Phép vua thua lệ làng: Trung Quốc yêu cầu AI có thông minh đến đâu cũng phải chơi theo luật!

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Trung Quốc thường dùng biện pháp 'cấm trước, bàn sau' để đối phó với những công nghệ mới có thể gây nguy hiểm cho xã hội.

2023-04-25151831-1682470658024-1682470658219765282497.png

Tờ New York Times (NYT) cho biết mới đây Trung Quốc đã ban hành dự thảo luật nhằm kiểm soát công nghệ trí thông minh nhân tạo sau 5 tháng ra đời của ChatGPT, một chatbot dùng công nghệ này.

Cụ thể, Cục quản lý an ninh mạng Trung Quốc (CAC) trong tháng qua đã quy định những nội dung, hình ảnh mà công nghệ AI được phép sử dụng nhằm hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của chúng lên xã hội.

Theo đó, các doanh nghiệp phải tuân thủ những nguyên tắc kiểm duyệt chặt chẽ của chính phủ trong việc phát triển AI về nội dung lẫn hình ảnh, hạn chế hoặc không được đụng vào các thông tin cấm, gây ảnh hưởng xấu đến các giá trị xã hội hoặc đe dọa đến an ninh quốc gia.

Phép vua thua lệ làng: Trung Quốc yêu cầu AI có thông minh đến đâu cũng phải chơi theo luật! - Ảnh 2.

Ngoài ra, những nội dung, hình ảnh hay tài liệu gốc được AI dùng cũng sẽ phải tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Các thuật toán phát triển AI sẽ phải đăng ký với cơ quan quản lý để kiểm soát.

Dù dự thảo luật này vẫn đang được hoàn thiện nhưng các chuyên gia phát triển AI tại Trung Quốc đã bắt đầu tìm hiểu để có thể tương thích sản phẩm với những quy định mới.

Trên thực tế, nỗi lo về sức mạnh của AI ảnh hưởng đến xã hội đã lan rộng khi chúng được sinh viên dùng để vượt qua kỳ kiểm tra, trong khi những tấm ảnh giả mạo được làm bởi AI được tung lên mạng gây tác động xấu.

Microsoft đã đổ 13 tỷ USD phát triển ChatGPT trong khi Sequoia Capital ước tính ngành công nghiệp AI có thể lên đến hàng nghìn tỷ USD trong tương lai. Mặc dù vậy, vẫn chưa có một văn bản hay rào cản nào quản lý đà phát triển tấn mãnh này của AI, khiến vô số ngành nghề đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp, đồng thời tạo ra hàng loạt thông tin giả mạo, ảnh ghép tràn lan trên mạng.

Hiện vô số những tấm hình khiêu dâm giả mạo do AI thiết kế đã lan tràn trên mạng, trong khi việc phụ thuộc quá nhiều vào AI lại đang tạo nên những hệ lụy tiêu cực ở nhiều ngành. Mới đây, vụ bê bối phóng viên tạp chí Die Aktuelle dùng AI để giả mạo bài phỏng vấn huyền thoại đua xe Michael Schumacher đã làm chấn động dư luận. Thư ký tòa soạn Anne Hoffmann đã bị đuổi việc ngay lập tức dù bà đã điều hành kể từ năm 2009.

Cấm trước, bàn sau

Tại Trung Quốc, các nhà đầu tư và startup cũng đang điên cuồng đổ tiền vào công nghệ gây chú ý này. Các tập đoàn lớn như Alibaba hay Baidu cũng dồn tiền cho AI nhằm tận dụng sức hút của chúng với người tiêu dùng, đồng thời tránh bị tụt hậu quá xa khi các đối thủ như Microsoft hay Google cũng đang điên cuồng chạy đua trong mảng mới.

Dẫu vậy, chính quyền Bắc Kinh lại cấm ChatGPT.

Động thái này được cho là để ngăn chặn những hệ lụy xấu của công nghệ mới đối với xã hội, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà phát triển trong nước bắt kịp.

Trước sự bùng nổ của AI, Trung Quốc đã dẫn đầu các quốc gia khác để xây dựng khung quy định cho công nghệ mới, một động thái được vô số chuyên gia nhận định là vượt trước Phương Tây.

“Bởi Trung Quốc không có chế độ Thượng viện, Hạ viện nơi các nghị sĩ tranh cãi nhau chán chê mới cho ra luật nên họ đơn giản chỉ cần ban hành luật nếu thấy cần và chỉnh sửa dần”, giám đốc chính sách công nghệ Kendra Schaefer của Trivium China nhận định.

Bởi vì các chatbot, đối tượng dùng AI chủ yếu hiện nay tương tác với người dùng, thường sử dụng những tài liệu trên Internet để xào nấu cho ra các nội dung gây bất ngờ nên chính quyền Bắc Kinh đã đi trước, tạo một rào cản cao hơn hẳn so với thị trường để ngăn chặn các tác hại từ đầu.

Trong khi Microsoft chỉ mới hạn chế những phản hồi tiêu cực trên ChatGPT thì chính quyền Bắc Kinh đã đòi hỏi sự kiểm soát hoàn toàn về công nghệ, nội dung, hình ảnh của AI, qua đó đóng cửa hàng loạt chatbot hoặc hạn chế số người dùng.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia lo lắng những quy định này sẽ tạo nên rào cản phát triển AI khi chúng cần tương tác với người dùng để học hỏi và ngày càng hoàn thiện, nhận biết đúng sai hay những nội dung nhạy cảm mà Trung Quốc yêu cầu.

Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng việc chính phủ vẫn tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự luật mới sẽ cho phép các doanh nghiệp phát triển AI một cách có định hướng và cẩn trọng hơn.

Kiểm soát thị trường

Tờ New York Times (NYT) cho biết Trung Quốc có một lịch sử cực kỳ nhạy cảm với Internet khi nhiều thông tin không được phép đăng tải công khai. Trong suốt thập niên 2000, nền kinh tế số 2 thế giới đã xây dựng được mạng lưới rào chắn kiểm duyệt Internet thuộc hàng mạnh nhất toàn cầu, khiến những ông lớn như Google hay Facebook có muốn làm ăn tại đây cũng phải cử CEO đích thân đến nói chuyện.

Phép vua thua lệ làng: Trung Quốc yêu cầu AI có thông minh đến đâu cũng phải chơi theo luật! - Ảnh 4.

Theo chuyên gia AI Matt Sheehan của Viện nghiên cứu quốc tế Carnegie (CEIP), việc kiểm soát công nghệ này là cực kỳ quan trọng với Trung Quốc khi chúng liên quan đến khả năng quản lý thông tin và dẫn đầu một kỹ thuật mới.

Vào tháng 3/2023, Trung Quốc đã thành lập Cục thông tin quốc gia (NDB) nhằm bảo vệ nội dung số và quyền sở hữu trí tuệ trước sức ép từ AI, qua đó kiểm soát quyền sở hữu và mua bán thông tin.

“Như vậy chính phủ giờ đây sẽ có quyền xác định loại dữ liệu nào là tài sản, loại nào có quyền sử dụng, loại nào được phép giao dịch”, chuyên gia Schaefer của Trivium China nói.

Theo Genk​
 
Bên trên