Có một thực tế không thể phủ nhận, tuy bạn sử dụng Facebook, nhưng mạng xã hội này không phải phát triển dành cho bạn. Facebook không phải là một phương tiện để kết nối mọi người, không phải chiếc cầu đưa mọi nền văn hoá đến với nhau, như những gì mà mạng xã hội này tuyên bố.
Facebook hiện tại là một doanh nghiệp hoạt động dựa trên nguồn “năng lượng dữ liệu", thường được cung cấp một cách miễn cưỡng và ở quy mô công nghiệp bởi người sử dụng và thậm chí là những người không trực tiếp sử dụng nhưng vô tình đứng trong guồng quay của nó.
Theo thông tin đăng tải tên báo The New York Times, Facebook đã cung cấp dữ liệu riêng tư của người dùng cho các đối tác. Netflix và Spotify có khả năng đọc được cả tin nhắn cá nhân người dùng, hay Bing xem được danh sách bạn bè của mọi người dùng. “Không có sự đồng ý của người dùng" là cụm từ xuất hiện nhiều nhất khi mô tả Facebook trong thời gian qua sau nhiều vụ rò rỉ dữ liệu.
Nếu có thứ gì đó quan trọng với Facebook thì đó chính là con người - 2.2 tỷ người dùng liên kết với nhau đang hoạt động trong lòng bàn tay của Facebook - quan trọng không phải vì họ là khách hàng, mà vì đó là nguồn nguyên liệu của Facebook. Khách hàng thật sự của Facebook là những nhà quảng cáo, bạn là nguyên liệu giúp Facebook sản xuất ra sản phẩm, chính là dữ liệu mà Facebook mời gọi các đối tác mua.
Mặc dù Facebook luôn nói rằng tôn trọng quyền riêng tư của người dùng, nhất là sau vụ rò rỉ dữ liệu Cambridge Analytica, nhưng rõ ràng nền móng kinh doanh của mạng xã hội này khiến Facebook dù có muốn cũng không thể giữ quyền riêng tư của người dùng.
Và Facebook có rất nhiều sản phẩm để mời gọi khách hàng, không chỉ là thói quen duyệt web mà còn là số điện thoại và danh sách những người thân, bạn bè, đối tác hay thậm chí là bạn của các đối tượng nói trên, dù cho người dùng có tự ý cung cấp hay không. Facebook muốn dùng AI để nhận diện thành viên trong gia đình dựa trên hình ảnh nhằm dễ dàng tìm được đối tượng quảng cáo. Rõ ràng là tình hình kinh doanh quảng cáo của Facebook rất khả quan khi tổng doanh thu từ quảng cáo lên đến 33 tỉ USD trong năm 2018 nhờ dữ liệu của người dùng.
Phong trào #DeleteFacebook (xoá Facebook) cũng do đó mà rộ lên, nhưng thật sự, nếu có xoá Facebook cũng không giải quyết được vấn đề vì công ty Facebook không chỉ có mỗi dịch vụ mạng xã hội Facebook mà còn sở hữu cả Instagram và Whatsapp, hai trong những dịch vụ mạng xã hội cực lớn trên thế giới và tất nhiên là dữ liệu của hai mạng xã hội này cũng được Facebook nắm giữ.
Có lẽ việc muốn Facebook không chia sẻ dữ liệu của người dùng cho công ty khác là không thể khả thi. Do đó người dùng chỉ còn lựa chọn, một là tiếp tục sử dụng và coi dữ liệu như “lệ phí" hoặc bỏ hẳn Facebook và các dịch vụ có liên quan, nhưng trong thời đại hiện nay, dù không có Facebook thì vẫn có những “vòi bạch tuộc” khác len lỏi vào cuộc sống số của bạn.
Theo Genk