Manger P1 - Đôi loa thiết kế đặc biệt dành cho người yêu jazz

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Manger P1 chắc chắn không phải là đôi loa cột toàn năng nhưng là một lựa chọn sáng giá trong phân khúc 10.000 USD, dành riêng cho những người yêu dòng nhạc jazz, vocal.

manger_cqpt.jpeg


Là một thiết kế loa không quá cầu kỳ về ngoại hình, Manger P1 có khả năng đặc biệt thu hút người nghe nhờ vào ưu thế tại tạo cực tốt hài âm ở dải trung và cao. Loa Manger P1 hoàn toàn không thêm màu âm riêng của mình vào nguồn phát, mà chỉ tối ưu về độ trung thực của giọng hát, chi thiết nhạc cụ cũng như mở rộng âm hình tối đa để có thể truyền tải những cung bậc âm thanh thật nhất đến tai người nghe.

Đôi nét về thương hiệu Manger

josef_w_manger_nachruf_nvnd.jpg

Nhà sáng lập Manger Audio - Ông Josef W Manger

Manger là một thương hiệu audio rất đặc biệt, trong suốt khoảng thời gian gần 5 thập kỷ, hãng tuân thủ một triết lý công nghệ đặc trưng và có thể nói là duy nhất trên thế giới, driver màng phẳng toàn dải – bendingwave driver. Các đây 45 năm, ông Josef W Manger, nhà sáng lập thương hiệu Manger đã chọn một hướng đi hoàn toàn khác với các thiết kế loa con hiện có thời bấy giờ. Trong một quá trình dài phát triển, ông đã nghiên cứu và sở hữu rất nhiều bằng sáng chế liên quan đến thiết kế loa con màng phẳng toàn dải. Có tất cả hơn 40 bằng sáng chế của ông về lĩnh vực audio, vào năm 1985 ông cũng vinh dự được trao tặng huân chương Diesel, giải thưởng cho côg nghệ kỹ thuật xuất sắc danh giá nhất tại Đức.

manger_history2_nrvj.png


Hiện tại, thương hiệu Manger được tiếp quản bởi bà Daniela Manger, con gái của Josef W Manger. Daniela tiếp tục có những đóng góp đáng kể của mình vào thiết kế củ loa Manger Sound Transducer. Thế hệ driver hiện tại có được độ mỏng màng loa được cải thiện so với thế hệ trước, hệ thống lực từ được thiết kế lại sử dụng nam châm neodymiun, cho lực từ lến đến 1,32 Telsa giúp cải thiện đáng kể độ động. Cho đến nay Manger được biết đến như nhà sản xuất loa màng phẳng toàn dải duy nhất cho phép màng loa có thể di chuyển hành trình lên đến +/-3,5mm, tái tạo được dải tần cực rộng đạt từ 80 đến 40.000Hz với độ nhạy cao 91dB.

Thiết kế và cấu tạo loa Manger P1

manger_system_p1_colorintro_stej.png


Chúng tôi nhận được đôi loa Manger P1 có mày xám RAL 7016 (theo mã màu của nhà sản xuất), loa cao gần 1,2m có trọng lượng 28kg, sở hữu thiết kế thùng kín với những đường nét được tối giản. Tuy có thiết kế thùng loa vuông nhưng toàn bộ các góc đều được hãng xử lý bo tròn, cùng với việc thu hẹp tối đa mặt loa trước, gần sát với đường kính ngoài của driver đã giúp Manger P1 hạn chế được lượng lớn sóng nhiễu xạ âm gây méo tiếng. Đi kèm với đôi loa Manger P1, nhà sản xuất trang bị một bộ phụ kiện gồm bộ chân kim chất lượng cao của hãng Viablue (Đức), bộ dây nối cầu "Made in UK", một cân level và một khăn lau.

manger_system_p1_gallery_detail_latx.jpg


Manger P1 có trở kháng 4 ohm, dải tần đạt từ 40 đến 40.000Hz, có thiết kế phân tần hai đường tiếng với điểm cắt tần tại mốc 360Hz. Bộ driver bao gồm loa con chính Manger Sound Transducer kết hợp với driver woofer đường kính 200mm. Driver woofer này sử dụng chất liệu màng cũng rất đặc biệt, kết hợp sandwich giữa giấy và carbon với voice-coil có đường kính 42mm. Manger P1 được trang bị bộ cầu loa bi-wire của WBT dòng nextgenTM Cu.

Thiết kế driver Manger Sound Transducer

manger_p1_3_orob.jpeg


Về lý thuyết loa màng phẳng toàn dải là thiết kế loa driver có duy nhất một màng loa nhưng có thể tạo được cùng lúc các tần số cao, trung và trầm. Các thiết kế driver "bendingwave" mà chúng ta có thể thấy hiện diện trên thị trường gồm có German Physik DDD (thiết kế dựa trên kỹ thuật của loa Walsh), Naim BMR… và gần đây là driver Goebel. Hầu hết những thiết kế này đều sử dụng chung nguyên lý thiết kế màng loa với độ dày mỏng khác nhau, phần trung tâm màng loa sẽ mỏng nhất, phát sóng âm tần số cao, độ dày màng sẽ tăng dần ra đến rìa loa ứng với dải tần số thấp. Tuy nhiên, các driver màng phẳng toàn dải đều có nhược điểm là hành trình di chuyển rất ngắn cho khoảng mở dải trầm hạn chế cũng như thiếu độ dynamic. Bên cạnh đó, cấu tạo màng thường có tiết diện lớn hoặc phải trang bị thêm các màng phụ, nên năng lượng tích trữ sẽ khó được chuyển hóa toàn bộ thành sóng âm, hay nói một cách đơn giản hơn là độ động màng loa thấp.

b2372e53ba5b4bbb5bca861fb08d79ad_obhv.jpg

Cấu trúc driver Manger Sound Transducer

Manger Sound Transducer là thiết kế driver màng phẳng toàn dải có được dải tần rộng với hành trình di chuyển màng loa lên đến +/-3,5mm hơn hẳn các thiết kế khác trên thị trường. Chẳng hạn như các củ loa Lowther thường khoảng cách di chuyển màng loa chỉ vào khoảng trên dưới 1mm. Triết lý thiết kế driver Manger mô phỏng cấu tạo màng nhĩ của tai người với tiêu chí được đặt ra là phải tái tạo được một dải tần rộng với hài âm thanh chuẩn và nhất là đạt được đồng pha tối ưu về mặt thời gian, vì đây chính là yếu tố giúp chúng ta có thể cảm nhận được sự tái dựng của âm hình sân khấu.

screen_shot_2020_09_13_at_11_16_10_am_anry.png


Củ loa Manger Sound Transducer có đường kính ngoài 210mm, dày 22mm, đường kính loa 190mm và hoàn toàn không dùng viền cao su xung quanh màng loa . Chi tiết hình sao 9 cánh xung quang driver được bố trí ở cả hai mặt loa dùng để hấp thụ những rung động ở phần rìa màng. Để có thể tái tạo được toàn dải âm từ 80 đến 40.000Hz trên cùng một màng driver, đồng thời đảm bảo được khả năng di chuyển màng loa rộng cũng như phóng thích năng lượng nhanh, độ động cao, Manger trang bị một voice-coil đôi có cấu tạo đặc biệt hai cuộn dây trên cùng một lõi. Cuộn dây đôi này có đường kính 70mm, nhẹ chỉ 0,4 gram, sử dụng hai cuộn dây nhôm. Hai cuộn dây này đều nhận chung một lực từ trường nam châm nhưng được quấn ngược chiều nhau, một thiết kế đơn giản nhưng cũng vô cùng thông minh, giúp tăng gấp đôi hành trình di chuyển của màng loa trong khi vẫn giữa được một thiết kế voice-coil nhỏ và nhẹ. Màng loa của driver Manger Sound Transducer đòi hỏi gia công với độ chính xác cực cao, sai số cho phép chỉ vào khoảng 0,008mm!

maxresdefault_7__crlz.jpg

Bà Daniela Manger thiết kế lại hệ thống từ cho driver Manger Sound Transducer

Daniela Manger là người đã đóng góp vào phần cải thiện thiết kế hệ thống từ cho driver Manger Sound Transducer. Bà đã thiết kế lại hệ thống nam châm sử dụng 15 viên nam châm Neodymium, tạo nên một lực từ lên đến 1.32 Tesla. Lực từ rất mạnh này tác động lên voice-coil đôi tạo nên một cấu trúc driver đồng pha toàn dải với năng lượng tích trữ trên màng cực thấp, có khả năng trình diễn với độ động rất cao.

Trải nghiệm chất lượng trình diễn

manger_linn_aufm_blau_orange_pasw.jpg


Chúng tôi chọn hai đối tác khuếch đại bán dẫn và đèn để kiểm tra độ hòa hợp phối ghép bao gồm ampli Gryphon Diablo 300 và MastersounD Evolution 845, sử dụng nguồn phát digital dCS Paganini Transport/Rossini DAC và analog Nagra IV-S. Với cân level được Manger kèm theo trong bộ phụ kiện cho thấy tầm quan trọng của việc giữ mặt phẳng tuyệt đối khi set-up loa P1. Sau khi lắp bộ chân kim, chúng tôi thực hiện một cách rất “nghiêm túc” việc cân level cho cả hai loa. Hai loa trái và phải được bố trí cách nhau khoảng 2,3m. Với thiết kế loa thùng kín, Manger khá dễ chịu trong việc set-up để tìm được dải trầm đẹp. Trong điều kiện của phòng lab Nghe Nhìn, chúng tôi tìm được vị trí mà Manger P1 cho dải bass đẹp nhất và đó cũng là vị trí “normal”, thường cho bass hiệu quả với hầu hết các thiết kế loa cột.

manger_system_p1_mood_2016_orpl.jpeg


Cân chỉnh góc toe-in đối với Manger P1 rất dễ gây nhầm lẫn cho những ai lần đầu trải nghiệm thiết kế loa màng phẳng toàn dải này. Với một số bản thu demo quen thuộc, ban đầu chúng tôi đặt góc toe-in khá lớn và gần như càng tăng thì sân khấu giữa hai loa càng nổi rõ 3D tạo cho người nghe cảm giác rất phấn khích. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra thêm một vài track khác, chúng tôi quyết định chỉ chọn góc toe-in nhỏ để có được âm hình đẹp, nở rộng ở bề ngang và đặc biệt là tạo được chiều sâu của sân khấu. Ngoài ra, ở góc độ toe-in hẹp này, vùng ngọt để nghe Manger P1 là khá lớn, chúng tôi có thể ngồi lệch gần một mét nhưng vẫn có được sân khấu âm thanh rất tốt.

Trải nghiệm với Gryphon Diablo 300, Manger P1 trình diễn bản thu mà chúng tôi luôn chọn cho việc trải nghiệm một thương hiệu hoàn toàn mới đó là “One Down, With One More to Go" trong album One Voice do Lorrie Morgan thể hiện. Manger P1 ghi điểm nhanh ở khả năng thể hiện vocal mượt, êm nhưng hoàn toàn không bị thêm màu, cũng như tránh được những sai biệt về nâng pha như các thiết kế loa toàn dải khác, nhất là những củ loa dùng có dùng thêm nón phụ. Không gian âm hình đạt được độ mở tốt, sân khấu rộng và có độ sâu, phần định vị ca sĩ nổi rõ. Như đã đề cập bên trên, khi để góc toe-in nhỏ, Manger P1 thể hiện nhạc cụ, vocal ở giữa không quá đậm, tuy nhiên chúng ta lại có được một không gian âm thanh tổng thể gần hơn với sân khấu trình diễn live. Nếu người nghe thích có một không gian ở khoảng giữa hai loa đậm đặc chi tiết hơn, nổi rõ hơn, vẫn có thể chọn góc toe-in lớn khi set-up Manger P1.

manger_cd_jajb.png


Đĩa Manger Reference CD là album không thể thiếu khi test đôi Manger P1. Chúng tôi chọn bản test khá quen thuộc Jazz Variants do ban nhạc The O-Zone Percussion Group trình diễn để kiểm tra độ động và dải trầm của loa. Manger P1 thể hiện tốt phần âm hình của bản thu, tuy độ động chưa thể so những thiết kế loa cột cùng tầm giá như Triangle Signature Alpha hay Rosso Fiorentino Volterra… nhưng tiếng bộ gõ xylophone được loa tái tạo với hài âm rất đẹp, tiếng tròn với âm ngân tự nhiên. Một điểm cộng đáng kể ở Manger P1 chính là khả năng thể hiện dải trầm, tuy những cú bass chưa đạt được tốc độ như mong muốn nhưng những cú thả nền bass của Manger có được uy lực và độ sâu rất tốt.

1000_0_5863432_731608_wsfy.jpg

Ampli đèn tích hợp MastersounD Evolution 845

Thử nghiệm với ampli đèn tích hợp MasterounD Evolution 845, Manger P1 thể hiện càng rõ ưu thế biểu đạt hài âm trung và cao mộc, đậm màu analog rất đặc biệt nhưng hoàn toàn không nịnh tai. Chúng tôi thử với nguồn phát băng tape Diamond Voices của hãng thu âm STS, dùng đầu phát Nagra IV-S. Với nguồn phát analog, khuếch đại ampli đèn, bỏ qua những đánh giá về chi tiết micro, độ động thì Manger P1 tái tạo được vocal có khả năng gây nghiện. Độ uyển chuyển, luyến lái của Peggy Lee khi thể track Empty Glass được hệ thống tái tạo một cách tròn đầy và ngọt. Những khoảng ngân của vocal như được kéo dài ra và làm ngọt thêm với hài âm đẹp từng nốt. Đây là phẩm chất mà chúng tôi luôn tìm kiếm trong những thiết kế loa toàn dải, khả năng tối ưu về hài âm nhưng không gây các hiệu ứng phụ kèm theo như nâng pha, hay hiệu ứng họng còi.

screen_shot_2020_09_13_at_11_17_49_am_zron.png


Lời kết

Manger P1 chắc chắn không phải là một đôi loa cột toàn năng, có thể đáp ứng những nhu cầu khắc khe nhưng với điểm mạnh nổi bật về khả năng tái tạo trung và cao âm tự nhiên cùng một sân khấu mở, nó hoàn toàn là một lựa chọn sáng giá trong phân khúc loa cột 10.000USD. Với những ai yêu thích những dòng nhạc Jazz, Vocal… đang tìm cho mình những sân khấu âm thanh đậm màu analog nên một lần trải nghiệm Manger P1.

Theo Nghe Nhìn​
 

behattieu82

Moderator
Thành viên BQT
Cứ thấy loa là em không cưỡng lại được, như thấy con gái ấy
 
Bên trên