Nhiều câu hỏi còn trong lòng dân
(Dân trí) - Nước ta còn nghèo, còn nhiều khó khăn trong đời sống nhưng những vấn đề thuộc về sự sa sút phẩm chất và ý thức thì không bắt nguồn từ sự thiếu thốn vật chất. Mà hầu hết mọi ý thức đều bắt nguồn từ sự giáo dục và kỷ cương của một xã hội.
Tôi rất hay đọc báo, đặc biệt là những bài viết về đề tài chống tham nhũng, những bất cập trong công tác quản lý. Tôi cũng như nhiều người khác đã từng tự hào là công dân Việt Nam, nhưng những năm gần đây có nhiều điều phải trăn trở.
Điều đáng quan tâm là không chỉ một vài nơi, vài lúc, vài ngành, vài địa phương, vài doanh nghiệp... mà hầu như những hiện tượng tiêu cực trở thành phổ biến, đâu đâu cũng có vấn đề: từ quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, giao thông cho đến những dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục; bán sữa kém chất lượng cho trẻ em; từ việc thất thoát trong cứu trợ người nghèo, rồi mất vệ sinh an toàn thực phẩm cho đến ô nhiễm môi trường; từ tham ô, đút lót, biếu xén cho đến những tệ nạn cờ bạc, nghiện hút, cướp của, giết người…
Tôi cũng hiểu rằng một xã hội trong quá trình tiến lên và hội nhập quốc tế luôn luôn có mặt trái của nó, nhưng điều đáng sợ nhất ở đây dường như chúng ta từ chỗ bất bình, bất lực và dần dần là chấp nhận nó, tuân theo nó như là một tất yếu vậy, như chuyện “đi cửa sau” trong chạy dự án; trong thi công chức và tuyển dụng cán bộ; chuyện “lót tay” từ công an cho đến cả… người thầy thuốc, người thầy giáo rồi các tụ điểm đánh bạc mọc lên nhan nhản ở các bến xe, quán nước… nhìn mãi quen mắt thành chuyện bình thường!
Ai cũng biết nước ta còn nghèo, còn vất vả, còn nhiều khó khăn trong đời sống nhưng những vấn đề thuộc về sự sa sút phẩm chất và ý thức thì không thể chấp nhận được bởi nó không bắt nguồn từ sự thiếu thốn về vật chất. Mà hầu hết mọi ý thức đều bắt nguồn từ sự giáo dục, nền nếp và kỷ cương quản lý của một xã hội.
Tại sao rất ít người tham gia giao thông mà lại tuân thủ đúng luật giao thông, tại sao hầu hết những người khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế lại nhận được sự tiếp đón lạnh nhạt và sự chăm sóc thiếu trách nhiệm; tại sao không chỉ thi công chức trong ngành giáo dục mà hầu hết các ngành khác đều phải “ngoắc ngoặc”, đút lót và chạy “cửa sau”..; tại sao tệ nạn cờ bạc đâu cũng có mà không được ngăn chặn kiên quyết, để nó thâm nhập cả vào nhà trường; tại sao đời sống nhân dân còn thấp mà giá đất, giá sữa, giá xe và còn nhiều thứ nữa ở nước ta lại thuộc hàng cao nhất trên thế giới?
Và còn rất nhiều “tại sao” nữa mà người dân thường muốn biết ngọn nguồn. Có cái được nghe cấp trên trả lời nhưng xem ra chưa thấu tình đạt lý và do vậy biện pháp khắc phục đề ra còn hời hợt và kém hiệu quả rồi mọi sự tiêu cực đâu lại hoàn đấy.
Vì vậy, người dân có cảm giác rằng tình trạng tiêu cực khá phổ biến hiện nay như ăn sâu vào từng ngõ ngách cuộc sống, từ những suy nghĩ có phần yếm thế và thực dụng để rồi không một ai đủ dũng cảm, đủ sức mạnh để thay đổi những tồn tại đáng buồn đó.
Trong xu thế chung như vậy, người ta (mà phần lớn là người có chức có quyền) chỉ cần nói đúng đường lối, chính sách, còn khi làm thì lại suy tính cái gì có lợi cho mình mới làm, còn không thì lờ đi… “sống chết mặc bay…” !
Thế là, người nói cứ nói, người nghe cứ nghe, cực chẳng đã khi trách nhiệm đến mình không thể lảng tránh được thì trả lời vòng vo và đổ lỗi cho nhau, hoặc hứa này hứa nọ trong các cuộc họp, hoặc trả lời chất vấn… nhưng chỉ được đánh động một thời gian rồi đâu lại vào đấy.
Chúng ta ai cũng muốn một tương lai tốt đẹp hơn, công bằng hơn, nhưng một cá nhân, một cộng đồng bé nhỏ không thể làm được điều đó. Trong chiến tranh, chúng ta từng chiến thắng những kẻ thù lớn nhờ có ý chí, nghị lực và sự đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự gương mẫu đi đầu của mọi đảng viên.
Vậy tại sao bây giờ cuộc sống đã khá hơn rất nhiều, trình độ học vấn và sự giác ngộ đều được nâng lên mà chúng ta không thể đồng lòng nắm tay nhau xây dựng xã hội ngày càng ít những tiêu cực đi để xã hội tốt đẹp hơn, phồn vinh hơn.
Tôi nghĩ chúng ta cần một sự đồng lòng muôn người như một và cần sự hành động thật sự, chứ không phải là những lời nói suông - lời nói gió bay! Những điều lớn lao đó phải bắt đầu từ Đảng, Chính phủ, lãnh đạo các cấp các ngành, sự gương mẫu của những người có chức, có quyền cũng như mọi đảng viên trong mọi công việc.
Còn với người dân bình thường như chúng tôi, nhất là khi tuổi đã cao, đã rời mọi chức vụ, chúng tôi vẫn thấy nghĩa vụ của mình phải đóng góp ý kiến với đất nước, với cộng đồng nơi mình cư trú và xin tự nguyện đóng góp hết sức mình vào các nhiệm vụ chống tiêu cực, và luôn phấn đấu xứng đáng là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống... cho con cháu noi theo.
Đó cũng là điều tâm nguyện và hy vọng của chúng tôi vào tương lai tươi sáng của đất nước.
Nguồn: http://dantri.com.vn/c202/s202-332121/nhieu-cau-hoi-con-trong-long-dan.htm
(Dân trí) - Nước ta còn nghèo, còn nhiều khó khăn trong đời sống nhưng những vấn đề thuộc về sự sa sút phẩm chất và ý thức thì không bắt nguồn từ sự thiếu thốn vật chất. Mà hầu hết mọi ý thức đều bắt nguồn từ sự giáo dục và kỷ cương của một xã hội.
Tôi rất hay đọc báo, đặc biệt là những bài viết về đề tài chống tham nhũng, những bất cập trong công tác quản lý. Tôi cũng như nhiều người khác đã từng tự hào là công dân Việt Nam, nhưng những năm gần đây có nhiều điều phải trăn trở.
Điều đáng quan tâm là không chỉ một vài nơi, vài lúc, vài ngành, vài địa phương, vài doanh nghiệp... mà hầu như những hiện tượng tiêu cực trở thành phổ biến, đâu đâu cũng có vấn đề: từ quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, giao thông cho đến những dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục; bán sữa kém chất lượng cho trẻ em; từ việc thất thoát trong cứu trợ người nghèo, rồi mất vệ sinh an toàn thực phẩm cho đến ô nhiễm môi trường; từ tham ô, đút lót, biếu xén cho đến những tệ nạn cờ bạc, nghiện hút, cướp của, giết người…
Tôi cũng hiểu rằng một xã hội trong quá trình tiến lên và hội nhập quốc tế luôn luôn có mặt trái của nó, nhưng điều đáng sợ nhất ở đây dường như chúng ta từ chỗ bất bình, bất lực và dần dần là chấp nhận nó, tuân theo nó như là một tất yếu vậy, như chuyện “đi cửa sau” trong chạy dự án; trong thi công chức và tuyển dụng cán bộ; chuyện “lót tay” từ công an cho đến cả… người thầy thuốc, người thầy giáo rồi các tụ điểm đánh bạc mọc lên nhan nhản ở các bến xe, quán nước… nhìn mãi quen mắt thành chuyện bình thường!
Ai cũng biết nước ta còn nghèo, còn vất vả, còn nhiều khó khăn trong đời sống nhưng những vấn đề thuộc về sự sa sút phẩm chất và ý thức thì không thể chấp nhận được bởi nó không bắt nguồn từ sự thiếu thốn về vật chất. Mà hầu hết mọi ý thức đều bắt nguồn từ sự giáo dục, nền nếp và kỷ cương quản lý của một xã hội.
Tại sao rất ít người tham gia giao thông mà lại tuân thủ đúng luật giao thông, tại sao hầu hết những người khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế lại nhận được sự tiếp đón lạnh nhạt và sự chăm sóc thiếu trách nhiệm; tại sao không chỉ thi công chức trong ngành giáo dục mà hầu hết các ngành khác đều phải “ngoắc ngoặc”, đút lót và chạy “cửa sau”..; tại sao tệ nạn cờ bạc đâu cũng có mà không được ngăn chặn kiên quyết, để nó thâm nhập cả vào nhà trường; tại sao đời sống nhân dân còn thấp mà giá đất, giá sữa, giá xe và còn nhiều thứ nữa ở nước ta lại thuộc hàng cao nhất trên thế giới?
Và còn rất nhiều “tại sao” nữa mà người dân thường muốn biết ngọn nguồn. Có cái được nghe cấp trên trả lời nhưng xem ra chưa thấu tình đạt lý và do vậy biện pháp khắc phục đề ra còn hời hợt và kém hiệu quả rồi mọi sự tiêu cực đâu lại hoàn đấy.
Vì vậy, người dân có cảm giác rằng tình trạng tiêu cực khá phổ biến hiện nay như ăn sâu vào từng ngõ ngách cuộc sống, từ những suy nghĩ có phần yếm thế và thực dụng để rồi không một ai đủ dũng cảm, đủ sức mạnh để thay đổi những tồn tại đáng buồn đó.
Trong xu thế chung như vậy, người ta (mà phần lớn là người có chức có quyền) chỉ cần nói đúng đường lối, chính sách, còn khi làm thì lại suy tính cái gì có lợi cho mình mới làm, còn không thì lờ đi… “sống chết mặc bay…” !
Thế là, người nói cứ nói, người nghe cứ nghe, cực chẳng đã khi trách nhiệm đến mình không thể lảng tránh được thì trả lời vòng vo và đổ lỗi cho nhau, hoặc hứa này hứa nọ trong các cuộc họp, hoặc trả lời chất vấn… nhưng chỉ được đánh động một thời gian rồi đâu lại vào đấy.
Chúng ta ai cũng muốn một tương lai tốt đẹp hơn, công bằng hơn, nhưng một cá nhân, một cộng đồng bé nhỏ không thể làm được điều đó. Trong chiến tranh, chúng ta từng chiến thắng những kẻ thù lớn nhờ có ý chí, nghị lực và sự đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự gương mẫu đi đầu của mọi đảng viên.
Vậy tại sao bây giờ cuộc sống đã khá hơn rất nhiều, trình độ học vấn và sự giác ngộ đều được nâng lên mà chúng ta không thể đồng lòng nắm tay nhau xây dựng xã hội ngày càng ít những tiêu cực đi để xã hội tốt đẹp hơn, phồn vinh hơn.
Tôi nghĩ chúng ta cần một sự đồng lòng muôn người như một và cần sự hành động thật sự, chứ không phải là những lời nói suông - lời nói gió bay! Những điều lớn lao đó phải bắt đầu từ Đảng, Chính phủ, lãnh đạo các cấp các ngành, sự gương mẫu của những người có chức, có quyền cũng như mọi đảng viên trong mọi công việc.
Còn với người dân bình thường như chúng tôi, nhất là khi tuổi đã cao, đã rời mọi chức vụ, chúng tôi vẫn thấy nghĩa vụ của mình phải đóng góp ý kiến với đất nước, với cộng đồng nơi mình cư trú và xin tự nguyện đóng góp hết sức mình vào các nhiệm vụ chống tiêu cực, và luôn phấn đấu xứng đáng là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống... cho con cháu noi theo.
Đó cũng là điều tâm nguyện và hy vọng của chúng tôi vào tương lai tươi sáng của đất nước.
Nguồn: http://dantri.com.vn/c202/s202-332121/nhieu-cau-hoi-con-trong-long-dan.htm