Những chia sẻ đời thường của Freddie Mercury giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc đời ông

JoeT0702

Moderator
Thành viên BQT
4788547_cover_tinhte-Freddie-Mercury-Quotes-1.jpg

Chắc hẳn không ai là không biết đến Freddie Mercury, giọng ca vàng của nhóm rock huyền thoại Queen. Tuổi thơ và cuộc đời đầy sóng gió đã tạo nên một Freddie rất lạ, rất độc đáo, rất riêng, hay có thể nhận xét đơn giản là cuộc đời ông giống như một câu chuyện. Quyển sách Freddie Mercury: A Life, In His Own Words được biên soạn bởi các tác giả Greg Brooks, Simon Lupton và Adam Unger đã lột tả một cách chân thực nhất những biến cố trong cuộc đời của Freddie Mercury, giúp người đọc hiểu hơn về nam ca sỹ đầy tài năng nhưng bạc mệnh này. Dưới đây là những trích ngôn đáng nhớ và đáng suy ngẫm nhất trong quyển sách này.

Tuổi thơ

Freddie Mercury chào đời ngày 5/9/1946 tại Zanzibar với tên khai sinh là Farrokh Bulsara. Cha ông là một nhân viên hành chính với tính cách vô cùng nghiêm khắc. Freddie Mercury cũng được mẹ hướng theo con đường nghệ thuật từ bé, cho ông học thêm đàn piano khi đang theo học trường St. Peter.

"Cha mẹ tôi rất nghiêm khắc. Họ nghĩ rằng việc đến trường sẽ giúp ích cho bản thân tôi sau này. Thật ra thì nó cũng có công dụng, ít ra là dạy tôi biết tự lo cho bản thân mình và có trách nhiệm. Biến động đó nói chung cũng mang đến kết quả, chắc vậy".

Theo học trường nghệ thuật

Năm 1964, Mercury và gia đình di cư khỏi Zanzibar đến Feltham, Middlesex. Lúc 20 tuổi, ông bắt đầu theo học khóa thiết kế hình ảnh và nghệ thuật. Mercury tốt nghiệp vào năm 1969 và tham gia một số ban nhạc, kiếm sống bằng nghề bán quần áo cũ ở chợ Kensington.

"Tôi theo học trường nghệ thuật Ealing ở London. Môi trường giáo dục ở đây đã hun đúc rất nhiều tài năng âm nhạc, và tôi cũng nhận được cơ hội thử sức. Tuy vậy sau vài tháng tôi cảm thấy không hứng thú cho lắm và quyết định dừng lại".

Những ngày đầu của Queen

Vào tháng 4/1970, Mercury cùng guitarist Brian May và drummer Roger Taylor lập thành ban nhạc Smile. Tháng 7/1971 có thêm John Deacon tham gia và Queen chính thức thành hình.

"Tôi đã nghĩ đến tên Queen từ rất sớm. Tên King cũng hay, nhưng không có được nét độc đáo như Queen. Queen nghe rất vương giả và toát lên vẻ lộng lẫy, đồng thời cũng có sức mạnh và tính phổ quát rộng rãi. Cái tên Queen từng được đặt cho rất nhiều những thứ to lớn và sang trọng, thể hiện được sự hào hoa và cũng rất đa nghĩa. Lúc đó tôi hình như đã cảm nhận được các hàm ý đồng tính, tuy nhiên đây chỉ là một khía cạnh nhỏ mà thôi".

Sự bùng nổ của Bohemian Rhapsody

<iframe width="1280" height="720" src="" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>

Sau 3 album Queen (1973), Queen IISheer Heart Attack (1974), Queen chính thức trở thành một hiện tượng toàn cầu với album A Night At The Opera (1975). Album này sở hữu ca khúc huyền thoại Bohemian Rhapsody làm nức lòng thính giả toàn thế giới, tuy nhiên Mercury chia sẻ rằng ông suýt nữa đã không sử dụng nó.

"Đó là giây phút mà ngọn núi lửa Queen chính thức tuôn trào. Single Bohemian Rhapsody bán được hơn 1.4 triệu bản chỉ nội trong thị trường Anh, thực sự rất khủng khiếp. Cứ thử tưởng tượng cả các bà các mẹ cũng gật gù theo giai điệu này".

Queen trở thành ngôi sao phim ảnh

Không chỉ dừng lại ở music video Bohemian Rhapsody, Queen còn có thêm nhiều music video nổi tiếng khác trong những năm '70 và '80, đáng chú ý nhất có I Want To Break Free (album The Works - 1984) khi toàn bộ thành viên đều mặc trang phục nữ, nhại lại bộ phim truyền hình Soap Opera Coronation Street của đài British TV.

"Video đó gây sốc cho rất nhiều người xem, đó là vì họ nghĩ rằng chúng tôi không chịu chơi đến mức đó. Các thành viên phân vai rất nhanh chóng và bản thân tôi nghĩ rằng đó là video tuyệt vời nhất cho đến thời điểm này. Nó luôn làm tôi mỉm cười khi xem lại, và xem lại rất nhiều lần. Tôi vui vì mình đã quyết định quay nó".

Biểu diễn tại Live Aid

<iframe width="1280" height="720" src="" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>

Buổi biểu diễn của Queen tại concert Live Aid (Wembley Stadium - 13/7/1985) được xem là sự kiện tuyệt vời nhất của mọi thời đại. Đây là một thành tựu vô cùng rực rỡ của Queen.

"Theo cá nhân tôi thấy thì mình biểu diễn vì niềm tự hào. Sự tự hào chính là có thể biểu diễn chung với các tên tuổi cực kỳ nổi tiếng, đáng với công sức mà tôi đã bỏ ra".

Sự thật thà đến mức trần trụi

Mercury nói rằng khi biểu diễn ông rất cởi mở, nhưng bên trong lại là một tâm hồn hoàn toàn khác. Ông tự nhận mình là một kẻ đóng kịch đại tài (The Great Pretender), và thú nhận bản thân cũng có các tự ti riêng. Mercury ái ngại về hàm răng hơi hô của ông, và thường nói đùa rằng mình chậm chạp ngay cả khi làm những phép tính đơn giản. Ông thích xem phim, nghe nhạc, và kiếm đủ tiền để thuê một đầu bếp biết nấu những món ngon. Mercury không thích đọc sách, cho rằng nó phí thời gian vô ích. Mercury còn chia sẻ thêm về người bạn thân Mary Austin đã trải qua rất nhiều cùng ông, và bà cũng là người mà ông tâm sự nhiều nhất.

We Are The Champions: phiên bản My Way của riêng Freddie Mercury

<iframe width="1280" height="720" src="" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>

Bản hit We Are The Champions (1977) của Queen được xem là ca khúc rock thành công nhất của mọi thời đại, và Mercury nói đùa rằng nó là phiên bản My Way của riêng ông.

"We Are The Champions là ca khúc tự cao và kiêu ngạo nhất mà tôi từng viết. Tôi đã nghĩ về môn bóng đá khi sáng tác nó. Tôi muốn tạo ra một ca khúc hùng tráng mà ai cũng có thể hát theo, đồng thời cảm nhận được sức nóng tỏa ra từ sự hứng khởi của tập thể. We Are The Champions cũng là một ca khúc chiến thắng dành cho bất cứ ai cần nó".

Sự nghiệp solo thành công

Những năm '80 cũng là thập niên dành riêng cho Queen với sự ra đời của album A Kind Of Magic, đánh dấu cột mốc solo của Mercury. Năm 1986, Mercury tiếp tục phát hành album Mr Bad Guy, sau đó là Barcelona (1988) có sự tham gia của soprano Montserrat Caballé.

"Tôi luôn muốn biểu diễn solo tuy nhiên cũng muốn chờ đúng thời điểm và có ca khúc thích hợp. Rất nhiều ý tưởng tuôn trào trong đầu khiến tôi muốn thực hiện tất cả chúng, đáng tiếc là một số ý tưởng không phù hợp cho Queen nên tôi đành phải giữ lại".

<iframe width="1280" height="720" src="" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>

Giã từ cuộc sống

Đầu năm 1987, Mercury được chẩn đoán mắc bệnh AIDS và sẽ chỉ sống thêm được khoảng 5 năm. Trong thời gian này, ông làm việc cực kỳ chăm chỉ và viết thêm rất nhiều ca khúc mới. Chúng được sử dụng trong 3 album tiếp theo của Queen là The Miracle (1989), Innuendo (1991) và Made In Heaven, được phát hành sau khi Mercury qua đời. Mercury mất vào ngày 24/11/1991 lúc ông mới 45 tuổi.

"Tôi không có ý định hay bất cứ nguyện vọng nào về việc mình sẽ sống đến già, điều đó nghe thật nhàm chán. Tôi sẽ chết, và nó đến sớm hay muộn không quan trọng. Tôi đã sống một cuộc đời đầy đủ và nếu ngày mai có chết thì cũng chẳng đáng để tôi phải quan tâm. Tôi đã sống. Tôi đã thực sự làm được tất cả".

Cuộc đời Freddie Mercury trong bộ phim tiểu sử năm 2018

Bộ phim Bohemian Rhapsody sau khi ra mắt đã thu về hơn 900 triệu USD, mức doanh thu cao nhất từ trước đến nay cho thể loại phim tiểu sử. Nhân vật Freddie Mercury được diễn viên Rami Malek thủ vai. Đáng ngạc nhiên là Freddie Mercury trước khi chết cũng từng dự đoán cuộc đời mình sẽ được chuyển thành phim.

"Tôi mơ một ngày nào đó có một bộ phim nói về cuộc đời của chính mình, trong đó tôi sẽ đóng một vai quan trọng. Có thể tôi sẽ không đóng vai chính đâu. Cuộc đời tôi mà làm phim thì chắc sẽ thành XXX mất".
Nguồn: Tinhte, udiscovermusic
 
Bên trên