Bộ Quốc phòng Mỹ vừa thêm gã khổng lồ công nghệ Tencent và nhà sản xuất pin CATL của Trung Quốc vào danh sách các công ty mà họ cáo buộc là hợp tác với quân đội Trung Quốc.
Theo Hãng tin AFP, hai công ty Tencent và CATL đã bị Mỹ đưa vào danh sách các công ty quân sự Trung Quốc đang hoạt động tại Mỹ.
Hãng tin Reuters dẫn lại tài liệu mới công bố ngày 6-1 cho biết danh sách này cũng bao gồm nhà sản xuất chip Changxin Memory Technologies, nhà sản xuất máy bay không người lái Autel Robotics và Công ty Quectel Wireless.
Tencent là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, sở hữu "siêu ứng dụng" WeChat và tham gia khắp các lĩnh vực trò chơi, phát trực tuyến nội dung và dịch vụ đám mây.
CATL cũng là một công ty lớn, sản xuất hơn 1/3 số pin xe điện được bán trên thế giới. Chúng đã được sử dụng trong các mẫu xe đến từ một loạt nhà sản xuất nước ngoài bao gồm Mercedes-Benz, BMW, Volkswagen, Toyota, Honda và Hyundai.
Người phát ngôn của Tencent cho rằng việc công ty này bị đưa vào danh sách trên "rõ ràng là sự sai lầm" và "chúng tôi không phải là công ty hay nhà cung cấp quân sự".
Vị này nói: "Không giống như các lệnh trừng phạt hoặc kiểm soát xuất khẩu, danh sách này không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Quốc phòng Mỹ để giải quyết mọi hiểu lầm".
Đạo luật Ủy quyền quốc phòng quốc gia (NDAA) cho năm tài chính 2021 yêu cầu bộ trưởng quốc phòng Mỹ phải xác định các công ty quân sự Trung Quốc đang hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp tại Mỹ và nộp danh sách lên Quốc hội Mỹ.
Danh sách này không có tác động pháp lý trực tiếp đến các công ty bị đưa vào, nhưng có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của họ.
Động thái trên đã mở rộng "danh sách công ty quân sự Trung Quốc" của Bộ Quốc phòng Mỹ lên 134, trong đó có 57 thực thể và các công ty con của họ. Đây là một phần nỗ lực của Washington nhằm chống lại chiến lược "quân - dân dung hợp" (military-civil fusion) của Bắc Kinh, theo báo South China Morning Post.
Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ chính của nước này. Trong nhiều năm qua, Washington đã đưa ra các biện pháp nhắm vào các công ty công nghệ vì lo ngại về an ninh quốc gia và sợ rằng công nghệ có thể được Bắc Kinh sử dụng cho mục đích quân sự.
Nguồn: TTO