Nga siết thêm các hãng công nghệ phương Tây

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Các hãng công nghệ nước ngoài phải mở văn phòng đại diện tại Nga nếu không sẽ bị phạt như cấm thực hiện các hoạt động quảng cáo.

Hôm 13/5, người đứng đầu Ủy ban công nghệ thông tin và chính sách thông tin tại Duma quốc gia (Hạ viên) Nga, Alexander Khinshtein đã đệ trình một dự luật yêu cầu các hãng công nghệ nước ngoài muốn hoạt động tại Nga thì phải mở văn phòng đại diện ở nước này.

nga-siet-them-cac-cong-ty-cong-nghe-muon-kiem-loi-o-nga-14657808.png

Nga dự định buộc các công ty công nghệ Mỹ phải mở văn phòng đại diện ở nước này.

Dự luật theo đó sẽ buộc các hãng công nghệ muốn kiếm lợi nhuận ở Nga phải tuân thủ các điều kiện về văn phòng đại diện pháp lý tại nước này nhằm đảm bảo thực hiện các yêu cầu cần thiết của chính quyền sở tại nếu không sẽ bị phạt như cấm thực hiện các hoạt động quảng cáo.

Ông Khinshtein cho biết dự thảo luật sẽ sớm được trình lên Quốc hội nhằm ngăn chặn các công ty công nghệ lớn lạm dụng vị thế độc quyền của mình và cung cấp các nội dung bị cấm tại Nga.

Dự luật sẽ bắt buộc chủ sở hữu các tài nguyên thông tin lớn với lượng độc giả hằng ngày ở Nga ít nhất là 500.000 phải mở văn phòng đại diện và chịu trách nhiệm cho các hoạt động của mình. Nếu không thực hiện yêu cầu này, các công ty sẽ bị cấm quảng cáo dịch vụ hoặc cho đăng quảng cáo trên các nền tảng của mình. Các công ty này cũng có thể bị cấm thu phí dịch vụ hoặc thu thập dữ liệu cá nhân.

Ông Khinshtein cho rằng, tất cả các biện pháp này hoàn toàn không vi phạm lợi ích của người dùng Nga, đồng thời tạo ra những lợi ích kinh tế cho các công ty công nghệ lớn tuân thủ luật pháp của Nga.

Dự luật được cho sẽ là một hoạt động khá mạnh mẽ của Moscow trong việc thúc đẩy quyền của nhà quản lý đối với các công ty nước ngoài muốn kiếm lợi từ người Nga nhưng không phải thực hiện theo bất cứ nghĩa vụ pháp lý nào theo yêu cầu của nhà quản lý.

Trước đó, Nga đã phạt hàng loạt gã khổng lồ công nghệ với lý do không thực hiện theo yêu cầu của các nhà quản lý, bao gồm xóa bỏ các nội dung bị cấm.

Cuối tháng 4, Nga thông báo phạt Apple hơn 906 triệu rubble (12,1 triệu USD) với lý do "lạm dụng" vị trí thống lĩnh thị trường, bằng cách ưu tiên phân phối các ứng dụng cho chính tập đoàn này phát triển.

Tuyên bố của Cơ quan Chống độc quyền LB Nga nêu rõ: "Apple bị phát hiện đã lạm dụng vị trí thống lĩnh của mình trong thị trường phân phối iOS... qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm của tập đoàn này".

Nước này cũng đang điều tra nền tảng chia sẻ video YouTube (công ty con của Google) vì nghi ngờ lạm dụng vị thế thống lĩnh trên thị trường để đưa ra những quyết định “không minh bạch, thiên vị và khó đoán”. Theo thông báo của Cơ quan Chống độc quyền LB Nga, YouTube đã dựa trên những quy định của nền tảng này để xóa và chặn tài khoản người dùng mà không cảnh báo hay cho phép giải thích. Hành động như vậy có thể dẫn tới xâm phạm quyền lợi của người dùng và hạn chế cạnh tranh.

Hồi tháng 2, Tòa án Công lý Hòa bình thuộc quận Tangansky ở thủ đô Moscow (LB Nga) đã tuyên án phạt công ty mạng xã hội Facebook một khoản tiền phạt 4 triệu rúp (tương đương gần 63.000 USD) vì đã vi phạm luật bảo vệ dữ liệu cá nhân LB Nga.

Trước đó, Twitter cũng đã bị tuyên một án phạt tương tự. Twitter sẽ phải nộp khoản tiền phạt này trong vòng 60 ngày. Tuy nhiên, đại diện của hãng này không có mặt tại phiên tòa.

Đến tháng 3, cơ quan giám sát thông tin và truyền thông Roskomnadzor của Nga thông báo sẽ khóa Twitter trong một tháng nếu "đại gia" mạng truyền thông xã hội của Mỹ này không dỡ bỏ các nội dung bị cấm. Sau đó, Nga đã cảnh báo sẽ giảm tốc độ đường truyền của Twitter. Lý do Roskomnadzor đưa ra là Twitter nhiều lần không gỡ bỏ các nội dung bị cấm được đăng trên trang mạng xã hội này, liên quan đến vấn đề khiêu dâm trẻ em, sử dụng ma túy và kêu gọi trẻ vị thành niên tự tử.

Từ ngày 1/2, Nga chính thức thi hành đạo luật yêu cầu các mạng xã hội phải phát hiện và ngăn chặn việc phát các nội dung không phù hợp trên nền tảng của mình, theo đó yêu cầu các mạng xã hội cần ngay lập tức áp dụng biện pháp cần thiết phù hợp.

Trong trường hợp không thể tự đánh giá nội dung đăng tải có vi phạm luật hay không, trong vòng 24 giờ, ban quản lý mạng xã hội phải thông báo tới Roskomnadzor.

Hồi tháng 3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần nói về sự cần thiết phải cân đối được giữa tự do trên mạng Internet và những quy định hoạt động trong môi trường này. Ông Peskov nhấn mạnh mạng Internet không có đường biên giới nhưng các công ty nước ngoài phải tuân thủ những quy định tại nơi doanh nghiệp hoạt động.

Từ 1/4, Nga đã áp dụng luật mới, áp dụng đối với các thiết bị thông minh ở Nga quy định tất cả điện thoại, máy tính và các thiết bị thông minh khác được bán ở Nga phải cài đặt trước các phần mềm của nước này. Các điều luật là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Nga giúp các công ty công nghệ thông tin trong nước cạnh tranh với các đối tác nước ngoài.

Gã khổng lồ công nghệ Mỹ Apple sau nhiều lần trì hoãn mới cho biết sẽ cung cấp một số ứng dụng từ các nhà phát triển Nga như một phần của màn hình kích hoạt các thiết bị mới. Hãng khẳng định sẽ tuân thủ luật mới của Nga, nhưng cũng lưu ý rằng tất cả các ứng dụng đều phải được xem xét để đảm bảo chúng tuân thủ các tiêu chuẩn của Apple về quyền riêng tư, bảo mật và nội dung.

Theo ICT News​
 
Bên trên