Những vụ mua bán và sáp nhập chấn động Thung lũng Silicon

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Mua bán và sáp nhập (M&A) là một phần không thể thiếu ở Thung lũng Silicon, nơi các đối thủ kết đồng minh để trở thành kẻ nắm giữ thị phần khống chế trên thị trường.

Dell mua EMC giá 67 tỷ USD

Dell được xem là công ty máy tính đa quốc gia nổi tiếng của Mỹ, được sáng lập vào năm 1984 bởi cậu sinh viên bỏ học Michael Dell từ hai bàn tay trắng. Bắt đầu bằng việc bán các bộ máy tính cá nhân, Dell dần lấn sân sang bán tất cả các loại linh kiện máy tính đến máy in, camera…

Doanh thu tăng trưởng đều đặn qua hàng năm giúp nhà sáng lập Michael Dell kiếm về hàng tỷ USD mỗi năm. Năm 2013, bản thân nhà sáng lập còn đưa Dell từ công ty đại chúng về công ty tư nhân trong một thỏa thuận trị giá 25 tỷ USD, mà cho đến nay vẫn là thỏa thuận tư nhân hóa công ty đại chúng lớn nhất trong lịch sử.



Chủ tịch Dell (ảnh phải) với cú bắt tay lịch sử cùng chủ tịch EMC Joe Tucci.

Năm 2015, Dell tiếp tục lập ra một kỷ lục khác là thâu tóm đối thủ EMC với giá 67 tỷ USD bao gồm tiền mặt và cổ phiếu.

EMC vốn cũng là một công ty máy tính nhưng tập trung vào các dịch vụ như lưu trữ dữ liệu, ảo hóa, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu… Song phần giá trị nhất trong thương vụ này lại là VMware, công ty con của EMC hoạt động trong lĩnh vực điện toán đám mây và công nghệ ảo hóa.

Nvidia mua ARM giá 40 tỷ USD và cái kết...

SoftBank của Nhật Bản được xem là một tập đoàn khá mát tay trong việc đầu tư vào các startup công nghệ ở buổi bình minh của nó, trong đó có khoản đầu tư nổi tiếng vào Alibaba của Jack Ma.

Kể từ sau thập niên 2010, SoftBank bắt đầu chuyển sang chiến lược thâu tóm các công ty có tiềm năng trong tương lai. Mà hai trong số đó là nhà phát triển game nổi tiếng Supercell của Phần Lan và nhà thiết kế chip bán dẫn ARM của Anh quốc.

Năm 2016, SoftBank gây bất ngờ cho giới công nghệ khi bỏ ra tới 31,4 tỷ USD để thâu tóm ARM, một trong những nhà sản xuất chip di động quan trọng nhất thế giới thời điểm đó. Các kiến trúc do ARM thiết kế được sử dụng rộng rãi trong điện thoại và máy tính bảng, ở hầu khắp các sản phẩm từ iOS đến Android, từ Apple đến Samsung.


Nếu có ARM, Nvidia sẽ sở hữu thêm kiến trúc SoC rất mạnh.

Thương vụ này đã cho thấy chiến lược và tầm nhìn dài hạn của SoftBank, dẫn tới kết quả là vào tháng 9/2020, nhà sản xuất chip đồ họa của Mỹ Nvidia chính thức đưa ra đề nghị mua lại ARM từ tay SoftBank với giá 40 tỷ USD.

Dù vậy, thương vụ này đang vẫn đang chờ sự phê duyệt từ giới chức Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, với thời gian dự kiến kéo dài trong 18 tháng. Nếu có được ARM trong tay, Nvidia sẽ nắm giữ một vị thế cực áp đảo trên thị trường chip nói chung và trở thành thương vụ đáng chú ý đầu tiên của người Mỹ trong thập niên mới này.

Microsoft mua đứt LinkedIn với giá 26,2 tỷ USD

Gã khổng lồ công nghệ Mỹ Microsoft không có gì ngoài tiền. Thật vậy, ngay từ đầu thế kỷ 21, Microsoft đã bỏ ra hàng tỷ USD để thâu tóm các đối thủ và từng đưa ra đề nghị 44,6 tỷ USD mua lại Yahoo hồi năm 2008.

Tiếc rằng đề nghị này đã bị Ban lãnh đạo Yahoo khi đó từ chối thẳng thừng, dẫn tới phải mất nhiều năm sau, Microsoft mới đi đến một thỏa thuận khác. Năm 2016, Microsoft hoàn tất thương vụ mua đứt LinkedIn với giá trị 26,2 tỷ USD. Khi đó, LinkedIn là mạng xã hội việc làm lớn nhất hành tinh với 433 triệu người dùng trên toàn cầu.


CEO Microsoft Satya Nadella (giữa) chụp ảnh cùng CEO Ryan Roslansky (trái) và người sáng lập Reid Hoffman trong ngày đặc biệt của mạng xã hội LinkedIn.

Năm 2020, với 130 tỷ tiền mặt trong túi, Microsoft thực sự nghiêm túc trong việc mua lại toàn bộ TikTok với cái giá không dưới 50 tỷ USD. Đáng tiếc là thương vụ này đã không xảy ra khi công ty mẹ ByteDance lưỡng lự từ chối.

Sau đó, TikTok cũng không còn bị áp lực phải bán mình ở Mỹ khi nhiệm kỳ Tổng thống của ông Donald Trump kết thúc. Nếu không, Microsoft sẽ như ‘hổ mọc thêm cánh’ với sức mạnh đến từ nền tảng video ngắn đang lên với 689 triệu người dùng hàng tháng này.

Theo ICT News​
 
Bên trên