Về cấu hình, chiếc Moto G4 Play chia sẻ nhiều điểm tương tự Moto G (2015), trong đó bao gồm chip xử lý Snapdragon 410 SoC với bốn nhân ARM Cortex-A53 đạt tốc độ xung 1,4GHz trong khi chip đồ họa là Adreno 306. RAM của máy là LPDDR3 có dung lượng 2GB, trong khi đó bộ nhớ trong là eMMC NAND 16GB nhưng có thể mở rộng thêm sức chứa với thẻ nhớ microSD.
Bên cạnh đó, màn hình IPS LCD có độ phân giải 720p (1280x720) cũng không thay đổi so với Moto G. Tuy nhiên, với kích thước màn hình chỉ 5 inch có thể giúp Moto G4 Play trở thành lựa chọn thiết bị di động màn hình nhỏ và nhẹ hơn so với hai đàn anh Moto G4 và G4 Plus có cùng kích thước màn hình là 5,5 inch.
Tất cả các điện thoại thuộc gia đình Moto G4 đều có camera trước đạt độ phân giải 5MP đi kèm khẩu độ mở f/2.2, chỉ có camera sau là khác biệt. Moto G4 Play được trang bị camera sau có độ phân giải 8MP khá khiêm tốn, trong khi Moto G4 là 13MP còn G4 Plus là 16MP. Chiếc điện thoại Moto G4 Play cũng không được trang bị các món ăn chơi như lấy nét tự động PDAF/laser, ổn định hình ảnh quang học OIS, hoặc flash LED hai tông màu, song vẫn có HDR tự động.
Các kết nối không dây vẫn không khác gì so với Moto G, bao gồm WiFi 802.11b/g/n nhưng chỉ dùng băng tần 2.4GHz. Trong khi đó, phiên bản Moto G4s đắt tiền hơn thì đồng thời hoạt động được trên băng tần 5GHz. Moto G4 Play cũng sở hữu kết nối Bluetooth 4.1 LE nhưng không hỗ trợ giao tiếp trường gần NFC. Máy vẫn giữ thiết kế cổng kết nối microUSB ở cạnh đáy. Được biết cả ba anh em nhà Moto G4 cùng được trang bị modem Qualcomm Category 4 LTE và dùng MicroSIM.
Hiện Moto G4 Play chỉ mới có hai màu đen và trắng để bán ra và tất nhiên là ở phân khúc giá rẻ nên G4 Play sẽ không thể có bảo mật vân tay được - kể cả chiếc G4 cũng không có chức năng ấy, mà người mua cần phải mua G4 Plus thì mới có được sự yên tâm nhờ vào bảo mật sinh trắc học.
Nguồn Anand Tech