Ngày 01/09 vừa qua trang tin Gizmodo cho biết một nhóm các nhà nghiên cứu Nhật đã tìm ra cách cải thiện viên pin lithium-ion trong suốt hơn nữa, giúp cho nó có thể tự sạc năng lượng khi được phơi ra dưới ánh nắng mặt trời mà không còn cần phải có thêm tấm tế bào quang điện mặt trời.
Thực tế thì dự án nghiên cứu pin trong suốt này đã được xúc tiến từ năm 2013 dưới sự dẫn dắt của giáo sư hiệu trưởng trường Đại học Kogakuin là ông Mitsunobu Sato. Kỹ thuật chế tạo pin trong suốt như sau: điện cực dương của pin được làm chủ yếu từ lithium iron phosphate, trong khi điện cực âm được làm từ lithium titanate và lithium hexafluorophosphate. Đây là các thành phần hóa học vẫn thường được dùng để chế tạo các viên pin Li-ion có thể sạc lại được, tuy nhiên điểm đặc biệt ở viên pin trong suốt là độ dày của các điện cực chỉ từ 80 đến 90 nanomet, mà nhờ vậy sẽ cho phép mật độ ánh sáng chiếu xuyên qua nhiều hơn cũng như giúp cho viên pin trở nên gần như trong suốt hoàn toàn.
Và giờ đây bằng cách thay đổi cấu trúc hóa học của điện cực âm, các nhà nghiên cứu Nhật đã tìm ra được cách khiến cho các viên pin trong suốt này có thể tự nạp năng lượng được khi được phơi ra dưới ánh sáng mặt trời, hoặc chỉ cần có các nguồn sáng khác chiếu vào thôi cũng được.
Nhóm các nhà nghiên cứu Nhật hy vọng rằng các viên pin trong suốt đã được cải tiến này sẽ được sử dụng cho các cửa sổ thông minh tại các tòa cao ốc và phương tiện vận chuyển nhờ tính chất tự động mờ đi khi nguồn sáng bên ngoài tắt dần, nhưng đồng thời trữ được điện khi có ánh sáng mặt trời để tái nạp năng lượng. Và ứng dụng mở rộng hấp dẫn nhất là một ngày trong tương lai gần sẽ được mang lên làm màn hình của điện thoại thông minh, như vậy người dùng sẽ không còn phải lo lắng gì đến việc hết pin hay lỉnh kỉnh pin sạc dự phòng nữa, bởi khi gần hết pin thì chỉ việc phơi em nó ra nắng vừa chết vi trùng vừa tái nạp năng lượng, hoặc khi ngồi văn phòng thì cũng có thể tận dụng ánh sáng đèn trong văn phòng tuy rằng cường độ sáng có thể không bằng mặt trời và thời gian nạp điện sẽ lâu hơn.
Nguồn Gizmodo