Nghịch lý của công nghệ

COMMANDO

Active Member
Bên cạnh các ích lợi không thể chối cãi, công nghệ còn có những nghịch lý khiến người dùng bối rối khi chọn lựa.

Trong kinh doanh, ai cũng được chỉ rằng, phải cung cấp thật nhiều model để giúp hàng tiếp cận được mọi phân khúc khác nhau và dễ bán hơn, khi ấy mới có thể tăng được thị phần và doanh thu.

370965181acopng.jpg

Không phải thật nhiều model sẽ tăng được doanh thu

Càng phong phú càng khó bán

Trong công nghệ, điều này dường như ngược lại. Tháng 11 vừa qua, tạp chí Business Week đã dựa trên cuốn The Paradox of Choice: Why More Is Less đưa ra một loạt dẫn chứng và phân tích của tác giả Barry Schwartz về hiện tượng này. Theo đó, khi ngập giữa rừng sản phẩm, con người thường hay so đo, lưỡng lự và cuối cùng... không mua gì cả. “Họ có thể thích một thứ ngay từ cái nhìn đầu tiên”, nhưng trước khi mua, họ sẽ tìm kiếm và tham khảo các nguồn thông tin. Hành động này tiêu tốn khá nhiều thời gian và thường dẫn đến những ngờ vực không tránh khỏi. Sự hào hứng ban đầu giảm đi đáng kể do gặp phải các nhận xét tiêu cực, hoặc phát hiện nhiều sản phẩm khác còn có kiểu dáng đẹp hơn, hay xấu hơn nhưng tính năng lại tốt hơn... Họ có thể vẫn mua sản phẩm đó nhưng không còn hài lòng như trước và thường ước “giá có thêm chức năng của điện thoại kia nữa thì hoàn hảo”. Sau cùng, tất cả người tiêu dùng bỏ về và... chờ đợi.

Tại Việt Nam, cũng không ngoại lệ với tình trạng trên. K., quản lý một siêu thị Thế giới Di động tại quận 1, đưa ra ví dụ, ban đầu khách hàng đến hỏi mua Samsung Galaxy 3 vì những tính năng độc đáo được quảng bá, khi vào trong gian hàng trưng bày nhìn thấy Sony Ericsson XPERIA X8 ở bên cạnh, khách sẽ hỏi thêm về tính năng của điện thoại này. Và cũng liếc mắt chú ý kỹ tới chiếc Motorola BackFlip vì đây là một tên tuổi nổi tiếng. Sau cùng, khi đang lưỡng lự thì khách hàng lại bị LG Optimus One cuốn hút và quyết định... không mua nữa chỉ vì bỗng dưng lại muốn có một điện thoại sở hữu tất cả tính năng của những điện thoại trên. Khách hàng sẽ ra về và... chờ.

Để tránh tình huống này, khá nhiều doanh nghiệp khi trưng bày sản phẩm đã cố tình tách riêng các siêu điện thoại mới nhất ra những khu vực riêng vì “không thể để chúng ở bên cạnh nhau”, nhân viên tại một siêu thị cho hay.

Rẻ quá cũng... khó bán

Thời buổi kinh tế khó khăn, những sản phẩm có giá rẻ thường được người tiêu dùng ưu tiên chọn. Nhưng với người tiêu dùng công nghệ lại không suy nghĩ như thế, những sản phẩm rẻ quá thường bị hắt hủi một cách không thương tiếc. Theo S., sinh viên Khoa Điện tử tại Đại học Bách khoa TPHCM, những sản phẩm công nghệ, nhất là điện thoại có thể được chế tạo với nhiều mức giá khác nhau. Cùng là một dòng máy nhưng nếu sử dụng linh kiện tốt giá có thể cao hơn sử dụng linh kiện xấu tới cả chục lần. Lẽ dĩ nhiên, linh kiện không có chất lượng thì khi sử dụng sẽ nhanh chóng xuống cấp, giảm tuổi thọ và... “ra nghĩa địa” trong thời gian ngắn. Vì thế, nếu những cái nào có giá quá rẻ thì không nên mua.

Trên các diễn đàn công nghệ, khá nhiều thành viên còn cho rằng, những điện thoại và thiết bị công nghệ giá rẻ thường là những sản phẩm đã mất tính thời thượng, chất lượng kém hoặc là hàng nhái, hàng giả. Mua những cái này, vừa “quê” (xài đồ giả), vừa tức (chất lượng... trời ơi), vừa bực mình (hoạt động không ổn định), bởi thế khi mua hàng, gần như mọi người đều căn cứ vào mức giá để chọn mua.

Theo đại diện một số siêu thị lớn tại TPHCM, sau khi những siêu thị này công bố các chương trình khuyến mãi và thông báo rộng rãi trên báo chí, rất đông khách hàng đến siêu thị để tham khảo thông tin. Tuy nhiên, giữa muôn ngàn sản phẩm, sau khi xem xét tính năng và thấy giá của sản phẩm quảng cáo quá thấp đã... bán tin bán nghi không mua mà chọn mua những mặt hàng của những hãng có tên tuổi với giá cao hơn. “Bỏ thêm một ít tiền để mua chất lượng và sự an toàn” - Anh Q. (Thủ Đức, TPHCM) nói như vậy sau khi mua một chiếc TV của Samsung thay vì chọn TV TCL của Trung Quốc như mục đích ban đầu.

Công nghệ giết công nghệ (?!)

Theo David Pogue, nhà báo công nghệ của tờ The New York Times, công nghệ sẽ không giết công nghệ, “khi TV ra đời, nhiều người cho rằng nó sẽ giết chết radio, khi cà phê hòa tan ra đời, người ta nói nó sẽ được dùng để thay thế... nước lọc. Nhưng rốt cuộc những điều này đã không xảy ra và tương lai iPhone sẽ vẫn tồn tại song song cùng điện thoại Android, sách in sẽ vẫn sống bên cạnh sách điện tử trên iPad, Kindle... Những thứ ra đời sau không thay thế cái ra đời trước mà chúng chỉ bổ sung cho nhau”.

Tuy thế, cũng có những phân tích suy nghĩ ngược lại, công nghệ mới hơn sẽ giết công nghệ cũ hơn, những công nghệ thế hệ sau luôn luôn dựa trên những thành quả của công nghệ trước và phát triển thêm những tính năng mới để đáp ứng một yêu cầu nào đó của hiện tại. Vì thế, khi công nghệ mới ra đời thì công nghệ cũ không còn có lý do gì nữa để tồn tại vì bản thân công nghệ cũ đã không còn phù hợp.

Sau khi chuẩn USB 3.0 ra đời thì các hãng sản xuất máy tính và những thiết bị điện tử khác đã tích hợp chúng vào trong những sản phẩm mới của mình, những cổng USB 2.0 sẽ không bao giờ được sử dụng lại nữa. Trường hợp điển hình nhất là với các ổ cứng, ổ Flash, những công nghệ mới giúp tăng dung lượng ổ đĩa đã tạo ra những sản phẩm có khả năng lưu trữ nhiều hơn, kết quả là những ổ đĩa cũ dung lượng thấp sẽ không bao giờ được sản xuất lại.

Theo những người thuộc trường phái dung hòa, có những công nghệ sẽ giết công nghệ nhưng cũng có cái – cũ và mới sẽ tồn tại song song cạnh nhau. Nếu các công nghệ có liên quan trực tiếp trong cùng một tính năng thì cái mạnh hơn sẽ loại bỏ những cái yếu hơn, công nghệ mạng viễn thông tiến từ 1G, 2G, 3G, 4G thay thế liên tiếp nhau là một ví dụ. Tuy thế, nếu những công nghệ phục vụ cho mục đích khác nhau thì lại không thể thay thế được nhau, người ta từng nói đến việc điện thoại sẽ “thủ tiêu” máy MP3, điện thoại sẽ “tiêu diệt” máy chụp ảnh... nhưng đến nay, các sản phẩm công nghệ số ấy vẫn còn tồn tại và chiếm một thị phần riêng, không thể bị thay thế.

Khen và chê

Xu hướng công nghệ hiện nay là sự kết hợp lại của nhiều tính năng khác nhau, tuy thế, một sản phẩm khi được tích hợp thêm tính năng nào đó thì luôn nhận được sự khen ngợi lúc đầu, sau đó là những chê bai thậm tệ và cuối cùng lại là những lời khen. Khi Google công bố dịch vụ cho phép một chiếc TV có khả năng... duyệt web và tìm kiếm Internet (Google TV) thì hàng loạt chuyên gia đã đăng đàn đánh giá đây là một công nghệ mới của TV thế kỷ 21. Nhưng sau đó ít người hồ hởi với sản phẩm này bởi việc duyệt web và tìm kiếm thực hiện kém hơn trên máy tính. Ngoài ra, sự kiện các hãng truyền hình lớn “cấm cửa” Google TV đã khiến mọi người quay lại tiên đoán về sự thất bại của dịch vụ này. Qua năm mới, nhiều chuyên gia lại cho rằng Google TV sẽ trở lại và đó là tương lai của truyền hình trên mạng.

Giải thích cho việc khen chê liên tục trái chiều nhau như vậy, nhà báo David Pogue cho rằng, để công bố một tính năng, ít nhất một đội ngũ của công ty phát triển đã phải ngồi lại để đánh giá mức độ ứng dụng của nó trong cuộc sống, chỉ khi nó vượt qua được “vòng kiểm duyệt” này thì tính năng đó mới bắt đầu phát triển. Tuy vậy, nhóm chuyên gia kia chỉ là một con số nhỏ so với hàng tỉ người dùng trên thế giới và do những tác động của ngoại cảnh nên những tính năng đó sẽ được chấp nhận hoặc đào thải.

Xu thế của người tiêu dùng thường là... bất thường, họ có thể chê iPhone thậm tệ vì chỉ có màu đen nhưng khi có iPhone trắng thì họ lại thích màu... đen hơn. Hoặc lúc iPad vừa ra đời, mọi người tiên đoán nó sẽ chết yểu vì máy tính “chẳng ra máy tính”, tuy vậy, Apple đã bán được 17 triệu sản phẩm loại này. Vì vậy, các nhà sản xuất lẫy lừng thường không ngại những lời khen chê mà họ căn cứ vào thực tế doanh số để làm mục tiêu đi tới.

Duy Trác (Thế giới @)

Nguồn :
Mã:
http://nld.com.vn/2011012810341189P0C1039/nghich-ly-cua-cong-nghe.htm
 
Bên trên