Mỹ tung ra chính sách khiến cả ngành chip "lao đao, lảo đảo", 240 tỷ USD vốn hóa bị quét sạch khỏi thị trường

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Các cổ phiếu liên quan đến chip ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã sụt giảm, góp phần quét sạch hơn 240 tỉ USD khỏi giá trị thị trường toàn cầu của ngành. Điều này xảy ra sau khi chính quyền Joe Biden áp đặt các biện pháp hạn chế quyền tiếp cận công nghệ bán dẫn của Trung Quốc.

image.webp


Giá cổ phiểu của nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC đã giảm kỉ lục 8,3%. Samsung Electronics và Tokyo Electron cũng lo ngại về những nỗ lực của Mỹ, bởi hợp tác quốc tế sẽ hạn chế khả năng xuất khẩu của họ sang Trung Quốc.

Việc bán tháo cũng tác động sang các thị trường tiền tệ. Đồng Won của Hàn Quốc đã giảm hơn 1,6% so với đồng bạc xanh (greenback), trong khi đồng Đô-la Đài Loan (TWD) giảm 0,7% trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc.

Nhà phân tích cổ phần có tên Phelix Lee tại Morningstar Inc lưu ý: “Chúng tôi tin rằng những bắt ổn về nhu cầu đúc sẽ tăng lên trong ngắn hạn, bởi Trung Quốc là thị trường điện toán đám mây lớn thứ 2 thế giới. Cú sốc mới có thể làm giảm thêm tâm lý trong lĩnh vực vốn đã bị tàn phá bởi nhu cầu điện tử tiêu dùng yếu.”

Các luật này dự kiến sẽ tạo ra những tác động sâu rộng. Đối với các công ty có nhà máy ở Trung Quốc, bao gồm cả những công ty không thuộc Mỹ, các quy tắc sẽ tạo ra những rào cản bổ sung và yêu cầu chính phủ ký duyệt. Động thái này cũng được thiết lập để tạo ra tác động trực tiếp trên toàn bộ chuỗi cung ứng của ngành và thêm vào danh sách thách thức ngày càng tăng đối với cổ phiếu công nghệ, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang cũng như căng thẳng trên eo biển Đài Loan. Mỹ đã thông báo về việc hạn chế xuất khẩu vào hồi tuần trước và đã có những gợi ý rằng, các hành động tương tự có thể được triển khai ở những nước khác, nhằm đảm bảo hợp tác quốc tế.

Hệ quả, Samsung mất tới 3,9%, mức nhiều nhất trong một năm. Cổ phiếu của SK Hynix, một trong những nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới có cơ sở tại Trung Quốc, đồng thời cùng là một phần trong mạng lưới cung cấp gửi linh kiện đi khắp thế giới, đã giảm 3,5%.

Mỹ tung ra chính sách khiến cả ngành chip lao đao, lảo đảo, 240 tỷ USD vốn hóa bị quét sạch khỏi thị trường


Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, lệnh cấm hiện tại đã quét sạch hơn 240 tỉ USD ra khỏi các cổ phiếu chip trên toàn cầu. Nhà phân tích David Wong từ Nomura Holdings cho biết, các hạn chế là một “trở ngại lớn đối với Trung Quốc” và “tin xấu” đối với thị trường bán dẫn toàn cầu. Các nỗ lực nội địa hóa của Trung Quốc cũng có thể gặp “rủi ro vì nước này không thể sử dụng những xưởng đúc tiên tiến ở Đài Loan và Hàn Quốc.”

Mức mất giá cổ phiếu của các nhà sản xuất chip Trung Quốc đã tăng lên. Morgan Stanley cho biết, các hạn chế rộng hơn đối với siêu máy tính và đầu tư vốn đa quốc gia vào Trung Quốc có thể “gây ra sự xáo trộn.”

Các phương tiện truyền thông nhà nước cũng như những quan chức Trung Quốc đã phản ứng trước động thái của chính quyền Joe Biden trong những ngày gần đây, cảnh báo về những hậu quả kinh tế và dấy lên các đồn đoán về khả năng trả đũa.

Nhà phân tích Akira Minamikawa của Omdia cho biết: “Động thái mới nhất của Mỹ sẽ thúc đẩy Trung Quốc tiến nhanh hơn trong việc đẩy mạnh ngành công nghiệp chip trong nước. Các công ty Nhật Bản nên sẵn sàng cho một tương lai, có thể trong 1 hoặc 2 thập kỉ, khi họ mất tất cả các khách hàng Trung Quốc do căng thẳng hiện tại làm tăng tốc các nỗ lực của Trung Quốc.”

Mỹ tung ra chính sách khiến cả ngành chip lao đao, lảo đảo, 240 tỷ USD vốn hóa bị quét sạch khỏi thị trường


Các biện pháp này nhằm ngăn chặn động lực phát triển ngành công nghiệp chip của chính họ và nâng cao năng lực quân sự của Trung Quốc. Chúng bao gồm hạn chế xuất khẩu một số loại chip, được sử dụng trong trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính, đồng thời thắt chặt các quy định về việc bán thiết bị sản xuất chất bán dẫn cho bất kỳ công ty Trung Quốc nào.

Mỹ đang tìm cách đảm bảo rằng các công ty Trung Quốc không chuyển giao công nghệ cho quân đội nước này, cũng như ngăn các nhà sản xuất chip ở Trung Quốc không phát triển khả năng tự sản xuất bán dẫn tiên tiến.

Nhà phân tích Chae Minsook tại Korea Investment & Securities viết trong một báo cáo: “Với biện pháp mới nhất, Trung Quốc sẽ trở nên khó khăn trong việc sản xuất và phát triển bán dẫn bởi hầu hết các thiết bị bán dẫn đều bị chi phối bởi Mỹ cũng như những đồng minh của Mỹ, chẳng hạn như Nhật Bản và Hà Lan. Việc duy trì ngành công nghiệp chip mà không áp dụng các thiết bị tiên tiến rõ ràng là một điều bất khả thi.”

Nguồn: Vnreview​
 
Bên trên