Theo Bloomberg, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ kể trên cho rằng vì mối liên hệ chặt chẽ giữa Mỹ và nhiều đồng minh, đặc biệt là các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một trường hợp khẩn cấp quân sự có thể buộc hai bên liên lạc thông qua hệ thống của Huawei. Mỹ hiện không trong giai đoạn lên kế hoạch chi tiết động thái của họ, nhưng tiếp tục thúc giục đồng minh không ký hợp đồng với một số nhà cung ứng Trung Quốc.
Nhiều nước trên thế giới đang tích cực chuẩn bị tung thế hệ mạng di động kế tiếp là 5G. Quan chức Mỹ cho biết ông và các đồng nghiệp sẽ gặp gỡ với giới chức ở các thủ đô châu Âu, trong đó có Brussels, Paris và Berlin trong vài tuần tới. Phía Mỹ cũng nhóm họp với nhiều thành viên thuộc Ủy ban châu Âu (EC) và đồng minh của NATO.
Vào tháng 1, người đứng đầu mảng kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi các nước thành viên trong khối cân nhắc nguy cơ từ việc hợp tác với Huawei cùng nhiều hãng Trung Quốc. Ông này cho rằng luật Tình báo Quốc gia Trung Quốc, được thông qua năm 2017, làm tăng rủi ro khi tiếp xúc với các hãng này. Luật yêu cầu bất cứ tổ chức, công dân nào cũng phải hỗ trợ tình báo quốc gia điều tra, và giữ thông tin liên quan đến các cuộc điều tra đó.
Huawei bác bỏ cáo buộc cho rằng doanh nghiệp tạo điều kiện cho gián điệp Trung Quốc, nói thêm rằng việc đưa họ vào danh sách đen mà không có bằng chứng sẽ làm tổn thương ngành công nghiệp, cản trở công nghệ mới. Công ty trước đó phân tích hậu quả của luật pháp nước nhà, và kết luận rằng luật không yêu cầu hãng hợp tác với tình báo nhà nước nếu việc này mâu thuẫn với quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Giới chức Mỹ xem luật Tình báo Quốc gia và một số luật khác từ Trung Quốc là mối lo ngại với quốc gia, cho rằng cá nhân và doanh nghiệp không có quyền từ chối yêu cầu từ nhà nước Trung Quốc. Tuy vậy, phái đoàn Trung Quốc đến EU trước giờ vẫn phản đối lối nghĩ trên, khẳng định luật “không bao giờ đưa cho bất kỳ tổ chức nào quyền buộc doanh nghiệp xây dựng cửa hậu bắt buộc”.
Theo Thanh Niên