Mánh đổi bảo hành bằng linh kiện cũ

vkc

Well-Known Member
Mánh đổi bảo hành bằng linh kiện cũ

Nhiều cửa hàng chuẩn bị sẵn hàng loạt linh kiện cũ (hết bảo hành chính hãng) để đổi hàng nhanh chóng cho khách và tự bảo hành tiếp. Nhưng thực sự quyền lợi người mua khi sử dụng sản phẩm chính hãng đã không còn.

"Với thực tế nhu cầu 1 đổi 1 trong thời gian ngắn nhất, không ít cửa hàng bán lẻ thủ sẵn hàng loạt linh kiện cũ đã được sửa chữa để phục vụ thượng đế", anh Võ Văn Hậu, kỹ thuật viên tại quận Thủ Đức, TP HCM, tiết lộ.

Anh Hậu phân tích, đa phần hàng trữ sẵn này đều đã không còn thời hạn hưởng chế độ bảo hành từ chính hãng. Động thái làm an tâm khách hàng nhất là việc tem dán bảo hành của chính cửa hàng vẫn ghi đúng thời hạn còn bảo hành như sản phẩm lúc nhận vào. Kết quả, người tiêu dùng không hiểu rõ đã bỏ qua tem chính hãng trên sản phẩm cũ.

Bảo hành một thanh RAM (bộ nhớ) Kingmax nhưng khi nhận lại hàng anh Nguyễn Minh Huy, quận 1, TP HCM, lại được một sản phẩm mang thương hiệu khác. Vì có tem mới dán của cửa hàng ghi đúng thời hạn còn bảo hành và thông số dung lượng, tốc độ đúng như sản phẩm cũ của mình nên anh yên tâm ra về.

1.jpg

Người mua không nên an tâm với việc nhận hàng đổi bảo hành chỉ có tem của cửa hàng. Ảnh: Cao Kiến Nam.

Quyền lợi sử dụng hàng chính hãng người tiêu dùng sẽ không còn nếu được đổi hàng bảo hành bằng những sản phẩm như trên.

Theo anh Lê Hoàng Sơn, Phó giám đốc nhà phân phối linh kiện chính hãng Viễn Sơn, theo nguyên tắc bảo hành, người tiêu dùng phải được trả hoặc đổi sản phẩm hỏng có cùng thương hiệu, mẫu mã, cấu hình tương tự và cùng thời hạn sản xuất. Ngoài ra, trường hợp thiết bị cần bảo hành đã không còn sản xuất thì nhà phân phối sẽ có chính sách hoàn lại tiền hoặc đổi miễn phí một dòng linh kiện mới phù hợp.

Với những thiết bị cũ trên chỉ được dán tem bảo hành của cửa hàng, vấn đề chỉ là nội bộ giữa người mua và nhà bán lẻ. Tình huống éo le dễ xảy ra nhất là người tiêu dùng bị từ chối bảo hành bằng rất nhiều mánh khóe. Bên cạnh đó, họ cũng không thể nào đòi quyền lợi ở nhà phân phối chính hãng.

Lúc này, phần lớn những lỗi theo nguyên tắc không nằm trong phạm vi bảo hành như cháy nổ, rỉ sét, ẩm chip... thường được các cửa hàng bán lẻ lợi dụng để né bảo hành. Trong khi với các hiện tượng này, các nhà phân phối vẫn đồng ý tiếp nhận và sửa chữa miễn phí (nếu vẫn còn khả năng sửa), nhưng điều kiện thiết yếu là tem chính hãng của khách hàng đã không còn. Ngoài ra, các sản phẩm cũ trên cũng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn và không ít trường hợp khiến người tiêu dùng phải quay đi trở lại chỉ với việc đổi sản phẩm.

"Xoay vòng và không từ bỏ bất kỳ linh kiện cũ nào là cách làm phổ biến hiện nay của rất nhiều cửa hàng bán lẻ", anh Nguyễn Thanh Nam, kỹ thuật viên tại quận 7, TP HCM, chia sẻ. Bởi các cửa hàng chỉ cần cố gắng sửa chữa và tìm mua những linh kiện dạng này để dành cho khâu bảo hành là đã có thể kiếm được khá khẩm từ việc tận dụng tối đa này.

"Có thể mất thời gian nhiều hơn nhưng nếu bảo hành trực tiếp từ nhà phân phối người tiêu dùng sẽ được an toàn", chị Nguyễn Thanh Thảo, Trưởng phòng kinh doanh Công ty MBcomputer, chuyên phân phối linh kiện tại các tỉnh miền Tây khuyên.

Nếu không thể đến trực tiếp nhà phân phối, khách hàng nên yêu cầu nơi bán đổi hàng có đầy đủ tính năng bảo hành từ chính hãng mà trước đó mình đã gửi bảo hành. Cụ thể là bên cạnh tem bảo hành cửa hàng, bạn cần phải thấy rõ tem bảo hành chính hãng vẫn có thông số thời hạn như sản phẩm trước đó.

Mai Huy

http://vnexpress.net/GL/Vi-tinh/Kinh-nghiem/2009/05/3BA0E864/
 

vkc

Well-Known Member
Ðề: Mánh đổi bảo hành bằng linh kiện cũ

1001 kiểu từ chối bảo hành máy tính

Nhận được phiếu hẹn trả hàng bảo hành sau một tuần, anh Võ Ấn, quận 1, TP HCM, khá yên tâm nhưng đến đúng hẹn lại bị trả hàng và nhận được thông báo: "hàng đã qua sửa chữa nên không được bảo hành".



Cũng gặp tình trạng tương tự, anh Võ Văn Hậu ở quận Thủ Đức đi bảo hành tại một trung tâm mua sắm máy tính tại quận 1 kể lại, sau khi kiểm tra thanh RAM còn bảo hành đúng hơn một tháng, nhân viên trung tâm này cho rằng hàng của anh có vấn đề vì thông tin trên chip và tem không trùng khớp về dung lượng. Tranh luận một hồi, trung tâm từ chối bảo hành và trả hàng lại.

Từ chối bảo hành cho khách luôn là phản ứng đầu tiên của nhiều cửa hàng bán lẻ linh kiện máy tính.

“Khách lạ luôn nằm trong tầm ngắm của những chiêu thức này”, anh Võ Ấn chia sẻ. Phổ biến nhất là việc bảo hành hành người tiêu dùng, họ phải đem hàng đi hết phòng này lại đến phòng nọ chỉ để chờ “chẩn bệnh”. Sau đó là hàng loạt loại bệnh có thể được đưa ra để từ chối nhận hàng như: chip bị mốc, rỉ, sét, hở chân chip, cháy, hàng đã qua sửa chữa… Lý do thường được đưa ra là “hãng sẽ không nhận bảo hành” với những lỗi này. Trong khi người tiêu dùng chẳng thể nào thấy được những lỗi trên mà chỉ biết "ngậm bồ hòn" nghe phán.

Anh Nguyễn Minh Hưng ở Bình Dương lặn lội lên tận TP HCM chỉ để bảo hành ổ đĩa DVD kể lại: ”Nhân viên trả lại hàng vì thấy tem nằm ở phần cạnh bên bị trầy xước do ma sát với phần thùng máy, dù tem còn lại nằm mặt trên vẫn còn nguyên”.

“Đặc biệt với những thiết bị đã gần hết hạn bảo hành thì nhân viên buộc phải tìm ra bất cứ lỗi gì có thể để từ chối nhận hàng”, anh Nguyễn Long, chuyên phân phối linh kiện máy tính tại quận 11, TP HCM, tiết lộ, bởi những sản phẩm dạng này thường không còn hàng để đổi cho khách vì hãng không còn sản xuất.

Ngay cả với ổ cứng (HDD) lâu nay rất dễ bảo hành nhưng một số cửa hàng liên tục từ chối chỉ vì hai bên cạnh ổ cứng bị xước. Đây là vị trí dễ cọ sát với thùng máy khi người sử dụng tháo ra để đem bảo hành. Thế nhưng với những khách hàng quen thuộc hay lấy số lượng lớn thì thường trót lọt trong việc bảo hành. Qua quen biết, các lô hàng của anh Long đưa đi bảo hành thường chỉ được kiểm tra sơ qua và giải quyết ngay.

1.jpg

Kiểm tra hàng bảo hành luôn là khâu "hành" khách hàng nhiều nhất. Ảnh: Cao Kiến Nam.

Ngay cả các cửa hàng thuộc dạng nhỏ lẻ cũng thường là nạn nhân của vấn đề này. Nhiều lần không thể bảo hành cho khách, anh Lê Văn Cang, chủ một cửa hàng vi tính quận 7, đã phải tự bỏ tiền để lắp lại linh kiện khác.

Anh Nguyễn Thanh Nam, một kỹ thuật viên vi tính tại quận 7, nhận định: "Với khí hậu VN thì những lỗi ẩm mốc, rỉ chip nhẹ là không thể tránh khỏi trong quá trình sử dụng". Với vài thao tác đơn giản là các nhân viên kỹ thuật có thể dễ dàng khắc phục nhưng đa phần người tiêu dùng đều bị từ chối vì những lỗi này.

Thậm chí anh Nam đã nhiều lần phải "tắm gội" cho linh kiện trước khi đem bảo hành. Nhìn kỹ từng ngóc ngách nếu có bất kỳ chỗ nào hơi bẩn, có chút ngả màu... là anh phải dùng nhựa thông tỉ mỉ rửa bằng máy thổi và ngâm lại dầu hỏa để bề mặt không quá bóng. Nếu không cẩn thận máy thổi có thể làm lạc mất bất kỳ chip hay cục trở trên linh kiện.

"Rỉ, sét, ẩm mốc... là những hiện tượng do tác động từ bên ngoài không nằm trong phạm vi bảo hành của các hãng sản xuất", ông Lê Hoàng Sơn, Phó giám đốc Công ty phân phối linh kiện máy tính Viễn Sơn, cho biết. Tuy nhiên, nhiều nhà phân phối có thẩm quyền sửa chữa trực tiếp tại VN đều tiếp nhận bảo hành những loại lỗi như trên. Trường hợp không thể sửa được, các đơn vị này có thể bỏ chi phí thay thế để đảm bảo uy tín với khách hàng.

Cũng không ít các đơn vị bán lẻ có tiêu chí kinh doanh không lâu dài, lợi dụng việc này để làm khó khách hàng trong việc bảo hành: viện ra bất kỳ lý do gì để né tránh, cố tạo thêm lỗi trên thiết bị...

"Việc bảo hành phải đổi đi đổi lại nhiều lần là những trường hợp không thể tránh khỏi đối với bất kỳ hãng nào, kể cả doanh nghiệp lớn", ông Ngô Đức Sinh, Tổng giám đốc nhà phân phối điện tử Silicom, khẳng định. "Bởi đặc thù của sản phẩm công nghệ là nhu cầu bảo hành".

Đại diện kỹ thuật Silicom cũng cho biết, các thiết bị được bảo hành phải là hàng bị hỏng phát sinh do nhà sản xuất. Các tác động từ quá trình sử dụng: va đập, rơi vỡ, do virus tin học, sản phẩm đã bị thay đổi so với hình thức ban đầu, do các yếu tố chủ quan của người sử dụng các phần mềm can thiệp nhằm thay đổi tính năng của thiết bị hay mạch điện..., hoặc do các điều kiện khách quan như sét đánh, chập điện, hoả hoạn... sẽ không được bảo hành hoặc bảo hành nhưng khách phải thỏa thuận chịu phí.

Ông Sinh khuyên, người tiêu dùng nên chọn mua hàng ở những đại lý có chính sách bảo hành rõ ràng và thời gian hoạt động trên thị trường trên 3 năm. Ngoài ra, việc chọn mua sản phẩm của những thương hiệu tên tuổi, có hệ thống bảo hành trực tiếp tại VN cũng sẽ giảm thiểu cho người mua gặp phải những rắc rối.


Mai Huy

http://vnexpress.net/GL/Vi-tinh/2009/04/3BA0E6ED/
 

vkc

Well-Known Member
Ðề: Mánh đổi bảo hành bằng linh kiện cũ

Mánh khóe tem bảo hành hàng điện tử

Ghi ngày bảo hành bằng bút lông dầu hay dán tem ở những góc cạnh dễ rách là những cách mà người bán hàng điện tử thường áp dụng để "giảm tải" việc giải quyết sự cố cho khách sau khi sản phẩm được bán đi.


but-long-dau.jpg

Tem bảo hành được đánh dấu bằng bút lông dầu dễ bị phai.

Cầm chiếc laptop mới mua 3 tháng đang có vấn đề không thể khởi động được đi bảo hành, chị Nguyễn Hoài Thu, quận 3, TP HCM, ngỡ ngàng khi nhân viên kiểm tra tại cửa hàng cho rằng máy đã bị bung tem và trả lại hàng. Không còn cách nào khác chị đành phải bỏ tiền ra trả phí "chạy chữa" cho máy hoạt động trở lại.

Vài thủ thuật rất đơn giản nhưng nếu người tiêu dùng không lưu ý khi mua hàng sẽ dễ gánh chịu thiệt hại về sau.

"Dùng một bút lông dầu thay vì bút bi như thông thường để đánh dấu thời hạn bảo hành trên tem giấy cho khách hàng là chiêu phổ biến nhất", anh Võ Văn Hậu, kỹ thuật viên vi tính tại Thủ Đức, cho biết. Theo anh, chỉ cần qua thời gian khoảng ba tuần, hầu như những vết mực hay dòng chữ này đều không còn và đồng nghĩa với việc hiệu lực bảo hành của sản phẩm cũng chấm dứt.

Ngoài ra, ở nhiều cửa hàng, người bán thường cố tình dán tem bảo hành ở những góc cạnh dễ tróc, rách của sản phẩm. Nếu không lưu ý "chăm sóc" cho mảnh giấy bé nhỏ này, người sử dụng sẽ dễ biến sản phẩm thành hàng đã "bóc tem".

Những thiết bị thường gặp hiện tượng trên là máy nghe nhạc MP3, USB, chuột máy tính... bởi nơi dán tem thường tiếp xúc với tay người cầm.

1.jpg

Tem giấy dễ bị mất ký hiệu bảo hành khi tiếp xúc thường xuyên. Tem bóng (trái) thường được các cửa hàng dán chồng lên tem giấy để phòng tránh mánh khóe tráo tem.

Ngay cả người bán nhiều khi cũng là bên chịu thiệt với những mánh khóe tem bảo hành.

Anh Nguyễn Đăng Đức, chủ cửa hàng vi tính Đất Việt tại quận Bình Thạnh, cho biết: "Tôi gặp không ít trường hợp những kỹ thuật viên tráo đổi tem qua thiết bị khác để đem đến bảo hành". Nếu không có chút kinh nghiệm trong nghề, dân kinh doanh cũng rất dễ gặp phải trường hợp này bởi chỉ cần một chiếc máy sấy, dân kỹ thuật dễ dàng bóc tem bảo hành và dán vào sản phẩm khác đã hỏng để kiếm lợi.

Anh Đức chia sẻ, tem bảo hành về mặt thực tế chỉ để chủ cửa hàng nhận ra nhanh chóng đó là hàng hóa của mình. Nhưng với các sản phẩm đã bị đánh tráo, những người trong nghề chỉ cần nhớ số series hay vài đặc điểm về mẫu mã hàng là có thể đối phó được.

Ngoài ra, với công nghệ hiện tại, người bán thường sử dụng tem bóng (làm bằng chất liệu giấy kính nilon) vì loại tem này nếu bóc ra sẽ hỏng hoặc có dấu tích rất rõ ràng.

Nhiều chủ cửa hàng điện tử khuyến cáo người dùng cần chăm sóc tem bảo hành của mình ngay khi vừa mua về.

Chỉ cần một lớp băng keo nhỏ, trong suốt có thể bảo vệ tốt tem bảo hành trong thời gian sử dụng. Nhiều người bán hàng linh kiện vi tính cho biết, với cách này dù các nét chữ được viết bằng bút lông thì người sử dụng cũng có thể an tâm đến hết hạn bảo hành từ 1 đến 5 năm.

Với loại linh kiện có bề mặt không phẳng, người mua nên yêu cầu người bán viết thời hạn bằng bút bi. Ngoài ra, việc tránh tiếp xúc thường xuyên với bề mặt tem hoặc hạn chế để thành phần này ngấm nước cũng là điều cần thiết.

Mai Huy


http://vnexpress.net/GL/Vi-tinh/2009/04/3BA0E200/
 

maginet

New Member
Ðề: Mánh đổi bảo hành bằng linh kiện cũ

cũng khó khăn phết,đọc cái này lại ngậm ngùi cho cái máy tính của mình,Thôi chấp nhận thế mới thấy chỗ nào làm ăn có uy tín nó khác đông khách hơn hẳn
 
Bên trên