luckyclick1991
Member
Cá tấn công người tắm biển
Đang thả mình trong làn nước mát ở bãi biển trước đại học Quy Nhơn, thạc sĩ Nguyễn Minh Tuân bị một con cá lớn đớp nhiều phát vào cánh tay trái khiến anh phải nhập viện.
Chiều 10/1, thạc sĩ Nguyễn Minh Tuân, giảng viên khoa Lý luận chính trị của đại học Quy Nhơn vẫn phải nằm lại Viện Quân y 13 để điều trị vết thương.
Nạn nhân kể, khoảng 7h ngày 9/1, khi đang bơi ra xa cách bờ khoảng 100m, bất ngờ một con cá màu xám, da nhám, ước chừng nặng khoảng 20-30 kg, lao vào cắn hai lần vào cánh tay trái. Sau khi tấn công người, con cá bơi đi mất.
"Phần hoảng hốt, phần vết thương gây đau đớn, tôi kêu cứu và được một ngư dân đánh cá gần đó bơi thúng đến vớt vào bờ, chuyển đến bệnh viện", ông Tuân nói.
Sau hai giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã thắt động mạch cầm máu, khâu vết thương cho nạn nhân.
Ngay sau hôm tai nạn xảy ra với ông Tuân, một giảng viên khác của trường Đại học Quy Nhơn là ông Mang Đức Hạnh cũng bị cá tấn công khi tắm tại vùng biển trước trường. Ông Hạnh bị thương nặng ở khuỷu tay, đứt động mạch, đứt gân, phải chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, điều trị.
Sáu tháng trước, cũng tại vùng biển này, đã có hai người tắm biển bị cá cắn vào chân. Nhiều ngư dân có kinh nghiệm cho rằng, “tác giả” của những vụ tấn công này là cá nhám loại lớn (một loài cá giống cá mập). Thỉnh thoảng ngư dân địa phương cũng đánh bắt được cá nhám loại lớn.
Kiều Mi
Nguồn: Vnexpress
Treo thưởng bắt cá cắn người tắm biển
Lãnh đạo thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, thông báo sẽ trọng thưởng người bắt được cá dữ tấn công hàng loạt người tắm biển, đồng thời tăng cường tuần tra bờ biển, chuẩn bị lập trạm cứu hộ bãi tắm.
Khoảng 10 người tắm biển Quy Nhơn đoạn từ Công viên thiếu nhi đến gần khu danh thắng quốc gia Ghành Ráng, bị cá cắn bị thương đến phải nhập viện, tính từ tháng 7/2009 đến nay. Riêng ngày 9/1 đã có đến 3 người bị cá tấn công. Người dân địa phương và du khách hết sức lo lắng. Bãi biển chiều qua vắng hẳn người tắm.
Bãi biển vắng người. Ảnh: Minh Thảo
Trước tình trạng đáng lo ngại này, ông Thái Ngọc Bích, Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn cho biết: “Chúng tôi đang gấp rút phối hợp với ngành chức năng để sớm tìm ra “thủ phạm”, giải quyết dứt điểm tình hình, tránh ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt và hoạt động du lịch. Nếu ngư dân chủ động săn bắt được con cá dữ này thì sẽ được chính quyền trọng thưởng”.
Còn ông Nguyễn Hữu Hào, Chi cục trưởng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định cho biết: “Để trấn an tình hình, ngay chiều 12/1, Chi cục đã cho một chiếc bobo thường xuyên kiểm tra vào giờ cao điểm tại vùng biển xảy ra các vụ cá cắn vừa qua”. Theo ông Hào, Chi cục đã kiến nghị thành phố lập ngay một trạm cứu hộ tại bãi tắm để cứu hộ khi cần thiết.
UBND tỉnh Bình Định cũng đã phải nhờ đến Viện Hải dương học tại Nha Trang hỗ trợ, để xác định chính xác loài cũng như số lượng cá dữ, cùng đưa ra hướng giải quyết hiệu quả. Chiều 12/1, Phó Viện trưởng Võ Sĩ Tuấn đã đưa đoàn Viện Hải dương học Nha Trang đến Quy Nhơn để tìm hiểu tình hình và gặp các nạn nhân bị cá tấn công.
Ông Nguyễn Quang Huynh (57 tuổi), nạn nhân đầu tiên bị cá dữ tấn công tại bãi biển Quy Nhơn vào sáng 18/7/2009, kể lại, hôm ấy ông đi tắm biển cùng 4 người bạn, đều là những người bơi giỏi và thường bơi khá xa bờ. Ông Huynh là người bơi trước, khi cách bờ chừng 150 m thì bị một con cá ngoạm vào cẳng chân phải. Một mảng cơ bằng khoảng bàn tay gần như bị rời ra, hở cả xương.
Những người bạn của ông Huynh cùng nỗ lực đưa ông vào bờ và chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cấp cứu. Do thương tích nặng, ông Huynh phải nằm viện điều trị suốt một tháng mới được về nhà.
Một số ngư dân có kinh nghiệm ở địa phương cho biết, vẫn thường xuyên đánh bắt được cá mập con (khoảng 5-7kg) tại vùng biển này. Còn cá mập lớn hiếm khi vào bờ. Chỉ khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm cá mập mẹ mới vào vùng biển Ghành Ráng để đẻ, sau đó lập tức bơi ra khơi. Theo họ, dù chỉ có trọng lượng nhỏ như thế nhưng cá mập đã đánh bắt được có thân hình dài, khiến nhiều người cảm tưởng là cá to. Đặc biệt, khi há miệng đớp mồi, miệng cá mập con rất to (gần bằng bàn tay xòe).
Nhận định của các ngư dân này, với vết cắn để lại cho nạn nhân, có thể khẳng định thủ phạm là cá mập con. Cá mập trưởng thành mỗi lần cắn là mất cả chân tay chứ không chỉ là vết ngoặm.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Tuấn khá dè dặt nhận định: “Với các vết cắn để lại trên người những nạn nhân, trước mắt, chỉ có thể khẳng định đúng là do cá cắn. Còn thủ phạm là loài cá gì, khối lượng bao nhiều thì còn phải xem xét”.
Theo ông Võ Văn Quang, Phó phòng động vật có xương sống, Viện Hải dương học Nha Trang, nếu chỉ căn cứ vào một vài chi tiết nhỏ rất khó khẳng định chính xác được loài. Ông nói: “Ngoài ra, việc tìm được con cá đã gây ra những vụ tấn công này cũng như mò kim đáy bể. Bởi vì, phương tiện tối tân nhất hiện nay là máy định vị ba chiều, nhưng loại máy này chỉ phát hiện ra các đàn cá, còn cá thể đơn lẻ là rất khó khăn”.
Minh Thảo
Nguồn: Vnexpress
Sợ thật,bây h ở Việt Nam cũng xuất hiện nạn cá mập tấn công.:-SS:-SS Ko bik các bãi biển ngoài miền Bắc đã từng ghi nhận hiện tượng này chưa. .Chắc tại mọi người tắm táp rồi đánh bắt thủy sản...làm ảnh rối loạn môi trường sống của lũ cá lớn đây mà.