Ngày 30/10, Microsoft Asia tổ chức sự kiện "Gây dựng niềm tin thời đại số" thu hút sự tham gia của báo giới châu Á. Sự kiện cung cấp số liệu từ các nghiên cứu về ảnh hưởng của việc sử dụng phần mềm lậu đối với nền tảng an ninh mạng của nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt là Việt Nam.
"Công nghệ càng phát triển dẫn đến nhiều mối nguy hại tiềm tàng, điển hình là những mối đe dọa an ninh mạng. Microsoft mong muốn đưa đến những giải pháp tối ưu, bảo vệ người dùng", Sumrita Chander, Giám đốc truyền thông Microsoft Asia, nói.
Tại sự kiện, Microsoft giới thiệu nghiên cứu "Khảo sát tình hình PC tại thị trường châu Á" được tiến hành từ tháng 5-7/ 2018. Khảo sát được thực hiện bởi đội ngũ nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Singapore.
Cụ thể, Microsoft tiến hành mua 166 máy tính từ 9 thị trường khác nhau. Tuy nhiên, những loại thiết bị này đến từ các cơ sở bán lẻ, không có sự đảm bảo thương hiệu từ Microsoft. Khảo sát cho thấy tỷ lệ nhiễm malware tại thị trường châu Á là 83%, cao hơn hẳn khu vực châu Âu.
Đặc biệt, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam là 4 nước có tỷ lệ PC nhiễm malware cao nhất với 100%. Tại Việt Nam, Microsoft đã thử mua 10 chiếc máy tính, tất cả đều bị dính mã độc. Mary Jo Schrade, Giám đốc bộ phận phòng chống tội phạm mạng (DCU) thuộc Microsoft, nhận định Việt Nam hiện nằm trong "vùng trũng" an ninh mạng khu vực châu Á.
"Các nhà bán lẻ chuyên phân phối máy tính chứa phần mềm lậu không chỉ là tác nhân chính đe dọa tình hình an ninh mạng khu vực. Họ vô tình dẫn dụ hacker tấn công thông tin cá nhân người dùng", Mary Jo Schrade nói.
Để lý giải nguyên nhân trên, Microsoft khẳng định các nhà bán lẻ kiếm lời bằng cách cài đặt phần mềm lậu lên chính sản phẩm của mình. Windows Defender phải bị vô hiệu hóa, tạo điều kiện cho sự xâm nhập của malware và trojan. Nguy hiểm hơn, người dùng không hề nhận biết bản thân đã mua phải thiết bị dính mã độc.
"Đa số những thiết bị kiểu này có giá mềm và hầu như không phải bỏ thêm chi phí duy trì, người dùng dễ dàng bị mối lợi trước mắt dụ dỗ", giáo sư Biplab Sikdar, thuộc chuyên ngành khoa học máy tính Đại học Quốc gia Singapore chia sẻ.
Đồng thời, chuyên gia này cũng cảnh báo người dùng hãy tỉnh táo, đừng vì mối lợi trước mắt mà bỏ qua mối nguy lâu dài. Người dùng có thể phải bỏ ra số tiền lớn hơn dự định để giải quyết hậu quả đánh cắp thông tin cá nhân.
Bên cạnh đó, Hiệp hội bảo mật doanh nghiệp (BSA), khách mời của Micrsoft giới thiệu nghiên cứu "Thay thế PC cũ" cho thấy sử dụng máy tính cũ trên 4 năm không hề tiết kiệm. Nghiên cứu được thực hiện với hơn 2.000 doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cụ thể, những chiếc máy có tuổi thọ trên 4 năm tuổi cần được sửa chữa nhiều hơn 2,7 lần. Vì thế, số tiền cần để duy trì thiết bị vào khoảng trên 2.000 USD/năm, bằng với khoảng ngân sách bỏ ra để mua 2 chiếc PC mới.
Tuy nhiên, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có đến 85% các doanh nghiệp cỡ vừa, với hơn 500 nhân viên hiện sử dụng các thiết bị trên 4 năm tuổi. Trong năm ngoái, tỷ lệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp phải các vấn đề an ninh và đánh cắp dữ liệu là 67%, nhưng chỉ 15% trong số họ báo cáo những tấn công này.
Theo tổ chức BSA, Việt Nam đứng thứ hai trong top 9 quốc gia châu Á sử dụng phần mềm lậu nhiều nhất, sau Trung Quốc. Biểu đồ do BSA cung cấp khảo sát từ năm 2003 - 2017. Việt Nam có tỷ lệ dùng phần mềm độc hại là 90% ở năm 2013, giảm dần đến 70% trong năm 2017. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng cho thấy Việt Nam đang có sự cải thiện, dù vẫn trong nhóm báo động.
Hà Nội và TP.HCM đang dẫn đầu về số lượng lây nhiễm mã độc cả nước, theo số liệu từ Microsoft
"Chính phủ các nước châu Á cần nhận biết được tầm quan trọng của vấn đề. Bộ phận IT tại các cơ quan công quyền cần phải được huấn luyện về các tình huống tấn công mạng", giáo sư Biplab Sikdar nói.
Theo Zing