Ồ ạt vào Việt Nam nhưng không đầu tư trạm sạc, xe điện Trung Quốc muốn 'ăn sẵn'?

HDVNService

Thương Gia
Những "ông lớn" đến từ Trung Quốc liên tục mang sang Việt Nam các mẫu xe ô tô điện trẻ trung, hiện đại với nhiều tầm cấp khác nhau. Nhưng việc chưa mấy quan tâm đến hạ tầng trạm sạc cùng với mác "xe Tàu" sẽ là rào cản lớn để tiếp cận khách Việt.
Xe điện Trung Quốc đổ bộ vào thị trường Việt Nam

Theo đánh giá của Deloitte, với quy mô hơn 100 triệu dân và thu nhập bình quân đã vượt qua mức "mô tô hoá", tiến tới thu nhập bình quân theo đầu người 5000 USD/năm, Việt Nam đang là một trong những thị trường ô tô phát triển "nóng" nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh những hãng xe đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ,... trong vài năm trở lại đây, các hãng ô tô Trung Quốc cũng thâm nhập sâu vào thị trường. Đặc biệt, chỉ khoảng 1 năm qua, các mẫu xe điện "Made in China" ồ ạt xuất hiện ở nhiều tầng khúc khác nhau.

w-wuling-hongguang-miniev-5-1-29-462.jpeg

Wuling Hongquang Mini EV được coi là mẫu xe thuần điện Trung Quốc đầu tiên được đưa về Việt Nam vào năm 2023. Ảnh: Đình Quý
Trong năm 2023, có thể kể tới sự xuất hiện của thương hiệu Wuling Hongquang Mini EV gia nhập và khai mở phân khúc xe điện mini dành cho đô thị với định vị một chiếc ô tô điện thay thế xe máy để di chuyển trong thành phố. Sau đó, Haima trở lại Việt Nam với phiên bản thuần điện Haima 7X-E, cạnh tranh ở phân khúc MPV 7 chỗ cùng với Mitsubishi Xpander, Toyota Veloz Cross.

w-haima-7x-10-1-463.jpg

Mẫu MPV Haima 7X và phiên bản thuần điện 7X-E gia nhập thị trường Việt Nam vào cuối năm 2023. Ảnh: Hoàng Hiệp
Sang tháng 6/2024, MG cho ra mắt dòng xe thuần điện MG EV4 trong trong phân khúc rất chật chội là B-SUV, cạnh tranh với VinFast VF 7 và hàng loạt mẫu xe chạy xăng bán chạy khác như Hyundai Creta, KIA Seltos, Toyota Yaris Cross, Mitsubishi Xforce, Mazda CX-30, Honda HR-V,... và cả "người đồng hương" mới ra mắt Lynk & Co 06.

Mới đây nhất, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD liền lúc giới thiệu tới 3 dòng xe là Seal, Atto 3 và Dolphin. Ba mẫu xe này cạnh tranh ở các phân khúc sedan hạng sang, SUV/Crossover cỡ B+ và hatchback cỡ B.

Theo nhiều nguồn tin, ngay trong tháng 7 này, thị trường trong nước sẽ còn đón nhận thêm thương hiệu ô tô điện mới Aion, thương hiệu con của hãng GAC, gia nhập thị trường với các sản phẩm SUV. Ngoài ra, SAIC cũng có thể giới thiệu mẫu xe "đàn anh" của Mini EV là Bingo và mẫu xe điện cỡ nhỏ Baojun Jep.

Như vậy, chỉ trong khoảng 1 năm, thị trường Việt Nam đã và sẽ đón nhận trên 10 mẫu xe điện mới đến từ Trung Quốc. Một con số "vô tiền khoáng hậu". Điều này cho thấy tiềm năng của thị trường ô tô Việt Nam mà chắc chắn các hãng xe Trung Quốc không muốn đứng ngoài.

w-3-xe-dien-byd-464.jpeg

Bộ ba xe điện của BYD vừa "nhập mâm" với giá bán được đánh giá không hề rẻ. Ảnh: Hoàng Hiệp

Xe điện Trung Quốc "sớm nở, tối tàn"?

Rõ ràng, việc các hãng xe Trung Quốc mang sang Việt Nam nhiều sản phẩm sẽ khiến thị trường sôi động và tăng sức cạnh tranh hơn cho các thương hiệu hiện hữu, và khách hàng Việt chính là những người có lợi nhất. Tuy vậy, việc ồ ạt đổ bộ của các thương hiệu Trung Quốc khiến nhiều người liên tưởng tới làn sóng "xe máy Tàu" cách đây khoảng 20-25 năm.

Chia sẻ với VietNamNet về xu hướng trên, chuyên gia về thị trường ô tô Nguyễn Thanh Hải (Hải Kar) cho rằng, dù việc nhiều mẫu xe điện ồ ạt đưa về Việt Nam, nhưng so với làn sóng xe máy Trung Quốc trước đây thì đã rất khác bởi ô tô có giá trị lớn, đặc biệt là xe điện cần nhiều yếu tố khác để có thể phủ khắp thị trường.

"Sử dụng ô tô điện có nhiều chi phí kèm theo và bức thiết nhất vẫn là vấn đề trạm sạc, nên tôi nghĩ sẽ rất khó tạo được làn sóng mạnh mẽ xe ô tô Trung Quốc như xe máy trước đây", vị này đưa ra góc nhìn.

Theo ông Hải, vào thời điểm này, ngoài VinFast, các hãng xe đều không xây trạm sạc nhanh, kể cả xe sang. Trong đó, VinFast bỏ ra hàng trăm triệu USD để xây dựng trạm sạc, nhưng các hãng khác chưa thể sạc chung nên ở Việt Nam, xe điện Trung Quốc rất khó để cạnh tranh.

tram-sac-vinfast-465.jpeg

VinFast đang có hệ thống trạm sạc nhanh rộng khắp tại 63/63 tỉnh thành, điều mà nhiều hãng xe điện khác không thể có được. Ảnh: VinFast​

Các chuyên gia cho rằng, khác hẳn với xe sử dụng động cơ đốt trong, ô tô điện muốn giành thị phần cần sự đầu tư bài bản, có chiều sâu của các hãng, nhất là về hệ thống đại lý và cơ sở hạ tầng trạm sạc. Đây là điều mà các chuyên gia chưa thấy có sự đầu tư đặc biệt từ các ông lớn Trung Quốc.

Chia sẻ trong buổi ra mắt thương hiệu BYD tại TP. HCM mới đây, Tổng Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Liu Xueliang cho biết, hãng đặt mục tiêu có 50 đại lý trên toàn quốc vào đầu năm 2025. Tuy nhiên, đại diện hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc cho biết chủ trương không tập trung xây dựng trạm sạc công cộng riêng tại Việt Nam, thay vào đó khách hàng sẽ sạc tại các trạm của bên thứ ba phát triển.

Tuyên bố này khiến không ít người "thất vọng" khi hãng BYD luôn mang theo danh xưng là hãng xe bán chạy nhất Trung Quốc.

Chuyên gia marketing Nguyễn Văn Phương nhận định, xe điện Trung Quốc có điểm mạnh là mẫu mã đa dạng, thuộc nhiều phân khúc khác nhau. Một số là những mẫu xe bán chạy trên thế giới và đặc biệt là thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông Phương, việc xe điện Trung Quốc có được chấp nhận ở Việt Nam hay không lại đến từ nhiều yếu tố, trong đó có 2 điểm cốt lõi là hệ thống trạm sạc và định vị thương hiệu.

"Với người Việt, ô tô là tài sản nhưng cũng là phương tiện chủ yếu để đi xa như đi công tác hay về quê. Đa số khách hàng phổ thông không có chỗ để xe và bố trí chỗ sạc trong nhà, thế nên việc có trạm sạc nhanh thuận tiện là rất quan trọng. Nếu so với hãng xe điện trong nước là VinFast với hệ thống trạm sạc đã phủ kín 63 tỉnh thành, đến cả cấp huyện, xã thì rõ ràng các hãng xe điện Trung Quốc nói chung và BYD nói riêng đang ở một thế khó", ông Phương phân tích.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia marketing này, yếu tố thương hiệu cũng khiến các hãng xe Trung Quốc khó khăn khi vào thị trường Việt Nam bởi đa số người Việt đã "đóng đinh" với suy nghĩ xe Trung Quốc rẻ nhưng chất lượng không cao. Thế nhưng, bản thân những mẫu xe vừa ra mắt của BYD như Dolphin (659 triệu) hay Atto 3 (766 và 886 triệu) là khá cao so với một số mẫu xe cùng phân khúc.

"Người Việt vẫn luôn coi ô tô như món tài sản có giá trị lớn, thậm chí còn là món trang sức cho bản thân. Thế nên chốt mua một chiếc "xe Tàu" giá lại không quá hấp dẫn sẽ khiến khá nhiều người phải nâng lên hạ xuống", ông Phương phân tích.

Theo Vietnamnet
 
Bên trên