Theo chân những người con từ mọi miền đất nước đổ về Sài Gòn tìm kế mưu sinh là những món ăn chơi khắp nơi cũng quy tụ về đây. Chính những món quà vặt đủ mọi “thể loại”, từ các món gói gói - cuốn cuốn, ngoáy ngoáy - hút hút (ốc) đến bóc bóc - tách tách (bánh bèo, bánh khọt, bánh căn…) làm cho cuộc sống Sài Gòn có thêm nhiều hương vị theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Buôn có bạn, bán có phường, ăn có hội
Một gánh quà vặt trên đường Đồng Khởi
Có nhiều cách nhắc nhở tên đất, tên đường nhưng có lẽ giản dị nhất, kích thích dịch vị nhất là… những món ăn! Dù không được mang tên chính thức như 36 phố phường Hà Nội, nhưng nhiều con đường Sài Gòn cũng nổi tiếng vì tập trung một loại đặc sản nào đó.
Những ai trót ghiền các món ốc (thật ra ốc chỉ là “nhân vật đại diện” cho cả họ hàng nghêu, sò, ốc, hến, cua, ghẹ…) thì hẳn không xa lạ gì với đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3). Xe qua con đường cua ốc này ít khi nào chạy nhanh được, bởi dù không đến đường này để ăn ốc, thì ai đi ngang qua cũng phải chạy xe chầm chậm để đưa mắt nhìn vào những đĩa thức ăn bốc hơi nghi ngút đầy quyến rũ. Nếu mỗi con đường có một mùi hương riêng, thì mùi lá chanh thơm thoang thoảng bốc lên từ những nồi nước luộc ốc chính là mùi đặc trưng của đường Nguyễn Thượng Hiền.
Người tha hương mang theo những món quà vặt từ khắp nơi đến Sài Gòn
Trong khi đó thì đường Sư Vạn Hạnh - đoạn từ Nguyễn Chí Thanh đến Ngô Gia Tự lại mang đến cho người Sài Gòn một chút hương vị của miền Trung nắng gió với bánh bột lọc và tất nhiên không thể thiếu những chiếc bánh xèo giòn rụm, nhỏ bằng lòng bàn tay. Cả một dãy quán ăn và bếp nướng than đỏ rực để ra gần lề đường, ngay ngoài trời, hoạt động rộn rã làm không khí ở đây luôn “chộn rộn”, khói bay nghi ngút, mùi thơm phưng phức. Vì vậy, vào những ngày mưa lất phất hoặc mới tạnh mưa xong, đi ngang đường này cũng cảm thấy chút ấm áp.
Còn Bùi Viện - con đường đã được mệnh danh là thức đêm ngủ ngày - lại tập hợp được nhiều món ăn chơi theo đủ kiểu ta, Tây, Tàu hết sức phong phú, từ những món quen thuộc như gỏi cuốn, cua ốc, hạt dẻ nướng đến các món lạ như bánh mì Doner Kebab Thổ Nhĩ Kỳ, chijimi (bánh xèo) Hàn Quốc…
Đường nhỏ, hàng quán nho nhỏ, không có xe đậu lấn chiếm lòng lề đường vì hầu như xe máy đều tập trung vào bãi giữ ở đầu đường và xem ra, người ta thích cái cảm giác thong dong bách bộ, thích ăn món gì thì ghé quán đó ăn mà không phải vướng víu con ngựa sắt. Tuy nhiên, thú vui này nhiều khi khiến các thực khách nữ rơi vào tình huống dở khóc dở cười nếu đi một mình, khi bị một anh chàng Tây đen nào đó sấn đến hỏi “Đi không cưng?”!
Cùng trò chuyện vui vẻ bên dĩa gỏi khô bò ở công viên Lê Văn Tám
Ăn vặt là một thú vui không thể hưởng một mình. Người ta có thể ghé quán gọi một dĩa cơm hoặc một tô phở rồi ngồi ăn ngon lành nhưng đi ăn hàng mà không có bạn thì dường như cũng bớt ngon.
Một cô gái trẻ làm việc trong ngành quan hệ công chúng kể với giọng đầy tiếc rẻ: “Trước đây tôi ở quận 1, quận 3 và quận Phú Nhuận thường rủ rê nhiều bạn bè cùng đi ăn vặt, khi thì chè, khi thì cua ốc… Từ ngày chuyển qua ở đường Âu Cơ, quận Tân Bình, vì khá xa khu trung tâm nên khó tìm được ai đi ăn cùng. Mỗi khi thấy buồn miệng, tôi cũng lân la vào các quán chè ở gần nhà “làm vài chén” nhưng thú thật, đi với bạn bè vừa ăn vừa nói chuyện thú vị hơn nhiều”.
Quả vậy, món ăn vặt nhiều khi chỉ là duyên cớ cho những cuộc tập hợp bạn bè, ngồi bên nhau hàn huyên tâm sự chứ không phải là để ăn cho no. Có lẽ, đó là sức hấp dẫn riêng của thú ăn hàng đã lôi kéo nhiều người giàu có, sang trọng ra ngồi lề đường như tầng lớp bình dân. Cứ ghé quán cóc, hay đứng vây quanh một chiếc xe đẩy bán chè, xôi, cóc ổi mía ghim… là hầu như có thể gặp được mọi thành phần, mọi giới ở đó, từ những bạn trẻ mặc áo thun, quần shorts, dép lê đến nhân viên cổ cồn chính hiệu: áo trong quần, chân trong giày rất chỉn chu.
Một cô nàng ngày ngày diện váy dài ngang gối, chạy xe tay ga đến công sở, giày cao gót không bao giờ dưới năm phân, là khách ruột của các gánh bánh tráng trộn trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (gần khu mua sắm Saigon Square) cho biết: “Văn phòng làm việc im phăng phắc nên có luật bất thành văn mà ai cũng cố giữ là đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên. Ngồi lâu trong cái im ắng đó cũng căng thẳng đầu óc lắm. Ra ngoài đường rộng rãi, thoáng mát, không phải để ý giữ kẽ, nói cười thoải mái cũng là một cách xả stress”.
Nếu ai nghĩ rằng thú ăn vặt chỉ dành cho những người trẻ có quỹ thời gian rộng rãi, chưa phải vướng bận chuyện nhà cửa, con cái thì quả là sai lầm. Không ít những ông bố bà mẹ vẫn dành thời gian để tâm sự, chia sẻ cùng bạn bè, đồng nghiệp trong những quán quà vặt nào đó. Anh Thanh An - một người đàn ông trung niên nay đã là bố của hai nhóc tì khôi ngô, xinh xắn cho biết anh vẫn thường đi ăn vặt cùng đồng nghiệp, đi thành từng nhóm rất xôm tụ, nhưng khi có ai đó cần tâm sự thì hai người ngồi bên gánh quà vặt nói với nhau cũng thoải mái hơn.
Chiều chiều, tầm bốn giờ trở đi, khi nắng bắt đầu dịu xuống, cứ ra công viên Lê Văn Tám là sẽ thấy các “hội ăn hàng” hoạt động sôi nổi như thế nào. Con đường Hai Bà Trưng giờ tan tầm nổi tiếng kẹt xe, kèn kêu inh ỏi, khói bụi và hơi xăng bốc lên khiến người ta dễ nổi quạu. Vậy mà chỉ cách có một hàng cây, gần như một thế giới khác đang hiện hữu với những người thong dong ngồi dưới bóng mát, thưởng thức đĩa gỏi khô bò, nhấm nháp mấy cuốn gỏi cuốn, vừa ăn vừa rôm rả với những câu chuyện vui không đầu không đuôi.
Gỏi khô bò công viên Lê Văn Tám được tiếng vừa rẻ vừa ngon, chỉ khoảng mười ngàn đồng là đã có dĩa gỏi đầy đủ hương vị: đu đủ non xắt sợi giòn giòn, chát chát, khô bò đen ngọt đậm đà, bánh mì chiên xốp xốp, đậu phộng rang béo ngậy và mấy đọt rau răm cay cay, thơm nồng… Nhiều người đã bị quyến rũ đến đây, dù chỗ ngồi chỉ là lề đường hay ngay trên bãi cỏ.
Dĩa gỏi cuốn nho nhỏ cũng làm nên một cuộc hẹn hò
Người ta đi ăn vặt vì những lý do rất trái ngược nhau, có khi là để thưởng thức một món ăn lạ từ các vùng miền khác đã có mặt ở Sài Gòn mà mình chưa biết đến, có khi là những người đồng hương rủ nhau đi tìm lại một chút hương vị quen thuộc để đỡ nhớ nhà. Và bên những gánh quà vặt, nếu để ý, sẽ nghe được nhiều câu chuyện thân tình về quê hương, xứ sở.
Dường như, sở thích của những người đi ăn vặt là so sánh cái hay, dở của những món ăn ở quê mình với những món đã “nhập cư” vào Sài Gòn. Một nhóm thanh niên từ miền Trung vào đây sinh sống vừa ăn gỏi khô bò vừa kể: “Ở Quảng Ngãi quê tôi, người ta gọi món này là bò hít - hương vị có khác đôi chút nhưng cũng ăn với ớt cay, vừa ăn vừa hít hà, vậy là có tên bò hít”.
Bên bàn ăn bánh tráng Trảng Bàng - đặc sản Tây Ninh, chúng tôi cũng được nghe Thu Lan - một cô gái trẻ gốc Gia Lai bình luận: “Món này khá giống bánh tráng cuốn quê tôi nhưng ngon hơn ở chỗ có nhiều loại rau rừng ngon, lạ để ăn kèm mà không tìm được ở nơi nào khác. Có điều, cách pha nước chấm ở đây khá ngọt, không hợp khẩu vị của tôi lắm, phải chi có chén nước mắm tỏi ớt bằm, chanh tươi mặn mà như ở quê mình thì ngon phải biết”.
Theo chân cô bạn này, chúng tôi không những biết thêm nhiều địa chỉ ăn vặt mới mà còn được nghe những cảm nhận riêng của cô về quà vặt Sài Gòn. Đó là cảm giác “ghen tỵ” đối với người miền Nam bởi nơi đây có nhiều sản vật phong phú, đặc sắc làm nên những món ăn khiến người khác “ăn là ghiền”.
“Ở quê mình, bánh xèo chỉ có nhân tôm thịt, làm sao tìm được nhân củ hũ dừa, nấm mối, thịt vịt bằm như bánh xèo miền Tây” - Thu Lan kể. Có lẽ, ăn vặt cũng là một hình thức giao lưu văn hóa để hàng triệu người từ những vùng miền khác nhau đang sinh sống và làm việc ở thành phố này hiểu thêm về nhau.
Hữu xạ tự nhiên hương
Món chè thập cẩm của cô gái Quảng Ngãi được nhiều công nhân chờ đợi mỗi buổi chiều
Câu thành ngữ này rất hợp với việc ăn hàng. Các quán bán thức ăn, có khi chỉ là chiếc xe đẩy và vài chiếc ghế con, thường không có biển hiệu hoặc địa chỉ cụ thể. Chẳng cần quảng cáo nhưng nhờ tiếng lành đồn xa nên mới có nhiều khách tìm đến, dù nó nằm ở tận trong “hóc bà tó”! Điển hình là quán chè mâm trên đường Sư Vạn Hạnh có thâm niên gần chục năm nay. Con đường này dù đang bị lô cốt bao vây bít bùng nhưng người đến quán chè mâm lúc nào cũng đông đúc.
Những ai lần đầu tiên đi ngang quán chè ấy, nghe thực khách gọi: “Cho một mâm chè!” là thấy giật mình, nhưng thật ra mỗi mâm gồm 12 chén chè đủ loại nhỏ xíu, nếu dùng muỗng to thì chỉ múc hai muỗng là hết sạch và một dĩa xôi vò cũng bé con như thế. Nếu nói về chất lượng, hẳn có nhiều nơi khác ngon hơn quán chè mâm này, nhưng bao nhiêu người vẫn tìm đến đây bởi cái lạ mắt, lạ miệng khi được ngồi “một mình một mâm” thưởng thức hương vị khác nhau của 12 loại chè. Có lẽ vì muốn mang lại cho thực khách niềm vui nho nhỏ đó mà các chị chủ quán mới chịu khó bày biện một mâm 12 chén chè mà giá chỉ bằng một dĩa cơm trưa.
Nổi tiếng về thức ăn ngon lẫn độ hẻm hóc phải kể đến quán ốc Chị Đào. Dù nằm khuất trong một con hẻm nhỏ trên đường Cống Quỳnh (kế bên siêu thị CoopMart), phải đi qua mấy cái ngách mới đến nơi nhưng hễ nói đến ốc Chị Đào thì giới sành ăn ai cũng biết. Quán này chỉ bán vài tiếng đồng hồ mỗi ngày, từ lúc hai, ba giờ chiều đến khi vừa sụp tối.
Vì vậy, đi ăn ốc Chị Đào phải “lên kế hoạch cụ thể”, chỉ cần đến trễ một chút là đã hết sạch những món đặc sản như ốc mỡ xào me, ốc hương rang muối ớt, ốc len xào dừa, sò điệp nướng mỡ hành… có hương vị đậm đà hơn so với nhiều nơi khác. Đến đây mới thấy, ăn vặt đâu phải là thú vui độc quyền của chị em, mà phe mày râu cũng tham gia tích cực.
Không ít người nghĩ rằng bán quà vặt là một kế sinh nhai tạm bợ, cho nên mỗi khi sắp đi ngang qua quán nào đó đã lâu chưa ghé thì ai cũng băn khoăn với một câu hỏi “Không biết chỗ đó đã nghỉ bán hay dời đi đâu chưa?”. Đúng là bán thức ăn vặt vốn ít, lời ít là cần câu cơm của nhiều người từ khắp nơi đổ về Sài Gòn kiếm sống - những người mà cuộc sống chưa ổn định, rày đây mai đó.
Dù vậy cũng có những nơi bán quà vặt có thâm niên, gắn bó với một con đường, một góc phố trong mấy chục năm trời. Quán bột chiên Bà Năm ở cuối đường Phùng Khắc Khoan (đoạn giao với đường Điện Biên Phủ) là một ví dụ. Ba chị em gồm một cụ ông và hai cụ bà đã gắn bó với góc đường này suốt 21 năm qua.
Cụ ông là người đánh trứng, chiên bột, một cụ bà chuẩn bị chén dĩa và người còn lại tính tiền kiêm luôn việc chạy bàn. Ở đây, mọi thứ diễn ra một cách khá chậm chạp nhưng tỉ mỉ và sạch sẽ. Và những địa chỉ ăn vặt như thế này đã được truyền từ đời cha sang đời con một cách hết sức tự nhiên.
Đổ bánh căn Ninh Thuận
Cũng như quán bột chiên Bà Năm, nhiều nơi chỉ có tấm bạt che mưa nắng, vài cái ghế cóc, bàn con mà mỗi ngày khách ra vào bao nhiêu lượt không đếm xuể. Ăn vặt mà vào quán sang trọng, rộng rãi thì… dường như cũng bớt ngon. Chiều chiều, đi ngang quán Đạt (16 Trương Định nối dài, phường 9, quận 3) bán bánh căn Ninh Thuận sẽ cảm nhận được điều đó, dù có phòng máy lạnh hẳn hoi nhưng thực khách vẫn thích ngồi trên lề đường, vừa thưởng thức những chiếc bánh nóng hổi, thơm phức, vừa được tận mắt nhìn thấy những người thợ thoăn thoắt đổ bánh trên bếp lò ngay bên cạnh.
Bàn về món ăn và các quán ăn, ít khi nào nhận được những ý kiến giống nhau. “Gu” ăn vặt không ai giống ai và mỗi góc nhỏ, quán nhỏ đã từng đi qua cùng bạn bè là một điểm đặc biệt trên “bản đồ ẩm thực” Sài Gòn trong lòng mỗi người để khi đi xa lại thấy thèm, thấy nhớ.
Theo KIM CÚC
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Ảnh: Đào Đức Thịnh
Nguồn :
Buôn có bạn, bán có phường, ăn có hội
Một gánh quà vặt trên đường Đồng Khởi
Có nhiều cách nhắc nhở tên đất, tên đường nhưng có lẽ giản dị nhất, kích thích dịch vị nhất là… những món ăn! Dù không được mang tên chính thức như 36 phố phường Hà Nội, nhưng nhiều con đường Sài Gòn cũng nổi tiếng vì tập trung một loại đặc sản nào đó.
Những ai trót ghiền các món ốc (thật ra ốc chỉ là “nhân vật đại diện” cho cả họ hàng nghêu, sò, ốc, hến, cua, ghẹ…) thì hẳn không xa lạ gì với đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3). Xe qua con đường cua ốc này ít khi nào chạy nhanh được, bởi dù không đến đường này để ăn ốc, thì ai đi ngang qua cũng phải chạy xe chầm chậm để đưa mắt nhìn vào những đĩa thức ăn bốc hơi nghi ngút đầy quyến rũ. Nếu mỗi con đường có một mùi hương riêng, thì mùi lá chanh thơm thoang thoảng bốc lên từ những nồi nước luộc ốc chính là mùi đặc trưng của đường Nguyễn Thượng Hiền.
Người tha hương mang theo những món quà vặt từ khắp nơi đến Sài Gòn
Trong khi đó thì đường Sư Vạn Hạnh - đoạn từ Nguyễn Chí Thanh đến Ngô Gia Tự lại mang đến cho người Sài Gòn một chút hương vị của miền Trung nắng gió với bánh bột lọc và tất nhiên không thể thiếu những chiếc bánh xèo giòn rụm, nhỏ bằng lòng bàn tay. Cả một dãy quán ăn và bếp nướng than đỏ rực để ra gần lề đường, ngay ngoài trời, hoạt động rộn rã làm không khí ở đây luôn “chộn rộn”, khói bay nghi ngút, mùi thơm phưng phức. Vì vậy, vào những ngày mưa lất phất hoặc mới tạnh mưa xong, đi ngang đường này cũng cảm thấy chút ấm áp.
Còn Bùi Viện - con đường đã được mệnh danh là thức đêm ngủ ngày - lại tập hợp được nhiều món ăn chơi theo đủ kiểu ta, Tây, Tàu hết sức phong phú, từ những món quen thuộc như gỏi cuốn, cua ốc, hạt dẻ nướng đến các món lạ như bánh mì Doner Kebab Thổ Nhĩ Kỳ, chijimi (bánh xèo) Hàn Quốc…
Đường nhỏ, hàng quán nho nhỏ, không có xe đậu lấn chiếm lòng lề đường vì hầu như xe máy đều tập trung vào bãi giữ ở đầu đường và xem ra, người ta thích cái cảm giác thong dong bách bộ, thích ăn món gì thì ghé quán đó ăn mà không phải vướng víu con ngựa sắt. Tuy nhiên, thú vui này nhiều khi khiến các thực khách nữ rơi vào tình huống dở khóc dở cười nếu đi một mình, khi bị một anh chàng Tây đen nào đó sấn đến hỏi “Đi không cưng?”!
Cùng trò chuyện vui vẻ bên dĩa gỏi khô bò ở công viên Lê Văn Tám
Ăn vặt là một thú vui không thể hưởng một mình. Người ta có thể ghé quán gọi một dĩa cơm hoặc một tô phở rồi ngồi ăn ngon lành nhưng đi ăn hàng mà không có bạn thì dường như cũng bớt ngon.
Một cô gái trẻ làm việc trong ngành quan hệ công chúng kể với giọng đầy tiếc rẻ: “Trước đây tôi ở quận 1, quận 3 và quận Phú Nhuận thường rủ rê nhiều bạn bè cùng đi ăn vặt, khi thì chè, khi thì cua ốc… Từ ngày chuyển qua ở đường Âu Cơ, quận Tân Bình, vì khá xa khu trung tâm nên khó tìm được ai đi ăn cùng. Mỗi khi thấy buồn miệng, tôi cũng lân la vào các quán chè ở gần nhà “làm vài chén” nhưng thú thật, đi với bạn bè vừa ăn vừa nói chuyện thú vị hơn nhiều”.
Quả vậy, món ăn vặt nhiều khi chỉ là duyên cớ cho những cuộc tập hợp bạn bè, ngồi bên nhau hàn huyên tâm sự chứ không phải là để ăn cho no. Có lẽ, đó là sức hấp dẫn riêng của thú ăn hàng đã lôi kéo nhiều người giàu có, sang trọng ra ngồi lề đường như tầng lớp bình dân. Cứ ghé quán cóc, hay đứng vây quanh một chiếc xe đẩy bán chè, xôi, cóc ổi mía ghim… là hầu như có thể gặp được mọi thành phần, mọi giới ở đó, từ những bạn trẻ mặc áo thun, quần shorts, dép lê đến nhân viên cổ cồn chính hiệu: áo trong quần, chân trong giày rất chỉn chu.
Một cô nàng ngày ngày diện váy dài ngang gối, chạy xe tay ga đến công sở, giày cao gót không bao giờ dưới năm phân, là khách ruột của các gánh bánh tráng trộn trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (gần khu mua sắm Saigon Square) cho biết: “Văn phòng làm việc im phăng phắc nên có luật bất thành văn mà ai cũng cố giữ là đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên. Ngồi lâu trong cái im ắng đó cũng căng thẳng đầu óc lắm. Ra ngoài đường rộng rãi, thoáng mát, không phải để ý giữ kẽ, nói cười thoải mái cũng là một cách xả stress”.
Nếu ai nghĩ rằng thú ăn vặt chỉ dành cho những người trẻ có quỹ thời gian rộng rãi, chưa phải vướng bận chuyện nhà cửa, con cái thì quả là sai lầm. Không ít những ông bố bà mẹ vẫn dành thời gian để tâm sự, chia sẻ cùng bạn bè, đồng nghiệp trong những quán quà vặt nào đó. Anh Thanh An - một người đàn ông trung niên nay đã là bố của hai nhóc tì khôi ngô, xinh xắn cho biết anh vẫn thường đi ăn vặt cùng đồng nghiệp, đi thành từng nhóm rất xôm tụ, nhưng khi có ai đó cần tâm sự thì hai người ngồi bên gánh quà vặt nói với nhau cũng thoải mái hơn.
Chiều chiều, tầm bốn giờ trở đi, khi nắng bắt đầu dịu xuống, cứ ra công viên Lê Văn Tám là sẽ thấy các “hội ăn hàng” hoạt động sôi nổi như thế nào. Con đường Hai Bà Trưng giờ tan tầm nổi tiếng kẹt xe, kèn kêu inh ỏi, khói bụi và hơi xăng bốc lên khiến người ta dễ nổi quạu. Vậy mà chỉ cách có một hàng cây, gần như một thế giới khác đang hiện hữu với những người thong dong ngồi dưới bóng mát, thưởng thức đĩa gỏi khô bò, nhấm nháp mấy cuốn gỏi cuốn, vừa ăn vừa rôm rả với những câu chuyện vui không đầu không đuôi.
Gỏi khô bò công viên Lê Văn Tám được tiếng vừa rẻ vừa ngon, chỉ khoảng mười ngàn đồng là đã có dĩa gỏi đầy đủ hương vị: đu đủ non xắt sợi giòn giòn, chát chát, khô bò đen ngọt đậm đà, bánh mì chiên xốp xốp, đậu phộng rang béo ngậy và mấy đọt rau răm cay cay, thơm nồng… Nhiều người đã bị quyến rũ đến đây, dù chỗ ngồi chỉ là lề đường hay ngay trên bãi cỏ.
Dĩa gỏi cuốn nho nhỏ cũng làm nên một cuộc hẹn hò
Người ta đi ăn vặt vì những lý do rất trái ngược nhau, có khi là để thưởng thức một món ăn lạ từ các vùng miền khác đã có mặt ở Sài Gòn mà mình chưa biết đến, có khi là những người đồng hương rủ nhau đi tìm lại một chút hương vị quen thuộc để đỡ nhớ nhà. Và bên những gánh quà vặt, nếu để ý, sẽ nghe được nhiều câu chuyện thân tình về quê hương, xứ sở.
Dường như, sở thích của những người đi ăn vặt là so sánh cái hay, dở của những món ăn ở quê mình với những món đã “nhập cư” vào Sài Gòn. Một nhóm thanh niên từ miền Trung vào đây sinh sống vừa ăn gỏi khô bò vừa kể: “Ở Quảng Ngãi quê tôi, người ta gọi món này là bò hít - hương vị có khác đôi chút nhưng cũng ăn với ớt cay, vừa ăn vừa hít hà, vậy là có tên bò hít”.
Bên bàn ăn bánh tráng Trảng Bàng - đặc sản Tây Ninh, chúng tôi cũng được nghe Thu Lan - một cô gái trẻ gốc Gia Lai bình luận: “Món này khá giống bánh tráng cuốn quê tôi nhưng ngon hơn ở chỗ có nhiều loại rau rừng ngon, lạ để ăn kèm mà không tìm được ở nơi nào khác. Có điều, cách pha nước chấm ở đây khá ngọt, không hợp khẩu vị của tôi lắm, phải chi có chén nước mắm tỏi ớt bằm, chanh tươi mặn mà như ở quê mình thì ngon phải biết”.
Theo chân cô bạn này, chúng tôi không những biết thêm nhiều địa chỉ ăn vặt mới mà còn được nghe những cảm nhận riêng của cô về quà vặt Sài Gòn. Đó là cảm giác “ghen tỵ” đối với người miền Nam bởi nơi đây có nhiều sản vật phong phú, đặc sắc làm nên những món ăn khiến người khác “ăn là ghiền”.
“Ở quê mình, bánh xèo chỉ có nhân tôm thịt, làm sao tìm được nhân củ hũ dừa, nấm mối, thịt vịt bằm như bánh xèo miền Tây” - Thu Lan kể. Có lẽ, ăn vặt cũng là một hình thức giao lưu văn hóa để hàng triệu người từ những vùng miền khác nhau đang sinh sống và làm việc ở thành phố này hiểu thêm về nhau.
Hữu xạ tự nhiên hương
Món chè thập cẩm của cô gái Quảng Ngãi được nhiều công nhân chờ đợi mỗi buổi chiều
Câu thành ngữ này rất hợp với việc ăn hàng. Các quán bán thức ăn, có khi chỉ là chiếc xe đẩy và vài chiếc ghế con, thường không có biển hiệu hoặc địa chỉ cụ thể. Chẳng cần quảng cáo nhưng nhờ tiếng lành đồn xa nên mới có nhiều khách tìm đến, dù nó nằm ở tận trong “hóc bà tó”! Điển hình là quán chè mâm trên đường Sư Vạn Hạnh có thâm niên gần chục năm nay. Con đường này dù đang bị lô cốt bao vây bít bùng nhưng người đến quán chè mâm lúc nào cũng đông đúc.
Những ai lần đầu tiên đi ngang quán chè ấy, nghe thực khách gọi: “Cho một mâm chè!” là thấy giật mình, nhưng thật ra mỗi mâm gồm 12 chén chè đủ loại nhỏ xíu, nếu dùng muỗng to thì chỉ múc hai muỗng là hết sạch và một dĩa xôi vò cũng bé con như thế. Nếu nói về chất lượng, hẳn có nhiều nơi khác ngon hơn quán chè mâm này, nhưng bao nhiêu người vẫn tìm đến đây bởi cái lạ mắt, lạ miệng khi được ngồi “một mình một mâm” thưởng thức hương vị khác nhau của 12 loại chè. Có lẽ vì muốn mang lại cho thực khách niềm vui nho nhỏ đó mà các chị chủ quán mới chịu khó bày biện một mâm 12 chén chè mà giá chỉ bằng một dĩa cơm trưa.
Nổi tiếng về thức ăn ngon lẫn độ hẻm hóc phải kể đến quán ốc Chị Đào. Dù nằm khuất trong một con hẻm nhỏ trên đường Cống Quỳnh (kế bên siêu thị CoopMart), phải đi qua mấy cái ngách mới đến nơi nhưng hễ nói đến ốc Chị Đào thì giới sành ăn ai cũng biết. Quán này chỉ bán vài tiếng đồng hồ mỗi ngày, từ lúc hai, ba giờ chiều đến khi vừa sụp tối.
Vì vậy, đi ăn ốc Chị Đào phải “lên kế hoạch cụ thể”, chỉ cần đến trễ một chút là đã hết sạch những món đặc sản như ốc mỡ xào me, ốc hương rang muối ớt, ốc len xào dừa, sò điệp nướng mỡ hành… có hương vị đậm đà hơn so với nhiều nơi khác. Đến đây mới thấy, ăn vặt đâu phải là thú vui độc quyền của chị em, mà phe mày râu cũng tham gia tích cực.
Không ít người nghĩ rằng bán quà vặt là một kế sinh nhai tạm bợ, cho nên mỗi khi sắp đi ngang qua quán nào đó đã lâu chưa ghé thì ai cũng băn khoăn với một câu hỏi “Không biết chỗ đó đã nghỉ bán hay dời đi đâu chưa?”. Đúng là bán thức ăn vặt vốn ít, lời ít là cần câu cơm của nhiều người từ khắp nơi đổ về Sài Gòn kiếm sống - những người mà cuộc sống chưa ổn định, rày đây mai đó.
Dù vậy cũng có những nơi bán quà vặt có thâm niên, gắn bó với một con đường, một góc phố trong mấy chục năm trời. Quán bột chiên Bà Năm ở cuối đường Phùng Khắc Khoan (đoạn giao với đường Điện Biên Phủ) là một ví dụ. Ba chị em gồm một cụ ông và hai cụ bà đã gắn bó với góc đường này suốt 21 năm qua.
Cụ ông là người đánh trứng, chiên bột, một cụ bà chuẩn bị chén dĩa và người còn lại tính tiền kiêm luôn việc chạy bàn. Ở đây, mọi thứ diễn ra một cách khá chậm chạp nhưng tỉ mỉ và sạch sẽ. Và những địa chỉ ăn vặt như thế này đã được truyền từ đời cha sang đời con một cách hết sức tự nhiên.
Đổ bánh căn Ninh Thuận
Cũng như quán bột chiên Bà Năm, nhiều nơi chỉ có tấm bạt che mưa nắng, vài cái ghế cóc, bàn con mà mỗi ngày khách ra vào bao nhiêu lượt không đếm xuể. Ăn vặt mà vào quán sang trọng, rộng rãi thì… dường như cũng bớt ngon. Chiều chiều, đi ngang quán Đạt (16 Trương Định nối dài, phường 9, quận 3) bán bánh căn Ninh Thuận sẽ cảm nhận được điều đó, dù có phòng máy lạnh hẳn hoi nhưng thực khách vẫn thích ngồi trên lề đường, vừa thưởng thức những chiếc bánh nóng hổi, thơm phức, vừa được tận mắt nhìn thấy những người thợ thoăn thoắt đổ bánh trên bếp lò ngay bên cạnh.
Bàn về món ăn và các quán ăn, ít khi nào nhận được những ý kiến giống nhau. “Gu” ăn vặt không ai giống ai và mỗi góc nhỏ, quán nhỏ đã từng đi qua cùng bạn bè là một điểm đặc biệt trên “bản đồ ẩm thực” Sài Gòn trong lòng mỗi người để khi đi xa lại thấy thèm, thấy nhớ.
Theo KIM CÚC
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Ảnh: Đào Đức Thịnh
Nguồn :
Mã:
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=339444&ChannelID=89