Trong các buổi biểu diễn âm nhạc hiện đại lẫn cổ điển, vĩ cầm hay violin luôn là một trong những nhạc cụ mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc nhất. Âm thanh nó mang lại thật đẹp, thật gần gũi và là cách thể hiện tình cảm tốt nhất của các nghệ sĩ. Vẻ đẹp của tiếng đàn vĩ cầm không chỉ là âm thanh đơn thuần, nó chính là điểm hội tụ của những gì tinh túy nhất mà người chơi sở hữu. Mỗi người chơi, để đạt tới khả năng biểu cảm âm nhạc tốt nhất thì họ sẽ phải trải qua rất nhiều khổ luyện, đặc biệt là yếu tố cảm xúc, bởi như John Lennon từng nói, âm nhạc là một môn khoa học cảm xúc. Đối với người lắng nghe, người nghệ sĩ thành công là người mang lại cho họ nhiều cảm xúc nhất.
Sau đây, xin giới thiệu đến các bạn những nghệ sĩ vĩ cầm đáng để thưởng thức nhất mà mình từng biết. Nếu thấy ai đó không xứng đáng, hoặc ai đó xứng đáng mà không có trong danh sách, các bạn có thể bổ sung tùy ý, bởi dù sao đi nữa, nó hoàn toàn mang tính chất cá nhân. 1. Lucia Micarelli Không chỉ sở hữu vẻ đẹp dịu dàng và thánh thiện, nữ nghệ sĩ Lucia Micarelli còn khiến cả giới đàn ông (và cả đàn bà nữa) thèm khát bởi khả năng chơi đàn điêu luyện đầy mê hoặc. Mỗi khi tiếng đàn của nàng cất lên, khi đôi chân trần của nàng bắt đầu lả lướt trên sân khấu cũng chính là lúc mình muốn quên đi tất cả để đắm mình trong thế giới âm nhạc. Lucia Micarelli sinh ngày 09 tháng 07 năm 1983 tại New York, cô bắt đầu tiếp xúc với chiếc vĩ cầm năm 3 tuổi và lần đầu tiên biểu diễn cùng với một dàn nhạc là lúc 6 tuổi. Lucia Micarelli chỉ thực sự nổi tiếng khi làm concertmaster cho Trans-Siberian Orchestra - một dàn nhạc của Mỹ chơi theo phong cách Progressive Metal - trong Christmas Season Tour, được tổ chức vào năm 2003 (lúc đó nàng mới 20 tuổi). Ngoài ra, Micarelli cũng được biết đến với vai trò solo kiêm concertmaster cho album Closer của Groban. Nếu các bạn để ý thì sẽ biết rằng nàng luôn đi chân trần để biểu diễn. Các bạn thử xem hết video này nhé! Và nhớ đừng có nổi da gà, không tốt cho sức khỏe đâu.
... vẻ đẹp thánh thiện của Lucia Micarelli (HD-video)
2. Mairead Nesbitt Mairead Nesbitt không phải là một cái tên xa lạ đối với những người yêu nhạc Celtic. Cô chính là thành viên của nhóm Celtic Woman danh tiếng. Điểm khiến mình yêu Mairead Nesbitt nhất đó là chất Bắc Âu rất đậm nét của cô, được thể hiện bằng khả năng nhảy múa thành thục và có thể hòa lẫn vào cùng giai điệu. So với Lucia Micarelli, tiếng đàn của Mairead Nesbitt có phần mạnh mẽ, "tinh ranh" và rực lửa hơn. Sinh ra trong gia đình với bố mẹ đều là giáo viên âm nhạc nổi tiếng, thậm chí, em gái và bốn anh trai của Mairead Nesbitt cũng là những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Năm 16 tuổi, Mairead Nesbitt bắt đầu sự nghiệp biểu diễn chuyên nghiệp bằng cách tham gia vào giàn nhạc của đài phát thanh truyền hình Ireland. Tuy nhiên, tên tuổi của cô thực sự trở nên phổ biến trên thế giới sau khi được mời đến biểu diễn tại một sự kiên tại nhà hát Helix, thuộc trường đại học Dublin, sự kiện này có tên là Celtic Woman, tiền thân của nhóm nhạc sau này mà cô là một thành viên chủ chốt. Nên nhớ, Celtic là một thể loại nhạc mà người chơi vionlin đóng vai trò rất quan trọng và gần như quyết định cho sự thành công của cả giàn nhạc. Mairead Nesbitt chính là nghệ sĩ chơi vĩ cầm duy nhất của Celtic Woman.
3. Itzhak Perlman Câu chuyện về Itzhak Perlman gắn liền với nỗ lực vươn lên trên nỗi đau về thể xác. Ông bị bại liệt hai chân lúc lên 4 tuổi và thường phải chống nạng để ra sân khấu chơi đàn hoặc chỉ huy dàn nhạc, nhưng lại được coi là một trong những kỳ tài của âm nhạc cổ điển thế giới. Có một câu chuyện rất nổi tiếng và cảm động về Itzhak Perlman, đó là vào năm 1995, ông bước lên sân khấu của hội trường Avery Fisher, Trung tâm Lincoln, New York. Với đôi chân bị tật từ nhỏ, việc đi lại của ông rất khó khăn, do đó mỗi khi Itzhak Perlman lên biểu diễn, khán giả đều im lặng chờ đợi và rất xúc động. Trong lần biểu diễn ấy, chiếc vĩ cầm của ông bị đứt dây, tiếng nhạc tắt vụt. Mọi người nhìn ông với ánh mắt đầy cảm thông và ái ngại. Tuy nhiên, thay vì đứng dậy để thay một chiếc đàn khác, Itzhak Perlman không muốn làm khán giả cụt hứng, ông ra hiệu nhạc trưởng tiếp tục chỉ huy. Và đêm đó, mọi người đã đưởng thưởng thức những âm thanh kì lạ đến mê hoặc từ chiếc violin 3 dây của ông. Không ai hiểu được làm sao con người ấy lại có thể làm vậy, có lẽ chỉ giải thích được bằng hai chữ: kỳ tài. Một trong những câu nói nổi tiếng của Itzhak Perlman là: "Cứ mỗi thần đồng mà bạn biết, thì khoảng 50% những người có tiềm năng đã cháy rụi trước khi bạn được nghe về họ". Nghệ sĩ kỳ tài này từng đoạt rất nhiều giải thưởng, trong đó đáng chú ý là 5 giải Grammy, Huân chương Tự Do do Tổng thống Reagan trao tặng, và Huân chương Nghệ thuật Quốc gia do Bill Clinton trao tặng.
4. Sarah Chang Là một người Mỹ gốc Hàn (bố mẹ đều là người Hàn), Sarah Chang bắt đầu học đàn violon từ năm lên 4, không lâu sau đó, cô vào học tại Trường nhạc Juilliard dưới sự dạy bảo của giáo sư, nghệ sĩ Dorothy DeLay. Chỉ trong vòng 1 năm, Sarah Chang đã được biểu diễn cùng các dàn nhạc hàng đầu của bang Philadelphia. Sau đó, những buổi thử đàn của cô lúc 8 tuổi trước các nhạc trưởng Zubin Mehta và Riccardo Muti đã mang lại nhiều cơ hội tham gia cùng Dàn nhạc giao hưởng New York và Dàn nhạc Philadelphia danh tiếng. Hiện nay, Sarah Chang được coi là một trong những nghệ sĩ trẻ tài năng nhất thế giới. Cô đã từng biểu diễn tại Việt Nam hồi đầu năm 2010 cùng với nghệ sĩ Andrew won Oeyen.
5. David Oistrakh "Sa hoàng của những nghệ sĩ violin", "Sự thôi miên đến từ những âm thanh kì diệu", "Paganini của phương Bắc" là những biệt danh mà thế giới đã dành tặng cho nghệ sĩ đến từ nước Nga, David Oistrakh. Thực ra, David Oistrakh là một người gốc Do Thái, ông sinh tại một tỉnh phía nam của Ukraine với tên khai sinh là David Kolker. Cái tên David Oistrakh được lấy theo họ của người cha dượng – một nghệ sĩ violin nghiệp dư. Mẹ của David là một ca sĩ opera - bà Isabella Stepanova. Khi lên 5 tuổi, David bắt đầu theo học violin và viola dưới sự dạy bảo của Piotr Stolyarsky, thầy giáo đầu tiên và cũng là người thầy duy nhất của David. (Stolyarsky cũng là thầy dạy của Nathan Milstein, lớn hơn Oistrakh 4 tuổi và là một nghệ sĩ violin vô cùng nổi tiếng). Trong quá trình học tập, David Oistrakh đã có biểu hiện của một thần đồng âm nhạc thực thụ với tài năng thiên phú, óc sáng tạo và cực kỳ siêng năng.
6. Hilary Hahn Hilary Hahn sinh ngày 27 tháng 11 năm 1979 tại Lexington, Virginia và lớn lên tại Baltimore, Maryland. Cô chỉ biết đến cây đàn violin vào lúc 4 tuổi, khi tình cờ theo cha sang chơi nhà hàng xóm . Đúng 1 tháng sau đó, Hilary bắt đầu theo học violin tại Nhạc viện Peabody theo một giáo trình dành cho thiếu nhi. Hilary Hahn bắt đầu sự nghiệp quốc tế của mình khi lên 15 tuổi. Chỉ 2 năm sau, những dàn nhạc danh tiếng của Bắc Mĩ như St. Louis Symphony Orchestra, Detroit Symphony Orchestra hay Houston Symphony Orchestra đều cảm thấy vinh dự khi được biểu diễn cùng với cô. Cùng với tài năng vô cùng đặc biệt, hiện nay, Hahn được đánh giá là một trong những nghệ sĩ violin xuất sắc nhất thế giới. Hilary Hahn từng sang biểu diễn tại Việt Nam vào tháng 5 năm 2005 và được đón nhận rất nồng nhiệt.
7. Yehudi Menuhin Yehudi Menuhin sinh năm 1916 và được coi là một trong những nghệ sĩ violin vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Là một người Do Thái sinh ra ở Mỹ, thế nhưng Yehudi Menuhin lại dành phần lớn sự nghiệp của mình cho nền âm nhạc Anh Quốc. Năm lên 4 tuổi, cha mẹ muốn ông theo học dưới sự chỉ bảo của Louis Persinger, một giáo viên rất nổi tiếng. Tuy nhiên, Persinger đã từ chối đề nghị. Sau đó, năm lên 7 tuổi, Yehudi Menuhin chơi bản độc tấu đầu tiên của mình với giàn nhạc San Francisco Symphony. Nhận ra được tài năng thiên bẩm, Persinger muốn Yehudi Menuhin theo học giáo viên của mình là Eugène Ysaÿe. Tuy nhiên, Menuhin cho rằng phương pháp dạy của Ysaÿe rất cũ kỹ, do đó ông đã tới Romania để theo học nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ violin, Goerge Enescu. Yehudi Menuhin mất năm 1999 để lại thành tựu âm nhạc vô cùng lừng lẫy. Năm 2004, Viện hoàng gia âm nhạc Anh đã mua lại kho lưu trữ thư từ, văn bản của Yehudi Menuhin với giá 1,2 triệu bảng.
|
Chỉnh sửa lần cuối: