Thoáng thấy cánh tay con trồi trên mặt nước, người cha đau đớn lao tới nhưng được mọi người giữ lại. Hơn nửa tiếng chờ điện cắt cũng là từng đó thời gian ông như hóa dại chứng kiến cái chết đau đớn của đứa con trai duy nhất.
Sáng 3/9, trong ánh sáng mờ của nhà tang lễ thuộc bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5, TP HCM), bức di ảnh của cậu bé Cồ Quốc Duy (13 tuổi) trong bộ đồng phục học sinh lung linh bên những ánh nến và khói hương nghi ngút.
Trước quan tài của em, người mẹ trẻ ngất lên ngất xuống trong vòng tay người thân. Chị đã vật vã suốt 3 ngày ròng. Những phút tỉnh táo hiếm hoi, chị cứ nhìn trừng trừng vào tấm di ảnh của con như không tin đây là sự thật. “Sao lại oan uổng thế này hả trời ơi”, người mẹ tức tưởi thốt lên rồi lại ngất lịm. Mọi người bảo rằng, càng gần đến giờ đưa tiễn Duy đi, chị càng đau đớn.
Ông Cồ Quốc Hưng, cha của Duy, cố tỏ ra bình tĩnh trước cảnh tượng đau lòng của gia đình. Thế nhưng, nhắc đến cái đêm định mệnh ấy (31/8), nỗi đau lại ập về, hiện rõ trong ánh mắt thất thần vẫn còn nguyên vẻ bàng hoàng của ông.
Duy là đứa con trai duy nhất của vợ chồng ông và cũng là cháu đích tôn của dòng họ. Chiều tối ngày 31/8, thấy con loay hoay dọn tập vở và xin phép đến nhà một người bạn (cùng hai đứa bạn khác), ông còn dặn dò chúng đi đường cẩn thận. Từ lúc Duy đi, ruột gan người cha tự nhiên nóng như thiêu như đốt. Đến khoảng 20 giờ, đột nhiên một đứa chạy về báo với ông là Duy bị điện giật ngoài đường. Không kịp mặc thêm quần áo, ông vội lao đến chỗ con gặp nạn.
Đến nơi (ngã tư Nguyễn Biểu - Trần Hưng Đạo), nhìn quanh quất không thấy gì, ông còn nguyện cầu đây không phải là sự thật. Đến khi được bạn Duy chỉ vào vũng nước dưới cây cột điện, ông điếng người nhận ra cánh tay bất động của con trồi trên mặt nước, cạnh chiếc xe đạp ngã chỏng chơ. Ngay lập tức, người cha đau đớn lao tới nhưng mọi người ở đây đã giữ chặt ông lại. Cố vùng khỏi tay họ nhưng không được, ông Hưng chết lặng đứng nhìn vũng nước đen ngòm nuốt chửng thân hình bé nhỏ của Duy. Luồng điện vô hình cứ giết dần đứa con trai yêu quý của mình. Xung quanh người cha đau khổ, hàng chục người dân vẫn liên tục gọi điện đến công ty Điện lực yêu cầu cắt điện tại khu vực này, nhưng phải hơn nửa giờ sau bóng đèn tại cây cột điện ấy mới tắt. Từng đó thời gian, ông Hưng như hóa dại.
Là người đầu tiên lao vào ôm lấy thi thể con trai ra khỏi vũng nước, ông Hưng đau đớn nhận ra Duy đã cứng đờ từ bao giờ. Sau bao nỗ lực cùng mọi người cứu chữa, ông đành chấp nhận sự thật đứa con thân yêu của mình đã vĩnh viễn ra đi.
“Phải chứng kiến cảnh con mình chết mà đành bất lực đứng nhìn. Đau lắm… Người ta chỉ bị điện giật vài giây thôi đã không sống nổi, đằng này con mình…”, người cha nghẹn lời, vẻ mặt căng cứng chịu đựng nỗi đau.
Theo ông Cồ Lê Huy (chú ruột của Duy), sau sự cố, Công ty Chiếu sáng công cộng TP HCM đã cử người xuống chia buồn cùng với gia đình ông, họ cũng đề nghị được hỗ trợ tiền mai táng cho Duy. “Vào lúc đau đớn này, chúng tôi chỉ chấp nhận tấm lòng của họ. Tuy nhiên, điều chúng tôi cần lúc này là sự thật và trách nhiệm của những người đã gây ra cái chết oan uổng cho cháu tôi và mong muốn sẽ không có gia đình nào phải rơi vào hoàn cảnh như thế này nữa”, ông Huy nói.
Ngoài cửa nhà tang lễ, từng tốp học sinh trong đồng phục của trường THCS Lý Phong (trường của Duy) lặng lẽ bước vào thắp cho bạn mình nén nhang cuối trước khi gia đình đưa Duy vào lòng đất lạnh. Bên cạnh quan tài, vài cô cậu học trò mắt đỏ hoe, tay mân mê chiếc quần jeans còn mới nguyên.
“Khi nghe tin Duy chết, tất cả thầy cô và bạn bè không ai tin là sự thật. Bây giờ chúng em chẳng biết làm sao, nhớ Duy quá nên góp tiền mua cho bạn cái quần này. Lúc còn sống Duy nói rất thích và định sẽ xin bố mẹ mua sau ngày khai giảng”, một cô bé nghẹn lời, nức nở.
Sáng 3/9, trong ánh sáng mờ của nhà tang lễ thuộc bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5, TP HCM), bức di ảnh của cậu bé Cồ Quốc Duy (13 tuổi) trong bộ đồng phục học sinh lung linh bên những ánh nến và khói hương nghi ngút.
Trước quan tài của em, người mẹ trẻ ngất lên ngất xuống trong vòng tay người thân. Chị đã vật vã suốt 3 ngày ròng. Những phút tỉnh táo hiếm hoi, chị cứ nhìn trừng trừng vào tấm di ảnh của con như không tin đây là sự thật. “Sao lại oan uổng thế này hả trời ơi”, người mẹ tức tưởi thốt lên rồi lại ngất lịm. Mọi người bảo rằng, càng gần đến giờ đưa tiễn Duy đi, chị càng đau đớn.
Ông Cồ Quốc Hưng, cha của Duy, cố tỏ ra bình tĩnh trước cảnh tượng đau lòng của gia đình. Thế nhưng, nhắc đến cái đêm định mệnh ấy (31/8), nỗi đau lại ập về, hiện rõ trong ánh mắt thất thần vẫn còn nguyên vẻ bàng hoàng của ông.
Duy là đứa con trai duy nhất của vợ chồng ông và cũng là cháu đích tôn của dòng họ. Chiều tối ngày 31/8, thấy con loay hoay dọn tập vở và xin phép đến nhà một người bạn (cùng hai đứa bạn khác), ông còn dặn dò chúng đi đường cẩn thận. Từ lúc Duy đi, ruột gan người cha tự nhiên nóng như thiêu như đốt. Đến khoảng 20 giờ, đột nhiên một đứa chạy về báo với ông là Duy bị điện giật ngoài đường. Không kịp mặc thêm quần áo, ông vội lao đến chỗ con gặp nạn.
Đến nơi (ngã tư Nguyễn Biểu - Trần Hưng Đạo), nhìn quanh quất không thấy gì, ông còn nguyện cầu đây không phải là sự thật. Đến khi được bạn Duy chỉ vào vũng nước dưới cây cột điện, ông điếng người nhận ra cánh tay bất động của con trồi trên mặt nước, cạnh chiếc xe đạp ngã chỏng chơ. Ngay lập tức, người cha đau đớn lao tới nhưng mọi người ở đây đã giữ chặt ông lại. Cố vùng khỏi tay họ nhưng không được, ông Hưng chết lặng đứng nhìn vũng nước đen ngòm nuốt chửng thân hình bé nhỏ của Duy. Luồng điện vô hình cứ giết dần đứa con trai yêu quý của mình. Xung quanh người cha đau khổ, hàng chục người dân vẫn liên tục gọi điện đến công ty Điện lực yêu cầu cắt điện tại khu vực này, nhưng phải hơn nửa giờ sau bóng đèn tại cây cột điện ấy mới tắt. Từng đó thời gian, ông Hưng như hóa dại.
Là người đầu tiên lao vào ôm lấy thi thể con trai ra khỏi vũng nước, ông Hưng đau đớn nhận ra Duy đã cứng đờ từ bao giờ. Sau bao nỗ lực cùng mọi người cứu chữa, ông đành chấp nhận sự thật đứa con thân yêu của mình đã vĩnh viễn ra đi.
“Phải chứng kiến cảnh con mình chết mà đành bất lực đứng nhìn. Đau lắm… Người ta chỉ bị điện giật vài giây thôi đã không sống nổi, đằng này con mình…”, người cha nghẹn lời, vẻ mặt căng cứng chịu đựng nỗi đau.
Theo ông Cồ Lê Huy (chú ruột của Duy), sau sự cố, Công ty Chiếu sáng công cộng TP HCM đã cử người xuống chia buồn cùng với gia đình ông, họ cũng đề nghị được hỗ trợ tiền mai táng cho Duy. “Vào lúc đau đớn này, chúng tôi chỉ chấp nhận tấm lòng của họ. Tuy nhiên, điều chúng tôi cần lúc này là sự thật và trách nhiệm của những người đã gây ra cái chết oan uổng cho cháu tôi và mong muốn sẽ không có gia đình nào phải rơi vào hoàn cảnh như thế này nữa”, ông Huy nói.
Ngoài cửa nhà tang lễ, từng tốp học sinh trong đồng phục của trường THCS Lý Phong (trường của Duy) lặng lẽ bước vào thắp cho bạn mình nén nhang cuối trước khi gia đình đưa Duy vào lòng đất lạnh. Bên cạnh quan tài, vài cô cậu học trò mắt đỏ hoe, tay mân mê chiếc quần jeans còn mới nguyên.
“Khi nghe tin Duy chết, tất cả thầy cô và bạn bè không ai tin là sự thật. Bây giờ chúng em chẳng biết làm sao, nhớ Duy quá nên góp tiền mua cho bạn cái quần này. Lúc còn sống Duy nói rất thích và định sẽ xin bố mẹ mua sau ngày khai giảng”, một cô bé nghẹn lời, nức nở.
VnExpress