Vụ “Người nghèo không được xem bóng đá quốc tế”
Để đảm bảo tính khách quan và thông tin nhiều chiều, Tuổi Trẻ đã gặp gỡ phía VSTV (sở hữu kênh K+) và Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương.
Tổng giám đốc VSTV nói gì?
TT - Trước phản ứng của dư luận về việc phải trả phí cao mới được xem các chương trình bóng đá, ông Cao Văn Liết, tổng giám đốc Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh VN (VSTV - sở hữu kênh K+), khẳng định không thể hạ giá nhưng sẽ đưa những trận đấu hay xuống cả kênh giá rẻ.
Ông Cao Văn Liết
Ông Liết nói: “Nếu vi phạm Luật cạnh tranh thì VSTV sẵn sàng điều chỉnh. Tuy nhiên với những quy định hiện hành, chúng tôi không vi phạm. Việc một kênh truyền hình mua bản quyền phục vụ khán giả và thu lại qua phí là bình thường ở các nước”.
“Chúng tôi đã tìm hiểu và so sánh giá cước thuê bao của VSTV với các nước có điều kiện phát triển tương đối giống VN. Tại Indonesia, để được xem các chương trình bóng đá như Giải ngoại hạng Anh, người tiêu dùng phải trả khoảng 22,56 USD/tháng, Thái Lan khoảng 48,5 USD/tháng. Trong khi đó, gói cước đắt nhất của VSTV chỉ khoảng 13,08 USD/tháng”
Ông Cao Văn Liết (tổng giám đốc VSTV)
* Thưa ông, VSTV là một đơn vị thuộc VTV, tại sao không mua bản quyền ngay gốc mà lại mua của Công ty MP&Silva với giá đắt hơn, sau đó buộc người tiêu dùng phải chịu? Có vấn đề gì ở khoản chênh này không?
- VSTV mới thành lập và chính thức đi vào hoạt động được bảy tháng. Trước đó, phía đối tác Pháp liên doanh với chúng tôi, với kinh nghiệm mua bản quyền đã liên hệ với một số đơn vị truyền hình khác của VN đề nghị hợp tác cùng tham gia đấu thầu mua bản quyền của Giải ngoại hạng Anh.
Tuy nhiên, đã không có câu trả lời chính thức nào về sự hợp tác này và trong thương vụ đấu thầu đó, MP&Silva đã thắng thầu mua được bản quyền cung cấp cho VN với mức phí bản quyền rất cao. VSTV và các đơn vị truyền hình khác buộc phải mua lại bản quyền phát giải đấu này từ MP&Silva nên giá cao hơn là việc bình thường.
* Nếu là người dân mê xem bóng đá quốc tế qua truyền hình, liệu ông có cảm thấy sốc khi bỗng nhiên phải bỏ thêm tiền chỉ vì mấy doanh nghiệp mua bản quyền giá cao?
- Nhiều người cho rằng giá 250.000 đồng/tháng của chúng tôi là cao. Tuy nhiên, là một doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp, chúng tôi không thể để doanh nghiệp lỗ. Hiện một số đơn vị truyền hình trả tiền trong nước vẫn vi phạm bản quyền nên giá rẻ hơn. Chúng tôi tuyệt đối tuân thủ luật bản quyền. Về giá, chúng tôi cho rằng mức của VSTV là hợp lý. VSTV có trách nhiệm đối với khách hàng của mình mà không thể chịu trách nhiệm với mọi khách hàng khác. Các đơn vị truyền hình trả tiền khác cũng phải chịu trách nhiệm với khán giả của chính mình.
* K+ tuyên bố rằng sẽ chia sẻ với các đài khác bản quyền để người hâm mộ bóng đá đã dùng truyền hình cáp khác không phải chuyển đổi vẫn có thể xem?
- Chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ với các đơn vị truyền hình khác. Nguyên tắc VSTV mua bản quyền thì không được phân phát, chia sẻ lại cho các kênh khác. Nhưng chúng tôi có quyền cho các đơn vị khác phát các kênh K+ với điều kiện hợp lý quyền lợi đôi bên. Ngay từ đầu chúng tôi đã làm việc với SCTV, sau đó là HTVC và sắp tới có thể là VCTV.
* Nhưng vấn đề giá thế nào mới là khó. VSTV nói các kênh khác phải trả thêm khoảng 150.000 đồng/tháng thì họ không thể mua nổi?
- Không có gì khó cả. Con số 150.000 đồng/tháng, chính xác đó là khoản chênh lệch giữa hai gói kênh Premium so với gói kênh Family của K+ chứ chúng tôi chưa hề thông báo ở đâu về khoản phí bắt buộc các đơn vị khác phải trả cho VSTV.
Hơn nữa, nói đem cả 150.000 đồng về cho chúng tôi lại càng không chính xác. Chúng tôi có ngồi với nhau nhưng chưa thỏa thuận xong về các điều kiện chi tiết của hợp đồng. Nếu chỉ xét về phương diện kinh doanh, chúng tôi không muốn chia sẻ K+ vì như thế sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận mà VSTV có thể nhận được.
Tuy vậy, VSTV vẫn sẵn sàng để các kênh khác phát K+. Tất nhiên giá và phần chia lợi nhuận sẽ phải hợp lý vì nếu giá thấp quá thì chẳng ai thuê bao VSTV nữa. Chúng tôi khẳng định không có chuyện VSTV ép các kênh khác phải có phí cao hơn mức phí của kênh đắt nhất tại VSTV. Lý do là VSTV ngoài bóng đá còn có phim truyện, các chương trình tự sản xuất và biên tập khác nữa. Khách hàng vẫn có quyền lựa chọn các kênh, các gói cước phù hợp dựa trên chất lượng kênh.
* So với thu nhập của người VN, giá cước thuê bao của K+ vẫn bị cho là cao. Liệu K+ có điều chỉnh phí hay giảm giá đầu thu không?
- Mức giá hiện tại là chiến lược kinh doanh của công ty nên chúng tôi không có ý định giảm. Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, chưa bao giờ VSTV thu đúng giá cước như thông báo mà thường có khuyến mãi, giảm giá đầu thu hay tặng thêm các tháng thuê bao. Giá thuê bao của chúng tôi có thể hơi đắt nhưng chúng tôi cam kết chất lượng tốt, không có quảng cáo và không tăng giá trong nhiều năm tới.
* Nghĩa là người hâm mộ bóng đá nếu muốn xem các giải bóng đá lớn vẫn phải xem kênh K+ với mức cơ sở là 250.000 đồng/tháng?
- Hiện chúng tôi đang có ba gói cước, gói dành cho người thu nhập thấp 330.000 đồng/6 tháng, gói thứ hai là 630.000 đồng/6 tháng, gói cao nhất là 1.530.000 đồng/6 tháng. Dư luận bức xúc với chúng tôi vì có thể không được xem bóng đá nếu không nộp gói cước cao nhất khoảng 250.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, chúng tôi đã xin phép được Bộ Thông tin - truyền thông cho thành lập kênh K+2 sẽ có trong gói cước đắt thứ hai và đang khẩn trương chuẩn bị hồ sơ xin thành lập thêm kênh K+3 để đặt trên kênh có phí rẻ nhất. Dự kiến, trong những buổi có những trận bóng trùng giờ nhau, kênh K+1 sẽ phát trận được xem là hấp dẫn nhất, kênh K+2 phát những trận ít được quan tâm hơn và K+3 (thuê bao chỉ khoảng 50.000 đồng/tháng) sẽ phát những trận bóng còn lại.
Và như vậy, không phải chỉ gói cước cao mới có bóng đá. Nói là kênh đắt tiền có trận hay nhất nhưng thực tế trận nào hay phần nhiều do đội yêu thích của từng người nên chúng tôi thấy kế hoạch như thế là hợp lý. Nghĩa là người tiêu dùng trả phí thấp cũng sẽ được xem các giải nổi tiếng chứ không chỉ ở mức phí cao.
“Không vi phạm Luật cạnh tranh”
Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc các kênh truyền hình chạy đua mua bản quyền bóng đá giá cao rồi tăng giá thuê bao truyền hình cáp, ông Vũ Bá Phú, cục phó Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương, khẳng định qua xem xét đến thời điểm này, Cục Quản lý cạnh tranh không nhận thấy dấu hiệu hành vi độc quyền vi phạm Luật cạnh tranh. Theo ông Phú, việc một kênh truyền hình mua được bản quyền về phát lại là việc hết sức bình thường không chỉ ở VN mà cả ở thế giới. Iphone - có doanh nghiệp được độc quyền phân phối ở VN cũng là bình thường.
Cũng theo ông Phú, Cục Quản lý cạnh tranh đã tham khảo trường hợp này qua các chuyên gia về cạnh tranh của Mỹ thì các chuyên gia khẳng định đây là việc hoàn toàn bình thường, dù người dân Mỹ cũng thường có thắc mắc. Nếu trường hợp hai kênh truyền hình cùng bắt tay nhau để khống chế thị trường, không cho ai vào khai thác nhằm nâng giá thì mới cấu thành dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh.
Vấn đề mua được giá cao hay giá thấp cũng là việc hoàn toàn mang tính thị trường. Điều này có khiến giá thuê bao cao lên, nếu ai không thể xem được thì cũng nên coi việc xem các kênh dịch vụ là mặt hàng xa xỉ, ai có khả năng thì dùng, không có khả năng thì phải chấp nhận quy luật cung cầu.
CẦM VĂN KÌNH thực hiện
_______________________
Tờ Straits Times ngày 4-5-2010
Singapore: truyền hình kém, chính phủ can thiệp
Tờ Straits Times ngày 4-5-2010 đưa tin: tháng 4-2010, quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông và nghệ thuật Singapore Lui Tuck Yew cho biết chính phủ nước này đã phải nhúng tay vào việc chấn chỉnh sự cạnh tranh của hai “đại gia” hoạt động trong lĩnh vực truyền hình là Tập đoàn SingTel và Tập đoàn StarHub.
Theo ông Lui, đây là bước can thiệp chưa có tiền lệ trong lịch sử đối với hoạt động của lĩnh vực truyền hình Singapore. Tuy nhiên, vì đã có những tín hiệu cho thấy sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa SingTel và StarHub đã dẫn tới việc suy giảm chất lượng của chương trình, gây ảnh hưởng người xem.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình Singapore phân tích, hai tập đoàn SingTel và StarHub đã quá lạm dụng việc vung tiền mua các chương trình độc quyền nhằm tăng khách hàng thuê bao. Tuy nhiên, khi các chương trình này thay đổi nhà cung cấp thì các khách hàng thuê bao buộc phải thay đổi theo nếu muốn xem chương trình mà mình yêu thích.
Cụ thể, để có khách hàng, StarHub với 500.000 thuê bao và SingTel với 200.000 thuê bao đã liên tục chạy đua tìm mua những chương trình mà đối thủ không có. Ví dụ SingTel đang đưa ra nhiều kênh video theo yêu cầu, cùng thêm vào những sản phẩm phụ mang tính sáng kiến cao, như cho phép người xem chọn bộ trang phục mà nhân vật đang mặc trên màn hình, rồi được hướng dẫn tới một website mà họ có thể mua sản phẩm đó.
Câu chuyện này có thể nói rất giống những gì đang xảy ra tại VN. Cách đây hơn hai năm, người hâm mộ Giải ngoại hạng Anh phải mua đầu thu kỹ thuật số của VTC khi đài này nắm giữ bản quyền truyền hình giải đấu hấp dẫn này. Tuy nhiên, kể từ mùa 2010-2011, bản quyền truyền hình Giải ngoại hạng Anh tại VN lại thuộc về Công ty MC&Sylva, và công ty này bán lại gói quan trọng nhất cho K+. Và từ giữa tháng 8-2010 trở đi, ai muốn xem Giải ngoại hạng Anh thì phải chạy theo K+!
Giám đốc điều hành của SingTel Allen Lew thừa nhận việc chạy theo các chương trình độc quyền đã làm họ mệt mỏi về tài chính và ảnh hưởng đến chất lượng của nhiều chương trình khác, đồng thời gây bất tiện, bực bội cho người xem.
Nhưng giờ đây, cả hai tập đoàn sẽ phải thay đổi chiến lược sau khi chính phủ thông báo rằng các nhà cung cấp chương trình truyền hình trả trước sẽ phải chia sẻ nội dung độc quyền với nhau. Vì vậy, các công ty sẽ phải chú ý nhiều hơn những giá trị vô hình, như dịch vụ chăm sóc khách hàng, để đảm bảo họ không mất những khách hàng sẵn có, chứ không chạy theo những chương trình độc quyền nữa!
Yên tâm rồi nhé các bác ạ.