Canon và Nikon là hai nhà sản xuất máy ảnh hàng đầu thế giới, tuy nhiên cả 2 ông lớn này đều tham gia thị trường máy ảnh không gương lật (CSC) khá muộn.
Trong khi Nikon đã giới thiệu Nikon 1 (V1 và J1) vào tháng 9 năm ngoái thì Canon đến tháng 7/2012 mới giới thiệu mẫu máy CSC đầu tiên của mình – Canon EOS M.
Luôn có sự ganh đua, so sánh giữa những sản phẩm của 2 ông lớn này, và lần này cũng là dịp “so găng” xem sản phẩm nào đáng giá hơn.
Kích thước cảm biến
Ngay khi công bố, Canon đã nhấn mạnh đến thông số này như là một lời khẳng định sản phẩm của mình vượt trội hơn khi sử dụng cảm biến APS-C độ phân giải 18.1MP tương tự trên 650D. Trong khi đó Nikon sử dụng cảm biến nhỏ hơn (kích thước 1 inch) có độ phân giải 10.1 MP. Có vẻ như Nikon sử dụng cảm biến nhỏ để cố tình tạo ra sự khác biệt dữa CSC và DSLR, đồng thời để giảm kích thước của máy.
Kích thước cảm biến của Nikon 1 có hệ số crop là 2.7x. Điều đó có nghĩa là nếu cắm một ống kính kit 10-30mm trên Nikon 1 sẽ cho góc nhìn tương đương 27-81mm.
Trong khi đó Canon M sử dụng cảm biến tương tự như trên một vài dòng DSLR trung cấp. Khi đó hệ số crop là 1.6x. Nếu cắm ống kính kit 18-55mm sẽ cho góc nhìn tương tự 28.8-88mm.
Ngàm ống kính và dải ống kính
Cả 2 đều sử dụng ngàm đặc biệt không tương thích với các ống kính hiện có của hãng. Nếu muốn dùng các ống kính hiện có phải sử dụng ngàm chuyển.
Hiện nay Nikon có lợi thế hơn chút khi đã giới thiệu một vài ống kính cho Nikon 1 như: Ống kit 10-30mm, ống fix 10mm, ống zoom 30-110 và ống siêu zoom 10-100mm.
Trong khi đó Canon mới chỉ có 2 ống kính cho Canon M là: Ống kit 18-55mm và ống fix 22mm f/2.0.
Tuy nhiên đối với những người đang dùng DSLR của Canon và Nikon thì vấn đề lens không đáng ngại khi chỉ cần một ngàm chuyển là có thể sử dụng được đống “ống bơ” sẵn có trong tủ chống ẩm rồi.
Bộ xử lý hình ảnh
Cả 2 đang sử dụng bộ xử lý hình ảnh công nghệ tốt nhất của hãng. Canon M sử dụng DIGIC 5, trong khi đó Nikon sử dụng Expeed 3.
Cả 2 đều nhấn mạnh đến lợi thế của bộ xử lý tiên tiến cho phép khử nhiễu tốt khi chụp ở ISO cao, đồng thời giúp quay phim full HD mượt mà.
Hệ thống lấy nét tự động
Cả 2 đều sử dụng hệ thống lấy nét lai. Có nghĩa là tận dụng tối đa sức mạnh của hệ thống lấy nét theo pha và lấy nét bằng phương pháp so sánh tương phản.
Độ nhạy sáng
Canon M có thông số tốt hơn khi có ISO từ 100 đến 6400 (có thể mở rộng lên 12800 và 25600). Trong khi đó Nikon 1 chỉ đạt 100-3200 (mở rộng 6400). Điều này có nghĩa Canon M sẽ chụp trong điều kiện ánh sáng yếu tốt hơn.
Màn hình
Canon M sử dụng màn hình cảm ứng tương tự trên 650D khi cho độ phân giải 1040k điểm ảnh. Trong khi đó Nikon 1 J1 chỉ có độ phân giải 460k điểm ảnh, V1 có 921k điểm ảnh.
Đèn Flash
Để giảm kích thước máy, Canon đã bỏ đèn flash tích hợp, thay vào đó là flash rời (đi kèm theo máy). Trong khi đó Nikon J1 có flash tích hợp còn V1 thì không có nhưng có chân cắm đèn dành cho người dùng mua đèn rời (option).
Điều đáng lưu ý là Canon M có chân cắm đèn rời cho phép sử dụng tất cả các đèn flash hiện nay của hãng.
Trọng lượng và thiết kế
Nikon 1 có thiết kế nhìn trang nhã hơn chút (nhưng vẫn xấu), trong khi đó Canon M thì hơi “thô”. Lý do Nikon giảm kích thước cảm biến để tạo chiếc máy nhỏ nhẹ, tuy nhiên điều này không đạt được khi Canon M dường như còn nhỏ hơn cả V1 và J1. Trọng lượng thì không chênh lệch nhiều khi: J1 nặng 277g, V1 nặng 294g còn Canon M nặng 298g.
Giá cả
Canon M đắt hơn Nikon 1. Theo công bố giá bán lẻ đề xuất khi ra mắt Canon M là 1200 USD bao gồm cả kit. Trong khi đó V1 có giá 750 USD, J1 có giá 500 USD.
Tại thời điểm ra mắt V1 có giá 900 USD và J1 có giá 650 USD. Cả V1 và J1 người tiêu dùng đã có thể mua, tuy nhiên họ phải đợi đến tháng 9 mới có lô hàng Canon M đầu tiên.
Theo Techradar