Mỹ leo thang, hối thúc Nhật và Hà Lan dừng xuất khẩu cả công nghệ sản xuất chip đời cũ sang Trung Quốc

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Theo hãng tin Nikkei, Mỹ đang thúc đẩy Nhật Bản và Hà Lan mở rộng các hạn chế đối xuất khẩu liên quan đến chất bán dẫn sang Trung Quốc bao gồm cả những thiết bị để sản xuất chip thế hệ cũ cũng như hóa chất sản xuất chip.

589824_70849781286308_2317654547234816

Mỹ đã áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu sâu rộng vào tháng 10 năm 2022 để hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với chất bán dẫn được coi là chìa khóa cho các công nghệ như trí tuệ nhân tạo và xe tự lái, cũng như vũ khí công nghệ cao.

Nhật Bản và Hà Lan đã thực hiện yêu cầu của Washington, nhưng việc xuất khẩu các sản phẩm không nằm trong lệnh cấm từ hai nước này sang Trung Quốc đã tăng mạnh. Điều đó đã cảnh tỉnh Mỹ cần có các biện pháp cứng rắn hơn bởi Nhật và Hà Lan là những nước có vai trò lớn trong lĩnh vực bán dẫn.

Các biện pháp cấm vận công nghệ của Mỹ hiện nay với Trung Quốc tập trung vào việc xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn ở phạm vi 10 đến 14 nanomet hoặc nhỏ hơn. Tuy vậy, Mỹ đang muốn mở rộng phạm vi cấm đến cả những thiết bị dành cho việc sản xuất chip thông thường, cũ hơn.

Washington có thể đang để mắt đến thiết bị in thạch bản, thiết bị in mạch lên tấm silicon và hệ thống khắc, được sử dụng trong việc xếp chồng các chip nhớ ba chiều. Các công ty Nhật Bản như Nikon và Tokyo Electron có khả năng đặc biệt tiên tiến trong các lĩnh vực đó.

Các hóa chất sản xuất chip thiết yếu như chất quang dẫn, mà các công ty Nhật Bản bao gồm Shin-Etsu Chemical kiểm soát hơn 90% thị trường, cũng được cho là nằm trong tầm ngắm của Washington.

Hà Lan, quê hương của nhà sản xuất thiết bị bán dẫn ASML, đã được yêu cầu dừng việc bảo trì và bảo dưỡng các thiết bị sản xuất chip bán cho Trung Quốc trước khi lệnh hạn chế thương mại đưa ra vào năm ngoái có hiệu lực. Theo hãng tin Bloomberg, Mỹ đã kêu gọi Đức và Hàn Quốc ngừng cung cấp các linh kiện cần thiết cho việc sản xuất bán dẫn sang Trung Quốc.

Theo tin từ Nikkei, các quan chức và công ty Nhật Bản đã sửng sốt trước áp lực này.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Ken Saito cho biết hôm thứ Sáu: “Chúng tôi không có kế hoạch thực hiện các biện pháp mới vào thời điểm này”.

Tháng 7 năm ngoái, Tokyo đã bổ sung 23 mặt hàng vào danh sách các sản phẩm bị hạn chế xuất khẩu, bao gồm cả thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. Với chất quang dẫn dùng cho kỹ thuật in thạch bản cực tím, Nhật đã yêu cầu phải có giấy phép mới được xuất khẩu.

Nếu Tokyo thắt chặt hạn chế đối với thiết bị sản xuất chip đời cũ, các công ty Nhật Bản có thể mất thị phần mà không ảnh hưởng đáng kể đến Trung Quốc, bởi nước này có thể tiếp cận các sản phẩm tương tự từ nơi khác.

Đại diện Shin-Etsu Chemical cho biết công ty không thể bình luận về vật liệu bán dẫn. Nhà sản xuất chất cản quang JSR cho biết họ "không thể bình luận trong khi chưa rõ thông tin chi tiết".

Áp lực từ Mỹ xuất hiện trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy chiến lược ban đầu nhằm làm chậm tiến độ sản xuất chip của Trung Quốc đã không hiệu quả như mong đợi.

Huawei Technologies vào tháng 8 đã tung ra điện thoại thông minh có chip 7nm, công nghệ bán dẫn mà Mỹ đã cấm xuất sang Trung Quốc. Mặc dù việc sản xuất chip 7nm của Huawei gần đây được cho là vẫn dùng những công nghệ Mỹ và giá thành sản xuất cao nhưng điều đó cho thấy Trung Quốc vẫn có thể cải tiến trên thiết bị sản xuất chip cũ nằm ngoài các hạn chế xuất khẩu hoặc tái sử dụng công nghệ đã qua sử dụng mua từ trước khi bị cấm vận.

Washington đã thắt chặt kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất chip đến Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái, cấm xuất các hãng dùng công nghệ xuất khẩu sang các công ty con và văn phòng toàn cầu của các công ty Trung Quốc. Mỹ tỏ ra lo lắng rằng những nỗ lực của họ có thể không hiệu quả nếu không thêm sự phối hợp hành động từ các đồng minh.

Theo VN review
 
Bên trên