiều lỗi (FlexPai chạy hệ điều hành Water được phát triển trên nền Android 9.0). Đã rất nhiều lần màn hình chiếc điện thoại bị giật, không phản hồi các thao tác chạm vuốt của tôi, cũng như không thể tự động xoay màn hình phù hợp với thao tác cầm nắm, mở ra gập vào của người dùng.

Kể từ thời điểm Samsung cho ra mắt phiên bản thử nghiệm dành cho nhà phát triển của chiếc Galaxy X vào tháng 11 vừa qua, các đối thủ cạnh tranh như Royole rất có thể đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và sẽ làm cho chiếc FlexPai hoạt động trơn tru và ổn định. Tôi tin tưởng rằng một công ty lớn như Samsung sẽ khắc phục được đa số (nếu không phải là tất cả) các lỗi phát sinh của sản phẩm trước khi tung nó ra thị trường (cũng chưa thể biết trước điều gì, như trường hợp của chiếc máy Galaxy Note 7 chẳng hạn). Hơn thế nữa, bản thân hệ điều hành Android cũng đã chính thức tham gia vào cuộc chơi với tuyên bố hỗ trợ các máy điện thoại có màn hình gập.

Samsung cũng cần trang bị cho chiếc Galaxy X những phần cứng thuộc hàng "đầu bảng" nhất để đáp ứng nhu cầu của những người đã sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để sở hữu sản phẩm. Chiếc Galaxy S10 đã được xác nhận sẽ có bộ xử lý Snapdragon 855 của Qualcomm. Galaxy X tối thiểu cũng cần sở hữu một camera chụp ảnh xuất sắc, một bộ xử lý hiệu suất cao và bộ nhớ dung lượng lớn như các flagship khác của Samsung để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của những người dùng và game thủ cao cấp.

Cách làm này sẽ khác với những gì ZTE đã làm với chiếc máy Axon M. Mặc dù ra mắt vào tháng 12 năm 2017 nhưng nó lại sở hữu phần cứng của năm 2016, gồm bộ xử lý Snapdragon 821 và hệ điều hành Android 7.1. Điều này giúp giữ giá thành của sản phẩm ở mức vừa phải (thấp hơn 800 USD ở thời điểm ra mắt), nhưng cũng khiến cho chiếc máy này không thể đạt tới đẳng cấp cao nhất về phần cứng.

Bài học số 4: Mức giá hợp lý

Với thiết kế đột phá của chiếc Galaxy X, không quá ngạc nhiên nếu Samsung đưa ra một mức giá đắt đỏ cho sản phẩm này, nhất là trong bối cảnh những chiếc flagship truyền thống của hãng cũng đã chạm tới mức giá 1000 USD. Thậm chí ngay cả Royole, một công ty hầu như không có tiếng tăm gì trên thị trường, cũng bán FlexPai với mức giá gần 1400 USD.

Với tư cách là một trong số những hãng sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu trên thế giới, Samsung đã gây dựng đủ giá trị thương hiệu và niềm tin của người dùng để ra giá cao cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, ngay cả khi thiết bị này sở hữu một sản phẩm hai trong một với công nghệ đột phá, nhưng nếu Galaxy X được bán mức giá cao một cách không hợp lý thì đó cũng là một rào cản lớn đối với những người dùng quan tâm đến sản phẩm này. Theo ước tính của tôi, mức giá phù hợp nhất với chiếc điện thoại này có thể rơi vào khoảng 1000 đến 1600 USD, tương đương với những chiếc điện thoại đắt đỏ nhất trên thị trường hiện nay, cộng thêm một chút "chi phí" cho những đột phá công nghệ của Galaxy X.

Theo Vn review​
 
Bên trên