PLT BackBeat Pro 5100 vs. Sony WF-1000XM3: chênh lệch 1.500.000 có xứng đáng?

mrchubby

Chuyên viên tin tức
Truewireless headphone có lẽ chính là chủng loại tai nghe được sản xuất nhiều nhất trong 2019 khi nó đáp ứng được nhu cầu về sự tiện lợi trong cuộc sống hiện đại. Mỗi brand đều đã có sản phẩm truewireless cho riêng mình. Đa dạng bao giờ cũng là tốt, nhưng đa dạng quá lại làm cho người dùng rơi vào một ma trận không lối thoát khi muốn sắm cho mình một chiếc tai nghe truewireless. Tuy thế thì trên thị trường vẫn chỉ có một số sản phẩm sáng giá khi đạt được những sự hài hòa nhất định về tính năng – thiết kế - chất âm. Hai trong số đó là Plantronics BackBeat Pro 5100 và Sony WF-1000XM3.

plt5100-vs-sonywf1000xm3.jpg

Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, và bài so sánh này cũng là khập khiễng nốt khi đưa PLT BackBeat Pro 5100 và Sony WF-1000XM3 lên bàn cân, trong khi chúng có giá bán chênh nhau đến tận 1tr500k – một con số tương đối lớn và chắc hẳn sẽ ảnh hưởng đến quyết định tìm cho mình một chiếc tai nghe truewireless của đại đa số người dùng. Vậy do đâu mà có bài so sánh này? Đơn giản chỉ là chúng có quá nhiều điểm tương đồng và bài viết này sẽ giúp bạn tìm được câu trả lời cho câu hỏi: liệu chúng ta có nên chi trả thêm một chút cho thương hiệu cộng thêm vài tính năng hay không.

Hãy cùng điểm qua sơ bộ đặc tính kỹ thuật của cả 2 nhé:

plt5100-vs-sonywf1000xm3-01.png


Thiết kế

Cả PLT BackBeat Pro 5100 và Sony WF-1000XM3 đều được trang bị hai mặt cảm ứng lớn ở tai, tuy nhiên ngoài mặt cảm ứng ra thì BackBeat Pro 5100 còn có phím cứng tích hợp bên dưới, giúp thực hiện được nhiều lệnh điều hướng hơn. Trước đây khi mới ra mắt, Sony WF-1000XM3 không cho phép chỉnh âm lượng trực tiếp trên tai, tuy nhiên qua bản cập nhật phần mềm gần đây nhất thì chiếc tai nghe không dây thực của Sony đã có thêm phần chỉnh âm lượng vốn bị kêu ca từ khi mới ra mắt.

sony-wf1000mx-04.jpg


hdvn-plt-backbeat-pro-5100-03.jpg

Cả 2 đều có phần cảm ứng lớn phía ngoài củ tai

Phần củ tai của cả BackBeat Pro 5100 và WF-1000XM3 thực có nhiều điểm tương đồng, cụ thể hơn chính là cơ chế gài chắc vào khoang tai thông qua chất liệu cao su nhám ngay phần ống dẫn âm gắn vào eartips, cơ chế này giúp cho cả hai chiếc tai nghe truewireless phù hợp được với nhiều đối tượng khách hàng khi không dựa vào hình dáng của củ tai để gài chặt vào khoang tai (tiêu biểu cho thiết kế này là Sennheiser Momentum Truewireless – khá kén người sử dụng). Tuy cùng 1 cơ chế đeo, nhưng WF-1000MX3 lại kéo dài tai nghe của mình thành một khối oval dài, đưa micro hướng về phía dưới, trong khi BackBeat Pro 5100 lại chọn cách gom gọn về một khối lọt thỏm vào tai. Do đó khi đeo cả 2 sản phẩm này trên tai, WF-1000XM3 gây được sự chú ý nhiều hơn, còn BackBeat Pro 5100 tự nhiên và nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Bên cạnh thiết kế công nghiệp, màu sắc cũng là một điều đáng bàn về hai sản phẩm này. Sony sử dụng các tone màu được pha trộn giữa đen, vàng, trắng cho ra màu sắc cực kỳ quyến rũ và tinh tế trên hai phiên bản được bán ra của WF-1000XM3. Ở phía Plantronics, ngược hẳn với WF-1000XM3, BackBeat Pro 5100 cục mịch hơn hẳn với 1 màu đen đi cùng tone màu xám tối.

sony-wf1000mx-11.jpg

hdvn-plt-backbeat-pro-5100-00.jpg


Kích thước driver của BackBeat Pro 5100 và WF-1000XM3 gần như tương đương, một bên 5.8mm và bên còn lại là 6mm, đều là loại dynamic do đó khá dễ hiểu khi hai tai này có tần số đáp ứng tương tự nhau, kéo dài từ 20-20kHz.

Hộp sạc của Sony WF-1000XM3 có phần lớn hơn và đồng thời cũng nặng hơn gấp đôi so với hộp sạc của PLT BackBeat Pro 5100. Lớn hơn đồng nghĩa rằng nó sẽ chưa được nhiều pin hơn, nhưng một trọng lượng lớn hơn 2 lần chỉ mang lại hơn 5h nghe nhạc so với đối thủ thì quả thực chưa tương xứng cho lắm. Hộp sạc của BackBeat Pro 5100 bằng chất liệu nhựa cứng, trong khi hộp sạc của WF-1000XM3 cũng là nhựa được phủ thêm lớp cao su mềm, do đó hộp sạc của tai nghe Sony cho cảm giác cầm tốt hơn, nhưng đồng thời cũng dễ bám bẩn hơn. Cơ chế mở hộp là một điểm cộng cho WF-1000XM3, chiếc case của chiếc tai nghe này sử dụng nam châm hít, trong khi case sạc của BackBeat Pro 5100 sử dụng cơ chế gài lẫy, được mở ra thông qua một phím bấm vật lý. Cả hai hộp đựng đều sở hữu nam châm hít tai nghe chắc chắn vào chấu sạc và cho phép lấy hai bên tai ra dễ dàng, chúng đều có đèn báo trạng thái, nhưng hộp sạc của Plantronics cho người dùng biết được nhiều trạng thái hơn về pin của tai lẫn hộp sạc.

hdvn-plt-backbeat-pro-5100-10.jpg

Hộp sạc Plantronics BackBeat Pro 5100 cho ta biết nhiều trạng thái hơn của tai nghe
sony-wf1000mx-07.jpg

Trong khi hộp của Sony chỉ thông báo được 1 tình trạng duy nhất: đang sạc hoặc đã đầy pin!

Tổng thể, thiết kế Sony WF-1000XM3 đẹp và sang hơn, nhưng xét về độ tiện lợi thì bản thân đánh giá Plantronics BackBeat Pro 5100 cao hơn.

Cảm giác đeo và tiện ích sử dụng

Cả hai đều đem lại cảm giác yên tâm khi sử dụng, tức chắc chắn và thoải mái, tuy nhiên với trọng lượng chỉ 5.8g của mỗi bên tai thì PLT BackBeat Pro 5100 đã hơn hẳn đối thủ khi đeo trong thời gian dài. Sau 10p đeo trên tai, cảm nhận về trọng lượng của BackBeat Pro 5100 sẽ biến mất. Với WF-1000XM3 thì bạn sẽ luôn thấy nó tồn tại ở đó trong suốt quá trình sử dụng. Đó chính là sự khác biệt rõ nét nhất giữa hai chiếc tai nghe này về cảm giác đeo. Xét về độ thoải mái, PLT BackBeat Pro 5100 chắc chắn hơn hẳn WF-1000XM3. Không chỉ ở vấn đề trọng lượng, thiết kế eartips dạng oval mềm của BackBeat Pro 5100 cũng dễ chịu và thân thiện với ống tai hơn, chính hình dạng này của eartips đã giúp chiếc tai nghe của Plantronics sở hữu được khả năng chống ồn bị động, cản được các tiếng ồn truyền vào tai trong quá trình sử dụng. Đây là ưu điểm, và đồng thời cũng là nhược điểm. Bởi khi đeo Plantronics BackBeat Pro 5100 tức là bạn đã mất hẳn liên lạc với thế giới, trái ngược hẳn với WF-1000XM3 vì chiếc tai nghe truewireless của Sony sở hữu tính năng chống ồn chủ động và ambient sound – cho phép người dùng nghe được thông báo bên ngoài thông qua qua cơ chế thu – phát.

hdvn-plt-backbeat-pro-5100-01.jpg

Nói về Plantronics BackBeat Pro 5100, chúng ta sẽ có một chiếc tai nghe nhẹ, đeo thoải mái, 4 mic chống ồn mang lại khả năng đàm thoại trong trẻo và vượt trội. Bên cạnh đó nó còn có khả năng chống nước kháng bụi IPX4 và các tùy chọn thông minh cho cảm biến tiệm cận.

sony-wf1000mx-13.jpg

Về phía Sony WF-1000XM3, chiếc tai nghe này tuy không nhẹ bằng BackBeat Pro 5100, nhưng vẫn thoải mái. Nó chỉ thua nhẹ chiếc tai nghe của Plantronics ở khoản cảm giác đeo, bù lại WF-1000XM3 hơn hẳn BackBeat Pro 5100 ở các công nghệ và tiện ích tích hợp. Với con chip QN1e bên trong, WF-1000XM3 sở hữu khả năng chống ồn vượt trội, đồng thời những công nghệ và thuật toán kết hợp giữa chống ồn và nghe xuyên thấu đã giúp chiếc tai nghe của Sony phù hợp hơn để sử dụng trong nhiều loại môi trường khác nhau, đó có thể là ở công ty, bến xe hay thậm chí là ở cả trên máy bay nữa. Sử dụng tính năng chống ồn (noise cancelling) và nghe xuyên thấu (ambient sound) sẽ làm WF-1000XM3 tiêu hao nhiều năng lượng hơn. Tuy nhiên với công nghệ sạc nhanh 10 phút dùng 90 phút thì có lẽ người dùng sẽ không cần phải quá lo lắng về thời lượng sử dụng.

Cả 2 đều có những ứng dụng quản lý tai nghe trên Android và iOS, cho phép tùy chỉnh thao tác cảm ứng trên tai thành những tác vụ nhanh. Tuy nhiên BackBeat Pro 5100 sẽ thiếu đi tính năng tùy chỉnh EQ – một điều khá đáng tiếc đối với một chiếc tai nghe này.

Đánh giá về cảm giác đeo: Plantronics BackBeat Pro 5100 chiến thắng

Đánh giá về tiện ích và công nghệ: Sony WF-1000XM3 chiến thắng, chỉ thua về chất lượng đàm thoại và chống nước.

Chất âm

Nếu không chỉnh về Equalizer, phải thú thật chất âm của cả hai chiếc tai nghe này có nhiều điểm tương đồng. Đó là một sự cân bằng giữa các dải âm thanh, chi tiết và không gian tái tạo dường như cũng gần giống nhau. Tuy nhiên với phần chỉnh EQ tích hợp, chỉ cần thay đổi một chút sang settings Excited thì mọi thứ trên Sony WF-1000XM3 sẽ trở nên dày dặn hơn, nghe sướng hơn.

Về độ dễ nghe, cả hai đều dễ nghe, phù hợp với đa dạng nhiều thể loại âm nhạc, nhưng với việc chỉnh được EQ thì WF-1000XM3 đã vươn lên dành chiến thắng ở hạng mục này

TỔNG KẾT

Nhìn vào tiêu đề, có lẽ các bạn đều nghĩ hai chiếc tai nghe này sẽ “xêm xêm” nhau và 1.500.000 vnd bỏ ra cho phần chênh lệch sẽ không hề xứng đáng phải không? Thực tế không như bạn nghĩ, cái gì cũng có giá của nó cả! Suy cho cùng về tổng thể, thực sự Sony WF-1000XM3 vẫn nhỉnh hơn đối thủ của mình trên tất cả mọi phương diện, trừ cảm giác đeo và đàm thoại chưa được tốt như BackBeat Pro 5100.

BackBeat Pro 5100 vẫn là một tổng thể tốt ở mức giá 3.990.000 vnd bởi mọi thứ đều được Plantronics chăm chút cho trải nghiệm sử dụng. Tuy nhiên Sony WF-1000XM3 lại cho một trải nghiệm tốt hơn về mặt công nghệ, đáp ứng được nhiều nhu cầu hiện đại hơn. Nếu hầu bao rủng rỉnh, bạn hãy chọn Sony WF-1000XM3, còn nếu điều kiện kinh tế có giới hạn, BackBeat Pro 5100 vẫn là một lựa chọn vô cùng sáng giá.
 
Bên trên