TheoBloomberg, Hon Hai Precision Industry, hay Foxconn, cho biết cuối tuần qua rằng hãng đầu tư hơn 200 triệu USD vào Việt Nam và Ấn Độ. Hãng Pegatron cùng ngày thông báo chuyển sang Indonesia hoạt động sản xuất một số thiết bị mạng bị ảnh hưởng bởi thuế quan mà Mỹ áp lên hàng xuất khẩu từ Trung Quốc. Công ty này cũng xem xét đặt nhà máy ở Việt Nam lẫn Ấn Độ.
Dù chưa nói rõ rằng mình đang chuyển sản xuất các sản phẩm của Apple nhưng thông báo trên cho thấy mức độ phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới của hai doanh nghiệp Đài Loan. Từ các nhà lắp ráp iPhone như Foxconn, Pegatron cho đến các hãng sản xuất máy tính xách tay như Compal Electronics, tất cả đều chuẩn bị cho sự thay đổi cơ bản vốn từng có lợi cho họ từ thập niên 1980.
“Chúng tôi đã bắt đầu giao hàng từ đảo Batam, Indonesia vào tháng 1. Liệu Mỹ có tiếp đà đánh thuế Trung Quốc vào ngày 1.3 hay không sẽ để lại tác động lớn đến tốc độ đa dạng hóa của doanh nghiệp”, CEO Pegatron, ông Liao Syh-jang, cho biết.
Các hãng lớn nhất xứ Đài là những mắc xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Họ lắp ráp thiết bị từ các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc, sau đó cho các thương hiệu lớn như HP, Dell dán nhãn lên. Điều này có thể bắt đầu thay đổi nếu thuế quan leo thang. Hiện Washington và Bắc Kinh đang nỗ lực đàm phán, giải quyết bất đồng thương mại để thuế quan không trở lại khi hạn chót “đình chiến” thương mại diễn ra vào ngày 1.3.
Cổ phiếu Pegatron tăng đến 2,2% ở Đài Bắc hôm nay 28.1, trong khi cổ phiếu Hon Hai không thay đổi nhiều. Ông Liao cho rằng rất khó để doanh nghiệp của ông sản xuất thiết bị tại Việt Nam, Ấn Độ trong năm 2019 vì phải mất đến hai năm để chuẩn bị nhà máy mới. Dù vậy, hãng đã chuyển một số dây chuyền sản xuất trở lại các thành phố thuộc vùng lãnh thổ Đài Loan, trong đó có Đào Viên và Đài Bắc.
Cuối tuần trước, Hon Hai tiết lộ trong nhiều hồ sơ rằng hãng bơm 213,5 triệu USD vào một cơ sở ở Ấn Độ, và trả tiền để dùng 250.000 mét vuông đất ở khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Giang (Việt Nam).
Theo Thanh Niên