Theo thông tin từ The New York Times, ngành công nghiệp âm nhạc thế giới đã có sự tăng trưởng về mặt doanh số lần đầu tiên kể từ năm 1999, mang đến hy vọng cho sự phục hồi lâu dài mà các nhà sản xuất đã mong đợi từ lâu.
Năm 2012, tổng doanh thu của ngành công nghiệp chỉ tăng 0,3% và đạt 16,5 tỷ USD, chưa bằng một nửa của 38 tỷ USD khi còn ở đỉnh cao của nó. Sự tăng trưởng của doanh số bán hàng trực tuyến và các nguồn thu nhập khác đã bù đắp được sự sụt giảm do doanh số bán đĩa CD gây ra.
“Rõ ràng năm 2012 chúng ta đã thấy ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu đang bước sang con đường hồi phục. Có một điều gì đó đầy hứng khởi ở trong bầu không khí mà tôi chưa từng thấy trong một quãng thời gian dài”, Frances Moore, giám đốc điều hành của Hiệp hội ghi âm quốc tế cho biết.
Hiện tại, hoạt động kinh doanh nhạc trực tuyến đang tồn tại dưới nhiều hình thức và hoạt động rất sôi nổi. Doanh thu của các đĩa đơn hoặc album tải về từ các dịch vụ như iTunes tiếp tục phát triển. Ngoài ra, các dịch vụ khác như Spotify, Rhapsody hay Muve Music lại có số lượng người sử dụng tăng 44% so với năm ngoái, lên tới 20 triệu.
Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của ngành công nghiệp âm nhạc vẫn còn không đồng đều trên thế giới. Chỉ có 8 trong 20 thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới là có dấu hiệu tăng trưởng so với năm ngoái, trong khi các quốc gia được coi là thị trường âm nhạc mới nổi như Nga hay Trung Quốc lại đang đối mặt với tình trạng vi phạm bản quyền trầm trọng.
Các chuyên gia dự đoán rằng ngành công nghiệp âm nhạc thế giới sẽ tăng trưởng chậm trong một vài năm tới, lý do là doanh số bán đĩa CD sẽ sụt giảm mạnh trong khi doanh thu từ các dịch vụ kinh doanh âm nhạc trực tuyến vẫn chưa đủ để bù đắp lại.
Theo The New York Times