Trịnh Nghệ Đông, sống tại một chung cư cao tầng ở Nam Thành, thành phố Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông, cho biết gần đây, tốc độ mạng của gia đình thường xuyên bị chậm. Cô nghi ngờ những người thuê nhà xung quanh đã dùng phần mềm can thiệp và xâm nhập vào mạng Wi-Fi của nhà mình để xem video và chơi trò chơi. Dù đã áp dụng nhiều biện pháp như khởi động lại bộ định tuyến, thay đổi mật khẩu..., tất cả đều không thể ngăn cản sự xuất hiện của những thành phần lạ. Điều này khiến cho việc làm tại nhà của cô, một streamer, bị ảnh hưởng.
"Tôi đã bỏ qua chuyện này, họ làm gì cũng được, miễn là tôi có thể vào mạng thì điều đó không quan trọng", thuộc gia đình có truyền thống theo đạo Phật, Nghệ Đông cho biết cô đã học cách cảm thông cho những người xung quanh, bởi để duy trì đường mạng băng thông rộng, chi phí một năm rất lớn. Những đường truyền giá rẻ thường không ổn định, nên hay ảnh hưởng tới trải nghiệm sử dụng, đặc biệt là chơi game. "Vì vậy, tôi đã có thể hiểu là họ có khó khăn", cô nói.
Tuy nhiên, dường như những người hàng xóm không nhận ra được sự cảm thông và thấu hiểu của Nghệ Đông. Bởi sau đó, tình trạng còn tồi tệ hơn. Tuần trước, điện thoại di động và máy tính xách tay của cô đã bị ngắt kết nối và không thể vào lại Internet. Bộ định tuyến sau khi khởi động đã cho phép kết nối, nhưng chẳng bao lâu mạng lại bị ngắt.
"Tôi bắt đầu nghĩ rằng đó là do bộ định tuyến bị hỏng và vẫn sử dụng các phương pháp truyền thống để khôi phục cài đặt gốc. Nhưng sau đó phát hiện ra là thiết bị thậm chí không hoạt động bình thường mà ngay cả mật khẩu quản lý do chính mình thiết lập cũng đã bị thay đổi, không đăng nhập được", cô cho biết.
Vì lý do công việc, không thể cắt mạng, Nghệ Đông đã đi mua một bộ định tuyến mới. Tuy nhiên chỉ sau vài ngày, tình trạng tương tự lại lặp lại. Điều này khiến cô nghi ngờ những người hàng xóm "khó khăn" cạnh mình đã sử dụng các chương trình "thặng võng" đang phổ biến gần đây để tấn công mạng Wi-Fi của mình.
Quá bất lực, cô chỉ có thể sử dụng mạng 4G để live-stream. Trong quá trình giao tiếp với các đồng nghiệp, Nghệ Đông phát hiện ra mình không phải là người duy nhất gặp phải tình trạng này. Rất nhiều "chị em" streamer khác, không am hiểu công nghệ, lắp đặt mạng tốc độ cao để làm việc tại nhà, cũng gặp tình huống tương tự.
Qua tìm hiểu, Nghệ Đông thấy các phần mềm ăn cắp mật khẩu Wi-Fi trên các trang ứng dụng rất nhiều. Các chương trình, phần mềm này đang được rao bán rộng rãi trên mạng, với mức giá thuê bao khá rẻ. "Uy tín, luôn được cập nhật trong, chỉ 99 nhân dân tệ một năm (khoảng 350.000 đồng)", là lời quảng cáo về nó trên một website. Trên một trang thương mại điện tử, một người bán còn tuyên bố nó có thể khả năng bẻ khóa mật khẩu và chiếm dụng tốc độ mạng không dây của người khác. Người này gọi ứng dụng của mình là "kẻ giết người không dây" (wireless killer).
Theo người bán chia sẻ, ứng dụng này chỉ khả dụng cho thiết bị di động chạy hệ điều hành Android hoặc máy tính có phần mềm giả lập Android và card Wi-Fi. Miễn là ứng dụng được cài đặt, người dùng có thể tự hack mật khẩu Wi-Fi của người xung quanh. Không chỉ xâm nhập, nó có chức năng "đuổi" người dùng khác đang truy cập ra khỏi mạng, thậm chỉ cả chủ sở hữu hệ thống mạng này, một cách dễ dàng.
"Cần phải cập nhật thường xuyên, nếu không nó sẽ vô tác dụng, bởi các nhà sản xuất bộ định tuyến cũng thường nâng cấp firmware", người này giải thích. người đàn ông này cũng nói thêm rằng mức giá chỉ 99 tệ một năm đã bao gồm việc không giới hạn số lần cập nhật, cũng như không hạn chế số lượt bẻ khóa mạng.
Giải thích cho việc ngày càng có nhiều người mua loại sản phẩm này, ông cho biết lý do chính là để chơi game. Bởi trong cùng một hệ thống, nhiều người sử dụng cùng lúc, tốc độ và đường truyền thường không ổn định. Điều này thường gây lag, đứng hình cho những người muốn chơi game. Đây cũng là lý do khiến họ muốn đuổi tất cả mọi người ra để chiếm dụng riêng mạng đó cho mình.
Thời gian gần đây, ông bán được rất nhiều bộ phần mềm và các đơn đặt hàng vẫn được gửi tới liên tục. "Có rất nhiều ứng dụng như vậy trên thị trường, nhưng của tôi ổn định hơn và có nhiều chức năng mới", người bán này quảng cáo. Ông cho biết một số ứng dụng có thể "đá" người khác ra khởi mạng chung, nhưng chương trình của mình còn có khả năng quản trị, phân bổ băng thông sử dụng cho các thành viên. Một số người dùng sẽ nhận ra tốc độ băng thông bị chậm mà không biết tại sao.
"Ít người dùng thông thường biết loại ứng dụng này, vì vậy hầu hết khi gặp phải tình huống đều cho rằng chính bộ định tuyến đã bị hỏng", người bán nói thêm. Người đàn ông này cũng cho biết hầu hết các bộ định tuyến không dây dành cho gia đình đang bán trên thị trường đều có lỗ hổng bảo mật và dễ bị xâm nhập. Còn với các thiết bị dùng trong thương mại, nhóm "nghiên cứu và phát triển" của mình đang tích cực tìm cách "giải quyết vấn đề".
Tôn Lê, một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ tại địa phương này, cho biết, về bản chất đây là một dạng phần mềm crack có khả năng thâm nhập vào hệ thống quản lý mạng. Hầu hết chúng đều có giao diện đơn giản và khá xấu, trộn lẫn giữa tiếng Trung và tiếng Anh. Tuy nhiên, nó có khả năng bẻ khóa mật khẩu khá tốt và được cài đặt để 15-60 phút thực hiện việc này một lần, để đối phó với việc chủ mạng đổi mật khẩu.
Sau khi bẻ khóa và kết nối với mạng, ứng dụng sẽ bắt đầu chạy một chức năng khác là quét bộ định tuyến để biết thông tin được mã hóa và tất cả các thiết bị khác. Sau khi quá trình quét hoàn tất, một trang quản lý sẽ bật lên để người dùng có thể chọn mở hoặc đóng kết nối của bất kỳ người nào khác, thậm chí sửa đổi địa chỉ IP của thiết bị.
"Việc sửa đổi mật khẩu quản trị không phải lúc nào cũng thành công, nhưng việc đuổi người dùng khác đang kết nối rất hiệu quả, thậm chí có thể đặt giới hạn tốc độ của đối thủ", ông cho biết. Ông từng thử nghiệm và dễ dàng giới hạn tốc độ của những người dùng khác xuống dưới 80KB/giây.
So với các loại tội phạm Internet khác, hành vi "ăn cắp mạng" dường như khó có thể bị bắt hoặc áp dụng các hình phạt đáng kể. Theo một số chuyên gia, để ngăn chặn tình trạng này, vấn đề phụ thuộc chủ yếu vào việc các nhà sản xuất bộ định tuyến liên tục cập nhật và vá các lỗ hổng bảo mật hiện có. Với người dùng, phải luôn chú ý đến những thay đổi về tốc độ và cố gắng thiết lập mật khẩu phức tạp nhất có thể, gây khó khăn cho những kẻ xấu muốn xâm nhập vào hệ thống mạng của mình. Nếu có thể, hãy cố gắng ẩn cài đặt tên điểm phát sóng Wi-Fi tại nhà để tránh bị quét bởi các ứng dụng nói trên.
Theo Số Hóa