Theo Bloomberg, Chủ tịch Foxconn Technology Terry Gou, người trở thành tỉ phú bằng cách mở công ty lắp ráp cho Apple, bắt đầu chuẩn bị cho cảnh bất ổn bằng cách xây nhà máy màn hình 10 tỉ USD ở trung tâm nước Mỹ. Khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, một nhóm các doanh nghiệp Đài Loan rục rịch kế hoạch chuyển sản xuất ra nước ngoài, hoặc dự trù cơ sở mới.
Các tập đoàn lớn nhất vùng lãnh thổ Đài Loan là liên kết quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, lắp ráp nhiều thiết bị. Tuần qua, giới lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có giám đốc điều hành Pegatron Corp. và Inventec Corp., nói trong cuộc gọi thông báo doanh thu rằng họ đã tìm ra cách giảm thiểu tác động của cuộc chiến thương mại.
Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa nhắc đến mặt hàng điện tử tiêu dùng, nhiều người lo rằng nó sẽ có tên trong danh sách 200 tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế kế tiếp, tác động đến biên lợi nhuận vốn đã mỏng manh trong ngành này.
“Chúng tôi mở cơ chế để giảm thiểu rủi ro hiện tại xuất phát từ nhiều tranh chấp thương mại”, giám đốc điều hành Liao Syh-Jang của hãng lắp ráp iPhone Pegatron cho hay. Ngắn hạn, hãng có thể sản xuất thêm tại Cộng hòa Séc, Mexico và quê nhà. Dài hạn, hãng có thể thành lập cơ sở mới ở Ấn Độ hoặc Đông Nam Á.
Sáu nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất của Đài Loan là Compal Electronics, Hon Hai Precision Industry, Inventec, Pegatron, Quanta Computer và Wistron đem về 296 tỉ USD doanh thu năm 2017. Con số trên ngang ngửa GDP của Pakistan.
Dù dữ liệu của chính quyền cho thấy đầu tư của các hãng Đài Loan vào Trung Quốc đạt mốc cao nhất năm 2010, vùng lãnh thổ châu Á vẫn là nơi khá quan trọng trong chuỗi cung ứng thiết bị điện tử. 15 trong số 20 hãng châu Á xuất khẩu nhiều nhất đến Mỹ trong năm 2016 đến từ Đài Loan. Tất cả 15 hãng này đều là công ty con của các tập đoàn sản xuất theo hợp đồng.
Động thái “di cư” khỏi Trung Quốc cũng thể hiện xu hướng ngày càng tăng trong những năm gần đây. Chi phí lao động đi lên khiến nhiều người phải cân nhắc lựa chọn khác, bao gồm việc lập cơ sở quy mô nhỏ hơn ở nơi khác để đến gần hơn với thị trường khu vực.
Cũng như Foxconn, hãng Inventec, nhà cung ứng quan trọng của Apple, cùng Quanta và Compal đang chuẩn bị dịch chuyển. Compal và Quanta sản xuất laptop cho nhiều thương hiệu lớn trên thế giới. Họ cho hay sẽ tăng năng suất cho các cơ sở sản xuất ngoài Trung Quốc nếu cần.
Phó chủ tịch Compal Ray Chen cho biết lắp ráp máy tính bảng bên ngoài Đại lục khiến mỗi chiếc đắt hơn ít nhất 3%. Dù vậy họ vẫn phải đi vì biên lợi nhuận gộp của hãng chỉ hơn 3% một chút vào quý trước. Thuế quan từ Mỹ có thể thổi bay lợi nhuận mỏng như thế. Hãng đối thủ Quanta của Compal cũng có biên lợi nhuận không khá hơn là 4,5%.
Nhiều kế hoạch dự phòng của doanh nghiệp chưa được hoàn tất, và giới giám đốc sẽ rất thận trọng trước khi cam kết “di cư” vì việc này có nhiều thách thức. Không ít hãng Đài Loan không muốn kích động Trung Quốc. Dù vậy, căng thẳng giữa ông Trump và Bắc Kinh khiến họ phải suy nghĩ. Chủ tịch Quanta Barry Lam cho biết doanh nghiệp của họ có thể tăng cường sản xuất ở bang California, Tennessee (Mỹ) hoặc Đức. Ông Chen của hãng Compal thì để mắt đến Ba Lan, Mexico, Đài Loan và Việt Nam.
Theo Thanh Niên